Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Giải mã văn hóa công trường Thể hiện sức sống của tầng lớp lao động
2021-07-19

Giải mã văn hóa công trường

 

 “Mẹ ơi nhìn kìa, đó là xe xúc đất!”. Khi nhìn thấy thiết bị máy móc ở công trình xây dựng, trẻ nhỏ đều tròn xoe đôi mắt vì thích thú, những bác thợ xây lưng đẫm mồ hôi dường như là vị anh hùng trong lòng các bé. Nhưng không bao lâu sau khi những đứa trẻ lớn lên thì chúng chẳng còn chút tò mò gì về thế giới bên trong hàng rào kia nữa, để rồi phía trong và ngoài hàng rào trở thành hai thế giới song song tách biệt nhau. May mắn rằng, nhờ có sách báo, những vở kịch hay sân khấu biểu diễn, chúng ta mới có cơ hội cảm nhận và khám phá sức sống tuy cam chịu nhưng không khuất phục phía sau công trường.

 

 Một buổi chiều hè, chúng tôi theo bước chân của chương trình tham quan Walk in Taiwan (Trải nghiệm Đài Loan) mang chủ đề “Workers Plus, Bangka Inside and Outside the Hoardings” (Người làm công Plus - phiên bản nâng cao. Khu Mãnh Giáp phía sau những mái tôn thô ráp) đến với khu Vạn Hoa Đài Bắc (Taipei-Wanhua). Len lỏi qua các con đường ngõ hẻm, nghe người thuyết minh giải thích vì sao những người thuộc tầng lớp lao động lại thích uống trà thảo mộc, sự thay đổi mức lương lao động đã ảnh hưởng đến vẻ bên ngoài của kiến trúc như thế nào, khiến chúng tôi dường như xích lại gần hơn với hơi thở cuộc sống của những người lao động công trường.

 

Công trường là nơi nghiên cứu thực địa đầu tiên

 Người thuyết minh là anh Lâm Lập Thanh (Lin Yaqing), cũng là tác giả viết nên câu chuyện cuộc sống của những người lao động bằng chính góc nhìn của một người giám sát công trường.

 Năm 2017, anh Lâm Lập Thanh xuất bản cuốn sách đầu tiên “We, the Laborers” (Những người làm công), thể hiện một cách chân thật về cuộc sống công trường mà anh đã được tận mắt chứng kiến, cuốn sách bán được 40.000 cuốn chỉ trong năm đầu tiên. Một năm sau anh xuất bản cuốn “The Laborers’ Lives” (Cuộc đời là thế), mạnh dạn đưa những vấn đề của 8 ngành nghề nhạy cảm, câu chuyện của các cô gái tiếp thị bia rượu và lao động bị tai nạn nghề nghiệp vào trong nội dung sách, càng tạo hiệu ứng phê phán và gây sốc mạnh mẽ hơn.

 Năm 2012, anh Lâm Lập Thanh bắt đầu đăng tải những bài viết trên trang Facebook. Ban đầu anh cũng như những người bình thường khác, chỉ viết vài ba câu chuyện vặt gặp phải trong môi trường làm việc, lúc đầu cũng ít ai chú ý đến các bài viết này. Làm việc trong công trường càng lâu, anh càng tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người lao động công trường. Anh cho thợ vay tiền có việc gấp, anh tranh cãi với cảnh sát khi bị viết phiếu phạt, càng nhìn thấy nhiều thì anh càng muốn bảo vệ cho những người lao động công trường. Trước sự bất lực không thể thay đổi hệ thống vốn có của ngành công trường, cũng như bị ám ảnh về những định kiến xã hội khiến anh nhiều đêm mất ngủ. Vì thế, điều mà anh có thể làm là viết ra câu chuyện của họ để mọi người có cơ hội thấu hiểu và đây cũng là cách để anh yên giấc hàng đêm. Thế rồi bài viết của anh Lâm Lập Thanh càng viết càng dài, càng viết càng sâu sắc. Anh tiếp cận quan sát nhóm người bị giá trị chính thống phê phán, từ đó viết lên cuộc sống mà công chúng chưa từng thấy trước đây. Việc dùng ngòi bút để lên tiếng cho tầng lớp lao động bên lề xã hội đã thu hút sự chú ý của nhà xuất bản, thế là anh Lâm Lập Thanh trở thành tác giả viết sách đầu tiên của Đài Loan xuất thân từ tầng lớp người lao động.

 

Chuyển thể thành phim, chạm đến trái tim của mọi người

 Năm 2017, quyển sách “We, the Laborers” gây chấn động thị trường sách Đài Loan. Câu chuyện cuộc đời của những nhân vật trong sách đã làm cô Lâm Dục Linh (Jayde Lin) vô cùng xúc động, cô bèn mua bản quyền để chuyển thể thành phim, đặc biệt là chương “đi trên con đường nước”, nhắc đến vấn đề bệnh nghề nghiệp của thợ hàn. Họ phải làm việc trong môi trường ánh sáng tia lửa hàn cực mạnh ở nhiệt độ cao, khí độc và tia lửa đốt kim loại gây quáng gà, xơ phổi và tróc da nghiêm trọng. Dẫu biết rằng môi trường công việc đầy rủi ro nguy hiểm nhưng nếu không làm thì không có thu nhập, thậm chí để trốn tránh sự đau đớn của bệnh tật, một số người lao động đã chọn cách dùng ma túy làm tê liệt cơn đau của cơ thể để tiếp tục làm việc.

 Cuốn sách miêu tả một cách chân thực cuộc sống của những người thợ sắt. Câu chuyện nhắc đến tình tiết sau khi người anh trai bị đột quỵ, vì không muốn liên lụy gia đình, cuối cùng người anh đã cầu xin em trai tiêm ma túy quá liều cho mình để được giải thoát. Tình cảm anh em, sự bất lực của kiếp người lao động, tất cả đều được cô đọng dưới ngòi bút của tác giả.

 Cô Lâm Dục Linh và đạo diễn Trịnh Phấn Phấn (Cheng Fen-fen) đã theo chân anh Lâm Lập Thanh đi thăm các công trường lớn nhỏ và những hàng quán mà anh em lao động thường lui tới, hai cô làm quen với rất nhiều bạn làm trong công trường. “Chúng tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ trong họ, sự nỗ lực vì gia đình đã giúp họ giữ được niềm hy vọng tương lai”. Sự lạc quan và tinh thần chịu đựng nhưng không chịu thua của họ đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng cô Lâm Dục Linh và cô Trịnh Phấn Phấn, chính vì thế họ quyết định dùng sự hài hước để khai thác câu chuyện.

 

Tia sáng hy vọng phía sau lưng những người thợ công trường

 Sau hơn 1 năm nghiên cứu thực tế và nung nấu ý tưởng, bộ phim “Workers” (Người làm công) cuối cùng đã bấm máy vào năm 2019, đến tháng 5 năm 2020, bộ phim đã được trình chiếu trên kênh HBO Asia ở hơn 20 quốc gia.

 Bộ phim dựa trên câu chuyện của hai anh em làm thợ sắt với hai tính cách hoàn toàn khác biệt, người anh “A Kỳ” (Ah-Qi) tính cách vui vẻ lạc quan, thích mơ tưởng viển vông, còn em trai là “A Khâm” (Ah-Qin) thì trầm tính, nghiêm khắc, cẩn thận, luôn luôn giải quyết những rắc rối của anh mình gây ra. So với nội dung nặng nề của nguyên tác thì tập 1 của bộ phim là giấc mơ làm giàu của người anh A Kỳ. Ví dụ như xây chùa Phật bốn mặt, lén lút nuôi cá sấu trong công trường v.v..., rồi cả một mớ bòng bong phiền phức của anh làm liên lụy đến người nhà và đồng nghiệp xung quanh mình. Tình tiết vừa kỳ lạ vừa phi lý nhưng khiến khán giả lúc buồn cười, lúc bực mình với nhân vật A Kỳ. Có lẽ nhiều người cho rằng, việc mua vé số để thực hiện giấc mơ làm giàu của A Kỳ là viển vông nhưng khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn không thể vực dậy, dù đã cố gắng đến đâu đi nữa cũng không mua nổi căn hộ dự án..., “Đây có lẽ là cách mang lại khả năng lớn nhất để đổi đời trong thế giới của anh ấy”, anh Lâm Lập Thanh giải thích.

 Sau khi bộ phim được trình chiếu, con cái của những người lao động làm trong công trường bắt đầu viết những câu chuyện của chính mình đăng tải lên mạng. Cũng có khán giả chia sẻ với cô Lâm Dục Linh về hình ảnh người bố làm thợ xây dựng công trường trong ký ức của mình, lúc nào cũng về nhà với bộ dạng vừa hôi vừa bẩn nên không thích đến gần bố, cho đến khi xem bộ phim này nên mới có đề tài cùng trò chuyện với bố. Có thể nói bộ phim “Workers” (Người làm công) đã mở nút thắt trái tim để mọi người tìm thấy hơi ấm tỏa ra từ bộ phim, cũng giống như những gì đạo diễn Trịnh Phấn Phấn đã nói trong buổi công chiếu “Hy vọng sau khi xem phim mọi người sẽ quan tâm hơn đến những người xung quanh và cảm nhận được tia sáng lạc quan toát ra từ những nhân vật trong phim”.

 

Mở cổng hàng rào, kết nối bằng thiết kế

 Chỉ cần có tâm, vận dụng chuyên môn thiết kế nghệ thuật cũng có thể mang lại sự thay đổi cho cuộc sống công trường.

 Viện bảo tàng nghệ thuật Kong-ke (Công Gia) ở Đài Trung là địa điểm triển lãm nghệ thuật đầu tiên của Đài Loan có chủ đề văn hóa công trường xây dựng. Trước đây, nơi này là một bảo tàng nghệ thuật thử nghiệm khu vực mang tên CMC Block do Quỹ văn hóa nghệ thuật CMP Pujen thành lập. Vào năm 2018, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mang tính giai đoạn, Bảo tàng nghệ thuật CMC Block đã được xây dựng lại thành bảo tàng nghệ thuật vĩnh viễn. Trong thời gian xây dựng, Quỹ CMP Pujen đã dựa trên khái niệm tri ân những anh hùng vô danh trong công trường để xây dựng dự án Bảo tàng Nghệ thuật Kong-ke dưới dạng mô hình văn phòng làm việc bên cạnh công trường. Không gian này vừa là văn phòng của công trường vừa là nơi ăn uống nghỉ ngơi cho thợ thuyền, thường được xây dựng theo kiểu nhà lắp ghép mô-đun. Lấy ý tưởng thân thiện với người lao động công trường làm điểm khởi đầu, Quỹ CMP Pujen đã mời 10 nhóm thiết kế và nghệ nhân cùng tham gia công trình xây dựng văn phòng cho công trường theo phong cách mới. Bên ngoài là một tòa kiến trúc hai tầng trong suốt, tầng 1 là nhà hàng và khu vườn ngoài trời có cây đa cổ thụ, tầng 2 là không gian chung cho người dân và thợ xây dựng công trình.

 Vào ngày thường, trước 2 giờ chiều, tầng 2 sẽ không mở cửa đón khách mà dành để làm không gian nghỉ trưa cho thợ xây dựng. Sau 2 giờ chiều, nơi đây mới trở thành địa điểm đón khách vào xem triển lãm. Để rút ngắn khoảng cách về môi trường văn hóa nghệ thuật cho anh em thợ xây dựng, kiến trúc sư đã sử dụng các vật liệu thường thấy trong công trường như ván tôn và giàn giáo để trang trí, sáng tạo nên phong cách công nghiệp thô ráp cho Bảo tàng nghệ thuật CMC Block. Ngoài ra còn lấy cảm hứng từ bao xi măng thiết kế tấm đệm, mang lại cho những người thợ một không gian nghỉ trưa tự do, hơn nữa, còn suy nghĩ tới thói quen không thích ra vào nơi có máy lạnh vì tránh bị khó chịu do sự chênh lệch lớn về nhiệt độ nên không gian đã được gắn thêm quạt máy. Những chi tiết chu đáo này nhằm mang lại cảm giác tự do thoải mái cho anh em thợ xây dựng khi họ ở đây.

 

Từng bước đến gần hơn với văn hóa công trường

 Kể từ khi khai trương hồi năm ngoái, Bảo tàng nghệ thuật Kong-ke (Công Gia) đã tìm các nghệ nhân sử dụng văn hóa công trường làm chất liệu sáng tạo, có tác phẩm dùng hình nộm thường thấy trong công trường để làm thành tượng phật cầu phúc; cũng có tác phẩm dùng chiếu Tatami để lắp ráp thành đầu chiếc xe tải. Ngoài ra còn tìm nhà thiết kế Giang Dịch Huân (Angus ­Chiang) đến để thiết kế khẩu hiệu, gối, bảng quảng cáo bằng ngôn ngữ công trường v.v..., sức sống của công trường được thể hiện bằng mảng màu sắc vô cùng sặc sỡ.

 Vào dịp cuối tuần, lối đi bên ngoài công trường được dùng để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật có liên quan, chẳng hạn như biểu diễn đánh trống bằng những vật liệu trong công trường hoặc diễn các vở kịch hành động có chủ đề về công trường. Thông qua nhiều hình thức, hy vọng người dân có thể chứng kiến được sự nỗ lực đến nhường nào của anh em thợ xây dựng, từng bước hình thành nên viện bảo tàng của ngày hôm nay. CEO Viện bảo tàng CMC Block-anh Hà Thừa Dục nói: “Hy vọng Viện bảo tàng nghệ thuật CMC Block sẽ phá vỡ sự xa cách tồn tại đâu đó trong thành phố này”.

 Từ khi mở cửa cho đến nay, Viện bảo tàng Kong-ke đã có khá nhiều công ty xây dựng đến tham quan, kể cả văn phòng công trường vốn kế bên cũng được Viện bảo tàng truyền cảm hứng để thiết kế tăng thêm độ dài cho mái hiên, làm thêm khu vực có ghế ngồi, dần dần nâng cấp môi trường nghỉ ngơi cho công nhân. Nhờ vào công cuộc giải mã văn hóa công trường, từ đó đã mở ra cơ hội cho mọi người làm quen với những người thợ xây dựng, như vậy sau này mới có khả năng  cải thiện hơn nữa môi trường làm việc cho họ, cũng như thấu hiểu, cảm thông và biết ơn nhiều hơn nữa trước những đóng góp của các anh hùng vô danh này.