Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ông Tăng Tình Hiền xây dựng hành lang sinh thái Đưa cá về nhà
2020-08-17

Sử dụng hành lang sinh thái, giúp loài cá bơi ngược dòng trở về nhà. Con người không nên tiếp tục giành giật tài nguyên môi trường, đồng thời cũng phải cân nhắc tới nhu cầu của các sinh vật khác và của môi trường, chú trọng xây dựng môi trường nước.

Sử dụng hành lang sinh thái, giúp loài cá bơi ngược dòng trở về nhà. Con người không nên tiếp tục giành giật tài nguyên môi trường, đồng thời cũng phải cân nhắc tới nhu cầu của các sinh vật khác và của môi trường, chú trọng xây dựng môi trường nước.
 

 Giáo sư Tăng Tình Hiền (Tzeng Chyng-shyan) ở Học viện Khoa học Đời sống, Đại học Thanh Hoa, từ nghiên cứu Ngư loại học chuyển sang lĩnh vực công trình sinh thái, với tư duy theo góc nhìn của cá, giúp những loài cá bơi ngược dòng trở về nhà, giúp cua cạn băng qua đường. Ông được phong danh hiệu là người tiên phong về bảo tồn sinh thái và kỹ thuật sinh thái sông ngòi của Đài Loan.

 

 Cứ đến đầu tháng, tại đập nước Long Ân (Longen) ở trung lưu con sông Đầu Tiền (Touqian), Tân Trúc, ta sẽ thấy một nhóm sinh viên trường Đại học Thanh Hoa ngâm mình dưới thang cá để tiến hành khảo sát sinh thái. Ngoài theo dõi các điều kiện chất lượng nước gồm nhiệt độ nước, tốc độ nước chảy và hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, còn phải vớt từng con cá con lên, nhận biết giống cá, đo chiều dài và trọng lượng của cá, rồi lại thả chúng xuống nước.

 

Thiết kế thang cá theo tư duy của loài cá

 Đứng bên bờ của đập nước Long Ân ở trung lưu con sông Đầu Tiền, ông Tăng Tình Hiền chỉ về phía con đê cách đó mười mấy mét giải thích rằng, công tác quản lý chỉnh trị sông ngòi thường được chia ra làm ba giai đoạn, đầu tiên là kiểm soát nguồn nước, xây đê kè thật cao để ngăn lũ lụt; giai đoạn thứ hai là sử dụng nguồn nước, tài nguyên nước của Đài Loan phân bố không đều giữa mùa đông và mùa hè, để khai thác nguồn nước cho các mục đích sử dụng gồm dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp và phục vụ công nghiệp, phải tạo đập chắn cát và đập ngăn nước. Về cơ bản cả hai giai đoạn này đều là vì lợi ích của “con người” mà không hề quan tâm đến nhu cầu của những sinh vật khác sinh sống trong lòng sông ngòi.

 Mãi cho tới những năm gần đây, khi ý thức bảo tồn môi trường được đề cao, bảo tồn sinh thái mới được chú trọng, nhờ vậy sông ngòi được chỉnh trị bằng kỹ thuật sinh thái, tạo thang cá, giúp những loài cá bơi ngược dòng có thể vượt qua được những trở ngại trên sông ngòi, quay trở về thượng nguồn sinh trưởng, sinh sôi, đồng thời cũng cân nhắc đến những nhu cầu khác về sinh thái và môi trường, chú trọng xây dựng môi trường nước. Đây chính là giai đoạn thứ ba trong công tác chỉnh trị sông ngòi.

 Hành lang sinh thái bên cạnh đập nước Long Ân ở con sông Đầu Tiền chính là một ví dụ. Đây là thang cá được thiết kế bởi sự hướng dẫn của ông Tăng Tình Hiền và vị giáo sư người Nhật Shunroku Nakamura. Với thiết kế kiểu bậc thang, nhìn kỹ sẽ thấy những đàn cá đang bơi lội tung tăng. Đây là một trong những công trình mà ông cảm thấy rất hài lòng. “Hãy nhìn xem thang cá này là thiết kế 2D, các bậc thang có nông có sâu, giống hệt như những bậc nhảy có độ cao khác nhau, để đáp ứng được yêu cầu nhảy của từng loại cá to hay nhỏ khi bơi ngược về thượng nguồn. Chỗ có nhiều bọt là nơi nước chảy xiết, có thể dành cho cá to và cá có khả năng nhảy mạnh”. Nhóm nghiên cứu của ông Tăng Tình Hiền đã nhiều năm tiến hành khảo sát sinh thái tại đây, họ biết được có ít nhất hơn 30 giống tôm cá sinh sống ở nơi đây, “Thang cá là để dành cho tất cả các loài cá, đó chính là cách tư duy theo góc độ của nhiều loài cá”.

 

Thang cá là thiết kế có tính hệ thống

 Cho tới nay sông ngòi của toàn Đài Loan có khoảng hơn 300 hệ thống thang cá nhưng theo tiêu chuẩn của ông Tăng Tình Hiền, đa số đều bị thất bại. Về lý do thất bại, ông thẳng thắn cho biết: “Nếu xem xét nhu cầu của cá bằng góc độ của con người thì thường sẽ không thể thành công”. Thang cá bao gồm lối vào, phần chính bên trong thang cá và lối ra, thiết kế thang cá phải có khái niệm hệ thống, mỗi một công đoạn đều có thể phát huy tác dụng mới thành công được.

 Một vấn đề hay gặp phải chính là không tìm được lối vào của thang cá. Hơn nữa, thiết kế các giai đoạn trong thang cá, ví dụ khoảng cách bậc thang quá lớn, không tính đến khả năng của cá có thể nhảy được bao xa, hoặc dòng nước chảy quá xiết, thiếu không gian cho cá nghỉ ngơi, đó đều là mấu chốt quyết định sự thành bại.

 Công việc khảo sát sinh thái ban đầu cũng rất quan trọng, phải biết được thang cá là để dành cho đối tượng nào mới có thể tạo ra một tuyến đường phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng. Hơn nữa, có một điều cũng không thể bỏ qua là cặp mắt rình rập của những kẻ chuyên săn mồi. Đứng bên cạnh đập nước Long Ân, ông Tăng Tình Hiền chỉ tay vào cò ngàng nhỏ đang đậu phía trên đập nước, “Quanh đây có rất nhiều cò ngàng nhỏ; để tránh bọn chúng lội vào thang cá săn bắt cá, tính theo độ dài của chân cò ngàng nhỏ, độ sâu của thang cá ít nhất phải sâu hơn 35cm, thì cá mới được an toàn”.
 

Ông Tăng Tình Hiền cảm thấy rất thư thái khi ở giữa những đàn cá, ông đã dành cả đời người, hết mình vì sinh thái, tạo thang cá cho cá trở về nhà.

Ông Tăng Tình Hiền cảm thấy rất thư thái khi ở giữa những đàn cá, ông đã dành cả đời người, hết mình vì sinh thái, tạo thang cá cho cá trở về nhà.
 

Vị giáo sư “mò cá”

 Ông Tăng Tình Hiền thích tự gọi mình là giáo sư “mò cá”, vốn từ nhỏ có ước muốn trở thành thợ sửa xe máy, sau khi theo học chuyên ngành Đại dương, tới lúc học thạc sĩ, nghe theo sự góp ý của giáo sư hướng dẫn, ông đã bước vào thế giới cá nước ngọt, ông từng để lại dấu chân trên khắp các sông ngòi của Đài Loan. Có rất ít người nghiên cứu về cá nước ngọt, do vậy cũng khá vất vả, phải đích thân đi tới những vùng núi sâu và nơi hoang dã để thu thập dữ liệu. Ông Tăng Tình Hiền đã từng tiến hành điều tra đại trà về số lượng các nhóm cá hồi Masu tại Công viên quốc gia Tuyết Bá (Shei-Pa National Park), mò mẫm trong dòng suối Thất Gia Loan (Cijiawan), đếm từng con cá một và ông đã làm như vậy suốt 26 năm qua.

 Thực ra, ngành học chính của ông Tăng Tình Hiền là Ngư loại học, chủ yếu là tìm hiểu sông ngòi Đài Loan có bao nhiêu giống cá, có mối quan hệ họ hàng ra sao với các giống cá của các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines thông qua phương pháp nghiên cứu bằng cách phân biệt các đặc trưng về hình thức bên ngoài như vẩy cá, xương cá và vây cá. Đến khi theo học chương trình tiến sĩ, ông Tăng Tình Hiền đã đi theo người thầy Hoàng Bỉnh Càn (Huang Pien-chien) là Viện sĩ Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, học tập phương pháp so sánh độ tương tự về trình tự DNA của các giống cá khác nhau để tìm hiểu về mối quan hệ họ hàng và khoảng cách di truyền.

 Và ông Tăng Tình Hiền đã lấy giống cá bám đá Đài Loan làm đối tượng, hoàn thành trình tự bộ gen ty thể đầu tiên của cá trên toàn thế giới, có ý nghĩa học thuật vô cùng quan trọng.

 

Trở thành cầu nối giữa loài cá và công trình

 “Ngư loại học chủ yếu là để ứng dụng vào học thuật, nhưng tiến hành điều tra thực địa nhiều năm như vậy, phát hiện số lượng các giống cá trong sông ngòi ngày càng ít đi, ông mới chợt nhận ra rằng những công trình thủy lợi không phù hợp từ lâu nay đã phá hoại sinh thái”. Người làm công trình thì không hiểu về sinh thái, còn chuyên gia về sinh thái thì lại không hiểu về công trình nên khó mà ngăn chặn được những thảm họa về sinh thái. Thật may là ông Tăng Tình Hiền gặp được giáo sư người Nhật Bản Shunroku Nakamura - nhân vật tầm cỡ có tư duy mới về thang cá đã gợi ý cho ông: “Những học giả nghiên cứu về Ngư loại học phải biết cách giải thích với những người làm công trình về việc công trình cần được xem xét từ góc độ nào, mới không gây nguy hại cho sinh thái và môi trường”.

 Ông Tăng Tình Hiền bắt đầu học hỏi những kiến thức liên quan đến thang cá từ giáo sư Shunroku Nakamura, bao gồm trắc địa học, cơ học chất lưu, học cách đối thoại với người làm chuyên môn công trình. Kinh nghiệm tích lũy nhiều năm đã giúp ông Tăng Tình Hiền có đủ tự tin rằng, những thang cá chỉ cần do ông tự tay thiết kế hoặc chỉnh sửa đều sẽ thành công. Ví dụ như đập chắn nước thuộc hồ điều tiết Trung Trang (JhongJhuang) trên sông Đại Hán (Dahan) ở Đào Viên, hay các thang cá thuộc các đập nước như đập Mã Yên (Ma-an) thuộc sông Đại Giáp ở Đài Trung, đập chắn nước Tập Tập (Jiji) thuộc sông Trọc Thủy ở Nam Đầu.

 

Tìm hướng đi cho cuộc sống

 Tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu về thang cá đã hơn 35 năm, ông đã rất rộng rãi chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Ông từng đến tỉnh Thanh Hải ở Trung Quốc, dạy cho bà con người Tây Tạng cách làm thang cá, mỗi năm giúp cho hàng trăm triệu con cá bơi ngược dòng về thượng nguồn đẻ trứng, bảo tồn tài nguyên sinh thái cá chép không vảy cho hồ Thanh Hải.

 Ông Tăng Tình Hiền cũng rất quan tâm đến sinh thái của cua lông tại sông Đầu Tiền, quan sát thấy thói quen sinh hoạt và hành vi di chuyển của cua lông. Khi thiết kế thang cá, ông cũng đặc biệt tạo ra những đường rãnh ở mép tường, còn cho buộc thêm dây thừng để cua lông có thể trèo lên vượt qua đập ngăn nước.

 Năm 2017, ông Tăng Tình Hiền được Chương trình tài trợ thực hiện ước mơ Keep Walking hỗ trợ kinh phí, đến xã Mãn Châu, huyện Bình Đông là nơi tài nguyên tương đối khan hiếm để hỗ trợ cho những tình nguyện viên  làm công tác bảo tồn ở địa phương thiết lập hành lang sinh thái bảo vệ cua. Do mở đường, vào mùa hè và mùa thu hàng năm, cua cái đang mang trứng sống trong cánh rừng ở mép núi thường bị cán chết mỗi khi băng qua đường để ra biển đẻ trứng. Thương cho số kiếp loài cua, ông Tăng Tình Hiền đã trực tiếp bắt tay vào làm. Ông hướng dẫn sinh viên thiết kế, lắp ráp, quan sát và giám sát, thiết lập hệ thống hành lang sinh vật an toàn dành cho cua cạn tại địa phương. Chính vì vậy, ông đã dành được danh hiệu là một trong 3 “Nhà thám hiểm người Hoa của National Geographic năm 2017” do tạp chí National Geographic bình chọn.

 Năm 2018, ông được ban quản lý Công viên Quốc gia Khẩn Đinh (Kenting National Park) ủy quyền, đồng thời hỗ trợ Tổng cục Đường bộ thiết kế hệ thống hành lang sinh thái  cho cua cạn  trên tuyến tỉnh lộ số 26 dọc bờ biển Khẩn Đinh. Ông sử dụng bức tường bằng vải bạt, kết hợp với dây thừng ở đường cống ngầm, tạo ra “đường đi cho cua” để bảo vệ sinh thái, đạt được hiệu quả rất tốt. Thật tiếc là vào giữa năm 2019, do rất nhiều yếu tố bất khả kháng nên chương trình bị ngưng lại. Vì vậy ông Tăng Tình Hiền cảm thấy rất tiếc, “Mỗi một lần thử nghiệm thường là chưa được hoàn hảo nhưng như vậy luôn có cơ hội để cải tiến, chúng ta có lẽ sẽ học được kinh nghiệm từ đó, mà không phải là hoàn toàn từ bỏ”. Ông Tăng Tình Hiền biết rất rõ rằng, rất nhiều loài cá đều cần có hành lang sinh thái, “Nếu hiểu được nhu cầu của cá thì chúng ta phải làm, nỗ lực hết sức để công trình được thành công, như vậy mới là thái độ thực sự muốn giải quyết vấn đề”.

 Nghiên cứu về các loài cá đã từ rất lâu, ông Tăng Tình Hiền thường bị loài cá làm cho cảm động. “Chúng thực sự rất giỏi!”, ông lấy ví dụ về câu chuyện cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch ngắm cá gắng sức bơi ngược về thượng nguồn, “Tôi từng đến Chiết Giang để hỏi kinh nghiệm của chuyên gia nghiên cứu về Ngư loại học tại địa phương, được chứng thực rằng cảnh tượng cá bơi ngược dòng về thượng nguồn đúng là đã từng tồn tại. Thật đáng tiếc do ô nhiễm môi trường nên tới nay rất hiếm khi còn được thấy cảnh tượng như vậy”.

 Ông Tăng Tình Hiền thấy được tinh thần không sợ gian nan, nỗ lực không biết mệt mỏi của loài cá, còn chúng ta thấy được ở nhà học giả sinh thái này tình yêu thiên nhiên, cũng như sự nhiệt huyết và thái độ không ngừng học hỏi của ông.