Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
“Bản sắc Khách Gia” trỗi dậy! Ông Trịnh Vinh Hưng – người phục hưng nhạc kịch Khách Gia
2021-05-17

Ông Trịnh Vinh Hưng – người phục hưng nhạc kịch Khách Gia

 

 Nhạc kịch Khách Gia (Hakka) bắt nguồn từ thể loại “Nhạc kịch hái trà 3 vai”, là loại hình nhạc kịch mang đậm bản sắc Đài Loan, trải qua sự gột rửa của thời đại, từ cực thịnh cho tới suy tàn, một lần nữa được chấn hưng và trỗi dậy từ đáy vực. Ông Trịnh Vinh Hưng (Cheng Rom-shing) là người kế thừa đời thứ 5 Đoàn nhạc Bắc quản Bát âm của gánh hát họ Trần tại huyện Miêu Lật (Miaoli) và là cháu của bà Trịnh Mỹ Muội (Cheng Mei-mei) - đào hát nổi tiếng của sân khấu Nhạc kịch hái trà Khách Gia thập niên 1950, đã trở thành người phải gánh vác trách nhiệm kế tục sự nghiệp.

 

 Từ chốn làng quê tới Nhà hát Quốc gia, rồi lại được truyền đi khắp bốn phương, “Đoàn nhạc kịch hái trà Khách Gia Rom Shing” (Rom Shing Hakka Opera Troupe) tạo ra giá trị bất hủ cho Nhạc kịch Khách Gia bởi vừa được ca ngợi vừa đạt doanh thu cao. Nhiều năm qua, đoàn nhạc kịch này đã được Bộ Giáo dục trao tặng nhiều giải thưởng quan trọng như “Giải thưởng di sản nghệ thuật dân tộc”, “Giải thưởng đoàn thể cống hiến về quảng bá giáo dục xã hội” và “Giải thưởng đoàn thể công ích về giáo dục xã hội”. Đồng thời tại Lễ trao giải “Giai điệu vàng lĩnh vực Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống”, đoàn đã 6 năm liên tiếp nhận các giải thưởng bao gồm “Giải thưởng biểu diễn xuất sắc nhất” và “Giải thưởng xuất bản video nghệ thuật biểu diễn truyền thống xuất sắc nhất”.

 

Hồn nhạc Khách Gia thấm sâu vào tế bào

 Ông Trịnh Vinh Hưng sinh ra và lớn lên trong Đoàn nhạc Bắc quản Bát âm của gánh hát họ Trần ở Miêu Lật. Là người kế thừa, ông đã khiến nhạc kịch Khách Gia một lần nữa phục hưng, giúp khán thính giả trong và ngoài nước được thỏa nỗi nhớ quê hương. “Hồi 6 tuổi tôi đã phát hành đĩa nhạc rồi”, cả cuộc đời ông Trịnh Vĩnh Hưng gắn bó với nhạc kịch Khách Gia, sống trong gia đình có học vấn uyên bác, với sự rèn giũa nghiêm khắc của “Nhất Đại Tông Sư” - ông nội Trần Khánh Tùng (Chen Qing-song) và người cha Trịnh Thủy Hỏa (Cheng Shuihuo), vốn có tư chất thông minh nên ông đã thể hiện tài năng nổi bật từ rất sớm.

 “Trong âm nhạc Khách Gia, bất kể là nhạc cụ hay phong cách, đều tạo được nét đặc trưng riêng”. Tốt nghiệp khóa đầu tiên khoa Âm nhạc, Đại học Đông Ngô (Soochow University), khóa đầu tiên khoa Âm nhạc Trung Quốc, Đại học Văn Hóa, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan và bằng DEA (bằng cao học định hướng nghiên cứu) của Đại học Paris III - New Sorbonne ở Pháp, ông Trịnh Vinh Hưng là người tiên phong biết nhìn xa trông rộng. Năm 1988, ông tiếp quản “Đoàn nhạc kịch hái trà Khách Gia Rom Shing” (tên thường gọi là Đoàn kịch Rom Shing) được thành lập bởi “Gánh hát hái trà Qing-Mei” (tên thường gọi là Gánh hát Qing-Mei) của ông bà nội mình, nỗ lực kế thừa phát huy nghệ thuật nhạc kịch Khách Gia, nhiều năm nay đã đạt được vô số giải thưởng, vang danh quốc tế.

 “Vì trong nhạc kịch Khách Gia truyền thống luôn phải hát giọng cao vút nên phải sử dụng cây đàn “panghu” (đàn hồ hai dây) có âm thanh trầm thấp phối hợp để tạo sự cân bằng”. Loại âm điệu và âm sắc không gì có thể thay thế này chính là điều khiến người xem bị đắm chìm và hoài niệm nhất trong nhạc kịch Khách Gia.

 

Nhạc kịch Khách gia làm xiêu lòng khán giả

 “Trong vở nhạc kịch hái trà 3 vai, một người phải gánh vác nhiều vai trò gồm diễn viên, kéo đàn, đánh trống, đây là cách biểu diễn tiết kiệm chi phí nhất”. Biến những tuồng kịch nhỏ dân dã bắt nguồn từ các lễ hội đền chùa tại các vùng núi, dàn dựng thành những vở nhạc kịch có tình tiết phong phú, các nhân vật trên sân khấu sẽ được chia thành các vai chính bao gồm: sinh (vai nam), đán (vai nữ), tịnh (vai tà), mạt (vai già), sửu (vai xấu xa hay vai hề). Chỉ riêng năm 2014, đoàn đã 10 lần biểu diễn các vở nhạc kịch Khách Gia tại “Nhà hát kịch Quốc gia”, trong đó ông Trịnh Vinh Hưng giữ một vai trò then chốt.

 “Từ biên kịch cho tới chính thức biểu diễn, ít nhất phải mất cả một năm”. Các vở kịch được gọt giũa rất công phu, mỗi lần ra mắt đều gây chấn động. “Cùng một vở nhạc kịch, biểu diễn ở những nơi khác nhau phải điều chỉnh lại ánh sáng, vị trí di chuyển”. Việc sử dụng những khái niệm tiên tiến của nghệ thuật sân khấu hiện đại khiến nhạc kịch truyền thống trở nên tinh tế hơn. 

 “Có thể tái hiện vở nhạc kịch Khách Gia tại thành phố Đài Bắc, đúng là một kỳ tích”. Năm 1987, chính quyền thành phố Đài Bắc ủy thác Quỹ Nghệ thuật Dân gian Trung Hoa tổ chức “Lễ hội Nghệ thuật Khách gia” lần đầu tiên tại Công viên Mới Đài Bắc (Công viên Hòa bình 228). Ông Trịnh Vinh Hưng hăng hái xung phong xin vị ân sư Hứa Thường Huệ (Hsu Tsang-houei) cho phép trở về Miêu Lật, sắp xếp lại gánh hát Khách Gia của gia tộc. Có lẽ đó cũng là ý trời, gánh hát “Qing-Mei” vốn được lấy từ tên gọi của ông nội và bà nội mỗi người một chữ để đặt tên, nhưng sau đó đã bị giải tán khi bà nội qua đời. Tuy nhiên, tại “Lễ hội Nghệ thuật Khách Gia” lần này, ngẫu nhiên lại sử dụng “Rom Shing”, tên của của người cháu để phục hưng, tiếp tục kế thừa phát huy qua nhiều thế hệ, tái hiện sân khấu.

 “Lần biểu diễn đó vô cùng thành công”, vở nhạc kịch Khách Gia đã vắng bóng nhiều năm, nay được những bà con Khách Gia từ lâu mong đợi nhanh chóng truyền miệng cho nhau gây chấn động. “Sau khi trình diễn chính thức tại Lễ hội Nghệ thuật Khách Gia, chúng tôi đã liên tục nhận được lời mời biểu diễn”. Ba năm trước khi tới trình diễn tại “Nhà hát Quốc gia”, từ năm 1992, “Đoàn kịch Rom Shing” đã bắt đầu đi biểu diễn ở nước ngoài, liên tục nhận được lời đánh giá cao của những nơi từng đến lưu diễn.

 “Giá trị tinh hoa nhất của kịch Khách Gia, đó là trung hiếu tiết nghĩa”. Trong những thập niên khi giáo dục chưa được phổ cập, nhạc kịch giữ chức năng giáo dục cực kỳ quan trọng. Từ lời thoại tiếng Khách Gia đến phối nhạc, từ việc nghiên cứu đạo cụ cho tới hóa trang trang phục, ông Trịnh Vinh Hưng đều thận trọng cân nhắc từng chi tiết. “Mỗi lần chúng tôi ra nước ngoài trình diễn, chắc chắn sẽ chuẩn bị một vở diễn mới nhất”.

 

Tiếp nối thế hệ, tiếp thêm nguồn sống mới

 “Bà nội bắt đầu học diễn kịch 3 vai từ hồi 5, 6 tuổi và bắt đầu tham gia diễn xuất nhạc kịch từ lúc 10 tuổi”. Lớn lên ngay tại sân khấu kịch, ông Trịnh Vĩnh Hưng trở thành chuyên gia nhạc kịch như một lẽ tự nhiên, bất kể là lời thoại tiếng Khách Gia, tiếng Quan Thoại hay tiếng Mân Nam, đối với ông đều không có gì khó khăn. Trong vở nhạc kịch Khách Gia có tên “Bá Vương Ngu Cơ” theo điển tích Hán Sở tranh hùng do Giáo sư Tăng Vĩnh Nghĩa (Tseng Yong-yih) biên soạn, ông Trịnh Vinh Hưng thử dùng phương pháp “3 trong 1”, tổng hợp 3 loại ca kịch gồm Ca tử hí, Nhạc kịch Khách Gia và Kinh kịch làm một. Tác phẩm sân khấu sáng tạo này đã đoạt “Giải thưởng xuất bản video nghệ thuật biểu diễn truyền thống xuất sắc nhất” tại “Lễ trao giải Giai điệu vàng lĩnh vực Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 25”. Ngoài việc trình diễn các vở kịch lịch sử Trung Quốc truyền thống, “Đoàn kịch Rom Shing” còn đưa thêm vào vở kịch kinh điển Shakespeare của phương Tây, “Chúng tôi muốn thể hiện sự sáng tạo trong truyền thống”.

 Diễn viên là linh hồn của vở kịch, sự tiếp nối thế hệ luôn là mục tiêu nỗ lực hướng tới của ông Trịnh Vinh Hưng. Tuy nhiên, tới sau cùng thể loại kịch truyền thống vẫn phải đối mặt bài toán khó của diễn viên bị già hóa. “Trong lĩnh vực bồi dưỡng nhân tài, chúng tôi đã làm rất tốt”. Ông có kế hoạch đào tạo nâng cao cho tất cả các vở kịch, đến nay trên sân khấu từ trên xuống dưới, từ trước ra sau đều là những gương mặt trẻ, tiếp thêm nguồn sống mới cho nhạc kịch Khách Gia. Ba thế hệ: lớp trẻ, lớp trung niên và lớp người cao tuổi cùng tiếp sức kế thừa phát huy từ các tuồng diễn văn võ cho tới diễn viên và nhân viên hành chính, đã tạo ra một đội ngũ hoàng kim gần 50 người có năng lực toàn diện, thể hiện vô cùng xuất sắc. Ngoài ra, ông Trịnh Vinh Hưng cũng nỗ lực thúc đẩy chương trình quảng bá giáo dục cho dân chúng và học viên để có thêm nhiều người hiểu biết và yêu thích nét nhân văn của kịch Khách Gia mang đậm bản sắc Đài Loan.

 Ông Trịnh Vinh Hưng đã mang trong mình sứ mệnh ngay từ khi sinh ra, mọi vầng hào quang chỉ là để tạo động lực giúp ông cố gắng không từ bỏ cơ nghiệp của cha ông. Kể từ khi mở khoa Ca tử hí tại Trường Thực nghiệm Nghệ thuật Nhạc kịch Phục Hưng vào năm 1994, cho tới khi làm Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Quốc gia Đài Loan, sau đó lại thành lập “Học viện kịch Khách Gia”, ông Trịnh Vinh Hưng không hề thấy hối tiếc, luôn dốc hết sức lực để phục hưng và bảo tồn nhạc kịch của dân tộc. 

 “Mỗi dịp đi nước ngoài trình diễn là tôi thấy đau đầu”. Vì phải huy động một khoản kinh phí lên tới vài triệu Đài tệ cho chuyến đi, chỉ dựa vào doanh thu bán vé là không đủ chi phí. “Sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con trở thành hậu thuẫn lớn nhất để giúp chúng tôi tiếp tục tiến lên”. Những khán giả đầy lòng nhiệt huyết như thế đều đã trở thành những người bạn tâm giao, không đợi ông Trịnh Vinh Hưng mở miệng, họ luôn hào phóng giúp đỡ để giải quyết sự cấp bách trước mắt. Danh sách những nhà tài trợ từ lâu đã khắc sâu trong tâm khảm của ông Trịnh Vinh Hưng, ông luôn luôn biết ơn và cũng nhắc nhở bản thân không được phụ lòng mọi người.

 Tấm màn sân khấu một lần nữa lại được kéo dần lên trong tiếng nhạc hùng hồn của những tuồng diễn văn võ và ánh đèn sân khấu rực rỡ cũng bừng sáng lên trong nháy mắt, vở nhạc kịch Khách Gia này sẽ được “Đoàn kịch Rom Shing” hát vang hàng nghìn năm.