Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Soi sáng lòng biển khơi Nhiếp ảnh gia dưới nước kể câu chuyện về biển
2019-11-11

Cuộc hội ngộ kỳ diệu với cá voi trên vùng biển phía Đông

Cuộc hội ngộ kỳ diệu với cá voi trên vùng biển phía Đông
 

Nghe nói, người thích chó và người thích mèo sẽ tượng trưng cho hai kiểu tính cách hoàn toàn khác nhau. Vậy còn người thích cá voi và người thích rùa biển thì sao nhỉ?

Những hòn đảo nổi lên giữa lòng biển, xung quanh có vô số những sinh vật dưới nước, sống nhờ biển, nương tựa vào đảo, nơi đó tiềm ẩn những vẻ đẹp mà con người chưa biết đến, chỉ có những hình ảnh được những người rất quen thuộc các vùng biển ghi lại mới vén lên bức màn bí mật về vẻ đẹp nơi đây.

 

 Có vẻ như ông trời rủ lòng thương, khi mới tới Hoa Liên trời còn lất phất mưa, nhưng sang ngày hôm sau thì trời đã nắng lên, vào buổi sáng tràn đầy ánh nắng ấm áp, thuyết trình viên tình nguyện cho chuyến đi - Kim Lỗi (Chin Lei) đã có mặt trên con tàu ngắm cá voi đang neo đậu tại bến cảng để đón du khách lên tàu.

 Con tàu nhỏ rời bến, ra tới biển chưa tới 10 phút đã thấy lao xao tin tức về cá voi.

 Thuyết trình viên Kim Lỗi đứng ở mũi tàu giới thiệu một cách từ tốn, chậm rãi, đồng thời trong những lúc rảnh rỗi cũng không quên đưa ống kính Tele lên ngắm và nhấn nút chụp.
 

So với chụp trên mặt nước, chụp ảnh dưới nước càng có thể lột tả được dáng vẻ vốn có của các loài sinh vật. (ảnh do Kim Lỗi cung cấp)

So với chụp trên mặt nước, chụp ảnh dưới nước càng có thể lột tả được dáng vẻ vốn có của các loài sinh vật. (ảnh do Kim Lỗi cung cấp)
 

Mong chờ chuyến ra khơi vào mùa hè hàng năm tại Hoa Liên

 Dù không lời nhưng lại nói lên biết bao điều, những hình ảnh không cần lời lẽ rườm rà mà tràn đầy năng lượng gây cảm động lòng người.

 Có thể có nhiều người mặc dù chưa từng biết đến Kim Lỗi nhưng đã được xem những thước phim cá voi do anh quay từ lâu rồi. Là nhiếp ảnh gia đầu tiên của Đài Loan chuyên quay hình ảnh cá voi dưới nước, biết bao sinh vật biển có kích cỡ siêu phàm như vậy, với những khung hình được ghi lại dưới ống kính của anh, tràn đầy ý thơ và sức sống, bất giác khiến người ta nghĩ tới bộ phim kinh điển “The Big Blue” của đạo diễn người Pháp Luc Besson kể về câu chuyện của một vận động viên lặn biển nổi tiếng và chú cá voi.

 Cho đến nay, bình quân mỗi năm đều có tới 1/3 thời gian ở tại nước ngoài, anh đã để lại dấu chân của mình tại khắp mọi miền trên thế giới, từ Sri Lanka, Nhật Bản, vương quốc Tonga, Na Uy cho tới Argentina, v.v…, chỉ cần nơi nào có cá voi thì đều có dấu chân anh, “nhưng cứ đến mùa hè, nhất định tôi sẽ ở tại Đài Loan” – anh Kim Lỗi có dáng vóc to cao và giọng nói trầm ấm nói như vậy với giọng rất quả quyết.

 Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là dịp thời tiết mùa hè ổn định nhất, là mùa ngắm cá voi mỗi năm và cũng là thời gian mà anh vô cùng mong đợi.

 Anh Kim Lỗi cho biết, tại Đài Loan, quay hình ảnh cá voi giống như tham gia trò chơi vượt thử thách vậy, phải vượt qua hết cửa ải này đến khó khăn khác.

 Hàng năm cứ mỗi khi trên Webstie của Quỹ văn hóa giáo dục hải dương Kuroshio của Đài Loan có thông tin về sự xuất hiện của cá voi trên biển, nếu điều kiện thời tiết cho phép là anh sẽ lập tức liên lạc với các chủ tàu quen để ra khơi tìm kiếm cá voi.

 Và cho dù sau chặng đường xa xôi vạn dặm cuối cùng đã phát hiện được “mục tiêu” thì cũng không thể xuống nước ngay lập tức mà trước tiên phải quan sát tốc độ bơi, tình hình của cá voi, liệu nó có tránh người hay không, “bởi vì khi lặn xuống biển, nói chung con người chắc chắn không thể bơi kịp với cá voi, còn ví dụ như loài cá voi nhà táng, nó có thể lặn sâu trên 100 phút, đợi tới lúc nó xuất hiện lần sau cũng chẳng biết là nó sẽ ở đâu”, anh Kim Lỗi cho biết.

 Do vậy phải tranh thủ lập tức bấm máy, chỉ trong một vài giây ngắn ngủi mới chụp được 2-3 tấm ảnh, đó chính là thu hoạch của cả một năm rồi.
 

Đáy biển vừa đẹp nhưng cũng chứa đựng sự thật tàn khốc, Tô Hoài dùng cách quay phim tả thực, mong sẽ thức tỉnh ý thức bảo tồn hải dương của nhiều người hơn. (ảnh do Tô Hoài cung cấp)

Đáy biển vừa đẹp nhưng cũng chứa đựng sự thật tàn khốc, Tô Hoài dùng cách quay phim tả thực, mong sẽ thức tỉnh ý thức bảo tồn hải dương của nhiều người hơn. (ảnh do Tô Hoài cung cấp)
 

Đài Loan là nhà, cũng là nơi khởi đầu

 Chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy rằng, chụp cá voi lặn dưới nước không dễ dàng chút nào, có lẽ không phải không có người muốn làm công việc này, mà là rất hiếm người làm được thành công.

 Sở dĩ như vậy là vì: “Tại Đài Loan, đa số cá voi chỉ bơi ngang qua, hơn nữa tốc độ di chuyển của chúng rất nhanh”. Sau khi so sánh với kinh nghiệm chụp cá voi tại nước ngoài, anh Kim Lỗi đã đúc rút ra điều đó.

 Cũng giống với loài người đều là động vật có vú, nên sau khi cá voi con ra đời, vẫn phải chăm sóc nuôi dưỡng trong vòng khoảng 1 năm rưỡi, còn giống cá voi lưng gù thì đặc biệt tới vương quốc Tonga để sinh nở và nuôi dưỡng cá con, do vậy thời gian lưu lại sẽ dài hơn, không những tình hình ổn định hơn, mà để phối hợp với tốc độ bơi của cá voi con nên tốc độ của cá voi lưng gù sẽ chậm hơn.

 Và nếu hỏi anh Kim Lỗi, chụp ảnh quay phim cá voi ở Đài Loan có rủi ro cao như vậy, mức thù lao lại thấp, vậy tại sao anh cứ nhất định phải chụp tại Đài Loan?

 Anh trả lời không hề do dự: “Vì Đài Loan là nhà của tôi, cũng là nơi khởi đầu”.
 

Hình ảnh cá heo mũi chai do Kim Lỗi chụp được tại đảo Mikurajima của Nhật bản, anh thường xuyên ra nước ngoài, “Rèn luyện kỹ thuật chụp ở nước ngoài, còn Đài Loan giống như nơi để làm bài thi vậy”, anh nói. (ảnh do Kim Lỗi cung cấp)

Hình ảnh cá heo mũi chai do Kim Lỗi chụp được tại đảo Mikurajima của Nhật bản, anh thường xuyên ra nước ngoài, “Rèn luyện kỹ thuật chụp ở nước ngoài, còn Đài Loan giống như nơi để làm bài thi vậy”, anh nói. (ảnh do Kim Lỗi cung cấp)
 

Vì rùa biển mà ở lại đảo Tiểu Lưu Cầu

 Sự quả quyết của anh Kim Lỗi khiến người ta liên tưởng đến rùa biển.

 Nghe nói, rùa biển là loài sinh vật có một khả năng thần kỳ, có tuổi thọ ngang với tuổi thọ của con người, bất kể sau khi trưởng thành tới đâu sinh sống thì chúng đều vẫn nhớ quay trở về nơi đã sinh ra để đẻ trứng, để tạo ra thế hệ sau. Loài sinh vật không quên quê hương cội nguồn này cũng giống như những thủy thủ người Đài Loan, mặc dù đi khắp nơi trên thế giới nhưng không thể quên quê hương của mình.

 “Bạn có từng nghe thấy người ta nói rằng, muốn biết tính cách của một người, cứ xem người đó yêu loài sinh vật nào là sẽ biết được!”, huấn luyện viên lặn biển Tô Hoài nói. Anh tự gọi mình là “Kẻ si mê rùa biển”, hiện nay lấy Tiểu Lưu Cầu – hòn đảo ngoài khơi vùng Đông Cảng làm nơi trải nghiệm. Ngoài những lúc lặn biển, anh cũng không quên chụp lại những bức chân dung rùa biển.

 Cũng giống như anh Kim Lỗi đi theo tiếng gọi của loài cá voi, những con rùa biển thư thái chậm rãi, lúc nổi lúc chìm theo những đợt thủy triều cũng vô cùng thu hút Tô Hoài.

 Cũng có lẽ là vì loài rùa biển giống như những lữ khách thường hay độc hành, đang chậm rãi bơi đến khắp miền thế giới nhưng trong lòng vẫn nhớ tới con đường quay về nhà, cũng giống như thợ lặn biển Tô Hoài vậy. Nhiều năm lãng du tại Úc, tại các nước Đông Nam Á, đã vượt qua trăm sông ngàn bể nhưng những lúc tha hương vẫn luôn đau đáu nhớ về quê nhà, sau cùng hòn đảo rùa biển độc nhất vô nhị trên toàn thế giới này chính là nơi đã thu hút anh quay trở lại quê nhà.

 Từng được ghé thăm rất nhiều kỳ quan, Tô Hoài cho rằng, tài nguyên biển của Đài Loan không hề thua kém nước ngoài, chỉ có điều khâu quản lý làm chưa tốt, cũng chưa được coi trọng. Anh cùng với người bạn Trần Bồng Dụ (Chen, Peng-Yu) thành lập: “Studio văn hóa biển đảo” với mong muốn đóng góp một phần nỗ lực để thức tỉnh ý thức về hải dương của người Đài Loan.

 Với “chứng chỉ lặn biển chuyên nghiên cứu rùa biển” hiếm có thuộc hệ thống chứng nhận lặn biển quốc tế PADI, anh khởi đầu bằng công việc làm huấn luyện viên lặn biển, những năm gần đây bắt đầu chuyển dần trọng tâm sang làm công việc quay phim chụp ảnh dưới biển.

 Biển Đài Loan rất đẹp, phong phú về sinh thái nhưng lượng rác nhựa ở đáy biển cũng rất đáng sợ…,phải làm thế nào để càng nhiều người thấy được? “Nếu chỉ dựa vào lặn biển thì quá lâu, hơn nữa huấn luyện viên môn lặn biển đã quá đông, thiếu một người như mình thì cũng chẳng hề hấn gì”. Do vậy, anh đã quyết định cầm máy ảnh lên, tại hòn đảo Tiểu Lưu Cầu, khắp nơi đều có thể bắt gặp những chú rùa biển dáng vẻ vô cùng đáng yêu, tự nhiên đã trở thành nhân vật chính trong ống kính của anh.
 

Cầm trên tay chiếc máy ảnh chống nước, Tô Hoài chuẩn bị xuống biển.

Cầm trên tay chiếc máy ảnh chống nước, Tô Hoài chuẩn bị xuống biển.
 

Hòn đảo xinh đẹp giữa bồng bềnh sóng nước

 Anh Kim Lỗi nói: “Nếu hỏi tôi suy nghĩ của tôi và Tô Hoài về biển của Đài Loan thì đó là, Đài Loan thực sự rất tuyệt!”. Anh giải thích thêm: “Tại các điểm ngắm cá voi lý tưởng trên toàn thế giới, thông thường chỉ có thể ngắm được một loài cá voi nào đó”, nhưng theo thống kê ghi chép, tại vùng biển Đài Loan đã từng bắt gặp 1/3 trong số gần 90 loài cá voi trên khắp thế giới. Du khách đáp chuyến tàu ngắm cá voi xuất phát từ cảng Hoa Liên, rất dễ dàng có thể gặp được khoảng hơn 10 loài cá khác nhau, trong đó có loài cá sống ở vùng biển sâu rất hiếm gặp là cá heo sọc. Do địa hình thoai thoải của bờ biển phía Đông nên cơ hội được thấy loài cá này xuất hiện là khá cao.

 Còn đối với rùa biển, theo thống kê hiện tại có tổng số khoảng 7 giống rùa biển thì tại Đài Loan có cơ hội bắt gặp khoảng 5 loài rùa biển. Tại khu vực đảo Tiểu Lưu Cầu, ngoài giống rùa biển xanh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất hay bắt gặp thấy, còn có đến 90% cơ hội sẽ bắt gặp giống rùa biển đồi mồi là loài sinh vật đặc biệt gặp nguy cấp, giống như câu nói đùa của anh Kim Lỗi rằng: “Toàn thế giới chẳng ở đâu như tại đây, không cẩn thận là giẫm phải rùa biển như chơi.”

 Chính vì vậy, mỗi một bức ảnh được chụp dưới đáy biển, ngoài việc tạo cảm giác thành công cho các nhiếp ảnh gia, thì điều quan trọng hơn nữa là có thể truyền tải những hình ảnh về hải dương mà những người bình thường chưa được biết đến.

 Đương nhiên nếu nhìn không thấy hoặc không biết thì cũng chẳng có gì là thiệt hại đối với con người, “nhưng thường xảy ra việc cá voi bị mắc lưới và vẫn có rất nhiều ngư dân không tuân thủ luật pháp, cắt phéng vây cá để chúng chết chìm dưới đáy biển”, anh Kim Lỗi chia sẻ.

 Nếu con người vô tâm trước những vấn đề như vậy thì các loài cá voi sẽ gặp tai họa, vấn đề này cũng sẽ âm thầm chìm xuống đáy biển không ai biết đến.

 Nhưng không biết không có nghĩa là không tồn tại. Tô Hoài đưa ra một video quay dưới nước, một chú rùa biển hoảng sợ khi ăn nhầm phải rác dưới đáy biển, vì vậy đã rất khổ sở khi bài tiết ra một đống phân toàn là túi ni lông, cũng may có anh giúp đỡ nên mới thoát chết.

 Bảo tồn hải dương, hải dương tràn lan rác nhựa, có thể nói đang là những vấn đề rất nhức nhối hiện nay, nhưng người ghi lại những hình ảnh ở đáy biển khác với nhân viên bảo vệ môi trường mang vẻ chính nghĩa hoặc rất sừng sổ, hình ảnh quay được là cách chân thực, gần gũi nhất với đầy thiện ý, qua đó muốn để mọi người cùng tham dự một tiết học không lời về bảo vệ môi trường.