Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan và Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục mới, cùng bồi dưỡng nhân tài chủ chốt cho tương lai
2025-07-15
New Southbound Policy。Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam – ông Lưu Thế Trung (thứ 2 từ trái qua) và Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc – ông Phan Kiều Chung (thứ 2 từ phải qua) ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương vào ngày 11/7/2025. (Ảnh: Bộ Giáo dục)
Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam – ông Lưu Thế Trung (thứ 2 từ trái qua) và Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc – ông Phan Kiều Chung (thứ 2 từ phải qua) ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương vào ngày 11/7/2025. (Ảnh: Bộ Giáo dục)

 Nhằm hưởng ứng chiến lược cạnh tranh nhân tài toàn cầu, tăng cường quan hệ đối tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam, ngày 11/7/2025, Bộ Giáo dục đã tổ chức Lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc”. Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam – ông Lưu Thế Trung và Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc – ông Phan Kiều Chung đã ký kết thỏa thuận. Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục Lâm Bá Tiều cùng các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam đã tham dự và chứng kiến buổi lễ, thể hiện quyết tâm kiên định của cả hai bên trong việc tăng cường trao đổi giáo dục.

 Phát biểu tại lễ ký, ông Lâm Bá Tiều cho biết: Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác giáo dục đã ký kết vào năm 2006 và 2017, Đài Loan và Việt Nam đã thúc đẩy nhiều dự án hợp tác, ví dụ như tuyển chọn giáo viên tiếng Hoa, thúc đẩy khoảng 1.000 thỏa thuận trao đổi học thuật giữa các trường đại học và cao đẳng của cả hai bên.

 Những năm gần đây, nền kinh tế các nước Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhu cầu rất lớn về nhân lực chuyên môn kỹ thuật, trong khi giáo dục đại học và dạy nghề của Đài Loan đã được các nước châu Á công nhận và đánh giá cao. Đài Loan mong muốn hỗ trợ các nước thành viên ASEAN và các nước Nam Á bồi dưỡng nhân tài đáp ứng công cuộc phát triển thông qua việc cung cấp các khóa học chất lượng cao. Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục phiên bản mới lần này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra một chương mới trong lĩnh vực giáo dục ở mọi cấp độ và theo hướng đa dạng cho Đài Loan và Việt Nam.

 Phối hợp Chính sách hướng Nam mới, kể từ năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục đã mở nhiều khóa học được thiết kế riêng để khuyến khích sinh viên quốc tế đến học tập tại Đài Loan. Năm 2019, Bộ Giáo dục đã ký kết “Hiệp định công nhận lẫn nhau về chương trình đào tạo và văn bằng giáo dục đại học Đài Loan-Việt Nam”, tạo cơ sở quan trọng cho Đài Loan trong việc tuyển sinh sinh viên Việt Nam. Số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Đài Loan đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, đạt 39.695 sinh viên trong năm học 2024-2025, chiếm 32,22% tổng số sinh viên nước ngoài trong năm học này và trở thành quốc gia dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Đài Loan. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vào cuối năm 2023, Đài Loan đứng thứ 5 trong số các quốc gia được sinh viên Việt Nam lựa chọn du học. Điều này cho thấy giáo dục đại học của Đài Loan có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với sinh viên Việt Nam.

 Việc ký kết thỏa thuận lần này sẽ giúp hai bên đạt được nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy hợp tác giáo dục và trao đổi học thuật, thiết lập quan hệ đối tác trường học kết nghĩa, phát triển các chương trình hợp tác giảng dạy ngôn ngữ, cung cấp cơ hội học bổng khuyến khích giảng viên và sinh viên hai nước học tập, thúc đẩy đào tạo giáo viên các cấp. Thỏa thuận lần này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc cùng bồi dưỡng nhân tài, tăng cường hơn nữa khuôn khổ và hiệu quả thực chất của hợp tác giáo dục Đài Loan-Việt Nam, tạo ra một cục diện mới cùng có lợi cho cả hai bên.

 Bộ Ngoại giao hoan nghênh việc ký kết thành công Thỏa thuận hợp tác giáo dục, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì thái độ cởi mở, cùng có lợi, tích cực thúc đẩy hợp tác thực chất và trao đổi đa dạng với Việt Nam trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định và cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn.