Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cuộc phiêu lưu kỳ thú của hạt giống Viện Bảo tàng hạt giống Thiên Huề
2021-09-13

Viện Bảo tàng hạt giống Thiên Huề

 

 Nếu không phải là người làm nghề nông hoặc theo học khoa nông nghiệp thì hầu hết mọi người hiếm khi có cơ hội tìm hiểu kỹ về hạt giống, nhưng hạt giống lại là nguồn gốc của sự sống, và cả cuộc đời của chúng là một huyền thoại. Chúng có thể bay lên trời cao, lặn xuống biển, hoặc có thể ở trong trạng thái ngủ đông nhiều năm, chờ đợi một ngày nào đó thức dậy tiếp tục sinh sôi nảy nở.

 

 Đến thăm Viện bảo tàng hạt giống Thiên Huề (Thousand Fields Seed Museum) tọa lạc trên đường Đông Phong, thành phố Đài Nam (Dongfeng-Tainan), khi cánh cửa bằng gỗ săng đào (gỗ Mahogany) mở ra, trước mắt là một không gian ngoài trời được vây kín bởi cây cối và những nhánh dây leo chằng chịt, làm cho ta có cảm giác như đang len lỏi vào hốc cây trong câu chuyện Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên, mở màn cho chuyến phiêu lưu khám phá thế giới bí ẩn của hạt giống.

 

Chuyến phiêu lưu khám phá thế giới bí ẩn của hạt giống

 “Đa số hạt giống sẽ tách ra khỏi cây mẹ để đi tìm thổ nhưỡng, chủ nhân Viện bảo tàng hạt giống-ông Lương Côn Tướng (Liang Kunjiang) hay còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là “bố Lương” vừa chỉ vào hạt giống vừa giải thích.

 Có rất nhiều cách để hạt rời khỏi cây mẹ, loài thực vật nhân giống bằng quả có cánh dựa vào sự tiến hóa của chiếc cánh đặc biệt, giúp hạt cưỡi gió đi thật xa. Ông Lương Côn Tướng tách một kén quả dài dẹp của cây chuông vàng (the African tuliptree), bên trong bay ra từng sợi mỏng trong suốt như cánh con ve, chính giữa có phôi hình trái tim. Ông nói: “Bên trong kén quả này có đến mấy nghìn hạt giống, nhờ vào số lượng sẽ tăng khả năng giúp hạt tìm tới được với thổ nhưỡng”.

 Còn quả của loài cây nhạc ngựa (the big-leaf mahogany) thuộc nhóm quả nang, khi rơi xuống đất, quả sẽ trong trạng thái xoay tròn, mùa quả chín vào tháng 3 đến tháng 4, khi rơi xuống đất đúng lúc đón mùa mưa đầu hạ tháng 5, thế là hạt giống được dịp nảy mầm, sự sắp đặt của ông trời quả là ăn ý.

 Có hạt thì trôi theo sóng nước, nhờ vào sức nước để phân tán đến nơi xa, chúng được gọi là “thực vật nổi”. “Các loại thực vật nổi đều có cùng chung một đặc điểm là giữa hạt và vỏ hạt hình thành một khoang khí, phía ngoài có lớp da bảo vệ vỏ, phía bên trong vỏ là chân không, vì thế nó sẽ nổi trên mặt nước”. Ông Lương Côn Tướng giới thiệu một loại hạt của loài cây bàng vuông có kích thước lớn hơn cả bàn tay. Đây là loài thực vật nguyên sinh Đài Loan, cây bàng vuông chủ yếu phân bố ở đảo Lan Dự (Orchid Island), Lục đảo (Green Island), bán đảo Hằng Xuân (Hengchun) và đảo Tiểu Lưu Cầu (Little Liuqiu). Nếu như nhìn thấy loài cây này ở các nước Đông Nam Á thì chắc chắn là hạt của chúng trôi từ biển Đài Loan sang.

 Có loài thực vật thì lại tỏa ra mùi hương đặc biệt, thu hút chim và thú đến ăn, tiện thể đưa chúng rời khỏi cây mẹ, ví dụ như cây bàng vuông và ngọc kỳ lân (Couroupita guianensis). Cây ngọc kỳ lân là loài cây có hoa mọc ra từ thân cây, hoa có màu cam đỏ trên những nhánh cây tủa ra từ thân cây, quả sau khi chín sẽ nở bung và rời khỏi thân cây, thịt của quả có mùi hôi đặc biệt, thu hút côn trùng, chim chóc và động vật đến ăn.

 Mỗi loại hạt giống đều có xuất thân rất độc đáo, chúng tìm đủ mọi cách để mầm sống tiếp tục được sinh sôi. Ông Lương Côn Tướng nói: “Tại sao lại như vậy, ngẫm nghĩ thì thực ra chúng muốn nói với chúng ta ý nghĩa của sự sống”.

 

Hạt giống là nguồn gốc của sự sống

 Viện bảo tàng hạt giống trước kia là văn phòng thiết kế sân vườn của vợ chồng ông Lương Côn Tướng và bà Triệu Anh Linh (Zhao Yingling). Nhiều năm về trước, người con trai út của họ là anh Lương Triều Huân (Liang Chaoxun) trở về Đài Loan sau khi kết thúc chương trình học âm nhạc tại Anh quốc, anh đã thuyết phục cha mẹ thay đổi không gian nơi này và sáng lập nên Viện bảo tàng hạt giống ngày nay.

 “Ban đầu chỉ nghĩ là để cho vui thôi”, người quản lý Viện bảo tàng-anh Lương Triều Huân nói. Vì những thứ mà cha mẹ đã mất cả cuộc đời để sưu tầm nhưng lại không được ai chiêm ngưỡng thì thật đáng tiếc.

 Viện bảo tàng sưu tầm trên 500 loại hạt giống, số lượng hạt giống nhiều như thế cũng đồng nghĩa với cả một kho tàng kiến thức rộng lớn, bố Lương đã dựa vào sách tham khảo để mày mò tìm kiếm, “Tôi có cả một xe tải sách tham khảo, tiền đổ hết vào mua sách, tất cả các loại sách nghiên cứu về thực vật trong và ngoài nước tôi đều mua”. Mỗi khi nhắc tới hạt giống, ánh mắt ông Lương Côn Tướng lấp lánh, giọng hào hứng muốn chia sẻ sở thích lớn nhất của cuộc đời mình cho khách tham quan khi họ đến thăm viện bảo tàng.

 Hạt giống không chỉ có hình dáng đẹp mà chúng còn rất lợi hại, tiềm ẩn tri thức của sự sinh tồn. Khổng Tử từng nói:  “Đa thức ô điểu thú thảo mộc chi danh” (tức là nên thường xuyên tìm hiểu kiến thức về động thực vật, tiếp xúc với thiên nhiên). Ví dụ như cây chuối rẻ quạt (Ravenala madagascariensis) hay còn gọi là chuối của người lữ hành, là loài thực vật giúp con người sinh tồn khi bị lạc trong môi trường hoang dã, bẹ lá và phần gốc có thể trữ nước, nếu gặp phải rủi ro bị thiếu nước trong môi trường hoang dã thì có thể chặt bẹ lá ra để lấy nước giải cơn khát, cứu lấy mạng sống, còn hạt giống của nó có màu xanh rất hiếm thấy trong thiên nhiên nên được “mẹ Lương” là bà Triệu Anh Linh dùng để sáng tác nghệ thuật.

 Ông Lương Côn Tướng tiếp tục khoe hạt của cây Merremia tuberosa (Hawaiian woodrose) có hình dáng như một đóa hoa khô, cũng giống như hoa bìm biếc, là loài thực vật có hoa thuộc họ bìm bìm, sau khi ra hoa thì đài hoa sẽ hóa gỗ, hạt sẽ được bao bọc bên trong. Hoa có hình dáng chiếc phễu, miệng hướng lên trời, khi trời đổ mưa thì hoa sẽ chứa đầy nước, vỏ ngoài của hạt bị phá vỡ, hạt sẽ trôi theo nước rời khỏi thân mẹ để bắt đầu hành trình đi tìm thổ nhưỡng.

 Ngoài ra, loài cây cườm thảo đỏ (the rosary pea) thường thấy ở miền Nam Đài Loan, hạt của loài thực vật này có màu đỏ rực pha đốm đen đẹp lung linh, nhưng chúng lại mang độc tố chết người. Học giả nghiên cứu phòng chống ung thư nổi tiếng Đài Loan, tiến sỹ Đổng Đại Thành (Dong Dacheng) đã chiết xuất độc tố protein của loại hạt này để chống lại tế bào ung thư, nhưng các loài chim ăn cườm thảo đỏ lại không bị trúng độc, là bởi răng của chúng bị thoái hóa nên khi ăn sẽ nuốt chửng, loài chim có hệ thống tiêu hóa đơn giản nên thức ăn sau khi được tiêu hóa trong cơ thể, không lâu sau sẽ lập tức thải phân. Điều kỳ diệu là chính quá trình này đã giúp cho hạt hoàn thành giai đoạn ươm mầm, vì thế nếu trong phân của các loài chim chóc có chứa hạt thì một trăm phần trăm hạt sẽ nảy mầm. Ông Lương Côn Tướng giải thích đây là mối quan hệ tương trợ kỳ diệu của tự nhiên, khiến khách tham quan không khỏi ngạc nhiên. Điều này cũng chứng minh cho đạo lý cuộc sống sẽ tìm ra lối thoát và hạt giống chính là nguồn gốc của sự sống.
 

Anh Lương Triều Huân mời mọi người vào thăm viện bảo tàng Thiên Huề, để cùng trải nghiệm cuộc phiêu lưu của hạt giống.

Anh Lương Triều Huân mời mọi người vào thăm viện bảo tàng Thiên Huề, để cùng trải nghiệm cuộc phiêu lưu của hạt giống.
 

Đài Loan - hòn đảo có nguồn sinh vật đa dạng

 “Thực ra người Đài Loan hay nghĩ bụt chùa nhà không thiêng”.

 “Vì chúng ta sống quen trong một môi trường thực vật phong phú đa dạng cho nên chả lấy làm lạ, nhưng khi ra nước ngoài rồi thử mang đi so sánh thì mới phát hiện ra rằng giống loài sinh vật của Đài Loan sao mà phong phú đa dạng đến thế”.

 Theo báo cáo điều tra của Cục Lâm vụ, tuy rằng diện tích Đài Loan khá nhỏ nhưng trên đảo đã phát hiện và giám định trên 59.000 giống loài sinh vật.

 Rất ít khu vực chí tuyến Bắc đi ngang qua nhưng lại không phải là vùng sa mạc, Đài Loan chính là một trong số ít những trường hợp ngoại lệ đó. Với sự điều tiết của biển, gió mùa đi ngang qua mang lại mưa và độ ẩm, điều kiện tự nhiên này giúp cho hòn đảo nhỏ không bị suy thoái và sa mạc hóa, thêm vào đó nhờ vào địa hình phong phú gồm đồng bằng, gò đồi, đất xấu, đài nguyên núi cao và rừng rậm đã nuôi dưỡng nên hệ sinh thái đa dạng, tạo ra môi trường sống cho nhiều giống loài.

 Ông Lương Côn Tướng nói: “Đất đai của Đài Loan là một nhà kho hạt giống, là ngân hàng hạt giống. Nếu bạn đến môi trường hoang dã hốt một nắm đất về nhà, tưới một ít nước lên thì hoa sẽ mọc lên từ nắm đất ấy”.

 Nhiều loài thực vật đến Đài Loan ăn sâu cắm rễ vào vùng đất này và phát triển rất nhanh. Như loài hoa muồng hoàng yến (the golden shower tree) tựa như những cơn mưa vàng đầu hè, chúng đến từ Ấn Đô. “Muồng hoàng yến” trong tiếng Ấn Độ có ý nghĩa là màu vàng, người địa phương đập vỡ vỏ ngoài của hạt, bên trong có một chất dịch dinh dính có mùi hôi, trong đó có chứa chất saponin, chất này được người Ấn Độ dùng trong việc tẩy rửa. Vì Đài Loan có loài thực vật nguyên sinh là cây bồ hòn (Chinese soapberry-quả bồ hòn có thể làm xà phòng), nên chỉ coi muồng hoàng yến là cây cảnh. Còn cây phượng ở thành phố Đài Nam thì càng lợi hại hơn, chúng là một loài ngoại lai nhưng giờ đây đã cắm rễ trở thành cây của Đài Loan, chúng đến từ một nơi rất xa, ở tận Madagascar, châu Phi.

 Viện bảo tàng hạt giống đã tiếp đón khá nhiều du khách nước ngoài, anh Lương Triều Huân đặc biệt ấn tượng với du khách đến từ Hồng Kông và Singapore. Anh Lương Triều Huân nói: “Du khách đến từ hai khu vực này có ý thức rất mạnh mẽ về môi trường”. Thành phố Singapore được dọn dẹp quá sạch sẽ, đến nỗi các loại cỏ dại mọc ra từ khe tường cũng bị vặt sạch, hạt vừa rơi xuống đất lập tức bị quét đi, ít nơi có được môi trường thiên nhiên tự tại như ở Đài Loan.

 

Cuộc sống như hạt giống

 Viện bảo tàng Thiên Huề chỉ sưu tầm hạt ở vùng đồng bằng, còn các loại hạt giống trên núi thì để chúng ở lại với núi.

 Không gian bên trong Viện bảo tàng Thiên Huề được thiết kế theo kiểu nhà bao quanh bởi cây cối, anh Lương Triều Huân nói: “Chúng tôi không phải xây nhà xong rồi mới trồng cây, mà chúng đã có sẵn ở đó, chúng tôi xây từ bên cạnh”.

 Đất nông nghiệp ở xã Lý Cảng, huyện Bình Đông (Ligang-Pingdong) cũng áp dụng cách thuận theo tự nhiên, chỉ cần nhận được một hạt giống yêu thích thì sẽ đem nó đi trồng rồi chờ hạt nảy mầm lớn lên, “bố Lương” nói: “Chúng tôi sống kiểu tùy duyên, ông trời cho chúng tôi bao nhiêu thì chúng tôi dùng bấy nhiêu”.

 Bà Triệu Anh Linh, người có sở thích sử dụng hạt giống để sáng tạo nghệ thuật cũng nhường công cho tài thiết kế khéo léo của ông trời. Bà nói: “Không phải do chúng tôi làm ra đâu, mà chúng sinh ra là như thế, tôi chỉ sửa soạn lại cho chúng mà thôi”. Dùng vỏ quả săng đào kết hợp với cây mào gà trắng để làm thành một đôi giày cao gót, nhờ vào nhiệt độ và độ ẩm của thời tiết miền Nam nên khi vỏ quả săng đào bị vỡ ra thì chúng tự nhiên sẽ cuộn cong lại, bà Triệu Anh Linh đã dùng chúng để làm đường cong vòm chân tuyệt đẹp của giày cao gót. Còn vảy quả thông thì được tô điểm thêm các loại hạt đầy màu sắc trông như cây thông Noel, hoặc chú chim cú mèo được ráp lại bằng các loại quả khô, chú heo con cười mỉm, chú ốc sên nữa, chúng trông rất tự nhiên, y như thật.

 Phóng viên chúng tôi mời cả gia đình chụp một bức ảnh chung nhưng bị từ chối, anh Lương Triều Huân nói: “Chúng tôi đã quen để cho hạt giống làm nhân vật chính rồi”. Cả cuộc đời của gia đình họ Lương đã thong dong tận hưởng trong thế giới thực vật, đây cũng chính là bức chân dung cuộc sống của viện bảo tàng hạt giống Thiên Huề. Không cần nói đạo lý, quan trọng là được thỏa thích niềm vui, nhưng trong quá trình tiếp xúc và tương tác với hạt giống, lúc đó chúng ta mới lãnh ngộ được cảnh giới “Trong hạt cát, ta thấy cả vũ trụ” của từng hạt giống nhỏ bé, đây cũng là hàm ý riêng của hạt giống.