Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Triển lãm đặc biệt với chủ đề “Hương vị Nam Dương -Hương vị Quê hương
2017-12-01

1

Gia vị không những làm phong phú các món ăn trong khu vực Đông Nam Á, mà còn tạo thêm màu sắc vô cùng hấp dẫn cho món ăn. Trong ảnh là một quầy bán gia vị trong khu chợ truyền thống ở Indonesia. (Ảnh Lin Ge-li)

Gần 10 năm nay, trong từ vựng món ăn hàng ngày tại Đài Loan thường hay xuất hiện danh từ về gia vị mang tính ngoại lai như “Dapao” (Húng quế Tây), “Jianghuang” (Nghệ), “Luowangzi” (Hạt Me), “Xiangmao” (Sả).v.v..Các loại cây thực vật này là hương vị quê hương mà các bạn Đông Nam Á đến Đài Loan sinh sống, định cư đang ngày đêm hằng mong nhớ, những gia vị đó không những khơi dậy kí ức vị giác của các bạn ấy, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực Đài Loan, và hơn nữa cũng trở thành con đường rất thú vị để người dân đảo Ngọc làm quen với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
   


Cuộc Triển lãm “Hương vị Nam Dương-Hương vị Quê hương” đưa người dân tìm hiểu câu chuyện về các loại gia vị trong khu vực Đông Nam Á.


Tháng 7 năm 2017, Nhà Bảo tàng Nation Taiwan Museum ( Nhà bảo tàng Quốc gia Đài Loan-gọi tắt là Nhà Bảo tàng Đài Loan) đã tổ chức cuộc triển lãm đặc biệt với chủ đề “Hương vị Nam Dương-Hương vị Quê hương”, triển lãm tận dụng các loại thảo mộc và gia vị thường gặp ở khu vực Đông Nam Á để dẫn vào giới thiệu nguồn gốc gia vị của các nước, giới thiệu nét đặc sắc trong từng loại gia vị của mỗi địa phương cũng như cách dùng gia vị như thế nào để tăng thêm phần hấp dẫn thơm ngon cho món ăn, ngoài ra còn có câu chuyện đến Đài Loan định cư của các bạn Người nhập cư mới, giúp cho người dân Đài Loan trong khi thưởng thức ẩm thực Đông Nam Á đang có mặt khắp nơi trên các nẻo đường đất nước, ngoài việc có thể nhận biết mùi vị chua cay được gói ghém trong mỗi một miếng ăn, đồng thời cũng hiểu được nỗi niềm thương nhớ quê hương của các bạn ấy.

 

Hương vị Nam Dương-Hương vị Quê hương

Khi nói đến nguyên nhân tổ chức lãm đặc biệt này, ông Hong Shi-you (Hồng Thế Hựu) giám đốc Nhà Bảo tàng Nation Taiwan Museum cho biết : “Những người am hiểu lịch sử Đài Loan đều biết rằng, từ trước đến nay Đài Loan luôn là một nơi chuyển tải văn hóa đa nguyên và không ngừng đón nhận nét văn hóa mới, từ sự đa nguyên trong ẩm thực cũng có thể chứng minh được rằng, văn hóa ẩm thực Đài Loan là tinh hoa được đúc kết từ vô số cách chế biến món ăn của nhiều dân tộc ở Trung Quốc Đại Lục, vào năm 1992, theo dấu chân của các bạn Đông Nam Á sang định cư tại Đài Loan, cách chế biến món ăn hương vị Nam Dương cũng du nhập vào hòn đảo này, từ đó trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực Đài Loan.”

Ngày 22/7/2017 Triển lãm đặc biệt với chủ đề “Hương vị Nam Dương-Hương vị Quê hương” đã chính thức khai mạc, trong ngày hôm đó, ngay tại hội trường Khu Nanmen (Nam Môn) thuộc Nhà Bảo tàng Nation Taiwan Museum có rất nhiều bạn Đông Nam Á, mặc trang phục truyền thống của quê hương cùng đến chung vui, ngoài việc thể hiện vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của quê cha đất tổ, các bạn ấy còn tự tay chế biến nhiều món ăn mang đậm hương vị Đông Nam Á, với nhiều màu sắc sặc sỡ vô cùng hấp dẫn, chỉ nhìn thấy thôi là khiến cho mọi người thèm đến không cưỡng nổi.

 


Trong 5 giác quan để nhận biết các loại gia vị, không chỉ có vị giác mà còn có khứu giác, triển lãm cũng chuẩn bị 10 loại gia vị thường dùng trong khu vực Đông Nam Á, để người dân có thể cảm nhận hương vị qua khứu giác của mình.


Ngay khi bước vào bên trong khu triển lãm, ánh mắt của bạn sẽ bị thu hút bởi bức bản đồ Đông Nam Á rất to.Trong Nhân loại học, thông thường khu vực này được chia thành hai phần gồm có “Bán đảo Đông Nam Á” và “Quần đảo Đông Nam Á”. “Bán đảo Đông Nam Á” bao gồm 5 nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện. Còn “Quần đảo Đông Nam Á” là nói đến hơn 2.000 đảo trong khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, bao gồm các nước Indonesia, Philippines, Malaisia, Singapore, Brunei và Đông Timor.

Theo bước chân của Chen Xin-jun (Trần Tín Quân), một thuyết minh viên hiện đang làm việc tại Nhà bảo tàng Nation Taiwan Museum, dạo quanh một vòng khu Triển lãm, sẽ nhanh chóng giúp bạn hiểu được rằng yếu tố khí hậu và môi trường đã quyết định phương thức sử dụng gia vị của người dân khu vực Đông Nam Á. Thí dụ như đa số các nước trong khu vực Bán đảo Đông Nam Á thì sử dụng các loại gia vị tươi để chế biến các món ăn của họ, còn các nước trong khu vực Quần đảo Đông Nam Á, do sản lượng không được phong phú, nên họ đã đem hạt và quả thực vật phơi khô sau đó nghiền thành bột trộn chung với nhau và làm thành gia vị ướp thức ăn.

Chen Xin-jun vừa thuyết minh vừa giải thích những hiểu biết sai lệch của mọi người đối với cách chế biến món ăn Đông Nam Á, thí dụ như trong món ăn của Thái Lan có một gia vị mang tên Dapao, đây là lá Húng quế Tây, tuy đồng âm với từ Dapao ( made love) trong tiếng Hoa, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn; còn “Cà ri” có nghĩa là “Hỗn hợp”, mỗi một gia đình trong khu vực Đông Nam Á đều có cách thức chế biến Cà ri khác nhau, còn bánh “yueliang xiabing” (Bánh Tôm Mặt trăng) là món ăn của Đài Loan.

 

 


Khu vườn ươm bên ngoài Nhà triển lãm trồng rất nhiều loại thảo mộc gia vị, giúp người dân có thể nhận diện hình dạng và mùi hương của từng loại.

Hương vị Đông Nam Á- Đa dạng, phức tạp

 “Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm đặc biệt này, chúng tôi đã tìm đến các bạn Người nhập cư mới của 4 nước để hỏi thêm chi tiết, và trong cuộc triển lãm chúng tôi đã trình bày và giới thiệu các món ăn cũng như gia vị chế biến món ăn của 7 nước.” Yuan Xu-wen (Viên Tự Văn), nhà tư vấn thiết kế tổ chức triển lãm cho biết như vậy.

Chủng loại gia vị ở Đông Nam Á thì rất đa dạng, từ những gia vị này có thể chế biến ra nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Trong triển lãm, Ban tổ chức đã trưng bày ra 10 lọ đựng các gia vị như: Tiêu, Đinh hương, Hạt Me, Quế chi, Hạt Ngò, Bạch đậu khấu (cardamom), Thì là Ai Cập, Trẩu xoan.v.v.. “ Đây chỉ là những loại gia vị cơ bản mà thôi.” Yuan Xu-wen nhấn mạnh, còn phải cho thêm các loại thảo mộc đang được treo trên tường trong khu Triển lãm như rau bạc hà, sả, rau răm, lá dứa, chanh Thái (hay còn gọi là Trấp hay Trúc thơm), ngò gai, nghệ, rau húng quế.v.v.. thì món ăn mới xem như là hương vị Đông Nam Á chính thống.

Những thông tin về gia vị thảo mộc thì nhiều vô số kể, thông thường trước khi làm việc Yuan Xu-Wen sẽ chuẩn bị trước các thông tin có liên quan đến 10 loại gia vị thảo mộc, kế đến là thông báo cho người được phỏng vấn biết về nội dung của buổi trò chuyện, thế nhưng người được phỏng vấn thì rất nhiệt tình còn giúp cô giới thiệu thêm 30 loại gia vị thảo mộc nữa, họ cho biết “ Thực ra ở bên đó, gia vị mà chúng tôi sử dụng còn có thêm nhiều như thế này nữa.”, điều này khiến cho cô toát mồ hôi hột, suýt tý nữa là đỡ không kịp, vì không có sự chuẩn bị trước.

Do thường hay phỏng vấn nhiều nước khác nhau, nên cô mới phát hiện rằng, thực ra những người được phỏng vấn là nói đến cùng một loại thảo mộc, thế nhưng mỗi nước có cách gọi khác nhau, rồi ngay cả cách chế biến cũng khác nhau, cuối cùng cô quyết định áp dụng danh pháp khoa học theo tiếng La Tinh, sau đó viết thêm tên gọi của các nước, giống hệt như đang học một khóa về các loại thảo mộc.

Cô Liao Zhuan-yun (Liêu Chuyển Vận) người Indonesia đem đến một loại gia vị mà cô rất thích, đó là Shajiang (củ Địa liền), không giống như củ gừng già hay gừng non thường nhìn thấy ở Đài Loan, bẻ đôi củ Địa liền ra, bên trong là màu trắng, nếm thử một miếng, mùi vị không cay như gừng già của Đài Loan, thế nhưng có mùi thơm tinh khiết của tinh dầu bạc hà. Cô Liao Zhuan-yun nói, củ Địa liền không chỉ có thể làm gia vị cho các món ăn, mà còn được xem là một vị thuốc, mẹ cô thường xay nhuyễn sau đó đắp lên bụng có thể chữa được bệnh đầy bụng, chướng hơi. Cô Feng Chun-yan ( Phùng Xuân Yến) người Miến Điện thì giới thiệu về cây sả, một gia vị mà cha của cô rất thích, sau khi nấu canh xong, còn đem ra gặm tiếp chứ không chịu vứt bỏ.

Các loại gia vị được đem ra giới thiệu không những được sử dụng trong chế biến các món ăn, mà bên trong còn ẩn chứa nỗi niềm thương nhớ quê nhà của Người nhập cư mới. “Mỗi lần các bạn ấy nhắc đến những kỷ niệm từ các loại gia vị, thì đôi mắt lại đỏ hoe, hoặc dường như mình trở về thời mười mấy tuổi, còn là một cô gái nhỏ bên cạnh mẹ, khi mới đi học về, bỏ cặp xách xuống là bắt tay vào giúp mẹ giã gia vị.” Cô Yuan Xu-wen miêu tả rất sinh động về cảm nghĩ của các bạn nhập cư mới, thế nhưng điều mà cô khâm phục nhất là lòng dũng cảm của các chị em khi một thân một mình sang Đài Loan sinh sống, cảm thương tính kiên cường và đầy nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của họ.

Nhiều chị em nhiệt tình cũng thao thao bất tuyệt miêu tả hương vị hấp dẫn của các món ăn quê nhà, cô Yuan Xu-wen chia sẻ thêm : “Trong khi phỏng vấn, các bạn ấy không làm mình đói bụng cồn cào thì cũng làm mình cảm động đến nỗi nước mắt cứ tuôn tràn.”

 


Liao Zhuan-yun (phải) và Feng Chun-yan (trái), không chỉ đảm nhiệm vai trò thuyết minh trong cuộc Triển lãm, mà còn là hướng dẫn viên đưa du khách tham quan phố Miến Điện, phố Indonesia trong thành phố Đài Bắc, thực hiện tour du lịch mini tìm hiểu về Đông Nam Á.


Cuộc đối thoại xuyên văn hóa

 “Xuyên văn hóa là một điều rất thú vị và cũng rất phức tạp.” Cô Yuan Xu-wen nói. Điều này giúp cho chúng ta không ngừng kiểm điểm lại điểm mù trong văn hóa của dân tộc. Thí dụ như người Đài Loan có thói quen dùng rượu để khử mùi tanh, thế nhưng người Hồi giáo thì do tín ngưỡng của họ cấm không được uống rượu, nên cách khử mùi tanh của họ là dùng củ nghệ xay nhuyễn, sau đó trộn thêm các gia vị rồi chà xát lên cá. Ở Đài Loan gà ác được xem như một thức ăn bổ dưỡng, ở Indonesia thì loại gà này được đem đi cúng làm bùa làm phép. Rau muống ở Đài Loan thì được xắt khúc sau đó là khử tỏi và xào, còn ở Việt Nam thì bỏ lá, cọng thì bào thành sợi và làm gỏi, trộn salat, phải nói sự khác biệt nếu kể ra thì rất là nhiều, và để biết được nhiều như vậy cũng nhờ các cuộc trò chuyện thân mật với các bạn Đông Nam Á.

Điều gây ấn tượng nhất đó là cách xử lý các loại gia vị. Người Đài Loan cũng thích dùng hành, gừng, tỏi để khử thơm, nhưng đa số là đập dập hoặc bằm nhuyễn và cho vào nấu; thế nhưng hầu hết các gia đình trong khu vực Đông Nam Á là dùng chày và cối để giã nát, các loại gia vị sau khi được giã nát xong mới cho vào nấu. Khi được hỏi “Không được dùng máy xay sinh tố để xay à?” thì chỉ nhìn thấy một sự biểu lộ rất ngạc nhiên của các bạn ấy, ý nói không thể làm như vậy được. Feng Chun-yan người Miến Điện và Liao Zhuan-yun đến từ Indonesia đều cùng nói: “ Hiệu quả hoàn toàn khác nhau”. Nhất định là phải giã bằng tay, xay nhuyễn các loại gia vị nếu không thì món ăn sẽ không đúng mùi vị của nó.

 

Bên ngoài Nhà bảo tàng

Bên ngoài tòa nhà Tiểu Bạch Cung của khu vực Nanmen, Ban quản lý Nhà bảo tàng cũng rất có tâm, dành một khoảng đất ươm trồng rất nhiều loại cây thảo mộc Đông Nam Á, như rau răm, ngò gai, lá dứa, chanh Thái, rau sao nhái, sả.v.v..giúp cho người dân sau khi tham quan toàn bộ khu Triển lãm xong, khi ra ngoài có thể tận mắt nhìn thấy những đặc trưng cũng như hương thơm đặc hữu của từng loại thảo mộc gia vị.

Vào dịp cuối tuần, Nhà bảo tàng Nation Taiwan Museum còn tổ chức tour du lịch mini tham quan khu vực Đông Nam Á tại Đài Loan, chuyến du lịch này sẽ do các bạn Người nhập cư mới làm hướng dẫn viên, họ hướng dẫn du khách tham quan phố Miến Điện (đường Hoa Tân, quận Trung Hòa thành phố Tân Bắc), phố Indonesia (đường Trung Hiếu Tây, thành phố Đài Bắc), phố Philippines (Dân Quyền Tây, thành phố Đài Bắc), các bạn hướng dẫn viên sẽ tự kể câu chuyện của mình cho du khách cùng nghe.

 

 
“Sau khi kết thúc thời gian triển lãm tại Nhà bảo tàng Nation Taiwan Museum, cuộc Triển lãm đặc biệt mang tên “Hương vị Nam Dương-Hương vị Quê hương” sẽ thực hiện một hành trình triển lãm vòng quanh Đài Loan, đến các khu vực vùng sâu vùng xa và các đảo ngoài khơi, bổ sung thêm nguồn tài nguyên văn hóa phong phú đến cho các khu vực này, để ngày càng nhiều người dân Đài Loan trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa Đông Nam Á.” Hong Shi-you cho biết như vậy.

Các loại gia vị có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó lan truyền rộng rãi đến khu vực Đông Nam Á, do thích hợp với phong thổ và dân tình của các nước trong khu vực này, nên cũng giúp cho các món ăn Đông Nam Á trở nên đa dạng và đặc sắc hơn. Kế tiếp, những gia vị này lại theo chân của các bạn Người nhập cư mới, sang Đài Loan và có mặt trong các chậu cây đặt ở hành lang trước nhà hoặc tại mảnh đất nho nhỏ trong khu dân cư, giải tỏa bớt nỗi nhớ quê nhà của các chị em, đồng thời cũng tăng thêm mùi hương cho vị chua, ngọt, đắng, cay của văn hóa ẩm thực Đài Loan.

Các chị em Người nhập cư mới, những người vượt trùng dương đến định cư tại Đài Loan, cũng từ từ hòa nhập vào văn hóa của đảo Ngọc, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ thứ 2, trở thành một thành viên không thể thiếu được trong xã hội. Người dân Đài Loan đúng ra cũng nên kết giao với nhiều người bạn Đông Nam Á, hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc và sự phong phú đa dạng của nền văn hóa này.

Vì khi đã ươm mầm cắm rễ ở vùng đất này thì chúng ta đều là người một nhà.