Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Quang cảnh lớp học ẩn chứa vẻ đẹp cuộc sống
2018-04-11

1

Thày Hoàng Quốc Bình và hãng IKEA cùng cải tạo khiến lớp học trở nên rực rỡ sắc màu, giúp mọi người cảm thấy tràn đầy sức sống. (Ảnh Lin, Min-Hsuan)

Nếu trong lớp học có một chiếc ghế xô-pha, hoặc nếu nhìn từ bên ngoài giống như cái hang, thì không biết lớp học đó sẽ ra sao nhỉ? Đó chính là quang cảnh lớp học mà thày giáo Hoàng Quốc Bình của Trường tiểu học Sùng Đức (Chong De) thành phố Tân Bắc (Hsinpei) tạo ra cho các em học sinh. Khi có thể sử dụng để chơi trò chơi điền chữ, thì sách sẽ trở nên vô cùng sống động đầy màu sắc. Nhóm Aestheticcell do 3 thanh niên trẻ lập ra, đang nỗ lực làm thay đổi diện mạo của sách giáo khoa. Biết bao sự thay đổi trong giáo dục mỹ thuật đang diễn ra, cất giữ cái đẹp vào cuộc sống của con trẻ, ươm hạt giống cái đẹp vào lòng con trẻ. 
   

Tháng 9 năm 2017, lớp học mơ ước đầu tiên trên toàn quốc do hãng IKEA trang trí xuất hiện tại Trường tiểu học Sùng Đức(Chong De) quận Tịch Chỉ thành phố Tân Bắc (Hsinpei City Xizhi District).

Trần nhà màu vàng nhạt, tường màu xanh chàm, cửa sổ treo những chiếc rèm với hình những chiếc lá xanh đủ kiểu. Chiếc bàn bằng gỗ có thể gấp lại cùng với những chiếc ghế ăn màu trắng và màu vàng tươi, được thay thế cho bàn ghế kiểu truyền thống.

 

Phòng học mơ ước vô cùng độc đáo

Sở Giáo dục thành phố Tân Bắc hợp tác với hãng IKEA thực hiện kế hoạch cải tạo trường học, lớp học của thày giáo Hoàng Quốc Bình tại Trường tiểu học Sùng Đức là một ví dụ thành công về sự biến hóa cái đẹp.

 


Cái đẹp ở trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống, sử dụng chậu cảnh, búp bê vải để điểm xuyết, chiếc tủ bỗng chốc sống động hẳn lên. (Ảnh Lin, Min-Hsuan)

Kỹ sư thiết kế tìm hiểu về trí tưởng tượng của thày giáo Hoàng Quốc Bình đối với lớp học: bàn ghế có thể dùng loại gấp vào mở ra, sẽ tạo càng nhiều sự biến đổi và nhiều tổ hợp khác nhau cho không gian lớp học, tạo màu sắc phong phú, có cảm giác như ở nhà vậy, “Lớp học không chỉ là nơi để học sinh lên lớp, cũng là nơi diễn ra  sinh hoạt của học sinh. Quãng thời gian ở trên lớp là khoảng thời gian tỉnh táo nhất trong một ngày của  các em, vì vậy hy vọng có thể tạo bầu không khí thoải mái cho lớp học”, đó là sự kỳ vọng đối với lớp học của thày giáo Hoàng Quốc Bình.

Chiếc bàn gấp lại được, khi mở ra có thể dành cho 6 người, học sinh ngồi đối diện với nhau thảo luận theo nhóm rất tiện. Gập hai phía mặt bàn xuống phía dưới chỉ còn một khối hình chữ nhật dài và mảnh, kê sát vào hai bên chân tường thì có thể dành ra một khoảng không gian ở giữa phòng học để luyện tập nhảy múa biểu diễn, hoặc khi tắt đèn mọi người ngồi trên sàn nhà xem phim thì lập tức nó sẽ trở thành rạp chiếu phim lấp lánh ánh sao, khiến không gian được vận dụng hết sức linh hoạt.

Nhấn mạnh vẻ đẹp tổng thể, thày giáo Hoàng Quốc Bình và nhóm thiết kế đã rất mạnh dạn cho đặt chiếc tủ sách choán hết toàn bộ bức tường phía cuối lớp học, để thay thế cho bảng thông báo kiểu truyền thống. Tủ sách màu trắng kết hợp với cánh cửa tủ màu xanh cỏ hoặc màu trắng, cho đặt những chiếc giỏ tre đan xen với những chiếc giỏ làm bằng vải màu xanh lá cây. Vận dụng sự kết hợp màu sắc, rồi trang trí thêm bằng những chậu cảnh, những con búp bê đồ chơi, chiếc tủ sách bỗng chốc trở nên vô cùng sống động.

 

Chiếc ghế xô-pha ở phía trước tủ sách khiến lớp học có cảm giác ấm áp như ở nhà. Chọn một cuốn sách, bất kể là ngồi trên ghế xô-fa trước tủ sách, hay ngồi trên tấm thảm ở phía trước bàn làm việc của thày giáo, tìm một góc yêu thích là có thể thoải mái đọc sách. Trong phòng học chỗ nào cũng có nét đẹp riêng, giờ nghỉ trưa, các em học sinh thậm chí có thể thoải mái gục đầu xuống bàn ngủ hoặc nằm ngủ trên sàn nhà, tất cả các em đều có thể tìm được không gian yêu thích riêng.

 Trong lớp học của thày giáo Hoàng Quốc Bình, bục giảng truyền thống ở phía trước tấm bảng đen, được thay thế bằng chiếc bàn đứng chỉ to bằng chiếc máy vi tính xách tay. Thiết kế sử dụng ghế chân cao khiến thày giáo Hoàng Quốc Bình có cảm giác gần gũi hơn rất nhiều, giúp giáo viên có thể thoải mái ngồi bên bục giảng để trao đổi với học sinh, vừa có thể đi xuống dưới lớp bất cứ lúc nào, lại  giúp làm giảm bớt cảm giác mệt mỏi do phải đứng suốt cả tiết học. Thày giáo Hoàng Quốc Bình vừa cười vừa nói đùa, chiếc ghế này quá dễ chịu, mỗi  giáo viên đều nên có 1 cái, sẽ khiến không khí học tập khác hẳn.

Lớp học sau khi được cải tạo, phong cách mới lạ và sáng sủa, vừa mới bước vào lớp đã cảm thấy tràn đầy sức sống, khiến thày không ngớt ca ngợi chẳng khác nào như trong giấc mơ.

 

  

 

Lớp học là nhà

Dành được sự yêu thích trong biết bao kế hoạch được trình lên, đó chính là kết quả tích lũy bầu không khí mà thày Hoàng Quốc Bình đã nỗ lực tạo ra cho lớp học trong hơn 10 năm qua.

“Quang cảnh trong lớp học của Đài Loan đã mấy chục năm rồi hầu như chẳng hề có sự thay đổi, đề cương chương trình giáo dục thì cứ sửa đi sửa lại,  nhưng điều người ta quan tâm là thay đổi nội dung chương trình học, mà không hề  cân nhắc đến việc tạo ra môi trường học tập”, thày Hoàng Quốc Bình cho biết. Mỗi lần xuất ngoại thày đều bị thu hút bởi những quang cảnh gặp được ở nước ngoài, khi được đắm chìm và lớn lên trong môi trường như vậy, thì không cần phải cố ý giảng dạy về cái đẹp, mà nó tồn tại một cách rất tự nhiên. Đối với thày Hoàng Quốc Bình mà nói, tạo nên môi trường đẹp và dễ chịu là vô cùng quan trọng.

Từ khi thày Hoàng Quốc Bình bắt đầu làm giáo viên chủ nhiệm, thày bắt đầu tự tay trang trí phòng học, thày dùng những nhân vật phim hoạt hình được cắt bằng giấy để trang trí bảng thông báo, tự bỏ tiền túi ra để mua rèm cửa sổ, khăn trải bàn, thậm chí mua ghế xô-pha cũ, chỉ vì muốn phòng học trở nên đẹp và ấm cúng hơn.

Vài năm trước  thày Hoàng Quốc Bình công tác tại Trường tiểu học Đại Viên, do ở gần sân bay Đào Viên nên phòng học không thể mở cửa sổ, thêm vào đó ngày  khai giảng thày thấy sau khi nhận sách giáo khoa, học sinh liền vứt bỏ giấy xi-măng gói sách đi, rất lãng phí. Thế là thày chợt nảy ra ý tưởng, mở rộng sân khấu được trang trí trong lớp học ra đến bức tường phía ngoài của lớp học, đem vò nhàu những miếng giấy xi-măng rồi bọc ở phía ngoài tường, tạo ra cảm giác giống như hang động.

 


Tin rằng vẻ đẹp phải bắt đầu từ việc tạo môi trường, thày Hoàng Quốc Bình chia sẻ với mọi người mọi chi tiết về việc tô điểm làm đẹp lớp học trên trang fanpage “Hoàng tử trang trí lớp học.” (Thày Hoàng Quốc Bình cung cấp)


Thày Hoàng Quốc Bình tận dụng thời gian nghỉ đông và nghỉ hè để trang trí lớp học, tự bỏ tiền túi,  hy sinh thời gian của bản thân, nhiều lúc làm đến nỗi tay bị  phồng rộp. Nhưng thày Hoàng Quốc Bình nói, trong quá trình trang trí lớp học thày tràn đầy niềm hy vọng và cũng rất  thích thú, vẻ mặt đầy kinh ngạc của các em học sinh khi khai giảng, chính là điều khiến thày Hoàng Quốc Bình thấy thỏa mãn nhất.

Để các em học sinh được sinh hoạt trong một không gian được trang trí rất có tâm, con trẻ sẽ cảm nhận được  sự hun đúc nghệ thuật. Một học sinh cũ của thày Hoàng Quốc Bình trước đây, về sau này cũng trở thành giáo viên, đã học tập tinh thần của thày, trang trí phòng học trở nên tuyệt đẹp, tiếp tục nhân lên những hạt giống về cái đẹp mà thày Hoàng Quốc Bình đã từng gieo trong lòng người học sinh đó.

 

   

 


Tại phòng học được trang trí rất có tâm, học sinh có thể thoải mái đọc sách tại góc yêu thích của mình (Ảnh Lin, Min-Hsuan).

Biến sách thành bảo tàng mỹ thuật

Không chỉ riêng giáo viên đồng quan điểm về việc giáo dục mỹ thuật cần bắt đầu từ môi trường, mà nhóm “Aestheticcell” xúc tiếc việc cải tiến sách giáo khoa do 3 bạn trẻ thành lập ra cũng dốc sức vào việc nâng cao tố chất mỹ thuật cho thanh thiếu niên Đài Loan. Ba sinh viên từng theo học tại trường Đại học Giao thông Đài Loan gồm Lâm Tông Ngạn, Trần Mộ Thiên và Trương Bách Vĩ, quen biết nhau khi tham dự câu lạc bộ ngoại khóa trong trường, sau khi chia sẻ với nhau về kinh nghiệm đi nước ngoài, đều cảm thấy có điểm chung là rất  thán phục nét đẹp của các thành phố ở nước ngoài. Lớn hơn thì là kiến trúc đường phố, hay nhỏ hơn  là các tờ rơi quảng cáo, cảm giác ý tưởng thiết kế hiện hữu ở khắp nơi, khiến các bạn bắt đầu suy nghĩ về khả năng cải thiện giáo dục mỹ thuật  ở Đài Loan.

Sự cảm nhận cái đẹp cần được bồi dưỡng và tiếp xúc trong thời gian dài, qua nhiều lần thảo luận vỡ vạc ra rằng, nếu so với cải tạo nhà cao tầng, làm lại biển hiệu, thì giá thành của việc cải tạo sách giáo khoa tương ứng sẽ thấp hơn, nhưng phạm vi ảnh hưởng lại rộng rãi hơn. Bất kể là thành thị hay nông thôn, tất cả trẻ em hàng ngày đều cần sử dụng sách giáo khoa, qua đó cũng có khả năng có thể xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị trong giáo dục mỹ thuật.

“Hãy cho tôi một cuốn sách, tôi sẽ cho trẻ em một viện bảo tàng mỹ thuật”, đó là điều tâm niệm ban đầu của nhóm “Aestheticcell”, để trẻ em chỉ cần lật  giở sách giáo khoa, là sẽ được tiếp xúc với những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao. Năm 2013, 3 người khi đó còn chưa tốt nghiệp đại học mà đã quyết định lập ra “Kế hoạch sách giáo khoa có tính mỹ thuật”.

 

Họ không thuộc lĩnh vực thiết kế cũng không theo học chuyên ngành về giáo dục, chỉ với lòng nhiệt huyết muốn làm thay đổi giáo dục mỹ thuật  ở Đài Loan, họ đã dấn thân một cách ngốc nghếch như vậy. Họ nghiên cứu tâm lý học thiếu nhi, màu sắc học, v.v…, cũng bằng mọi cách tìm kiếm các kỹ sư thiết kế, thời gian đầu nguồn lực có hạn, họ đem theo bản báo cáo đi gặp những nhà thiết kế chịu gặp họ, giới thiệu về lý tưởng của nhóm, giải thích mặc dù không có khả năng trả thù lao, nhưng hy vọng có thể tìm được những nhà thiết kế có chung lý tưởng cùng gia nhập. Trương Bách Vĩ cho biết, nhớ lại thời kỳ đầu mới khai thác phát triển, đúng là có cảm giác rất giống những băng nhóm lừa đảo, nói ra khái niệm rất trừu tượng, nhưng thù lao thì lại chỉ có tấm lòng chân thành.

Sau nhiều tháng vất vả ngược xuôi, cuối cùng họ cũng tìm được hơn 10 nhà thiết kế, cùng tạo ra một cuốn sách quốc ngữ hoàn toàn trái ngược với sự tưởng tượng của mọi người. Đổi mẫu chữ khác, kết hợp với những bức tranh minh họa rất sống động thú vị, tất cả các trang đều có phần giấy trắng để trống. Bố cục của cuốn sách thể hiện cách thiết kế truyền tải thị giác  mang vẻ hiện đại , khiến cuốn sách quốc ngữ không phải chỉ là học tiếng Trung, mà  hơn thế còn tạo  được nét đẹp có tính mỹ thuật.

“Đây là cuốn sách mà em rất muốn giữ lại”, “Tranh minh hoạ đẹp quá!”…Trong quá trình phân phát sách vòng quanh Đài Loan, vẻ ngạc nhiên của các em nhỏ khi nhận sách đã khiến nhóm công tác khẳng định được hướng đi phía trước của mình.

 

   

 


Từ bên tay trái qua: Nhóm Aestheticcell gồm 3 người Trương Bách Vĩ, Lâm Tông Ngạn và Trần Mộ Thiên, dốc sức vào việc nâng cao tố chất mỹ thuật của Đài Loan. (Ảnh Lin, Min-Hsuan)

Vun trồng tương lai tươi đẹp cho con trẻ

Khi phát sách các em thường hỏi, làm thế nào để thực hiện được ước mơ, Trương Bách Vĩ nói với các em, rất nhiều việc không khó khăn như chúng ta nghĩ, phải mạnh dạn làm. Có khả năng lần đầu tiên chỉ được 50 điểm, nhưng tiếp tục làm lần thứ 2, lần thứ 3, thì sẽ càng ngày càng tốt hơn, sẽ ngày càng tiến gần đến mơ ước hơn. Mỗi một thế hệ sách giáo khoa có tính mỹ thuật đều ẩn chứa những mục tiêu khác nhau của nhóm, thế hệ sách giáo khoa đầu tiên thành công đã chứng tỏ giá trị của kế hoạch, thế hệ thứ hai thì thử nghiệm khả năng đối với các cấp lớp khác nhau.

Trải qua kinh nghiệm của hai thế hệ sách giáo khoa thử nghiệm, từ sách quốc ngữ, năm 2017 nhóm Aestheticcell đã mở rộng thiết kế sách giáo khoa có tính mỹ thuật sang các môn khác gồm tiếng Anh, toán, tự nhiên, xã hội, do các nhà thiết kế khác nhau lập kế hoạch. Trần Mộ Thiên cho rằng, mỗi một nhà thiết kế đều là một  người quy hoạch triển lãm, để các nhà thiết kế tự do thiết kế sách tùy theo trí tưởng tượng của họ đối với môn học.

Trần Mộ Thiên cho biết, mỗi  cuốn sách lại có nhiệm vụ khác nhau, từ các môn  xã hội, quốc ngữ, tự nhiên, tiếng Anh đến môn toán, càng đi trước càng phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình sử dụng, và phía bên kia của quang phổ là vô hạn định, giúp các nhà thiết kế có thể phát huy hết mức giá trị lý tưởng của sự sáng tạo.

Sách toán được thiết kế theo kiểu cuốn sách mở đối xứng sang cả hai bên trái và phải bởi nhà thiết kế Phương Tự Trung (Joe Fang), có thể gập lại tùy ý, khiến cuốn sách tựa như siêu người máy biến hình. Còn sách môn tự nhiên  với sự thử nghiệm của nhà thiết kết Vương Ngải Lợi (Alice Wang), đã thể hiện các thiết bị và các bước thí nghiệm bằng cách chụp hình tại studio, để nâng cao chất lượng ảnh. Màu nền của các trang sách cũng sẽ tùy thuộc vào đặc điểm của các thí nghiệm khác nhau, được thể hiện bằng các màu sắc khác nhau, ví dụ như thí nghiệm chất khí thì dùng gam màu lạnh là màu xanh lam, còn thí nghiệm đốt cháy thì sử dụng gam màu ấm.

 

Sách giáo khoa môn xã hội  do Công ty thiết kế “Simpleinfo” rất giỏi trong mảng thiết kế phụ trách, truyền tải thông tin rõ nét hơn thông qua hình ảnh. Dùng tranh minh họa đi chợ đêm để giới thiệu món ăn, các vấn đề như bình đẳng giới tính, dân tộc thiểu số cũng đều được thể hiện bằng tranh ảnh, kích thích trí tưởng tượng, tạo không gian thảo luận cho học sinh và giáo viên.

Còn nhà thiết kế Phùng Vũ (Yu Feng) thì đưa những tranh ảnh phù hợp với ý nghĩa của bài văn vào sách quốc ngữ, ví dụ như bài đề cập tới chủ đề  sắp xếp thời gian, đã thiết kế sổ tài khoản thời gian, để học sinh tự  sắp xếp thời gian của mình, dẫn dắt học sinh tự tư duy. Còn sự sáng tạo của nhà thiết kế Trần Vĩnh Cơ (Leslie Chen), thì khiến cho sách giáo khoa môn tiếng Anh tràn đầy những tác động thị giác có tính nghệ thuật đương đại, bìa của cuốn sách  được thể hiện bằng trò chơi điền chỗ trống vào các ô vuông có màu sắc khác nhau, để học sinh có thể tự do phát huy.

Những cuốn sách giáo khoa mang đậm khái niệm thiết kế như vậy đã được gửi tặng cho hơn 170 trường tiểu học tại các huyện thị trên toàn Đài Loan, trong  12 năm giáo dục  bắt buộc với vô số  các tiết học, nếu các em học sinh có thể chìm đắm trong những cuốn sách đẹp đẽ này, chắc chắn có thể tạo ra cho học sinh những không gian tưởng tượng  trên các phương diện khác nhau như độ nhạy cảm màu sắc, kích thích sự sáng tạo.

Kế hoạch sách giáo khoa đậm chất mỹ thuật đã làm xoay chuyển sự tưởng tượng của mọi người đối với sách giáo khoa, có lẽ quy định pháp luật hiện hành không cho phép sách giáo khoa có thể thực hiện sự thay đổi quá lớn. Nhưng bất cứ một sự thay đổi nho nhỏ nào, ví dụ như từ việc nới lỏng quy định đối với sách giáo khoa bao gồm kiểu chữ, hình vẽ, bố cục sách thậm chí quy định giá bán, để những thiết kế xuất sắc của Đài Loan được đưa vào sách giáo khoa, tạo càng nhiều không gian phát huy cho sách giáo khoa.

Từ thiết kế môi trường của lớp học cho tới thiết kế sách giáo khoa, thông qua việc biến đổi những vật liệu trang trí làm bạn với con trẻ vào những thời khắc quan trọng trong cuộc đời, để giáo dục mỹ thuật không chỉ là những bài học mỹ thuật thông thường hay đi thăm bảo tàng mỹ thuật, mà chính là nét đẹp tiềm tàng trong cuộc sống hàng ngày,  đưa ra định nghĩa mới về giáo dục mỹ thuật.