Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Hương vị mát lạnh của trái cây bản địa Kem xương rồng Bành Hồ và kem xoài Ngọc Tỉnh
2021-06-21

Cô chủ Tạ Ngọc Linh của quán 23.5 Cactus Sorbet cho rằng xương rồng có thể trở thành thương hiệu quốc tế của Bành Hồ.

Cô chủ Tạ Ngọc Linh của quán 23.5 Cactus Sorbet cho rằng xương rồng có thể trở thành thương hiệu quốc tế của Bành Hồ.
 

 Đến nơi sản xuất trái cây để ăn kem trái cây là điểm đến thu hút nhiều du khách. Mỗi miếng kem đều là hương vị tươi ngon, là niềm kiêu hãnh của người dân địa phương, là nhân chứng tốt nhất cho lịch sử của các thị trấn nhỏ này.

 

 Kem xương rồng là món kem đặc sản của Bành Hồ, cây xương rồng bà ở đảo mọc dọc theo bờ biển, dù trước phong ba hay nắng gắt vẫn đơm hoa kết trái thành những quả ngọt mọng nước màu tím đỏ. Cũng giống như như “tinh thần miền biển” chịu thương chịu khó của người Bành Hồ, trên bờ không có vật liệu xây dựng thì đổi sang dùng đá san hô dưới đáy biển để làm vật liệu, chưa bao giờ lùi bước trước các hạn chế do môi trường.

 

Ăn kem xương rồng tại cầu vượt biển

 Người dân địa phương Bành Hồ thường nhắc nhở du khách phải tránh xa những cây xương rồng, nếu không, khi bị các gai nhỏ đến nỗi mắt thường cũng không thể nhìn thấy của cây xương rồng đâm phải sẽ khó mà nhổ ra được. Nhưng ở đây lại có người đàn ông thần thái ung dung đứng giữa các khóm xương rồng, anh ngó quanh ngó quẩn để tìm kiếm mục tiêu “ra tay”. Anh là Dịch Anh Tín (Yi, Ying-xin), ông chủ đời thứ hai của tiệm kem xương rồng Dịch Gia. Khoảng 30 năm trước, trong một lần tham gia lớp học quan sát dã ngoại của trường tiểu học, anh đã phát hiện khóm cây xương rồng ở gần trường tiểu học Hậu Liêu, do hiếu kỳ, anh đã bẻ vài quả xương rồng về tặng cho mẹ, cũng vì món quà đặc biệt này mà sau đó đã mang đến cơ duyên bán kem xương rồng của gia đình họ Dịch.

 Khi được hỏi về bí quyết chọn quả xương rồng, câu trả lời của anh Dịch Anh Tín khiến người ta ngạc nhiên, “màu đỏ sẽ chua, xanh mới ngọt!”. Anh cẩn thận cầm những quả xương rồng đầy gai lên, nhanh thoăn thoắt, anh dùng gai cứng của chính cây xương rồng để vạch phần ngọn của quả ra, loại bỏ những phần gai ẩn, lọc ra phần thịt đỏ tươi. “Ban đầu không ai dám ăn cả”, anh hồi tưởng lại, kem xương rồng mang gam màu mạnh mẽ khiến nhiều người thấy sợ, vì muốn thu hút khách đến nếm thử, cha mẹ anh đã đến cầu vượt biển Bành Hồ tặng cho du khách ăn miễn phí, từ đó mọi người mới dần dần chấp nhận loại kem có màu sắc rực rỡ này.

 Kem xương rồng Dịch Gia là loại kem vừa giống kem tươi vừa giống kem đá bào, vừa có cảm giác đá bào nhuyễn lại vừa có độ kết dính do chất keo của xương rồng tạo nên. Vị kem chua chua ngọt ngọt, đan xen hương thảo mộc và hương trái cây dịu nhẹ. Để tăng thêm hương vị cho kem, nhà anh còn đặc biệt cho thêm khoai môn vào chế biến, tuy nhiên khi ăn lại không thấy sệt dính khó ăn. Đạo diễn nổi tiếng Ngô Niệm Chân từng miêu tả: “Đây chính là cuộc gặp gỡ màu đỏ tía giữa vị giác và ngày hè”.

 Người tạo ra món kem này chính là bà Dịch Trịnh Thu Chi – mẹ của anh Dịch Anh Tín. Bà nhớ lại cảnh tượng năm xưa khi nhìn thấy quả xương rồng con trai mang về, phản ứng của bà lúc bấy giờ là “Đây là cái gì?”, định đem đi bỏ nhưng lại không nỡ, vì đây là tấm lòng hiếu thảo của con nên bà mới đem những quả xương rồng đỏ tươi này để trong tiệm trà Hương như của gia đình họ Dịch. Không ngờ hành động vô tình này lại gây được sự chú ý của khách, toàn bộ số quả xương rồng đó đã được bán sạch. Vì thế mà bà Dịch Trịnh Thu Chi bắt đầu có ý tưởng dùng xương rồng để làm thành kem, và câu chuyện về món kem xương rồng Bành Hồ cũng bắt đầu từ đây.

 

Tiệm kem xương rồng thử nghiệm các đặc sản Bành Hồ

 Tiệm kem xương rồng 23.5 Cactus Sorbet nằm ở khu trung tâm đảo Mã Công, cửa tiệm không những có phong cách thiết kế mạnh mẽ, mà còn nghiên cứu ra loại kem Ý khác với hương vị truyền thống. Màu sắc rực rỡ của kem thu hút ánh mắt khách hàng, nhiều cô gái trẻ dùng điện thoại chụp lại nụ cười ngọt ngào của mình cùng với cây kem trên tay.

 Thật ra, ban đầu tiệm kem liên tục được chọn làm điểm “check-in” này chỉ định bán đá bào trân châu, do nhận được nhiều ý kiến góp ý của các vị tiền bối, cuối cùng cô chủ Tạ Ngọc Linh (Xie,Yu-ling) mới quyết định mạo hiểm nghiên cứu cách làm “trân châu xương rồng”.

 Nước cốt xương rồng sẽ mất màu khi gặp nhiệt độ cao, trân châu xương rồng vốn có màu đỏ tía, nhưng chỉ cần nấu khoảng 6 phút với nhiệt độ 100 độ C thì sẽ từ từ ngả sang màu nâu, mất đi màu sắc độc đáo của quả xương rồng. Để có thể giữ màu, cô Tạ Ngọc Linh đã cùng đối tác nghĩ ra các phương pháp chế biến tưởng chừng như viển vông, đó là bỏ cả quả xương rồng còn vỏ vào xay nhuyễn lấy nước, nấu thành nước cốt đậm đặc gấp 26 lần, rồi sau đó phơi khô làm thành bột để chế biến thành trân châu.

 Cô Tạ Ngọc Linh không hi vọng trân châu xương rồng trở thành phụ liệu rẻ tiền trong các món thức uống nên  đã quyết định làm kem, rắc những hạt trân châu long lanh có màu đỏ rực trông như hồng ngọc lên trên, có vậy khách hàng mới chú ý thấy được thành quả khó khăn lắm mới có được này của mình. Kem xương rồng của 23.5 Cactus Sorbet chỉ dùng nguyên liệu là nước trái cây, nước và đường, không thêm bất kỳ chất nhũ hóa nào khác. Vì thế, kem do cô làm không có độ dính như những loại kem khác, chỉ là kem đá mịn và đặc, ngậm trong miệng một lát đã tan thành nước trái cây, lắng đọng lại hương hoa quả dịu nhẹ.

 Ngoài kem xương rồng màu đỏ tía, trong tiệm còn có kem rong biển màu xanh nhạt và kem trà hương như màu nâu nhạt, ba loại nguyên liệu này đều là đặc sản Bành Hồ. Lúc ấy, cô Tạ Ngọc Linh đột nhiên có ý nghĩ kỳ lạ, muốn rắc thêm ít bột rong biển lên kem sữa mình vừa làm xong, hai loại mùi vị tưởng chừng xung khắc nhau này không ngờ lại có thể kết hợp hài hòa ngoài sức tưởng tượng, còn trà hương như vốn hơi loãng, không thích hợp làm kem, nhưng sau 3 ngày nấu thử và để nguội nhiều lần, cô Tạ Ngọc Linh đã phát hiện ra bí quyết để loại trà này sản sinh ra độ kết dính.

 “Tôi hi vọng mọi người đều đến mua kem xương rồng, để nó trở thành thương hiệu của Bành Hồ. Tuy có rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng như vậy mới có thể kích thích được bản lĩnh của mọi người”. Cô Tạ Ngọc Linh tin rằng, kem xương rồng không chỉ là món ăn vặt vỉa hè, mà còn là một thương hiệu có thể vươn ra thế giới.
 

Nhà văn ẩm thực Huỳnh Uyển Linh (bên trái) khen ngợi chủ tiệm Giản Tử Lương (bên phải) luôn dùng nguyên liệu tươi ngon, vì thế năm nào bà cũng đến tiệm You Jian Bing Pu ăn kem.

Nhà văn ẩm thực Huỳnh Uyển Linh (bên trái) khen ngợi chủ tiệm Giản Tử Lương (bên phải) luôn dùng nguyên liệu tươi ngon, vì thế năm nào bà cũng đến tiệm You Jian Bing Pu ăn kem.
 

Hương vị tươi ngon của trái xoài Ngọc Tỉnh

 Kem xoài của Đài Loan hàng năm đã thu hút rất nhiều khách quốc tế đến thưởng thức, giống như một nhà ngoại giao nhân dân, tiếp đón biết bao vị quan khách đến từ các nền văn hóa khác nhau, thể hiện vị ngon của đảo ngọc xinh đẹp. Thực hiện một chuyến thăm viếng Ngọc Tỉnh, trên đường Trung Chính đầy các quán kem xoài, trong đó có 3 cửa tiệm là của hiệu kem “You Jian Bing Pu”. Món kem xoài đá viên độc đáo của tiệm hàng năm đều thu hút rất nhiều du khách đến đây.

 Những quả xoài được cửa hàng lựa chọn đều đạt đến độ ngọt và độ thơm nhất định, đồng thời tùy theo mùa vụ khác nhau sẽ sử dụng các giống xoài khác nhau, hương vị tươi ngon của kem hàng năm đều kéo khách quen trở lại. Khi đến thăm tiệm, chúng tôi vừa gặp được nhà văn ẩm thực Huỳnh Uyển Linh (Huang Wan-ling) và người nhà của bà. Chỉ vì món “kem xoài Vô Song” và một ly sinh tố xoài tươi mà mùa hè năm nào họ cũng đều đặc biệt đến Ngọc Tỉnh để thưởng thức.

 “Cửa tiệm này có sự diễn giải rất mạnh mẽ về sản phẩm của mình, đó là xuất phát từ sự am hiểu văn hóa bản địa. Vì dùng những nguyên liệu tươi ngon nên hương vị kem vào mỗi tháng trong năm cũng khác nhau, cũng giống như là tình yêu với mùa vụ.” Bà Huỳnh Uyển Linh rất thích thú với hương vị luôn đổi thay theo mùa của xoài.

 Những người khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc là những người có thể cảm nhận được “hương vị tự nhiên này” nhất. Cho dù những quả xoài Đài Loan xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc phần lớn đều là hàng cao cấp, nhưng qua quá trình xông hấp để trừ sâu, quả xoài đã mất đi hương vị vốn có. Vì thế, mỗi khi có du khách đến tiệm kem You Jian Bing Pu, ăn một miếng xoài tươi cắt liền tại chỗ, đều tròn mắt kinh ngạc, bỗng chốc như bị hương thơm và vị ngọt của xoài Ngọc Tỉnh chinh phục.

 

Xoài Ái Văn chín cây, tươi ngon trực tiếp từ nhà vườn

 Xoài Ái Văn từ nhà vườn giao đến chỉ mới chín 90%, được bảo quản ở nhiệt độ thường từ 3 đến 5 ngày, đợi khi xoài đã chín hoàn toàn mới để vào tủ lạnh. “Phải biết chọn xoài thì kem xoài làm ra mới ngon được! Những quả xoài Ái Văn ở trên ngọn cây do được nắng chiếu đồng đều nên cả quả xoài đều đỏ, vừa thơm vừa ngọt, loại xoài này sẽ được phủ lên đá bào. Những quả có vỏ hơi xanh sẽ được dùng để xay thành nước cốt làm kem đá viên, kem đá viên chỉ cần mùi thơm, không cần phải quá ngọt”, bà chủ Trương Tú Linh (Zhang Xiuling) giải thích.

 Do xoài trong tiệm đều là xoài “chín cây”, nông dân trồng xoài sẽ đợi khi xoài Ái Văn đã chín đỏ trên cây mới hái, vì thế số lượng thu hoạch mỗi ngày đều không cố định. “Cho nên tôi sẽ căn cứ theo đặc tính của các loại xoài khác nhau để pha trộn với nhau. Xoài đá bào thì tôi sẽ dùng giống xoài bản địa kết hợp với xoài Kim Hoàng, một loại thì rất thơm, một loại thì nhiều thịt, hoặc có thể dùng vị chua của xoài Ái Văn kết hợp với vị ngọt của xoài Ngọc Văn. Còn kem đá viên thì dùng 3 loại xoài Kim Hoàng, Ái Văn và Keitt trộn với nhau”. Ông Giản Tử Vũ (Jian, Zi-yu) nói, đợi đến mùa xoài Ái Văn, lúc đó cả chén kem đều chỉ dùng xoài Ái Văn.

 

Tận tâm chế biến từng miếng kem xoài

 Ông chủ Giản Tử Vũ của tiệm kem You Jian Bing Pu thẳng thắn nói, người Đài Loan “cuồng” kem xoài là bắt nguồn từ tiệm kem đá bào ở đường Vĩnh Khang, thành phố Đài Bắc. “Kem xoài mà mọi người bán phần lớn đều là đá làm từ nước, rồi thêm một ít xoài, không có gì đặc sắc. Vì thế nên sau này tôi mới dùng xoài để làm kem đá viên, cho thêm mứt xoài xanh ở trên”, ông Giản Tử Vũ hồi tưởng lại.

 Phần đáy của kem xoài Vô Song là đá bào được làm từ kem xoài đá viên, độ ngọt khoảng 10 độ, toát ra hương xoài dịu nhẹ, sau khi rưới lên một lớp siro xoài Ái Văn đặc sệt, cả hai hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, cộng thêm chút xoài xanh mơn mởn, cùng vị chua chua ngọt ngọt của miếng xoài non giòn, khiến hương vị của cả chén kem càng trở nên phong phú hơn, cuối cùng ăn thêm miếng xoài Ái Văn thơm ngọt mọng nước ở trên, “Quá đã!”, cô Huỳnh Uyển Linh nói, mùa hè ăn kem xoài Vô Song đúng là một sự hưởng thụ.