Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Hội nghị Đại thẩm phán tuyên bố: Quy định về tội thông gian là vi phạm Hiến pháp và sẽ mất hiệu lực từ ngày 29/5
2020-06-01
New Southbound Policy。Ngày 29/5, Hội nghị Đại thẩm phán của Viện Tư pháp đã tiến hành phiên diễn giải thứ 791; theo đó, quy định “việc bãi nại đối với người vợ (hoặc chồng) không có hiệu lực đối với người thông gian với vợ (hoặc chồng) người đó” tại Điều 239 (về tội thông gian) Luật Hình sự và Điều 239 Bộ luật Tố tụng Hình sự là vi phạm Hiến pháp, đồng thời tuyên bố quy định này sẽ lập tức mất hiệu lực (Ảnh: CNA)
Ngày 29/5, Hội nghị Đại thẩm phán của Viện Tư pháp đã tiến hành phiên diễn giải thứ 791; theo đó, quy định “việc bãi nại đối với người vợ (hoặc chồng) không có hiệu lực đối với người thông gian với vợ (hoặc chồng) người đó” tại Điều 239 (về tội thông gian) Luật Hình sự và Điều 239 Bộ luật Tố tụng Hình sự là vi phạm Hiến pháp, đồng thời tuyên bố quy định này sẽ lập tức mất hiệu lực (Ảnh: CNA)

 Ngày 29/5, Hội nghị Đại thẩm phán của Viện Tư pháp đã tiến hành phiên diễn giải thứ 791; theo đó, quy định “việc bãi nại đối với người vợ (hoặc chồng) không có hiệu lực đối với người thông gian với vợ (hoặc chồng) người đó” tại Điều 239 (về tội thông gian) Luật Hình sự và Điều 239 Bộ luật Tố tụng Hình sự là vi phạm Hiến pháp, đồng thời tuyên bố quy định này sẽ lập tức mất hiệu lực.

 Phiên diễn giải thứ 554 của Viện Tư pháp tiến hành vào năm 2002 đã từng đưa ra cách giải thích về tội thông gian trong Luật Hình sự là phù hợp với Hiến pháp. Vào thời điểm đó, các Đại thẩm phán cho rằng hôn nhân và gia đình là cơ sở để hình thành và phát triển xã hội, được đảm bảo bởi Hiến pháp và Điều 239 Luật Hình sự là phù hợp Hiến pháp. Cùng với sự thay đổi của xã hội, khi xét xử các vụ án cản trở hôn nhân, có 19 thẩm phán cho rằng điều khoản này đã vi phạm các bảo đảm về quyền cơ bản của con người trong Hiến pháp, hạn chế các quyền cơ bản của con người và yêu cầu diễn giải Hiến pháp, ngoài ra còn có 6 bản kiến nghị của người dân, nên các Đại thẩm phán đã tiến hành thụ lý yêu cầu này sau 18 năm.

 Điều 239 Luật Hình sự quy định “Người có vợ (hoặc chồng) mà thông gian với người khác thì sẽ bị phạt tù dưới 1 năm. Người thông gian với vợ (hoặc chồng) người khác cũng bị xử phạt như vậy”. Khi xét xử vụ án cản trở hôn nhân, một thẩm phán Tòa án huyện Miêu Lật cho rằng “Tội thông gian” đã vi phạm Hiến pháp và đề nghị các Đại thẩm phán diễn giải Hiến pháp.

 Ngoài vấn đề liệu tội thông gian trong Luật Hình sự có vi phạm Hiến pháp hay không, thì việc Điều 239 Luật Hình sự quy định nếu một người khiếu nại vợ (hoặc chồng) mình tội thông gian rồi sau đó lại bãi nại sẽ không có hiệu lực đối với người thông gian với vợ (hoặc chồng) người đó, cũng là trọng tâm của cuộc biện luận diễn ra vào ngày 31/3. 12 Đại thẩm phán đã tham gia cuộc biện luận, trong đó có 4 vị đại diện nêu ý kiến. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp (cơ quan chủ quản của Luật Hình sự) – ông Thái Bích Trọng đã dẫn đầu đoàn cán bộ đến tham dự, Vụ trưởng Vụ Hình sự (cơ quan chủ quản của Bộ Luật tố tụng hình sự) – bà Bành Hạnh Minh cũng dẫn đoàn cán bộ đến nêu ý kiến.

 Các Đại thẩm phán cũng mời Giáo sư Trương Văn Trinh của Đại học Giao thông, Giáo sư Lý Niệm Tổ của Đại học Đông Ngô, Giáo sư Vương Hoàng Ngọc và Phó Giáo sư Tiết Trí Nhân của Đại học Quốc gia Đài Loan, Giáo sư Thái Thánh Vĩ của Đại học Đài Bắc, Phó Giáo sư Hoàng Sĩ Hiên của Đại học Trung Chính làm người giám định. Chủ tịch Quỹ Văn hóa-Giáo dục Tường Văn – bà Hứa Hạnh Huệ, Giám đốc điều hành Quỹ Phúc lợi xã hội Lệ Hinh (Garden of Hope Foudation) – bà Kỷ Huệ Dung đã nhận lời mời đến bày tỏ ý kiến với tư cách là “Người bạn của tòa án”.    

 Thẩm phán Ngô Chí Cường chỉ rõ: Tội thông gian không phải là nguyên nhân duy nhất khiến hôn nhân lung lay, không cần phải can thiệp bằng cách xử phạt hình sự. Ông hy vọng các Đại thẩm phán tuyên bố quy định về tội thông gian là vi phạm Hiến pháp. Về Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự, quy định thể chế sẽ dẫn đến sự không công bằng và bất bình đẳng trong việc xử phạt, đồng thời sẽ biến tướng yêu cầu duy trì hôn nhân không có ý nghĩa, bị buộc phải duy trì mối quan hệ vợ chồng giả tạo.

 Thẩm phán Hà Hiệu Cương cho biết: Tội thông gian đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân. Trong thực tiễn tòa án, hành vi thông gian rất có khả năng bị thay thế bằng bồi thường dân sự. Việc bồi thường dân sự đối với tội thông gian còn có hiệu quả răn đe cao hơn xử phạt hình sự.

 Thẩm phán Trương Uyên Sâm chỉ ra mục đích của việc quy định tội thông gian có thể là bảo vệ gia đình và thuần phong mỹ tục, tránh gây đau khổ cho người vợ (hoặc chồng). Pháp luật cho phép người dân có quyền tự quyết định việc kết hôn, ly hôn nhưng không được dùng Luật Hình sự để đe dọa hôn nhân phải chung thủy. Ông cho rằng có nhiều nỗi khổ trong hôn nhân như vấn đề mẹ chồng-nàng dâu, giáo dục con cái, vấn đề kinh tế, v.v…, quan hệ tình dục chỉ là một trong số đó, một người đau khổ trong hôn nhân không có nghĩa là người còn lại phải bị trừng phạt, đau khổ không nên trở thành lý do để trừng phạt theo Luật Hình sự.

 Thẩm phán Lâm Mạnh Hoàng cho rằng nhà nước không thể sử dụng xử phạt hình sự chỉ để thỏa mãn cảm xúc, xử phạt hình sự không thể đảm bảo sự chung thủy về mặt tình dục của các cặp vợ chồng mà sẽ chỉ đẩy nhanh sự đổ vỡ hôn nhân.

 Bà Kỷ Huệ Dung cho biết: Tội thông gian là điều khoản để xử phạt phụ nữ. Mặc dù trong các vụ án, đối tượng bị truy tố là nam giới thường nhiều hơn phụ nữ, nhưng người bị kết tội là phụ nữ lại nhiều hơn nam giới. Tội thông gian sử dụng Luật Hình sự để đe dọa những kẻ ngoại tình, hiện nay xã hội không ủng hộ việc trừng phạt thân thể để giáo dục học sinh song lại dùng cách thức đe dọa để duy trì hôn nhân. Hiện nay, các quốc gia tiên tiến đã xóa bỏ tội thông gian, việc Đài Loan vẫn còn duy trì luật này cần phải được xem xét lại. Ngoài ra, tội thông gian liên quan đến quyền riêng tư của gia đình cũng vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế.

 Vụ Hình sự thuộc Viện Tư pháp cho rằng: Cùng với sự thay đổi của thời đại, người dân ngày càng coi trọng quyền tự chủ tình dục, con người là chủ thể chứ không phải là khách thể của quyền tự chủ tình dục, Luật Dân sự đã đủ để bảo đảm quyền của người vợ (hoặc chồng), việc xây dựng luật cần theo kịp thời đại, “tội thông gian không cần thiết phải tồn tại”.

 Về quy định tại Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự, Vụ Hình sự cho biết: Theo các tài liệu thống kê, do số phụ nữ bị truy tố và kết án vì tội thông gian nhiều hơn nam giới, bất lợi cho các bị cáo nữ giới, sự ảnh hưởng bởi yếu tố giới tính vẫn còn tồn tại.

 Xã hội Đài Loan vẫn chưa có sự đồng thuận đối với việc xóa bỏ tội thông gian, cách đây 4 năm, chủ đề liệu có nên xóa bỏ tội thông gian đã được đăng trên Kênh tham dự mạng lưới chính sách công do Ủy ban Phát triển Quốc gia thuộc Viện Hành chính thiết lập, đồng thời đăng tải biên bản phiên điều trần về chủ đề “Có nên xóa bỏ việc coi thông gian là một tội hay không” và các quy định hiện hành trong Luật Dân sự, Luật Hình sự để người dân bỏ phiếu và bày tỏ ý kiến, thăm dò xu hướng và thu thập ý kiến của người dân để làm tài liệu tham khảo cho công tác sửa đổi luật. Thống kê cho thấy có 10.755 người đã bỏ phiếu, tỷ lệ những người phản đối việc xóa bỏ tội thông gian là 85%.

 6 năm trước, Bộ Tư pháp đã ủy quyền cho công ty nghiên cứu dân ý kiến hành khảo sát, trước tiên để người dân tìm hiểu rõ các quy định liên quan đến hành vi thông gian trong Luật Dân sự và Luật Hình sự hiện hành, tìm hiểu quan điểm của người dân về việc xóa bỏ tội thông gian. Kết quả khảo sát cho thấy có 77,3% số người không tán thành việc xóa bỏ tội thông gian. Cho dù Luật Dân sự đã được sửa đổi và có các biện pháp phối hợp thì vẫn có gần 70% số người được hỏi phản đối việc xóa bỏ quy định về tội thông gian.

 Ngoài ra, cách đây 3 năm, tổ chức tư nhân “Quỹ Dân ý Đài Loan” đã thực hiện cuộc thăm dò dân ý về “Xóa bỏ tội thông gian”. Kết quả cho thấy chỉ có 10% số người được hỏi rất tán thành, 16% số người tạm đồng ý, 25,1% số người không đồng ý cho lắm, 44,3% số người hoàn toàn không đồng ý, 4.6% không có ý kiến; nghĩa là có khoảng 26% số người ủng hộ việc xóa bỏ tội thông gian nhưng có đến 69% số người phản đối (bao gồm 44% phản đối mạnh mẽ).