Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nội dung chính Quy hoạch đề án được Bộ Ngoại giao trình lên Liên Hợp Quốc

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 sẽ khai mạc vào ngày 18/9/2018 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Bộ Ngoại giao gần đây đã công bố bản đề án với ba yêu cầu nhằm kêu gọi Liên Hợp Quốc kết nạp Đài Loan trở lại tổ chức này, đồng thời thực hiện loạt phim ngắn tuyên truyền về việc Đài Loan thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững, thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được những thành quả xuất sắc của Đài Loan trên các mặt: năng lượng sạch, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, kinh tế tuần hoàn, v.v...(Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 sẽ khai mạc vào ngày 18/9/2018 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Bộ Ngoại giao gần đây đã công bố bản đề án với ba yêu cầu nhằm kêu gọi Liên Hợp Quốc kết nạp Đài Loan trở lại tổ chức này, đồng thời thực hiện loạt phim ngắn tuyên truyền về việc Đài Loan thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững, thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được những thành quả xuất sắc của Đài Loan trên các mặt: năng lượng sạch, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, kinh tế tuần hoàn, v.v...(Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 

 Nội dung quy hoạch và cách thức thực hiện đề án được trình lên Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) khóa 73 năm 2018 như sau:
 

 Kể từ năm 1993, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) bắt đầu thúc đẩy việc tham dự các chương trình của Liên Hợp Quốc, đến nay vẫn chưa từng gián đoạn. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 sẽ khai mạc vào ngày 18/9/2018 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), phiên thảo luận chung sẽ được tiến hành từ ngày 25/9 đến ngày 1/10/2018. Chủ đề của phiên thảo luận chung năm nay là “Liên kết Liên Hợp Quốc với toàn nhân loại: Lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung để thúc đẩy một xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”, một lần nữa làm nổi bật sự coi trọng của Liên Hợp Quốc đối với “Mục tiêu Phát triển Bền vững” (SDGs).
 

 Trong thời gian diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2017, Đài Loan đã phát biểu “Báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện” (VNR) đầu tiên về thành quả thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững. Báo cáo này đã nhận được sự quan tâm chú ý và sự đánh giá cao của cộng đồng các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Để tiếp nối động thái tích cực này, đề án năm nay đặt ra trục chính: “Đài Loan là đối tác quan trọng trong việc triển khai SDGs trên toàn cầu”, một lần nữa nhắc nhở thế giới nghiêm túc nhìn nhận Đài Loan là sức mạnh lý trí, tích cực, mang lại đóng góp cho khu vực và thế giới.
 

 Tháng 5 năm nay, “Tổ chức Y tế Thế giới” (WHO) một lần nữa xuất phát từ những cân nhắc chính trị, đã làm ngơ việc Đài Loan là mẫu hình công tác “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” (Universal Health Coverage), gạt Đài Loan ra ngoài lề các hoạt động. Điều này không những vô cùng bất công đối với 23 triệu dân Đài Loan, mà còn bỏ mặc lỗ hổng có thể xuất hiện trong quá trình hợp tác vệ sinh phòng dịch quốc tế. Đài Loan không thể hiểu nổi và không tưởng tượng được vấn đề WHO thà hy sinh sức khỏe và hạnh phúc của toàn nhân loại chứ không kết nạp Đài Loan tham dự tổ chức này.
 

 Mặc dù vậy, tiếng nói của cộng đồng quốc tế khẳng định Đài Loan là đối tác quan trọng trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững trên toàn thế giới đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm nay, số lượng các nước thành viên của WHO và quan sát viên WHA lên tiếng ủng hộ Đài Loan đã lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, trên phương diện hợp tác khu vực và hợp tác song phương, các nước có quan niệm tương đồng cũng đã nhiều lần công khai bày tỏ Đài Loan là đối tác quan trọng có đóng góp và cùng chia sẻ các giá trị, là câu chuyện về thành công dân chủ và cũng là sức mạnh của sự thiện lương trên thế giới.
 

 Trong vài năm qua, hệ thống Liên Hợp Quốc đã từ chối người dân hoặc các phương tiện truyền thông Đài Loan mang theo và sử dụng các giấy tờ do Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cấp phát, thậm chí yêu cầu phải xuất trình “Chứng nhận kiều bào Đài Loan” khi viếng thăm, tham dự hoạt động và phỏng vấn tại các chương trình của Liên Hợp Quốc. Những cách làm này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng và công lý mà Liên Hợp Quốc vẫn theo đuổi; đối với Đài Loan-đất nước luôn nỗ lực bảo vệ sự tự do báo chí và đã liên tục 6 năm là nước đứng đầu châu Á trong các báo cáo đánh giá tự do báo chí, đây không chỉ là điều khó có thể tưởng tượng nổi, mà hơn thế là điều không thể chấp nhận được.
 

 Đài Loan quyết định sẽ tiếp tục thúc đẩy các đề án trình lên Liên Hợp Quốc, đồng thời chú trọng nêu bật yêu cầu tích cực của Đài Loan là đối tác mang tính xây dựng trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững, tranh thủ mở rộng hơn nữa sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Đài Loan.
 

 Năm nay, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sẽ một lần nữa mời các nước bang giao phát biểu ủng hộ Đài Loan tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đồng thời mời đại diện thường trực của các nước bang giao tại Liên Hợp Quốc trình thư liên danh ủng hộ Đài Loan lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, kêu gọi Tổng thư ký kiên quyết tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, giữ vững nguyên tắc công bằng và công lý, giải quyết vấn đề 23 triệu dân Đài Loan bị loại trừ khỏi hệ thống Liên Hợp Quốc, để các giá trị nhân quyền phổ quát do Liên Hợp Quốc đại diện và mơ ước về một xã hội bền vững công bằng, mục tiêu phát triển bền vững lấy con người làm cốt lõi sẽ sớm trở thành hiện thực.
 

Năm nay Đài Loan nêu ra ba yêu cầu gồm:
 

 Thứ nhất: Nhân dân Đài Loan nên được hưởng quyền lợi như công dân thế giới, Liên Hợp Quốc nên giải quyết tình hình 23 triệu dân Đài Loan bị loại trừ ra ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc.
 

 Thứ hai: Liên Hợp Quốc không nên tước đoạt quyền cơ bản của con người đối với người dân Đài Loan khi viếng thăm và tham dự các hội nghị và hoạt động của Liên Hợp Quốc cũng như quyền lợi bình đẳng của các phương tiện truyền thông Đài Loan khi phỏng vấn tại các hội nghị liên quan của Liên Hợp Quốc.
 

 Thứ ba: Liên Hợp Quốc nên đảm bảo cho Đài Loan có quyền lợi tham dự các hội nghị, cơ chế và hoạt động có liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc một cách bình đẳng và có tôn nghiêm.
 

 Để cộng đồng quốc tế có thể hiểu rõ các yêu cầu trong đề án của Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp sẽ có bài phát biểu chuyên đề về đề án này, Bộ Ngoại giao cũng đã thực hiện loạt phim ngắn tuyên truyền về việc Đài Loan thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững, thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được những thành quả xuất sắc của Đài Loan trên các mặt: năng lượng sạch, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, kinh tế tuần hoàn, v.v...
 

 Phương thức nêu bản đề án năm nay có khác gì so với các năm trước? Bộ Ngoại giao cho biết: Ba yêu cầu chính trong đề án năm nay cũng giống như năm ngoái. Điều khác biệt là năm nay Bộ Ngoại giao áp dụng phương thức “nhiều kênh” và “cất cao tiếng nói” để phản ánh yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân Đài Loan, cách thực hiện cụ thể bao gồm: Bộ trưởng viết bài chuyên đề về đề án, thực hiện phim ngắn thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được những thành quả của Đài Loan trên các mặt: năng lượng sạch, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, kinh tế tuần hoàn, v.v…, đồng thời tổ chức các hoạt động liên quan đến chủ đề Phát triển Bền vững tại New York trong thời gian diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
 

 Văn phòng đại diện Trung Hoa Dân Quốc tại New York cũng sẽ tổ chức “Triển lãm nghệ thuật môi trường sáng tạo” và phát biểu báo cáo điểm lại việc Đài Loan tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng sẽ vận dụng các kênh phổ biến như Facebook và Twitter của Bộ Ngoại giao để tuyên truyền các yêu cầu trong bản đề án.