
Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 78 sẽ được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 19/5/2025. Phái đoàn Đài Loan do Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Khưu Thái Nguyên dẫn đầu đã đến Geneva vào ngày 17/5 và tích cực triển khai một loạt các hoạt động trao đổi quốc tế nhằm thúc đẩy Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).
Sáng ngày 18/5, phái đoàn và Hiệp hội Y khoa Đài Loan (TMA) đã có buổi trao đổi với Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) – tổ chức chuyên môn y tế lớn nhất toàn cầu. Hiệp hội Y khoa Thế giới được thành lập vào năm 1947, đến nay tổ chức này có thành viên ở 112 quốc gia trên thế giới. “Tuyên bố Helsinki (Declaration of Helsinki) do Hiệp hội Y khoa Thế giới xây dựng đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức cho nghiên cứu y khoa toàn cầu và có tác động sâu sắc đến sự phát triển của nền y học đương đại. Đại hội Hiệp hội Y khoa Thế giới năm 2016 được tổ chức tại Đài Bắc với Chủ tịch đại hội là Bộ trưởng Khưu Thái Nguyên, khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Đài Loan. Đại hội năm 2016 đã ra Tuyên bố Đài Bắc với chủ đề về cơ sở dữ liệu sinh học, đánh dấu một cột mốc trong lịch sử y học thế giới.
Tại buổi thảo luận vào sáng ngày 18/5, phái đoàn Đài Loan đã cùng Hiệp hội Y khoa Thế giới tổ chức họp báo để gửi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Đài Loan tham gia vào hệ thống y tế toàn cầu.
Trả lời câu hỏi tại sao Đài Loan nên được đưa vào Tổ chức Y tế Thế giới và tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới, Tiến sĩ Ashop Philip cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của WHO là thu thập dữ liệu y tế và sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu để đưa ra quyết định nhằm thúc đẩy sức khỏe con người. Nếu thiếu sự tham gia của Đài Loan, tính toàn vẹn của dữ liệu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thành tích của Đài Loan trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng từ lâu đã đạt đến tiêu chuẩn thế giới, những dữ liệu mà Đài Loan cung cấp có giá trị tham khảo to lớn đối với toàn cầu. Do đó, ông kiên quyết ủng hộ sự tham gia của Đài Loan và tin rằng chỉ khi có sự tham gia của Đài Loan thì Mạng lưới thông tin y tế toàn cầu mới thực sự hoàn thiện và có tính đại diện.
Tiếp đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Y khoa Thế giới, Tiến sĩ Otmar Kloiber nhấn mạnh: Đài Loan là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân và đạt được mục tiêu “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” (Universal Health Coverage), có hệ thống y tế cơ sở kiện toàn và người dân đều có khả năng tiếp cận y tế. “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” có nghĩa là đảm bảo để tất mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và chất lượng cao tại bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu khi họ cần, mà không phải đối mặt với khó khăn về tài chính. Điều này luôn là giá trị và mục tiêu quan trọng của WHO. Tiến sĩ Otmar Kloiber chỉ ra rằng hệ thống bảo hiểm y tế của Đài Loan đã trở thành mô hình quốc tế và giúp Hiệp hội Y khoa Thế giới thiết lập tình hữu nghị bền chặt với Hiệp hội Y khoa Đài Loan trong 20 năm qua. Do đó, Hiệp hội Y khoa Thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc Đài Loan tham gia WHA.
Sau cùng, trả lời về việc đối mặt với các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng, đặc biệt là tác động của virus đột biến và biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, Đài Loan sẽ đóng góp thế nào cho y tế toàn cầu, Chủ tịch Hội đồng WMA, Tiến sĩ Jack Resneck Jr. chỉ rõ những vấn đề này đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và toàn thế giới phải cùng ứng phó. Ông nhấn mạnh rằng dù là dịch bệnh truyền nhiễm hay biến đổi khí hậu, ý kiến và quyết định chuyên môn của bác sĩ đều vô cùng quan trọng. Đài Loan có đủ kinh nghiệm thực tế và khả năng lãnh đạo từ kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng chống COVID, đồng thời cũng đã cung cấp nhiều ví dụ thành công cho thế giới. Đài Loan có đủ khả năng và có tinh thần trách nhiệm cao, việc tham gia vào công tác quản trị y tế toàn cầu không chỉ hợp lý mà còn là điều tất yếu.
Cuộc phỏng vấn đã cho thấy rõ Hiệp hội Y khoa Thế giới rất coi trọng quan hệ quốc tế và sức mạnh chuyên môn của giới y khoa Đài Loan. WMA đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận tính hợp pháp và tất yếu của việc Đài Loan tham gia WHO và WHA.
Trước đó, vào sáng ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lâm Giai Long và Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Khưu Thái Nguyên đã tổ chức họp báo tại Bộ Ngoại giao, bày tỏ việc Đài Loan sẵn sàng hợp tác với thế giới để thúc đẩy y tế toàn cầu, kêu gọi “Tổ chức Y tế Thế giới” (WHO) không khuất phục trước sự can thiệp chính trị, nhanh chóng tiếp nhận Đài Loan tham gia WHA và các hội nghị liên quan của WHO với tư cách quan sát viên, thực hiện mục tiêu “Một thế giới vì sức khỏe” (One World for Health) của WHO.
Ngoài ra, với sự dẫn đầu của các đồng Chủ tịch “Câu lạc bộ Formosa” (Formosa Club) khu vực châu Âu, 534 nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu và Quốc hội 29 nước châu Âu đã ký tên liên danh vào ngày 16/5, gửi lên Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus để ủng hộ mạnh mẽ việc Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 78, cũng như tham gia vào các hội nghị, cơ chế và hoạt động của WHO. Bản sao bức thư còn được chuyển tới Chủ tịch Hội đồng Châu Âu António Costa, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas.
Bức thư liên danh chỉ ra rằng Đài Loan từ lâu đã bị loại khỏi hệ thống y tế công cộng toàn cầu. Không những không thể thu thập thông tin kịp thời mà còn không thể chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của mình, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến y tế và an ninh toàn cầu, nhất là trong đại dịch COVID-19.
“Câu lạc bộ Formosa” khu vực châu Âu nhấn mạnh: Sức khỏe là quyền cơ bản của con người. Đài Loan có hệ thống y tế vững chắc và tinh thần hợp tác quốc tế, cần được đưa vào WHO để nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín và tính toàn diện của tổ chức này. “Câu lạc bộ Formosa” khu vực châu Âu kêu gọi WHO duy trì các nguyên tắc phổ quát, trung lập và chuyên nghiệp, nhanh chóng khôi phục tư cách quan sát viên của Đài Loan tại WHA để Đài Loan có thể đóng góp cho y tế công cộng toàn cầu, cùng thực hiện sứ mệnh “thúc đẩy sức khỏe, bảo vệ thế giới, phục vụ những người dễ bị tổn thương” mà WHO đề xướng.