Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Sức hấp dẫn của nghề phiên dịch Tọa đàm phiên dịch của “Taiwan Panorama”
2021-07-26

Tọa đàm phiên dịch của “Taiwan Panorama”

 

 Để dịch thuật tốt không những phải chuyển tải chính xác thông tin, mà còn phải truyền đạt được ý tứ đằng sau các câu chữ. Phiên dịch là công việc rất cuốn hút, người dịch có thể nhẹ nhàng vận dụng nhiều loại ngôn ngữ như thế, vậy họ thường làm gì trong cuộc sống thường nhật? Cơ duyên nào đã khiến họ bước vào nghề này, cuộc sống hàng ngày của họ diễn ra như thế nào? Và họ phải đối diện với những thử thách ra sao?

 

 Tại buổi tọa đàm phiên dịch năm 2020 do Tạp chí “Taiwan Panorama” kết hợp với Học viện Dịch thuật và Phiên dịch thuộc Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đồng tổ chức, 3 vị dịch giả kỳ cựu của Tạp chí “Taiwan Panorama”: ông Robert Fox, cô Yukina Yamaguchi và anh Temmy Wiryawan đã có sự tương tác rất nhiệt tình với gần 200 người là giáo viên và học sinh trung học phổ thông. Họ đã trải lòng về con đường đến với công việc phiên dịch, đồng thời cũng chia sẻ những câu chuyện thú vị và những thách thức mà họ đã từng trải qua trong nghề.

 

Tạp chí “Taiwan Panorama” – phương tiện truyền thông

đa sắc tộc và đa ngôn ngữ̃

 Trong buổi tọa đàm, trước tiên ông Ivan Chen - Tổng biên tập Tạp chí “Taiwan Panorama” giới thiệu với các em học sinh một đoạn video clip cắt ghép “Hình ảnh các nhóm cộng đồng dân tộc”. Qua đó cho thấy nhiều năm qua, Tạp chí “Taiwan Panorama” đã thể hiện sự đa dạng văn hóa của Đài Loan bằng phương thức đa ngôn ngữ, đa sắc tộc. Ông Ivan Chen xúc động nói rằng, Đài Loan tuy nhỏ bé nhưng lại có thể hội tụ được nhiều dân tộc khác nhau cùng phấn đấu vì mảnh đất này, “Đó là động lực giúp Tạp chí “Taiwan Panorama” nỗ lực truyền bá đa ngôn ngữ trong nhiều năm qua và cũng là một trong những lý do để tổ chức buổi tọa đàm lần này”.

 Trong 45 năm kể từ khi bắt đầu phát hành cho đến nay, Tạp chí “Taiwan Panorama” đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới, đồng thời có 6 phiên bản ngôn ngữ, bao gồm tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Thái Lan và tiếng Indonesia, trở thành cầu nối lý tưởng góp phần phát huy sức mạnh mềm cho ngoại giao Đài Loan.

 

Nghề phiên dịch huyền bí

và đầy màu sắc

 Cô Yukina Yamaguch là biên dịch viên tiếng Nhật, tuy thân hình nhỏ nhắn, nhưng lại có ý chí vững như gang thép. Vào năm 26 tuổi, cô bắt đầu học tiếng Hoa, quyết chí phải tinh thông ngôn ngữ này trước lúc 30 tuổi và dựa vào đó để tự lập cuộc sống. Cô Yukina Yamaguch sang Đài Loan theo diện kết hôn, vào năm thứ hai sau khi tới xứ đảo, cô bắt đầu bước vào sự nghiệp phiên dịch có tính chất lâu dài. Do bén duyên với Tạp chí “Taiwan Panorama” từ rất sớm nên cô Yukina Yamaguch đã tham gia vào công việc phiên dịch cho rất nhiều cơ quan Chính phủ, đóng góp một phần công sức cho quan hệ giao lưu tốt đẹp giữa Đài Loan và Nhật Bản.

 Ông Robert Fox là người có tính hài hước, làm biên dịch viên tiếng Anh đã 14 năm. Vóc người cao ráo, mặc chiếc áo sơ mi caro, trông ông tựa như chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ. Khi bắt đầu trò chuyện, ông nói tiếng Đài rất trôi chảy để chào hỏi mọi người khiến các em học sinh ngạc nhiên vỗ tay rào rào. Hồi trẻ ông Robert học tiếng Hoa tại Trường Đại học San Francisco (SFSU), được sự giới thiệu của giáo sư nên quyết định đến Đài Loan và từ đó đã nên duyên gắn bó với Đài Loan. Sinh sống tại Đài Loan đến nay đã được 30 năm, ông rất thích nghiên cứu ngôn ngữ bản địa, phải nói rằng ông đã đặt chân tới tất cả mọi miền của đất nước Đài Loan. Ngoài ra, ông Robert cũng lấy được chứng chỉ năng lực tiếng Khách Gia, ông đã dùng đề tài văn học tiếng Đài Loan để làm chủ đề nghiên cứu cho bài luận văn tốt nghiệp Học viện Dịch thuật và Phiên dịch, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan.

 Quá trình đến với nghề phiên dịch của biên dịch viên tiếng Indonesia Temmy Wiryawan thì tương đối ly kỳ. Nguyên là giáo viên dạy tiếng Hoa cơ bản tại Indonesia, vì một cơ duyên anh được nhận vào làm phiên dịch cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. “Tôi chẳng thể nghĩ được rằng, làm sao mà tôi lại quen với người bạn cùng lớp học thêm, rồi được giới thiệu vào làm việc tại Liên Hợp Quốc”. Nhờ sự giới thiệu của nhân viên này, anh Temmy Wiryawan bắt đầu làm phiên dịch viên, từng bước mở rộng tầm nhìn của mình.

 Anh Temmy Wiryawan sinh ra và lớn lên tại Indonesia, 5 năm trước anh đến Đài Loan du học, “Cho tới bây giờ tôi không thể rời xa Đài Loan được nữa”. Anh Temmy Wiryawan rất đam mê công việc phiên dịch, đặc biệt làm biên dịch viên có thể tìm hiểu sâu hơn về Đài Loan, giúp người Indonesia hiểu biết về Đài Loan, khiến công việc này trở nên vô cùng ý nghĩa. Anh cũng rất vui lòng đóng góp khả năng chuyên môn của mình, nhất là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, chính sách phòng chống dịch bệnh và tuyên truyền hướng dẫn về y tế của Chính phủ đều thông qua anh phiên dịch thành tiếng Indonesia, giúp cho người Indonesia nhanh chóng hiểu được những đóng góp của Đài Loan trong công phòng chống dịch bệnh toàn cầu.

 

Những đắng cay ngọt bùi của nghề phiên dịch

 Nghề phiên dịch rất lý thú và đầy màu sắc, trong lúc dịch thuật, các biên - phiên dịch viên đều gặp rất nhiều chuyện thú vị. Người chủ trì buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Trần Tử Vỹ (Chen Tze-wei) thuộc Học viện Dịch thuật và Phiên dịch, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho biết: Khi còn trẻ, ông từng đi cùng với nhóm các chính trị gia Đài Loan đến Thụy Sĩ tham dự phiên họp. Có một đêm được, Tổng thống Thụy Sĩ mở tiệc chiêu đãi tại Khách sạn Wilson President sang trọng và nổi tiếng nhất ven hồ Geneva.

 Buổi dạ tiệc diễn ra trong bầu không khí vô cùng rộn ràng, vui vẻ, đại diện các nước thay nhau hàn huyên nồng nhiệt với trưởng phái đoàn Đài Loan. Khi đó, ông Trần Tử Vỹ là phiên dịch viên của đoàn vừa mới ăn được vài thìa súp nóng, liền phải đặt ngay dao nĩa xuống, tập trung phiên dịch cho trưởng đoàn. Không ngờ trong suốt bữa tiệc, ông Trần Tử Vỹ chỉ có thể dùng mắt để ngắm nhìn những món ăn tinh tế được bưng lên hết món này đến món khác, rồi lại được dọn đi, “Chiếc nĩa của tôi cũng chưa đụng tới một miếng tôm hùm”, ông vừa cười vừa cho biết.

 Công việc phiên dịch của anh Temmy Wiryawan cũng không kém phần phong phú đa dạng. Là một phiên dịch viên, thường được gặp gỡ với nhiều chính trị gia, phỏng vấn các ngôi sao, thậm chí được hưởng đặc quyền tham dự những cuộc họp kín của chính phủ hai nước, biết được bí mật quốc gia. Khi còn trẻ, anh Temmy Wiryawan tràn đầy nhiệt huyết, vì công việc phiên dịch có thể lên núi xuống biển, có một lần anh nhận nhiệm vụ tới vùng xa xôi hẻo lánh của Indonesia, cần phải mang trên người các trang thiết bị đặc biệt, nếu không có thể bị bỏng da vì thổ nhưỡng có độ axit khá mạnh, khiến anh phải tự hỏi bản thân rằng: “Mình chẳng qua cũng chỉ là phiên dịch viên mà thôi, vì sao phải liều mạng tới đây làm gì?”   

 

Hơn 10 cách phiên dịch cho đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất

 Trong nghề phiên dịch đôi lúc cũng gặp phải sự bế tắc. Do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, nhiều khi dịch thẳng sẽ không thể lột tả được hàm ý thực sự của từ ngữ. Có một lần cô Yukina Yamaguchi phải dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Nhật một bài viết về cuộc thi hoa hậu. Bài viết sử dụng thành ngữ để mô tả những cô gái xinh đẹp nhưng trong tiếng Nhật lại không thể tìm ra cụm từ tương ứng thể hiện được ý tứ của thành ngữ, cuối cùng chỉ còn cách là dịch thẳng ra, “Đây là bài viết mà tôi cảm thấy khó dịch nhất”, cô Yukina Yamaguchi cho biết.

 Nhà văn lừng danh Murakami Haruki cũng từng bị thất bại trong lĩnh vực phiên dịch. Có lần ông Murakami Haruki biên dịch một cuốn tiểu thuyết trinh thám, khi dịch được một nửa thì phát hiện cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất không phù hợp với tính cách của vai chính, nên phải dịch lại toàn bộ. Thì ra chỉ một chữ “I” trong tiếng Anh, có tới mười mấy cách nói trong tiếng Nhật, để chọn đúng cách dùng từ cho đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, người dịch phải vắt óc để suy nghĩ.  

 Là phiên dịch viên tự do, phải tự rèn luyện thói quen có kỷ luật trong công việc là điều vô cùng quan trọng. Ông Robert lấy bản thân làm ví dụ, vừa cười ông vừa bảo mình lên Facebook, chơi IG, xem phim trên Netflix cả ngày. Tuy nhiên, ông thận trọng nhắc lại 3 lần rằng: “You have get the work done.” (Bạn phải hoàn thành tốt công việc cần làm). 

 Không làm thuê cho chủ, tự mình làm chủ công việc, không có đồng nghiệp đáng ghét, có thể làm việc ở bất cứ nơi nào mình muốn như Starbucks, Mc Donald, v.v.... Xem ra công việc của phiên dịch viên tự do có vẻ có tính tự chủ cao, “Nhưng là phiên dịch viên phải có tính tự kỷ luật, phải hoàn thành tốt công việc đúng thời hạn”, ông Robert đặc biệt nhắc nhở.

 

Tiền đề của người làm nghề phiên dịch: Nhất định phải giỏi tiếng mẹ đẻ

 Muốn theo nghề phiên dịch cần có điều kiện gì? Rất trùng hợp, 3 phiên dịch viên đều nêu ra tầm quan trọng của việc trau dồi tiếng mẹ đẻ. Đề nghị các em học sinh nhất định phải học giỏi tiếng Hoa, tiếng mẹ đẻ là nền tảng để trau dồi ngoại ngữ, “Muốn nâng cao kỹ năng phiên dịch của mình, chắc chắn phải rèn luyện tiếng mẹ đẻ thật vững vàng”, cô Yukina Yamaguchi cho biết.

 Anh Temmy Wiryawan thì bày tỏ: “Tôi học tiếng Hoa từ hơn 10 năm nay, vẫn thua người nói tiếng mẹ đẻ bằng tiếng Hoa”. Từng tiếp xúc với tổ chức quốc tế, anh đưa ra lời khuyên chân thành rằng: “Trong tương lai ngay cả khi bạn ra nước ngoài, điểm mạnh và ưu thế của bạn vẫn là tiếng mẹ đẻ”, là phiên dịch viên chuyên nghiệp, trình độ tiếng mẹ đẻ phải đạt được tiêu chuẩn nhất định.

 Ông Robert góp ý rằng, thường ngày phải thường xuyên luyện tập viết văn, đọc nhiều sách báo, tìm hiểu văn hóa của đối phương. Trong lúc dịch, nếu chỗ đọc không hiểu thì không nên cố dịch cho có, “Nhất định phải nhờ người khác tư vấn chỉ dẫn”. Nếu phải phiên dịch bài viết thuộc lĩnh vực đặc biệt, thì phải trau dồi đầy đủ thuật ngữ chuyên môn, đó đều là những điều kiện cần thiết để trở thành một phiên dịch giỏi.

 

Phiên dịch là một môn nghệ thuật

 Công việc dịch viết gắn liền với việc văn phong có trôi chảy, lưu loát và đúng nghĩa hay không, không những phải giỏi tiếng Hoa, mà cũng phải giỏi cả ngoại ngữ, “Năng lực ngôn ngữ là tiền đề để theo nghề làm phiên dịch”, giáo sư Trần Tử Vỹ đưa ra lời tổng kết như trên. Ông nói với các em học sinh rằng, công việc phiên dịch còn liên quan đến kỹ xảo, ngôn ngữ, triết học và tư duy về các vấn đề văn hóa. Thông qua phiên dịch, con người có thể tìm hiểu các loại ngôn ngữ, “Điều quan trọng nhất là có thể hiểu được chính bản thân”.

 Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp, mặc dù giữa người và người có quốc tịch và màu da khác nhau nhưng thông qua phiên dịch, con người có thể xóa bỏ rào cản, tạo thêm sự đồng cảm và thấu hiểu, thấy được một thế giới rộng mở hơn.