Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tôi tỏa sáng nhờ Đài Loan Nguyễn Thu Hằng – Người phá vỡ định kiến
2021-05-24

Anh John Li hết lòng trợ giúp vợ quản lý kênh YouTube HangTV, làm nơi truyền tải, giao lưu văn hóa Đài – Việt. (Ảnh: Jimmy Lin)

Anh John Li hết lòng trợ giúp vợ quản lý kênh YouTube HangTV, làm nơi truyền tải, giao lưu văn hóa Đài – Việt. (Ảnh: Jimmy Lin)
 

 Nguyễn Thu Hằng, cô giáo dạy tiếng Việt, cũng là người viết cuốn sách Phát âm tiếng Việt dành cho người Đài Loan, được mời dẫn chương trình Quốc khánh Đài Loan năm 2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, một tân di dân làm người dẫn chương trình trong sự kiện trọng đại này. Chẳng những vậy, Thu Hằng còn nắm bắt được trào lưu mới, quản lý kênh YouTube HangTV và trở thành Youtuber có hơn 100.000 người hâm mộ. Kênh YouTube HangTV là kênh giới thiệu về văn hóa Việt Nam và Đài Loan.

 

 Nguyễn Thu Hằng được mời làm MC trong Triển lãm Taiwan Expo (Triển lãm Thương mại sản phẩm Đài Loan) tại Hà Nội, Việt Nam do Hiệp hội Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức. Trong tà áo dài Việt Nam dịu dàng thước tha, Thu Hằng dẫn chương trình với tác phong rất chuyên nghiệp. Cô giới thiệu năng lực thương mại tuyệt vời của Đài Loan với doanh nghiệp Việt Nam bằng khả năng thông thạo cả tiếng Trung và tiếng Việt của mình. 

 Nguyễn Thu Hằng thường được Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc mời làm MC trong các buổi dạ tiệc do văn phòng tổ chức. Năm nay, Thu Hằng còn là giảng viên dạy “Tiếng Việt sơ cấp” tại trường đại học Thế Tân (Shih Hsin University ), đồng thời Hằng cũng đang lên kế hoạch viết sách “Cách phát âm tiếng Việt” tập 2. Ngoài ra, cô còn là Youtuber nổi tiếng trên kênh YouTube HangTV, mỗi tuần Hằng phải quay và sản xuất video, cuộc sống của cô rất bận rộn nhưng vô cùng phong phú.

 Nhớ năm xưa, sau khi Thu Hằng tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam, không có việc gì làm nên chỉ biết chơi game cả ngày. Đến năm 2010, cô quyết định sang Đài Loan du học, không ngờ quyết định này trở thành bước ngoặt lớn khiến cuộc đời cô tỏa sáng.

 

Đời du học sinh gian khổ

 “Lúc đó mẹ làm công việc giúp việc gia đình ở Đài Loan được 17.000 Đài tệ/tháng nhưng học phí của tôi phải đến 36.000 Đài tệ/học kỳ, mẹ lại còn phải trả nợ giúp gia đình nữa”. Để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, năm đầu tiên Thu Hằng cùng mẹ ở tại nhà chủ của mẹ để tiết kiệm tiền thuê nhà, Hằng tận dụng thời gian không có tiết học, thời gian nghỉ đông, nghỉ hè nỗ lực làm việc kiếm tiền.

 “Tôi thích nhất là thời gian nghỉ hè vì đây là thời điểm mà chính phủ không hạn chế số giờ làm việc của sinh viên nước ngoài”. Buổi sáng, Thu Hằng làm ở tiệm ăn sáng MEI & MEI, trưa thì chạy đi làm ở tiệm cơm tự chọn, buổi chiều đến bán tại tiệm bán vé số, buổi tối thì chạy bàn ở tiệm ăn. “Tôi là một đứa trẻ nghèo đến từ Đông Nam Á, tôi đến Đài Loan là để tìm cơ hội đổi đời”, Nguyễn Thu Hằng nói. Và cơ hội cũng đã mỉm cười với cô. Năm 2015, Thu Hằng được đài truyền hình CTS mời đến tham dự chương trình Tân Di dân và cô đã quen anh John Li, người làm dịch vụ quảng cáo truyền thông khi anh đến làm việc thay bạn anh. Cuộc gặp gỡ tình cờ này đã khiến cho hai người đến với nhau.

 Để thu hút mọi người học tiếng Việt, hai người đã cùng nhau mày mò nghiên cứu cách giảng dạy. Họ đã dùng bài hát “Bạn bè” của ca sĩ Châu Hoa Kiện mà mọi người đều nằm lòng để sản xuất thành video dạy tiếng Việt và mang đi tham dự Cuộc thi Video dành cho lao động di trú và du học sinh với tư cách nghiệp dư. Video này đã được hơn 100 lượt chia sẻ, vô tình giúp cho trang Fanpage Facebook của họ tích lũy được hàng ngàn fan hâm mộ.

 Thời điểm đó vừa đúng lúc nổi lên trào lưu làm YouTube, họ liền nắm bắt ngay cơ hội này, thành lập kênh YouTube HangTV vào cuối năm 2016. Thu Hằng đã sản xuất các clip với chủ đề như dạy tiếng Việt, tự thuật, kinh nghiệm sống ở Đài Loan để đăng tải lên YouTube.

 

Dùng sinh mạng thắp sáng tương lai cho con gái

 Trong các video clip của kênh YouTube “Hang TV”, video “Mẹ của tớ là osin” đã làm cảm động không biết bao nhiêu cư dân mạng. Năm 2018, mẹ cô hết hạn hợp đồng làm việc tại Đài Loan, chuẩn bị về Việt Nam, khi đưa bà ra sân bay về nước ai cũng rớt nước mắt, nhất là người chủ của mẹ cứ khóc như mưa trong khi mẹ cô không rơi một giọt nước mắt. Tại sao bà không khóc? Đây là điều mà các cư dân mạng không thể nào lý giải.

 “Thực ra tôi rất thương mẹ! Trước khi đến Đài Loan làm việc, mẹ là 1 người rất yếu đuối, mỗi khi gặp chuyện là bà suy nghĩ rất nhiều, thậm chí khóc đến ngất đi!”, Thu Hằng giải thích.

 Nhưng sau 14 năm làm việc tại Đài Loan, mẹ trở thành một người vô cùng cứng rắn, trong lòng vui hay buồn cũng không thể hiện ra ngoài. “Mẹ tôi một mình ôm trọn sự cô đơn, nỗi nhớ người thân ray rứt cùng nỗi cực khổ của công việc. Khi rời khỏi Đài Loan, mắt bà khô quánh vì không còn nước mắt để khóc nữa. Bà một mạch bước vào cổng hải quan mà không quay đầu nhìn lại”, Thu Hằng rưng rưng nói.

 Sau một hồi lưỡng lự, Thu Hằng thổ lộ: “Sau này tôi mới biết, khi mẹ mới đến Đài Loan, một ngày chủ thuê chỉ cho bà ăn 1 hộp cơm hộp, buổi trưa ăn nửa hộp cơm, tối ăn phần còn lại!”. Thậm chí khi bà nội mất, mẹ Thu Hằng không thể về đưa tang, Thu Hằng chỉ có thể đọc điếu văn của mẹ gửi từ Đài Loan về trong tang lễ khiến cho người thân có mặt không thể kìm được nước mắt!

 Mẹ Hằng hy vọng các con có thể lấy được người chồng tốt nhưng sau khi kết thúc công việc, về đến Việt Nam, bà phát hiện nhà vẫn nghèo như ngày nào, nếu có người đến hỏi cưới thì e rằng cảnh ngộ này sẽ cản trở tương lai của các con. Vậy là bà mượn tiền của bà con họ hàng xây ngôi nhà mới, lo cho con gái ăn học và cũng vì vậy, bà lại phải sang Đài Loan làm việc lần nữa để kiếm tiền trả nợ. 

 

Phá vỡ định kiến

 Nguyễn Thu Hằng và anh John Li nên duyên vợ chồng vào năm 2018, hai người cùng tạo dựng kênh YouTube HangTV, đến nay đã có hơn 100.000 người đăng ký theo dõi (Subscribe), đạt được thành tích đáng kinh ngạc. Hai vợ chồng Thu Hằng cảm nhận sâu sắc những ấn tượng rập khuôn ăn sâu trong tâm trí của người Đài Loan cũng như người Việt Nam do cả hai bên hầu như không hiểu biết rõ phong tục tập quán, văn hóa... của nhau. Do đó, Thu Hằng hy vọng có thể cung cấp cho khán giả quan điểm đa dạng hơn thông qua câu chuyện của mình cùng với cái nhìn từ góc độ của người Đài Loan (chồng cô) để bắt nhịp cầu truyền tải thông tin, giao lưu văn hóa giữa Đài Loan và Việt Nam.

 Nguyễn Thu Hằng giãi bày, chẳng hạn như người Đài Loan khi mới nghe nói tôi đến từ Việt Nam thì họ liền hỏi: “Cô là cô dâu Việt Nam gả sang Đài Loan à?”-“Tôi là du học sinh Việt Nam đến Đài Loan du học”-“Vậy thì chắc chắn là nhà cô giàu lắm?”-“Tôi là du học sinh nghèo, tôi phải nỗ lực làm việc mới có tiền đóng học phí!”-“Cô lấy chồng Đài Loan nhất định là thông qua môi giới, chồng cô chắc chắn vừa già vừa xấu!”. Mới đầu Thu Hằng rất giận khi nghe họ hỏi như vậy nhưng lâu dần cô phát hiện: “Ngay cả người Việt Nam khi biết tôi lấy chồng Đài Loan, phản ứng của số đông là “Tôi lấy chồng vì tiền!”. Làm sao để phá vỡ cái nhìn phiến diện và định kiến này đã trở thành tôn chỉ trong việc sản xuất các video của hai vợ chồng Thu Hằng và cũng là trách nhiệm xã hội mà hai vợ chồng cô tự đặt ra cho mình.

 Khi Thu Hằng dẫn chương trình trong các buổi lễ trọng đại, đơn vị tổ chức thường giới thiệu cô là “Tân di dân người Việt Nam”, “Youtuber nổi tiếng đến từ Việt Nam”. Nguyễn Thu Hằng nói: “Tất cả các danh hiệu đó đều là tôi, tuy nhiên tôi không thích được người ta giới thiệu tôi là Chu Tử Du của Việt Nam. Tôi hy vọng những người biết tôi có thể gọi tôi là “Nguyễn Thu Hằng của Việt Nam”.