Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Sưu tầm và trải nghiệm thiên nhiên Viện bảo tàng văn hóa rừng Luan-Shan
2021-08-16

Phải dùng cả tay và chân leo lên cây si cao khoảng 2 tầng lầu để cảm nhận sự sáng tạo của thiên nhiên bằng 5 giác quan

Phải dùng cả tay và chân leo lên cây si cao khoảng 2 tầng lầu để cảm nhận sự sáng tạo của thiên nhiên bằng 5 giác quan
 

 Người tổ chức triển lãm: Aliman Madiklan

 Đối tượng tham gia triển lãm: Cây biết đi, trồng thêm cây khác

 Nội dung trải nghiệm: 1 ngày trải nghiệm ở bộ tộc Bunun, lẽ sống cuộc đời, giáo dục môi trường, Đường mòn Thợ săn

 Địa điểm: Bộ lạc Sazasa ở xã Diên Bình huyện Đài Đông

 Thời gian triển lãm: Theo lịch đặt hẹn

 

Mật khẩu qua cửa: uninang

 Trước khi tham quan Viện bảo tàng văn hóa rừng Luan-shan (Luan-Shan Forest Museum), hướng dẫn viên Long sẽ giới thiệu lịch trình tham quan. Vì đây là tour 1 ngày trải nghiệm ở bộ tộc Bunun, cho nên ông Long sẽ giới thiệu về bộ tộc của mình: “Đàn ông người Bunun chúng tôi nhất định phải có đủ 3 điều kiện, thứ nhất là phải có sức lực, để bảo vệ nhà cửa vườn tược của chính mình, thứ hai là bắp chân phải to, mới có thể leo trèo, săn bắn, điểm thứ ba cũng là điểm quan trọng nhất, đó là tính cách phải thật rắn rỏi. Cho nên trong tộc người Bunun, muốn biết như thế nào là dáng chuẩn thì cứ ngắm tôi đây này, bất kể nhìn từ trước mặt hay nhìn nghiêng đều phải to ngang như nhau!”

 Những lời ông nói làm mọi người đều cười ồ lên, ông Long với con dao săn cài thắt lưng pha trò: “Đừng coi thường tôi nhé, tôi cũng là người rất chăm săn bắn, chỉ có điều mỗi lần đi săn tôi đều bị lợn rừng đuổi, nhưng không phải vì tôi là đồng loại của chúng đâu, mà là vì lợn rừng tưởng nhầm tôi là lợn cái. Mặc dù tôi chạy không nhanh, nhưng tôi thường tìm đường dốc để lăn cho nhanh”.

 “Nếu muốn uống rượu kê hay món đồ uống được mệnh danh là đồ uống thể thao Super Supao (trà dưỡng sinh) của dân tộc thiểu số, thì phải nói mật khẩu qua cửa”. Ông còn dạy cách nói cảm ơn bằng tiếng Bunun là “uninang”. Còn “Xin chào” nói thế nào? Thì là “How are you!”, ông Long bất giác chuyển sang tiếng Anh làm mọi người lại cười nghiêng ngả, tiếng Bunun thực ra là “mihumisang!”

 “Mọi người đã đến đây thì nhất định phải biết một người, đó là người đầu tiên trong bộ lạc Sazasa tốt nghiệp Đại học”, ông Long nói tiếp: “17 năm trước, ông ấy nghe nói có tập đoàn đầu tư muốn mua mảnh đất này để xây tháp lưu giữ tro cốt, xây chùa và xây dựng khu nghỉ mát. Thế là ông ấy đã chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền bạc và giành lại từ tay tập đoàn đó để làm địa điểm dạy học cho người Bunun. Đi dạo một vòng quanh hành lang sinh thái là có thể biết được tại sao ông Aliman lại muốn giải cứu khu rừng này”.

 

Người tổ chức triển lãm: Aliman Madiklan

 Ông Aliman không biết pha trò hài hước hay đầy sức cuốn hút với khách tham quan như hướng dẫn viên Long, mà lặng lẽ đi tuần trong khu rừng, ngồi trên chiếc ghế làm bằng gỗ keo tại “palihansiap (chòi thảo luận)”, quan sát hoạt động của khách tham quan với một dáng vẻ khá nghiêm nghị.

 Trong tiếng Bunun, “palihansiap” có nghĩa là thảo luận, thỏa thuận, có thể nói đây là ngôi chòi lá to nhất tại Đài Loan. Trong thời gian quá độ kể từ khi lượng du khách giảm đi do dịch Covid-19, vào hồi tháng 3 năm 2020, ông Aliman đã bỏ ra hơn một tháng trời, cùng với các nhân viên cất nên ngôi nhà này hoàn toàn bằng đôi bàn tay. Ông nói: “Người Bunun chúng tôi thời xưa khi tác chiến, còn thời nay khi xây nhà đều với thái độ “palihansiap”, coi các vị già làng là thầy”.

 Luận văn thạc sĩ của ông Aliman khi theo học tại Viện quan hệ và văn hóa dân tộc, Đại học Đông Hoa (National Dong Hwa University) chính là dữ liệu trực tiếp có được nhờ phỏng vấn rất nhiều vị già làng. Vì hiểu khá rõ về lịch sử của bộ tộc, cộng thêm ông Aliman từng làm những công việc như phóng viên Đài truyền hình dân tộc thiểu số TITV (Taiwan Indigenous Television), trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục môi trường Đại học Đài Đông (National Taitung University) và chuyên viên văn hóa của Đại học Cộng đồng Nam Đảo (Nan-dao Community College), ông đã chứng kiến khá nhiều hoàn cảnh người dân tộc thiểu số do bị cám dỗ nên đã bán hết sạch đất đai, sau cùng chẳng còn gì trong tay. Cũng phải nhắc đến sự thật tàn nhẫn vì sự khai thác của các tập đoàn đầu tư đã làm cạn kiệt thổ nhưỡng đất cát của địa phương. Vì vậy, vào 17 năm trước, khi phát hiện tập đoàn đầu tư mang theo bản vẽ thiết kế và thầy phong thủy đến đây để khảo sát thăm dò, vì không muốn lịch sử tái diễn, ông đã vay tiền của Hội nông dân Lộc Dã (Luye Farmes Association), Ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (Taiwan Business Bank) để mua lại mảnh đất nay được dùng làm Viện bảo tàng văn hóa rừng.

 

Nguồn gốc của bảo tàng văn hóa rừng

 Ông Aliman vốn dĩ đơn thuần chỉ muốn giải cứu rừng, ban đầu chỉ nghĩ sẽ sử dụng mảnh đất này để làm nơi truyền bá văn hóa của tộc người Bunun vốn đã bị mai một.

 Năm 2004, Hiệp hội người quan tâm sinh thái muốn tổ chức khóa học giáo dục sinh thái tại đây, họ đã gửi một khoản tiền trước nhờ ông Aliman hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn, chính việc này đã bất ngờ gợi mở cho ông Aliman ý tưởng phát triển thành “Viện bảo tàng văn hóa rừng” hoặc tạo “kế sinh nhai”. Thông qua các hoạt động như tham quan đường mòn, khóa học ngắn hạn tại bộ lạc để thu hút sự công nhận và ủng hộ của các đoàn thể về môi trường như Hiệp hội thiết kế phát triển nông nghiệp bền vững Đài Loan (Taiwan Permaculture Institute), Hiệp hội phương pháp trồng trọt tự nhiên Shumei (Shumei Natural Agriculture Network) và Hiệp hội thông tin môi trường (Taiwan Environmental Information Association), nguồn thu kiểu mưa dầm thấm lâu đã giải quyết dần vấn đề nợ nần. Đặc biệt còn có một trường đại học thuộc bang Pennsylvania (Mỹ) năm nào cũng đưa học sinh tới đây khoảng 4-5 ngày, trải nghiệm cuộc sống “Trí tuệ không cần điện, văn minh không cần chữ viết” tại Viện bảo tàng văn hóa rừng.

 Ông Aliman kiên quyết không cho đặt biển chỉ đường và giới hạn số lượng khách tham quan. Trong lúc lo trả nợ, ông vẫn luôn tự hỏi lòng mình và lắng nghe tiếng nói nội tâm “Tài sản thực sự quý giá trong cuộc đời đó chính là biết giúp đỡ người khác”. Ví dụ như trong bộ lạc có những em nhỏ bỏ học giữa chừng, có em thì bị kỷ luật ở trường học, ông Aliman gọi các em đến làm part time, biến các em thành những giáo viên thuyết trình được mọi người nể trọng, không chỉ là diễn đàn giới thiệu câu chuyện văn hóa của tộc người Bunun, Viện bảo tàng văn hóa rừng còn là nơi xây dựng niềm tin, tạo giá trị cuộc sống.

 

Trạm triển lãm thứ nhất: Cây biết đi

 Đối với du khách tham quan Viện bảo tàng văn hóa rừng mà nói, trạm đầu tiên chính là “cây biết đi”, đó là loại cây thân gỗ lớn thường xanh họ dâu tằm - cây si. 

 Vừa nhìn thấy cây si khổng lồ mọi người đều phải thốt lên trầm trồ bởi những cụm rễ đan vào nhau chằng chịt, tạo cảm giác xum xuê như một tán rừng. Nó có loại rễ khí sinh mọc với tốc độ cực nhanh, sau khi bám đất, sẽ cắm xuống lòng đất, rồi to dần lên trở thành rễ có tác dụng nâng đỡ, nhiều rễ phụ vươn ra bốn phía sẽ tiếp tục mọc lan ra và trở thành “cây biết đi”.

 

Trạm triển lãm thứ 2: Khu rừng Avatar 

 Sau khi thưởng thức món thịt nướng chào mừng khách tham quan, uống trà dưỡng sinh được pha bằng mía, nghệ, gừng tươi và lá quế tươi, trước lúc vào tham quan quần thể cây trinh nam và cây si cổ thụ được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở khu vực có mực nước biển trung bình và thấp của Đài Loan, là một người khách hiểu phép tắc, người ta sẽ cầm một chai rượu đế và một gói trầu cau đến trước chiếc bàn thờ có đặt rất nhiều xương đầu lợn, cung kính vái lạy tổ tiên của tộc người thiểu số.

 Dốc Hảo Hán ở trước mặt là cửa ải thử thách đầu tiên, khi leo dốc phải tránh những ụ rễ cây cứng như đá, luồn lách qua những chùm rễ nhánh rất chắc rủ xuống từ trên cao. Tiếp theo du khách sẽ được trải nghiệm lách nghiêng người để đi lọt qua “đường khe trời” do tảng đá khổng lồ bị nứt làm đôi, khám phá mảng kiến tạo Philippines trồi lên từ đáy đại dương và địa hình mạch núi men theo bờ biển đầy độc đáo.

 

Bài học thứ nhất: Bài học lẽ sống cuộc đời

 Sau khi đi hết Đường mòn Thợ săn, khách tham quan bụng đã đói meo nhưng trước lúc ăn vẫn phải nghe giảng về lẽ sống của tộc người Bunun.

 Hướng dẫn viên Long nhấn mạnh: “Người Bunun chúng tôi vô cùng coi trọng 4 người phụ nữ trong cuộc đời: Thứ nhất là phải nghe lời bà, bởi vì bà là người sẽ truyền lại những câu chuyện và truyền thống của gia tộc. Thứ hai là phải có hiếu với mẹ, vì trên thế giới này không có ai có thể thay thế mẹ. Thứ ba là phải yêu vợ, vậy người phụ nữ thứ tư là ai?”. Mọi người đều đoán đó là con gái, nhưng ông Long nói với vẻ đầy tư lự rằng: “Con gái đi lấy chồng sẽ không về nhà nữa. Do vậy, thưa các vị trưởng bối, quý vị nhất định phải tôn trọng con dâu của mình, 4 người phụ nữ này đều không phải là người trong gia tộc của chúng ta, mà là con gái được gả từ gia đình khác đến, chúng ta nhất định phải đối xử tốt với họ”, cho nên, là một người đàn ông tốt thì phải tươi cười vui vẻ xới cơm, bưng đồ ăn cho phụ nữ.

 Khi tới thăm Viện bảo tàng văn hóa rừng, ngoài việc phải tự chuẩn bị bát đũa và cấm vứt rác bừa bãi, mỗi vị khách tham quan cũng sẽ thấm thía được quy tắc đạo đức và sự tôn trọng con người thông qua việc giúp người khác xới cơm, bưng đồ ăn.

 

Bài học thứ hai: Bài học đạo đức môi trường

 Cuối cùng cũng đã tới lúc được thưởng thức các món ăn Bunun, trước tiên là món thịt ba chỉ kho với “kê huyết đằng” - một loại thảo mộc để tạo màu mà không cần dùng xì dầu, rồi đến món lá tàu bay gói nấm kim châm chiên giòn tan, món lá mao ty đài gói hạt kê, có cả món ăn trong dịp lễ tết - bánh Abai gói với thịt ba chỉ; ngoài ra còn có món mì gói xào ngọn su su - món ăn đơn giản thường gặp nhất khi làm việc trên núi, món salad mơ theo mùa, dưa chuột trộn chanh leo, các loại quả tự trồng như su su, bí đỏ. Ông Aliman nhấn mạnh: “Rừng là tủ lạnh của người Bunun chúng tôi, mỗi miếng thức ăn đều là món quà tặng khảng khái mà mảnh đất này đã ban tặng”.

 Do ông Aliman kiên quyết không lắp đường điện, không dùng bếp ga tại khuôn viên của Viện bảo tàng văn hóa rừng, vì vậy từ 7 giờ sáng các nhân viên đã phải chặt củi nhóm lửa. Mỗi món ăn được nấu bằng củi như cơm trắng, rau luộc giúp khách tham quan được nếm những hương vị thiên nhiên thực thụ.  Nhờ thưởng thức các món ăn, trải nghiệm khám phá Đường mòn Thợ săn, khách tham quan đã trở thành người chứng kiến văn hóa của tộc người Bunun. Trước khi ra về, mỗi người đều trồng một cây con, tay đan tay cùng hát bản hợp ca bát âm để chúc phúc cho cây mới được trồng. Những lời ca tràn đầy hơi thở cuộc sống vang lên giữa cánh rừng khiến cho chuyến thăm Viện bảo tàng văn hóa rừng hòa mình vào thiên nhiên này đọng lại một dấu ấn khó phai.