
Chiều ngày 12/4, Tổng thống Lại Thanh Đức đã tham dự “Lễ khai mạc Hội nghị thường niên năm 2025 Khu vực 3523 của Tổ chức Rotary International” và có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Đài Loan+1: Bố cục mới của Đài Loan trước những thay đổi về kinh tế và thương mại toàn cầu”, nêu rõ Chính phủ sẽ áp dụng 5 chiến lược ứng phó, bao gồm nỗ lực cải thiện thuế đối ứng thông qua đàm phán, đưa ra kế hoạch hỗ trợ cho các ngành nghề trong nước chịu tác động của thuế đối ứng, đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn, định hình bố cục mới “Đài Loan+Mỹ” và khởi động chương trình đối thoại, lắng nghe tiếng nói của các ngành nghề. Tổng thống tin rằng đối mặt với thuế đối ứng của Mỹ, chỉ cần các đảng phái cùng hợp tác, người dân cả nước cùng đoàn kết ứng phó thì Đài Loan nhất định sẽ vượt qua khó khăn.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống cảm ơn các thành viên của Tổ chức Rotary đã kết nối những nhân tài xuất sắc từ mọi tầng lớp xã hội và hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy tiến bộ xã hội và tạo ra sự thịnh vượng kinh tế.
Tổng thống chỉ rõ: Thế giới đang thay đổi và Đài Loan phải nắm bắt cơ hội. Đài Loan cần tích cực đối mặt với những thách thức hiện nay như tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, sự bành trướng không ngừng của chủ nghĩa độc tài, chuyển đổi Net Zero và chuyển đổi số, để xây dựng Đài Loan trở thành “Hòn đảo trí tuệ nhân tạo”. Đồng thời, ngoài việc tăng cường sức mạnh quốc gia, Đài Loan còn hợp tác với các nước bạn bè để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, thiết lập chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc, để Đài Loan tiếp tục phát huy ảnh hưởng tích cực, không ngừng phát triển kinh tế và các ngành nghề.
Phát biểu về vấn đề thuế đối ứng của Mỹ gây ra những thay đổi lớn cho thương mại toàn cầu, Tổng thống cho rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, Đài Loan đã vượt qua hai cuộc khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cơn sóng thần tài chính toàn cầu và đại dịch COVID-19. Vì vậy, đối mặt với thuế đối ứng của Mỹ, chỉ cần các đảng phái cùng hợp tác, người dân cả nước cùng đoàn kết ứng phó thì chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn một cách thuận lợi.
Tổng thống cho biết Đài Loan sẽ đối mặt một cách nghiêm túc và tiến hành từng bước để giảm thiểu tác động. Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan đạt khoảng 400 tỷ USD mỗi năm, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 23,4%. Nói một cách khác, hơn 70% hàng hóa được xuất khẩu sang các khu vực ngoài nước Mỹ. Đài Loan mong muốn hợp tác với Mỹ nên sẽ không thực hiện biện pháp trả đũa thuế quan, cam kết đầu tư của doanh nghiệp vào Mỹ sẽ không thay đổi, miễn là phù hợp lợi ích quốc gia. Tổng thống hy vọng hợp tác ngành nghề giữa Đài Loan và Mỹ sẽ nâng cao vai trò của các ngành nghề Đài Loan trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nền kinh tế Đài Loan tiếp tục phát triển.
Tổng thống chỉ rõ: Chính phủ sẽ áp dụng 5 chiến lược ứng phó, thứ nhất: Nỗ lực cải thiện thuế đối ứng thông qua đàm phán; thứ hai: Đưa ra kế hoạch hỗ trợ cho các ngành nghề trong nước chịu tác động của thuế đối ứng; thứ ba: Đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn; thứ tư: Định hình bố cục mới “Đài Loan+Mỹ” và thứ năm là khởi động chương trình đối thoại, lắng nghe tiếng nói của các ngành nghề.
Tổng thống cho biết: Mỹ đã công bố Đài Loan và Israel là nhóm quốc gia đàm phán đầu tiên. Các cuộc đàm phán đã diễn ra vào đêm 11/4, quá trình đàm phán diễn ra suôn sẻ. Các biện pháp của Chính phủ bao gồm: Thành lập tổ đàm phán; mở rộng mua sắm từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại; mở rộng đầu tư vào Mỹ, tăng cường hợp tác ngành nghề và kinh tế, thương mại Đài Loan-Mỹ; tích cực giải quyết các rào cản thương mại phi thuế quan đã tồn tại nhiều năm; giải quyết vấn đề kiểm soát xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, vấn đề bán phá giá và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, tức là “rửa” xuất xứ, là những vấn đề khiến Mỹ quan ngại trong nhiều năm qua.
Trao đổi về kế hoạch hỗ trợ các ngành nghề do Viện Hành chính đề xuất, Tổng thống cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến các ngành nghề truyền thống, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong tương lai, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tùy theo tác động và đặc thù của từng ngành, đồng thời hỗ trợ đổi mới, nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề.
Tổng thống nêu rõ phương án hỗ trợ của Viện Hành chính bao gồm 9 lĩnh vực chính với 20 biện pháp ứng phó và tổng kinh phí 88 tỷ Đài tệ. Chính phủ đang tích cực chuẩn bị, kiểm soát rủi ro và mở rộng hỗ trợ cho các ngành nghề.
Về kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn, Tổng thống cho biết Chính phủ sẽ đưa ra chiến lược mới về phát triển kinh tế và các ngành nghề, tích cực hợp tác với các nước bạn bè để khai thác và mở rộng các thị trường, giúp hệ sinh thái ngành nghề của Đài Loan hoàn thiện hơn, đồng thời thúc đẩy việc nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề.
Về bố cục mới “Đài Loan+Mỹ”, Tổng thống cho biết, việc phát triển ngành nghề của Đài Loan là tiến về phía tây, hướng về phía nam, hợp tác với phía bắc và mở rộng sang phía đông, từng bước vươn ra toàn cầu. Đài Loan đã tích cực ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương với nhiều quốc gia và nỗ lực gia nhập “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Đài Loan “phát triển vững chắc tại Đài Loan, vươn ra toàn cầu và tiếp thị khắp thế giới”.
Sau cùng, Tổng thống mong muốn lắng nghe ý kiến của các ngành nghề để Chính phủ có thể xây dựng các chính sách phù hợp hơn nữa, giúp Đài Loan tiếp tục tiến bộ và phát triển.