Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Làm cỗ đãi khách trên núi Cóc
2018-03-12

1

Làm cỗ đãi khách trên núi Cóc
 

Đi xuyên qua tiếng người huyên náo của bùng binh Gongguan, rẽ vào con hẻm 119 đoạn 4 đường Roosevelt, không khí sôi động ở khu phố náo nhiệt bỗng chốc lắng xuống, nhiệt độ nóng bức dường như cũng được giảm từ 1 đến 2 độ C, nơi đây là khu dân cư núi Cóc nằm tựa vào lòng chảo Đài Bắc về phía Nam, những ngôi nhà một tầng thấp lè tè mọc lên san sát được xây men theo sườn núi, vào mùa hè có tiếng côn trùng kêu và loài chim tu hú gọi nhau, vào đêm xuân vẫn có thể thấy được ánh sáng lấp lánh phát ra từ những con đom đóm, các cụ già ngồi trên băng ghế dài trò chuyện với nhau, từ trong nhà bếp vọng ra tiếng xào nấu và bốc lên mùi thơm của thức ăn, những giàn bầu bí, những mảnh vườn trồng rau là sở hữu chung của cư dân nơi này và những dãy núi trùng điệp xanh rì phía sau...., mọi thứ hòa quyện vào nhau tạo ra khung cảnh làng xóm hoàn toàn khác hẳn với trung tâm đô thị Đài Bắc.
   

Vào một buổi chiều hè, mỗi hộ dân trong xóm như đã hẹn trước, mỗi người góp một món ăn, họ lần lượt bưng ra từ bếp món sở trường của nhà mình, tựa như thực hiện nghi lễ hành hương vậy, mỗi gia đình tự bưng ra món ăn do chính mình toàn tâm toàn ý nấu, họ di chuyển lên xuống trên các bậc thang chật hẹp, cuối cùng mọi người cùng xúm quanh chiếc bàn dài ở ngoài trời trước cửa gia đình họ Vương, chỉ trong nháy mắt trên bàn đã đầy ắp các món ngon thịnh soạn. 

Bức tranh phong cảnh này có vẻ rất đỗi quen thuộc. Gia đình nhà họ Vương sống tại khu núi Cóc đã hơn 60 năm, anh Bảo – thế hệ thứ hai của nhà họ Vương hồi tưởng lại: “Lúc còn nhỏ, vào chập tối mùa hè nóng nực, mọi người bê một chiếc bàn vuông từ trong nhà ra, bày biện các món ăn lên trên, cha tôi sang nhà hàng xóm uống rượu, trò chuyện, còn mẹ thì vừa trông con vừa nói chuyện phiếm ngoài cổng, chúng tôi cầm trong tay cái bánh bao, bát cháo đậu xanh, vừa đi vừa ăn, cứ thế ăn suốt dọc đường, từ đầu làng tới cuối xóm.” Mối tình làng xóm đậm đà này vẫn được giữ gìn cho tới tận hôm nay, chưa từng thay đổi.

 

 


"Không phân biệt là người ngoại tỉnh, người Mân Nam, người Khách Gia, hay dân tộc nguyên trú, mọi người sống hòa hợp với nhau bên chiếc bàn ăn.

Sự ẩn dụ của thân thế trên bàn ăn

Hôm đó, gia đình họ Vương bưng ra những món sở trường của họ: món thịt bò hầm, cháo đậu xanh và cá măng chiên giòn. Thịt bò hầm là món ăn của tiệm mì bò của người cha đã mở vào những năm đầu khi ông vừa xuất ngũ, sau này vì người cha tuổi đã cao, răng miệng kém đi nên anh Bảo lấy thịt bò bắp chế thêm nước vào hầm từ từ, để hương vị của món ăn gia truyền này được tiếp tục lưu truyền; món cháo đậu xanh do chị Mỹ chuẩn bị, cũng có khẩu vị của người ngoại tỉnh (người từ các tỉnh của Trung Quốc ngoài tỉnh Phúc Kiến di dân đến Đài Loan), đậu xanh có tác dụng giải nhiệt, vào mùa hè thường để nguội rồi ăn, có thể chế thêm nước canh thịt bò làm tăng hương vị cho món ăn, trẻ con thường thích cho vài muỗng đường cát để ăn như món chè ngọt; một món ăn khác là cá măng chiên giòn do bà mẹ trong gia đình họ Vương đến từ Phủ thành Đài Nam chế biến, bà luôn nhấn mạnh trong mỗi bữa ăn nhất thiết phải có món cá mới được.

Thức ăn là sự ẩn dụ của thân thế, có thể thấy rõ chặng đường đời đã qua của cả gia đình họ Vương trong các món ăn này. Thông qua sự kết hợp của hai người có nguồn gốc quê quán khác nhau, cha là người ngoại tỉnh và mẹ là người Đài Loan gốc Mân Nam, đây cũng là hình ảnh thu nhỏ của nhiều gia đình đang sinh sống trên núi Cóc. Lấy ví dụ bà Đông, người phụ nữ đến từ bộ tộc Amis ở thị xã Thọ Phong, huyện Hoa Liên, bà lấy ông Đông quê quán ở Hắc Long Giang, một tỉnh phía Đông Bắc của Trung Quốc nên đã học được cách làm món bắp cải chua Đông Bắc; hay như bà Diệp xuất thân từ làng Khách Gia (người Hẹ) ở thị xã Bắc Phố, huyện Tân Trúc lấy ông Diệp quê gốc ở tỉnh Giang Tô- Trung Quốc, bà Diệp làm thành thạo món bánh nếp nhân củ cải của người Khách Gia, các loại thức ăn và mì sợi của người ngoại tỉnh.

Vào những thập niên chiến tranh loạn lạc thời trước, để vượt qua rào cản không cùng nguồn quốc quê quán mà lấy nhau là không hề dễ dàng, bởi vì đối với hai người, sự khác biệt thân thế và bối cảnh gia đình, liệu có gây ra xung đột trong thói quen ăn uống hay không? bà Diệp mỉm cười nói: “Ngày xưa mọi người đều có gia cảnh nghèo khó, không có gì để ăn, có được miếng ăn là tốt rồi!”, vậy là bà đã có đáp án hài hòa cho câu hỏi này.

 

 

Món ăn tạo sự gắn kết hòa thuận giữa láng giềng với nhau

Ông Lâm Đỉnh Kiệt – người sáng lập phòng làm việc  Studio núi Cóc đã sống 10 năm trên núi Cóc cho biết: “Nơi ở của chúng tôi như làng xóm nằm lọt trong lòng đô thị.” Câu nói này nghiệm  ra chẳng sai chút nào, tiếng huyên náo trước chiếc bàn dài, mọi người gắp thức ăn, rót rượu cho nhau, trò chuyện tán gẫu với nhau, bầu không khí ấm áp tình người, khiến người ta rượu tuy chưa uống mà lòng đã say.

Ông Lâm Đỉnh Kiệt đưa cho tôi xem bức ảnh cũ chụp vào năm 1928, khi đó, Phủ Tổng đốc của chính quyền Nhật ở lân cận núi Cóc thành lập các đơn vị nông nghiệp như Sở Thí nghiệm Nông nghiệp, Nông trường cải tiến kỹ thuật ngành dâu tằm v.v..., cho nên đã ra đời ký túc xá đầu tiên dành cho nhân viên Sở Thí nghiệm nông nghiệp nằm sát ngay cạnh con đường Phương Lan, cũng là nơi khởi nguồn của xóm làng. Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội đã cho xây dựng ngôi làng Tân Hoán Minh có 39 hộ dân dọc theo triền núi, cộng thêm các nhà ở sau này do những di dân di chuyển giữa thành thị và nông thôn trong những thập niên 1960-1970 đã vất vả bỏ công sức tự xây dựng. Cụm dân cư được hình thành phát triển theo kiểu gối sát vào nhau thành tầng tầng lớp lớp, mở rộng vòng tay bao dung đón nhận người dân từ khắp năm châu bốn bể, mặc dù có thân thế khác nhau, tuy không hẹn mà cùng đặt hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, cộng thêm quần thể kiến trúc kiểu bình dân này, các hộ gia đình nghe thấy tiếng gà kêu chó sủa của nhau, khiến sự giao lưu tình cảm không dễ thấy ở thành phố  đều trở nên hết sức tự nhiên tại đây. 

Bánh hẹ nhân thịt, món sở trường của bà Diệp chính là học từ  bác Trần, “Nhất là con thứ ba  nhà tôi, suốt ngày ra ngoài nói chuyện tán gẫu, thường ăn bánh bao của nhà họ Trần ở kế bên nhà tôi”, bà Diệp nói. Cả gia đình ông Vương, bà Vương đến từ tỉnh Giang Tô Trung Quốc, họ từng mở nhà hàng ở Thượng Hải, chị Hoa kế thừa tài nấu ăn của người cha, tự hào nói rằng, gia đình họ Vương thường đặc biệt trọng thể trong ngày Tết cổ truyền, tổ chức chiêu đãi trung bình 30 người,  bắt đầu ăn uống suốt từ 3 ngày trước Tết cho tới ngày mồng 9 Tết, vào dịp này, bà Vương luôn chuẩn bị sẵn sàng những món ăn Tết nấu theo kiểu Thượng Hải chính cống để thết đãi hàng xóm láng giềng.

 

 

Môn thảo dược học nơi hoang dã của học giả Ấn Độ

Trong cụm dân cư đầy ắp lòng bao dung rộng mở này, vì nằm lân cận Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University of Science and Technology), cho nên còn có sự góp mặt của một nhóm học giả khoa học kỹ thuật đến từ miền Nam Ấn Độ. vào khoảng 10 năm trước, thông qua sự truyền miệng của mọi người, nhóm này lần lượt tới đây định cư, hiện nay có tất cả 6 hộ với 30 người đang sinh sống tại đây, hình thành một cụm dân cư độc đáo.

Prasannan, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ đến từ Tami Nadu đã phát hiện núi Cóc của Đài Bắc nằm cách xa Ấn Độ 4.000 km có những nét trùng hợp với quê hương anh. Núi Cóc ẩn sâu trong thành phố, Prasannan cho biết, khoảng cách giữa quê hương anh với thành phố lân cận cũng chỉ khoảng 2 km. Ở phía Nam Ấn Độ có nền văn minh rất cổ xưa, thêm vào đó không như phía Bắc Ấn Độ phát triển hiện đại hóa, Prasannan và những người bạn ở Nam Ấn Độ, cũng giống như dân tộc nguyên trú Đài Loan hoặc các bậc ông cố bà cố, ai cũng đều rất giàu kiến thức về thảo dược, họ biết cách lắng nghe tiếng nói của cơ thể, thu hái những loài thực vật hoang dã thích hợp, sử dụng cây thảo dược cho phác đồ trị liệu bằng thực phẩm.

Ở trên núi Cóc, Prasannan đã phân biệt được trên 30 chủng loại cây thảo dược có đặc điểm giống như ở quê nhà Ấn Độ và họ cũng trồng một số loài thực vật ở nơi hoang dã trên đỉnh núi như cây dướng, cây chùm ngây, cây chuối, lá cà ri, cỏ chanh. Anh Prasannan cho biết: “Ở quê hương tôi, mọi nhà hầu như đều trồng cây dướng, lá cà ri, cây chuối.” Từ hoa lá, rễ cây cho tới hạt quả đều có thể sử dụng cho trị liệu bằng thực phẩm, làm đẹp, chăm sóc dưỡng da, có thể phác họa một mạng lưới văn hóa hoàn chỉnh từ một loài thực vật. Mỗi tuần dành ra hai ngày, Prasannan gặp gỡ những người bạn và cùng họ nấu nướng tại nhà, họ cắt lá chuối thành từng miếng từ cây chuối hoang dã để đựng món cà ri được chế biến từ các hương liệu tổng hợp, hòa trong vũ khúc và điệu nhạc Ấn Độ dạt dào tình cảm, chạm khắc nên hình dáng quê hương, cũng còn có ý nghĩa xây dựng cuộc sống ổn định, bền vững trên xứ sở này.

 

 


Miếng lá chuối để cơm hạt dài, cà ri và bánh nướng.

Những năm tháng của thành phố núi bền vững

Sự ăn uống hàng ngày thông thường chỉ là những tích lũy tình cờ của thói quen sinh hoạt. Mãi tới cuối năm 2015, sau khi tham gia chương trình “Lễ hội nghệ thuật công cộng Wen Luo Ting” do Công ty Điện lực Đài Loan tổ chức mới tạo được cơ hội sắp xếp tập hợp món ăn gia truyền của mọi gia đình thành sách dạy nấu ăn, đưa ẩm thực phong phú của nơi này từ riêng tư thành công khai ra mắt mọi người. Ông Phùng Trung Điềm, người làm nghề viết văn từng cư trú trên núi Cóc 5 năm đã học được cư dân về cách nấu ăn, rồi ghi chép lại; nhà nghệ thuật Tăng Vận Khiết học hỏi kinh nghiệm dùng kỹ thuật chiết xuất chất nhuộm từ thực vật, đến núi Cóc thu thập lá bàng Indian Almond, lá cây dướng, nấu nước cốt làm thành nguyên liệu màu vẽ để vẽ tranh minh họa ẩm thực, sau đó kết hợp bài viết với hình vẽ đem xuất bản thành lịch treo tường làm quà tặng cho mọi người. Cũng nhờ phí trợ cấp của chương trình, trong khu dân cư đã trang bị thêm một chiếc xe lưu động phục vụ bữa ăn, có thể đi ra ngoài để chia sẻ nhiều hơn với mọi người về cuộc sống của khu dân cư, khi vừa mới kết hôn anh Prasannan cũng từng tận dụng chiếc xe lưu động này để tổ chức một buổi tiệc cưới kiểu Ấn Độ rất nhộn nhịp.

Cô Tăng Vận Khiết cho biết: “Cơ cấu gia đình được tạo ra bởi người ngoại tỉnh, người gốc Mân Nam và người Khách gia, tựa như hình ảnh thu nhỏ của khu vực Đài Bắc.” Ông Phùng Trung Điềm đề cập: “Đối với tôi mà nói, núi Cóc là một món quà lớn. Trong thành phố không dễ gì tìm được một địa điểm như vậy, vẫn còn gìn giữ được dấu ấn và manh mối chân quý của cuộc sống từ 30 – 40 năm trước.” Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của thành phố, chú trọng năng suất cao, đối với khu dân cư  núi Cóc một nửa là thành phố một nửa là miền núi, tựa như một vịnh cảng cuối cùng, có nhịp sống chậm rãi, không hối hả, kết tụ thành không gian đặc biệt, giúp cho những người có bối cảnh thân thế khác nhau, có thể sống một cuộc sống yên ổn gần gũi, nương tựa vào nhau.