Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tuyên chiến với hành vi đánh bắt cá trái phép Chính quyền và nhân dân cùng hợp tác, đảm bảo nguồn lợi cá dồi dào
2019-10-28

Từ năm 1970 Đài Loan bắt đầu phát triển ngành đánh bắt xa bờ, là một trong những nước đánh bắt cá trên hải phận quốc tế quan trọng của thế giới.

Từ năm 1970 Đài Loan bắt đầu phát triển ngành đánh bắt xa bờ, là một trong những nước đánh bắt cá trên hải phận quốc tế quan trọng của thế giới.
 

 Đài Loan là một trong 6 quốc gia có hoạt động đánh bắt cá trên hải phận quốc tế nhiều nhất thế giới, sản lượng cá mỗi năm vượt trên 700 nghìn tấn, trong đó hơn 80% được xuất khẩu, mang lại hơn 30 tỷ ngoại hối cho Đài Loan.

 Vào tháng 6 năm 2019, Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng cảnh cáo đối với Đài Loan, ngay lập tức vào tháng 7, Đài Loan gia nhập Hiệp định Ngư nghiệp Nam Ấn Độ Dương (Southern Indian Ocean Fisheries Agreement, viết tắt SIOFA), cam kết thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản trên hải phận quốc tế của Ấn Độ Dương.

 Do nguồn tài nguyên biển ngày một suy thoái, Chính phủ Đài Loan lại càng phải cẩn trọng và chấp hành nghiêm ngặt 3 điều lệ trong Luật ngư nghiệp khai thác đánh bắt xa bờ có tiêu chuẩn khắt khe tương đương với Liên minh Châu Âu, bao gồm công tác chống đánh bắt cá trái phép, thể hiện quyết tâm bảo vệ đại dương cũng như làm tốt trách nhiệm quốc tế của một quốc gia ngư nghiệp lớn mạnh.

 

 Cuối Xuân đầu Hạ, bến tàu bờ Tây cảng cá Tiền Trấn, Cao Hùng vào thời điểm sáng sớm khí trời vẫn còn se lạnh, chờ phiên chợ sớm kết thúc, lúc 8 giờ sáng, con tàu vận chuyển với trọng tải 998 tấn chở hàng của 24 tàu cá Đài Loan, được chuyển chở từ vùng biển xa xôi Mauritius, Ấn Độ Dương cập cảng, bắt đầu mở kho bốc dỡ hàng.

 Những con cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng được mang ra từ kho bảo quản đông lạnh dưới 50 độ C, trên thân mình chúng phủ một lớp sương muối (sương giá), khi gặp nhiệt độ bình thường 20 độ C, liền xuất hiện từng làn khói trắng hơi nước. Công nhân bốc dỡ hàng dùng sức đâm móc câu vào thân cá một cách điêu luyện, thoắt một cái là kéo ngay một con cá ngừ mắt to vào xe đông lạnh, sau khi cân trọng lượng sẽ vận chuyển cá sang Nhật Bản.
 

Theo thống kê của Sở Ngư nghiệp, Đài Loan thuộc 20 quốc gia ngư nghiệp hàng đầu thế giới, cảng cá Tô Áo cũng là một trong những cảng quan trọng trong ngành đánh bắt xa bờ.

Theo thống kê của Sở Ngư nghiệp, Đài Loan thuộc 20 quốc gia ngư nghiệp hàng đầu thế giới, cảng cá Tô Áo cũng là một trong những cảng quan trọng trong ngành đánh bắt xa bờ.
 

Tiền tuyến của công tác chống đánh bắt cá trái phép

 Mọi người ai nấy đều không rời mắt khỏi hàng cá, ngoài người mua còn có kiểm sát viên của Sở Ngư nghiệp. Anh Yi Zhi Jian (Dị Trí Kiện) là kiểm sát viên dẫn đầu một nhóm thanh tra gồm 6 người, có mặt tại hiện trường trước khi tàu cá chuẩn bị mở kho bốc dỡ hàng, rồi gắn 2 máy camera giám sát và quay lại từ đầu đến cuối toàn cảnh bốc dỡ cá. Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi huy động nhiều người như thế là vì tàu chuyển chở rất nhiều hàng của nhiều tàu cá trong cùng một lúc, khi bốc dỡ phải phân chia hàng tứ tán, cùng lúc chuyển cá lên nhiều xe hàng hay xe đông lạnh khác nhau. Chúng tôi phải xác nhận những chiếc xe này đã cân trọng lượng chưa, hơn nữa còn phải thống kê xem liệu có đánh bắt quá mức đối với các loại cá bị giới hạn về số lượng hay không, chẳng hạn như Thái Bình Dương là cá ngừ mắt to, Ấn Độ Dương là cá ngừ vây vàng”.

 Kiểm sát viên phải xác nhận mã số quốc tế trên mũi tàu và tên tàu bằng tiếng Trung và tiếng Anh xem có khớp với tàu đã xin đăng ký bốc dỡ hàng trước đó hay không để chắc chắn không có vấn đề mạo danh. Còn nhóm thanh tra khác thì được bố trí ở kho hàng, xác nhận cửa kho được mở ra trong tình trạng có khóa niêm phong, đồng thời kiểm tra bên trong kho tàu hàng có các loại cá bị cấm đánh bắt như cá mập hoa và cá mập đen hay không.

 Cách đây hơn một năm, khi còn công tác trong Sở Ngư nghiệp, với tư cách quan sát viên, anh Yi Zhi Jian từng đi theo tàu cá viễn dương Đài Loan ra khơi trong khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm. Công việc của anh là ghi chép lại toàn bộ quá trình đánh bắt cá cả ngày lẫn đêm, từ khi tàu cá bắt đầu cho ném dây thừng, thả dây thừng xuống nước, cho đến việc ghi nhận trọng lượng và chiều dài thân cá, bên cạnh việc cung cấp thông tin chính xác về tư liệu thu hoạch cá cho giới học thuật nghiên cứu và cho ngành đánh bắt cá xa bờ, để có thể phán đoán được những diễn biến của nguồn lợi cá biển toàn cầu, đồng thời phải giám sát các tàu cá viễn dương liệu có xảy ra tình trạng vi phạm chuyển chở cá (hay còn gọi là “rửa” cá), có vi phạm khai thác vượt mức quy định không (còn gọi là “đánh bắt quá mức”), hoặc có bắt nhầm hải âu, rùa biển hay những loài động vật biển khác không.

 Việc lên tàu kiểm tra khiến anh Yi Zhi Jian nhớ lại kỷ niệm thời anh công tác trên biển, “quan sát viên lần đầu tiên lên tàu ra khơi nửa năm, khi về không ai mà không gầy đi 10 ký cả, chúng tôi nói đùa đặt tên đây là “Lớp giảm cân hải dương”, chủ yếu vì không hợp nước, không phải người đi biển chuyên nghiệp, trên thuyền nếu không ăn đồ hộp thì ăn rất cay hoặc các loại cá chiên, càng ăn càng gầy, hay thường bưng lên cả một nồi cá sống to đùng (anh bổ sung: không phải là một đĩa), nhưng thông thường là ăn thức ăn thừa của cá mập”, anh chia sẻ.

 Nhất là khi lênh đênh trên biển với nhiều rủi ro khó đoán trước, việc giám sát công tác đánh bắt cá và phải đứng ở cương vị đối lập với thuyền trưởng, thực sự rất khó khăn.
 

Kiểm sát viên đang theo dõi công tác bốc dỡ cá, xác nhận đã cân trọng lượng, thống kê xem có khai thác quá mức loại cá bị hạn chế về hạn ngạch đánh bắt hay không, trong ảnh là cá ngừ vây vàng vừa mới được đem xuống từ kho đông lạnh trên tàu.

Kiểm sát viên đang theo dõi công tác bốc dỡ cá, xác nhận đã cân trọng lượng, thống kê xem có khai thác quá mức loại cá bị hạn chế về hạn ngạch đánh bắt hay không, trong ảnh là cá ngừ vây vàng vừa mới được đem xuống từ kho đông lạnh trên tàu.
 

Nguồn lợi cá biển đứng trước nguy cơ cạn kiệt

 Kiểm sát viên và quan sát viên là những người đứng ở vị trí tiền tuyến thực thi pháp luật của Sở Ngư nghiệp, đây là một trong những hành động cụ thể của Đài Loan phối hợp với Tổ chức Ngư nghiệp Quốc tế và xu hướng thế giới cùng chống lại IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing, có hành vi đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không đánh bắt theo quy định), đây là những hiện tượng khiến nguồn lợi cá biển toàn cầu đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

 Do những tiến bộ khoa học công nghệ như định vị vệ tinh và máy dò tìm điện tử, cùng với sự phát triển đổi mới của công cụ và phương pháp đánh bắt cá, khiến cho tung tích dấu vết của các loài cá biển không phân biệt kích thước nhỏ hay lớn, chủng loại, thuộc tính, đặc biệt là các loại cá di cư ở vùng bề mặt biển và vùng biển khơi trung, hoàn toàn bị theo dõi một cách rõ ràng. Chuyên gia ước đoán, hiện tại năng lực đánh bắt cá biển toàn cầu cao gấp  4 lần so với tổng sản lượng thu hoạch cá, với kỹ thuật đánh bắt bằng công nghệ cao, nâng cao hiệu suất đánh bắt, điều này đã dẫn đến hậu quả nguồn lợi cá biển đang bị cạn kiệt nhanh chóng.

 Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (Food and Agriculture Organization, FAO), trong những năm gần đây, hơn 30% sản lượng thu hoạch cá biển toàn thế giới đến từ hành vi đánh bắt cá trái phép, giá trị sản lượng khoảng 10 tỷ Euro (tương đương 13,8 tỷ USD). Điều này gây nên các mối đe dọa nghiêm trọng cho việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sản và tính đa dạng của sinh vật. Từ đó công tác chống lại “hành động đánh bắt cá trái phép” đã trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc sử dụng bền vững để duy trì nguồn lợi cá biển.
 

Công tác bốc dỡ cá diễn ra nhanh chóng, vai trò của kiểm sát viên là kiểm tra phòng chống khai thác quá mức hoặc đánh bắt loài cá thuộc chủng loại được bảo vệ.

Công tác bốc dỡ cá diễn ra nhanh chóng, vai trò của kiểm sát viên là kiểm tra phòng chống khai thác quá mức hoặc đánh bắt loài cá thuộc chủng loại được bảo vệ.
 

Một nước ngư nghiệp phát triển có sản lượng lớn cá biển, đồng nghĩa với việc gánh trên vai trách nhiệm to lớn

 Theo thống kê của Sở Ngư nghiệp, Đài Loan nằm trong danh sách 20 nước ngư nghiệp hàng đầu thế giới, là một trong 6 quốc gia có hoạt động đánh bắt cá trên hải phận quốc tế nhiều nhất thế giới. Đài Loan đứng đầu thế giới về sản lượng cá thu đao đánh bắt trên vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương và cá ngừ vây dài đánh bắt ở vùng Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương.

 Giám đốc Sở Ngư nghiệp ông Huang Hong Yan (Hoàng Hồng Yến) chỉ ra rằng, Tổ chức Ngư nghiệp Quốc tế toàn cầu dựa vào tổng sản lượng để kiểm soát tình trạng đánh bắt tài nguyên chủng loại cá di cư của địa phương. Đài Loan tuy không phải là nước thành viên Liên Hiệp Quốc, hơn nữa còn chịu sức ép của Trung Quốc, nhưng do sản lượng đánh bắt của Đài Loan rất cao nên các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế như Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và Ủy Ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) thường xuyên đưa ra những lời mời tham dự với Đài Loan. Có thể thấy Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức nghề cá quốc tế tại những khu vực này.
 

Nhân viên kiểm tra là những người đứng đầu tiền tuyến của sở Ngư nghiệp trong công tác chống đánh bắt cá trái phép.

Nhân viên kiểm tra là những người đứng đầu tiền tuyến của sở Ngư nghiệp trong công tác chống đánh bắt cá trái phép.
 

Dưới sự nỗ lực từ ba phía, quyết tâm chống lại IUU

 “Thẻ vàng cảnh cáo của Liên minh Châu Âu năm 2015 xem như một “khóa đào tạo và cũng là một bài học” cho Đài Loan. Ngoài việc tăng cường trao đổi với Liên minh Châu Âu, năm 2017 Đài Loan đã sửa đổi bổ sung thêm 3 điều lệ thuộc Luật Ngư nghiệp viễn dương (bao gồm điều lệ ngành đánh bắt cá xa bờ, điều lệ quản lý đầu tư kinh doanh tàu cá nước ngoài và sửa đổi Luật Ngư nghiệp), thông qua việc bắt buộc các tàu cá lắp thiết bị ghi chép nhật ký đánh bắt cá điện tử e-logbook, hằng ngày phải gửi báo cáo. Ngoài ra, tại các cảng khẩu chỉ định trong và ngoài nước, khi tiến hành hoạt động bốc dỡ hàng hoặc chuyển chở hàng, phải chịu sự quản lý chặt che,̃ đảm bảo không xảy ra tình trạng “rửa cá” trái phép hoặc vượt quá giới hạn đánh bắt”, ông Huang Hong Yan nói. Bên cạnh đó, còn cho tăng cường gấp đôi lực lượng quan sát và giám sát viên như anh Yi Zhi Jian nhằm mục đích xây dựng hệ thống tích hợp tư liệu ngư nghiệp hải dương, nỗ lực làm tốt chế độ ngư nghiệp có trách nhiệm.

 Sở Ngư nghiệp yêu cầu các tàu cá viễn dương cứ mỗi 1 giờ đồng hồ phải truyền tín hiệu vị trí tàu lên hệ thống định vị vệ tinh, thông qua công tác giám sát 24/24h của Trung tâm quan trắc, có thể theo dõi rõ ràng động thái của 1.200 tàu cá trên toàn thế giới, trong đó bao gồm tàu cá quốc tịch nước ngoài do người Đài Loan kinh doanh (hay còn gọi: tàu treo cờ phương tiện (Flag of Convenience), hệ thống có thể theo dõi sát các tàu cá có hoạt động ở vùng cấm hàng hải hay không hoặc có vi phạm, xâm nhập vào vùng biển thuộc quyền kinh tế của nước khác hay không. Công nghệ quản lý tàu cá toàn cầu tân tiến của Đài Loan đang sử dụng khiến cho chuyên viên Liên minh Châu Âu vô cùng ấn tượng sau chuyến công tác Đài Loan vào tháng 3 vừa qua.

 Trước đây mức phạt cao nhất trong Luật Ngư nghiệp là 300 nghìn Đài tệ, sau khi 3 điều lệ trong Luật Ngư nghiệp viễn dương nâng cao mức phạt lên đến 45 triệu Đài tệ, Sở Ngư nghiệp ngay lập tức nghiêm khắc thi hành luật. Tính từ tháng 1 đến cuối tháng 3 năm 2017, doanh nghiệp tàu cá Đài Loan do những vấn đề như gian lận trong báo cáo điện tử về tình hình đánh bắt cá ngừ mắt to, chưa nhận được giấy phép đã tự ý cập cảng bốc dỡ hàng, dấu hiệu nhận dạng trên thân tàu cá không rõ ràng, v.v…, tổng cộng có 71 vụ bị phạt với số tiền phạt lên đến 58 triệu 750 nghìn Đài tệ. Liên minh Châu Âu nhìn nhận và khẳng định những nỗ lực của Đài Loan trong việc phòng chống IUU suốt 3 năm rưỡi qua, vì thế đã quyết định gỡ bỏ “thẻ vàng” cảnh cáo đối với Đài Loan.
 

Giám đốc Sở Ngư nghiệp ông Huang Hong Yan cho rằng, Đài Loan là một nước có ngành ngư nghiệp phát triển, nên cần phải làm tốt trách nhiệm bảo vệ đại dương quốc tế. (Ảnh: Chuang Kung-ju)

Giám đốc Sở Ngư nghiệp ông Huang Hong Yan cho rằng, Đài Loan là một nước có ngành ngư nghiệp phát triển, nên cần phải làm tốt trách nhiệm bảo vệ đại dương quốc tế. (Ảnh: Chuang Kung-ju)
 

Ngư dân: Sở Ngư nghiệp kỳ này xử nghiêm thật rồi!

 Việc yêu cầu các tàu cá viễn dương lắp hệ thống ghi chép nhật ký đánh bắt cá điện tử e-logbook, đồng thời còn phải nộp báo cáo mỗi ngày, quy định này khi mới thực thi, ngư dân thực ra không quen cho mấy. Ông Chen Jin Yi (Trần Kim Đức) năm nay sáu mươi mấy tuổi, là thuyền trưởng của tàu cá Xin Sheng Qing 126 tấn (Hân Thăng Khánh) với kinh nghiệm đánh cá bốn mươi mấy năm. Ông nói: “Tôi chỉ tốt nghiệp tiểu học cho nên mới đi đánh cá, vi tính cũng không biết, cũng vì quy định mới mà tôi học vi tính lại từ đầu, nhiều khi nửa đêm sóng lớn đang thu lưới cá mà vẫn phải hồi báo thông tin điện tử về tình hình thu hoạch thủy sản. Tôi rất sợ người già mắt lão hóa như tôi lỡ mà bấm nhầm phím, rõ ràng bắt được cá mập hoa mà bấm nhầm thành loài bảo tồn cá mập xám, tàu về tới Đài Loan bị phạt nặng thì số tiền mà cả 1 năm qua phải cực khổ lắm mới kiếm được coi như tan vào mây khói!”

 Nếu số lượng thu hoạch cá trên thông tin báo cáo điện tử không trùng khớp với lượng chuyển chở dỡ hàng thực tế, tùy theo khối lượng khác nhau của tàu cá, phạt nhẹ thì 400 nghìn, phạt nặng là 2 triệu Đài tệ. Nếu không báo cáo thông tin mỗi ngày sẽ chịu phạt từ 100 nghìn đến 2 triệu Đài tệ. Trước mức phạt nặng nề trên, ngư dân phát hiện Sở Ngư nghiệp xử nghiêm thật rồi! Ông He Shi Jie (Hà Thế Kiệt), trưởng thư ký Hiệp hội câu cá ngừ bằng kỹ thuật dùng giàn câu giăng nhận định rằng, ngành đánh cá viễn dương là thế mạnh của Đài Loan, đặc biệt là kỹ thuật dùng giàn câu giăng để săn cá ngừ là ngành nghề cần nhiều sức lao động, có liên quan đến những vấn đề chuyên môn như kiểm soát bổ sung, chi phí, v.v… Đa số các loại tàu cá viễn dương Âu Mỹ chủ yếu là loại tàu cá lưới vây quy mô lớn thuộc các tập đoàn kinh doanh, cho nên tàu cá Đài Loan mới có cơ hội đem ngoại hối từ hải ngoại về cho quốc gia.

 Tuy nhiên, Luật đánh cá viễn dương của Đài Loan còn nghiêm khắc hơn cả Liên minh Châu Âu. “Theo luật của Liên minh Châu Âu xử phạt bằng cách ghi lỗi, chứ không như chúng ta nếu phát hiện vi phạm là phạt ngay từ 2 triệu đến mấy chục triệu. Toàn thế giới hiện chỉ có Liên minh Châu Âu và Đài Loan là yêu cầu mỗi một giờ đồng hồ phải báo cáo vị trí tàu bằng hệ thống định vị vệ tinh, mỗi ngày báo cáo tình hình đánh bắt, Trung Quốc và Nhật Bản đều không cần làm như thế, Đài Loan trở thành quốc gia kiểm soát nghiêm ngặt ngành ngư nghiệp hơn cả Liên minh Châu Âu”, ông He Shi Jie chia sẻ.
 

Do kỹ thuật đánh bắt cá tân tiến, thêm vào đó là hoạt động đánh bắt trái phép tràn lan trên phạm vi toàn cầu. Nguồn lợi cá biển toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, khiến người tiêu dùng phải mua cá với giá cả đắt đỏ.

Do kỹ thuật đánh bắt cá tân tiến, thêm vào đó là hoạt động đánh bắt trái phép tràn lan trên phạm vi toàn cầu. Nguồn lợi cá biển toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, khiến người tiêu dùng phải mua cá với giá cả đắt đỏ.
 

Tìm sự cân bằng giữa nỗ lực phát triển kinh tế và bảo vệ đại dương

 Giám đốc Sở Ngư nghiệp ông Huang Hong Yan chỉ ra rằng: “Tôi cũng biết ngư dân rất giận dữ, tuy nhiên kỷ luật và chuẩn mực quốc tế, chúng ta nhất định phải tuân thủ, không thể nào mặc cả. Cải cách sẽ phải trải qua giai đoạn đầu đầy trở ngại vì việc duy trì bảo vệ môi trường sinh thái đại dương bền vững đã trở thành nhận thức chung của công dân toàn cầu”. Ủy ban Nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực và cho thành lập "Tổ công tác ngư nghiệp Đài Loan và Liên minh Châu Âu phòng chống IUU ".

 Cũng giống như công bố của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) năm 2018, hạn ngạch khai thác cá ngừ mắt to bằng kỹ thuật dùng giàn câu giăng của Đài Loan là 14.810 tấn, tăng 806 tấn so với năm 2017. Điều này cho thấy sau sự hy sinh và nỗ lực phối hợp hạn ngạch của Đài Loan trong nhiều năm qua, cuối cùng đã đổi lấy được sự khôi phục tài nguyên, khi chúng ta cố gắng bảo vệ đại dương thì nguồn tài nguyên sẽ trở nên vô tận, và cuối cùng thì lợi ích cũng vẫn thuộc về người dân cùng cộng sinh với đại dương. Như những gì được nhắc đến trong phim “The end of The Line”, bộ phim tài liệu được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của ký giả người Anh Quốc Charles Clover, trong đó có nhắc đến “cá dưới biển không thuộc về ngư dân, mà phải thuộc về tất cả người dân”.