Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Lạc bước dưới chân núi Jiujiu Bảo tàng Mỹ thuật Yu-Hsiu
2021-08-23

Bảo tàng Mỹ thuật Yu-Hsiu

 

 Một đôi vợ chồng khởi nghiệp với tâm niệm “cả đời làm một việc có ý nghĩa”, gặp được một nghệ sĩ dám ước mơ, dám nghĩ dám làm. Họ đã cùng gây dựng nên một bảo tàng mỹ thuật đẹp nhất nhân gian. Bảo tàng này là nơi khởi nguồn nhận thức về vẻ đẹp, là món quà vô giá của xã hội Đài Loan và cũng là hiện thân của vẻ đẹp đất trời.

 

 Vài năm trước, trong giới yêu thích văn hóa nghệ thuật đột nhiên truyền tai nhau về một bảo tàng mỹ thuật được thành lập tại nơi thôn quê hoang vắng. Thế nhưng trái ngược với những khó khăn về giao thông, ai đã từng đến đây đều lưu luyến không nỡ về, kỳ vọng một ngày được quay lại lần nữa.

 Một bảo tàng mỹ thuật níu kéo lòng người như thế, rốt cuộc có gì đặc biệt? Là do kiến trúc lộng lẫy nguy nga, hay nhờ có những vật trưng bày quý giá? Rời xa chốn thị thành náo nhiệt, chúng tôi đi khám phá bảo tàng ở thị trấn Thảo Đồn, huyện Nam Đầu (Caotun, Nantou), nằm dưới dưới chân núi Cửu Cửu (Jiujiu) tĩnh lặng.

 

Bảo tàng mỹ thuật trong núi

 Bảo tàng mỹ thuật nằm ở xóm Bình Lâm, thị trấn Thảo Đồn, chỉ có 400 hộ gia đình, đằng xa là núi non trập trùng, lác đác vài hộ nông, đất đai màu mỡ trồng đầy nho và vải, bảo tàng mỹ thuật nằm ở cuối một con đường nhỏ.

 Mỗi ngày bảo tàng chỉ mở cửa cho tối đa là 180 khách tham quan, không những vậy mà còn phải hẹn lịch trước, cách quản lý nghiêm ngặt như vậy là vì muốn duy trì chất lượng tham quan, chỉ mong tìm được “tri âm”. Chúng tôi đi qua mặt tiền bằng bê tông thô rồi đến một con đường nhỏ rợp bóng tre, khi đi đến tận cuối con đường mới thấy xung quanh bỗng sáng hẳn lên. Theo từng bậc thang lên cao, tầm nhìn dần dần được mở rộng, cuối cùng cũng nhìn thấy được tòa kiến trúc chính, nơi dùng để triển lãm của bảo tàng. Quần thể kiến trúc được xây dựng dọc theo sườn núi, nhỏ nhắn và khiêm tốn, nghe nói đặc trưng yên tĩnh này là xuất phát từ người sáng lập bảo tàng, bà Diệp Dục Tú (Ye Yu-hsiu).

 Bức tường ngoài là một màu xám nhã nhặn, đơn giản nhưng cũng mang tính hiện đại, mặc dù rất khiêm tốn, nhưng những chi tiết nhỏ nhặt lại rất tinh tế. Với tổng diện tích rộng hơn 9.900 mét vuông nhưng diện tích kiến trúc chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại đều được phủ bởi màu xanh của cây cỏ. Đứng giữa khung cảnh thoải mái êm đềm giống như lạc vào cõi thần tiên, tìm thấy được một nơi để trải lòng mà ai nấy đều mong muốn có được.

 

Lý Túc Tân và Diệp Dục Tú

 Chức vụ Giám đốc Bảo tàng Yu-Hsiu bỏ trống hơn một năm nay, có vẻ như là sự tưởng niệm đối với Lý Túc Tân (Lee Chu-hsin).

 Lý Túc Tân là một họa sĩ, là một chuyên gia về giáo dục và cũng là người mang ước mơ xây dựng nên bảo tàng mỹ thuật này. Năm 2010, ông đến mua đất tại khu Bình Lâm (Pinglin) của thị trấn Thảo Đồn để làm văn phòng cho mình. Chốn thanh bình, yên tĩnh này không chỉ thu hút một mình Lý Túc Tân, mà còn thu hút nhiều nghệ sĩ khác. Nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên đã tạo nên cơ duyên để xây dựng bảo tàng mỹ thuật tại đây.

 Mối duyên giữa Lý Túc Tân và Diệp Dục Tú khởi đầu từ quan hệ thầy trò trong lớp hội họa ở Câu lạc bộ Rotary, cũng vì thế nên khi Lý Túc Tân mạnh dạn đề xuất với Hầu Anh Minh (Hour Ing-ming) và Diệp Dục Tú - đôi vợ chồng thường xuyên tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật, rằng: “Chúng ta cùng xây một bảo tàng mỹ thuật nhé?”, không ngờ lại nhận được câu trả lời là đồng ý.

 Sau khi mua đất xong, Bảo tàng mỹ thuật dần dần được xây dựng, thế nhưng đời người lại có nhiều thay đổi, chỉ sau hai năm khởi công xây dựng, Lý Túc Tân phát hiện mình bị ung thư, tình trạng sức khỏe không lạc quan. Năm 2016, khánh thành Bảo tàng mỹ thuật thì năm 2019, Lý Túc Tân qua đời.

 Bảo tàng mỹ thuật được xây dựng bởi nhiệt huyết cuối đời của ông Lý Túc Tân nên bà Diệp Dục Tú kiên trì “dùng phần đời còn lại để gìn giữ”. Không có giám đốc nhưng bảo tàng vẫn hoạt động như bình thường, những buổi triển lãm không hề thua kém quốc tế được diễn ra hết đợt này đến đợt khác, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu giáo dục nghệ thuật, cũng giống như tinh thần của ông Lý Túc Tân sẽ sống mãi trong bảo tàng, như chưa từng rời xa.

 

Bước vào trong Bảo tàng mỹ thuật

 Bước vào trong hội trường triển lãm, vừa lúc đang diễn ra hoạt động trưng bày với chủ đề “Entangled Garden for Plant Memory (Khu vườn lưu giữ ký ức thiên nhiên)” của nghệ sĩ Janet Laurence. Thời gian để lên kế hoạch cho hoạt động triển lãm này kéo dài đến 2 năm, cùng với sự phối hợp của phía bảo tàng và người chịu trách nhiệm kế hoạch, những thước phim và vật liệu như cành khô, khoáng thạch, thực vật, động vật… được dùng để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này, ngoài số ít được vận chuyển đến từ Úc, đa số đều là vật liệu Đài Loan.

 Triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật Yu-hsiu vừa hay, vừa rung động lòng người, công lao trước hết thuộc về thái độ cởi mở của bà Diệp Dục Tú. Bà bằng lòng để dành sân khấu cho các nghệ sĩ và người tham quan. Ngoài ra, một lý do khác là vì ông Lý Túc Tân đã từng đặt ra phương hướng cho bảo tàng này là xúc tiến “Hiện thực đương đại”.

 Khái niệm hiện thực không hạn hẹp giống như nhiều người tưởng tượng, vừa không cổ điển mà cũng không giản dị, càng không phải lỗi thời. Hiện thực, là một môn cơ bản của nghệ thuật, cũng là tấm gương phản chiếu tâm hồn, nhất là đối với khán giả. Nghệ thuật hiện thực có mối liên kết trực tiếp với sinh mệnh và cuộc sống, không khó hiểu và rời rạc như nghệ thuật trừu tượng hay nghệ thuật ý tưởng, mà nó khiến cho người ta dễ hiểu và dễ cảm nhận hơn.

 Trên cơ sở tốt đẹp sẵn có, cộng thêm tinh thần cầu tiến của đội ngũ đồng nghiệp, người điều hành Bảo tàng Yu-Hsiu Huỳnh Tường (Huang Hsiang) nói: “Chúng tôi tuy nhỏ, nhưng vẫn luôn hy vọng có thể phát huy sức mạnh lớn nhất trong mọi mặt”.

 Bảo tàng Yu-Hsiu tuy là một bảo tàng mỹ thuật nhỏ nhưng hoài bão lại không hề nhỏ. Những nghệ sĩ được mời tham gia triển lãm, bất luận là người trong nước hay nước ngoài, đều phải có thành tích nổi trội. Công tác chuẩn vị cho triển lãm vô cùng tỉ mỉ, thời gian chuẩn bị có khi phải tính bằng năm. Không gian triển lãm được tạo dựng theo đúng như nhu cầu của nghệ sĩ, để tác phẩm và không gian triển lãm như hoà làm một.

 Triển lãm “Khu vườn lưu giữ ký ức thiên nhiên” của nghệ sĩ Janet Laurence có lẽ là hoạt động tốn công sức nhất trong suốt nhiều năm qua. Một năm trước khi khai mạc triển lãm, nghệ sĩ đã đến Đài Loan để xem xét hội trường, sau khi nghệ sĩ về nước, đội ngũ phụ trách đã dựa trên danh sách mà nghệ sĩ liệt kê để tiến hành mượn đồ vật từ các bảo tàng như Bảo tàng Động vật trực thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan, Bảo tàng Tiêu bản Thực vật, Bảo tàng Tiêu bản Địa chất, và Trung tâm Bảo tồn và nghiên cứu Sinh vật đặc chủng, cho đến hai tuần trước khi khai mạc triển lãm, nghệ sĩ mới đến Đài Loan lần nữa và bắt đầu chuẩn bị trưng bày. Đây là một thử thách có nguy cơ cao, nhưng thành phẩm khá đặc sắc, cũng coi như là thành công.

 

Hành động vì giáo dục nghệ thuật

 Một nhiệm vụ khác của Bảo tàng Yu-Hsiu mà ít người biết đến, đó là xúc tiến giáo dục nghệ thuật trong trường học ở vùng sâu vùng xa.

 Đây cũng là sự kế thừa di nguyện của ông Lý Túc Tân. “Đi trồng cây, trồng cái đẹp vào trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ, rồi một ngày nào đó trong tương lai, có lẽ sẽ tỏa ra bóng mát”. Đây là tâm nguyện được ghi lại trong một tác phẩm viết tay của ông Lý Túc Tân. Tâm nguyện này đã thúc đẩy Bảo tàng mỹ thuật triển khai dự án “Tiết học mỹ thuật của em tại bảo tàng mỹ thuật”.

 Giáo dục là một công trình lâu dài, đội ngũ của bảo tàng vẫn giữ tác phong tỉ mỉ và đào sâu của mình trong việc giáo dục. Vì thế, từ thiết kế giáo án, làm sao để phối hợp với hoạt động triển lãm đang diễn ra, trao đổi với phía nhà trường trước buổi tham quan, tập huấn cho giáo viên và hướng dẫn viên, đến liên hệ sau hoạt động v.v.., mỗi khâu chuẩn bị đều được sắp xếp rất chu đáo.

 Đội ngũ của bảo tàng hy vọng có thể giúp các em nhỏ hiểu được phép lịch sự trong lúc tham quan và hy vọng thông qua những buổi hướng dẫn này sẽ khiến các em cảm thấy thích thú khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, đồng thời phát hiện “thì ra đến bảo tàng mỹ thuật lại thú vị đến thế”, từ đó chạm đến trái tim các em, ươm mầm hạt giống nghệ thuật. “Không phải là muốn mang đến cho các em điều gì, mà là muốn cho các em phát hiện điều gì đó tại đây”, chuyên viên phụ trách xúc tiến giáo dục Lưu Hân Quân (Liu Hsin-yun) nói.

 Ví dụ có một lần, triển lãm tác phẩm Tranquil Vastness (Mênh mông yên bình) của nghệ sĩ Dương Bắc Thần (Yang Pei-chen), nhà điêu khắc đã dùng gỗ để tạo ra chiếc túi Boston, sách cổ, áo da trông như thật, những đường nét trông như đã từng trải qua sự gột rửa của thời gian và cũng ẩn chứa tình cảm sâu sắc, khó nói giữa con người và đồ vật.

 Để hưởng ứng hoạt động triển lãm này, sau khi xem xong, giáo viên hướng dẫn các em học sinh tiến hành quan sát, đặt ra câu hỏi “Chủ nhân của chiếc túi này là ai?” nhằm thử thách trí tưởng tượng của các em, giúp học sinh thoát ra khỏi khuôn khổ thường ngày, cho trí tưởng tượng bay xa, rồi từ đó tạo nên động lực để sáng tác. Xuất phát từ “quan sát”, rồi đến “tưởng tượng”, cuối cùng là “sáng tác”, đây cũng giống như là quá trình phát triển của nghệ thuật. Tiết học mỹ thuật tại bảo tàng mỹ thuật đã quán triệt ý tưởng ban đầu của Bảo tàng Yu-Hsiu, muốn nói với tất cả mọi người rằng: Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật không hề khó khăn. Vẻ đẹp được bắt nguồn từ việc quan sát cuộc sống, biết cách thưởng thức nghệ thuật, cuối cùng chúng sẽ đọng lại trong chính cuộc sống của chúng ta.