Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phong cảnh đang chuyển mình của đường sắt Đài Loan Khởi động sự phục hưng phong cách mỹ thuật
2021-10-25

Xây dựng ga tàu giống như phòng trưng bày mỹ thuật, bên trong khối kiến trúc của ga Tân Thành trưng bày tác phẩm “Vẻ đẹp Taroko”, tác phẩm kính nung nghệ thuật và tác phẩm “Woven Path” do nghệ sĩ người nguyên trú Labay Eyong đan bện.

Xây dựng ga tàu giống như phòng trưng bày mỹ thuật, bên trong khối kiến trúc của ga Tân Thành trưng bày tác phẩm “Vẻ đẹp Taroko”, tác phẩm kính nung nghệ thuật và tác phẩm “Woven Path” do nghệ sĩ người nguyên trú Labay Eyong đan bện.
 

 Bất kể là đoàn tàu du lịch của đường sắt Đài Loan ra mắt vào cuối năm 2019, hay các nhà ga dọc theo tuyến xe lửa phía Đông được sửa sang trong “Phong trào ga xe lửa mới Hoa Liên - Đài Đông (Hualien - Taitung)”, bạn sẽ phát hiện được rằng, những khung cảnh dọc theo các tuyến đường sắt đã bầu bạn với biết bao người đi làm hằng ngày, rời quê hương hay đi du lịch, đều đang dần dần chuyển mình.

 

 Đường sắt từng là phương tiện vận chuyển và du lịch quan trọng của người dân sống trên đảo Đài Loan, nhiều nhà ga nằm rải rác khắp các thị trấn làng mạc, là hình ảnh quê hương, chỗ dựa tinh thần của người xa quê; di chuyển chậm cũng là một cơ hội, mời bạn hãy thong thả thưởng ngoạn cảnh đẹp trên dọc đường đi, cảm nhận mối duyên gặp gỡ với từng sự vật ở bên cạnh. 

 

Ga Tân Thành (Xincheng Taroko): Xây dựng ga tàu như một bảo tàng mỹ thuật

 Kiến trúc sư Khương Nhạc Tĩnh (Chiang Leching) quê ở Đài Trung (Taichung), ga Tân Thành (Xincheng Taroko) rộng thênh thang nằm trên tuyến đường sắt Hoa Liên – Đài Đông là do cô Khương Nhạc Tĩnh thiết kế. Ga Tân Thành là cửa ngõ phía Bắc quan trọng của Hoa Liên, trong cuộc thi đồ án kiến trúc, cô Khương Nhạc Tĩnh dùng hình ảnh “chiếc cổng” làm ý tưởng thiết kế, “Đây là chiếc cổng khi rời xa quê hoặc trở về quê của cư dân Tân Thành, là cánh cổng chào đón du khách tới Hoa Liên và cũng là cánh cổng của Công viên Quốc gia Taroko”, cô Khương Nhạc Tĩnh cho biết.

 Phong cảnh non nước của Hoa Liên – Đài Đông là tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa, cô Khương Nhạc Tĩnh cũng muốn xây dựng ga tàu giống như một viện bảo tàng tại đây, tham khảo hình chữ V của lòng sông Lập Vụ (Li-Wu) do bị xói mòn và hình ảnh của thung lũng Taroko, cô đã mạnh dạn dùng khung kết cấu bằng thép uốn lõm tạo ra chiếc cổng chào tạo sự liên tưởng đến dãy núi Trung ương. Khi bầu trời quang đãng trong xanh, hình ảnh chiếc cổng hoành tráng của ga Tân Thành như một tác phẩm nghệ thuật nổi lên từ mặt đất.

 Tham khảo ý tưởng không gian ga tàu của Âu Mỹ, cô Khương Nhạc Tĩnh cho rằng, ga tàu phải mang “nét đặc trưng địa lý, sự thiêng liêng và tầm quan trọng” để tạo nên một ga tàu giống như một bảo tàng mỹ thuật. Cô đóng góp ý kiến với Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan nên nâng cao tỷ trọng của nghệ thuật công cộng, vì thế đã sử dụng tác phẩm “Vẻ đẹp Taroko” (The Beauty of Taroko) của cố họa sĩ tranh thủy mặc Mã Bạch Thủy (Ma Baishui) sáng tác lúc tuổi già và được nghệ sĩ chuyển thể thành tác phẩm kính nung nghệ thuật, treo tại sảnh chờ tàu, nhờ ánh sáng tự nhiên làm toát lên vẻ đẹp lúc bình minh, hoàng hôn buông xuống và vẻ đẹp bốn mùa của Taroko.

 Ngoài ra, còn có tác phẩm mang tên “Elug Tminun” (Woven Path – Con đường đan dệt) do nghệ sĩ đan dệt Labay Eyong thuộc tộc người Truku cho mời những nữ thợ dệt người dân tộc nguyên trú cùng hợp sức hoàn thành, họ tháo từng chiếc áo len cũ ra cuộn thành những cuộn len, rồi đan bện lại từng sợi giống như dệt nên những tình cảm của họ dành cho quê hương, tạo ra tác phẩm tràn đầy sức sống và sáng tạo, khiến người qua lại phải dừng chân và thốt lên trầm trồ.

 

Ga Phú Lý (Fuli): Kiến trúc xanh trong cái nhìn thứ hai

 Cặp vợ chồng kiến trúc sư Trương Khuông Dật (Chang Kuangyi) và Trương Chính Du (Chang Chengyu) đều sinh ra và lớn lên tại Nghi Lan, là người chịu trách nhiệm thiết kế ga tàu Phú Lý. Với những hình khối đơn giản, bức tường phía ngoài sơn màu vàng nhạt có tạo hình tương tự như vựa thóc, là điểm du lịch mới của Phú Lý.

 “Sức hấp dẫn của Hoa Liên – Đài Đông chính là môi trường tự nhiên của nó, vì vậy chúng tôi vẫn luôn cho rằng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn sẽ nhìn thấy cảnh đẹp tại đây trước, rồi đến cái nhìn thứ hai mới để ý tới sự tồn tại của công trình kiến trúc”. Cũng chính vì thế, cô Trương Chính Du cười nói, thiết kế của họ là “kiến trúc trong cái nhìn thứ hai”.

 Ban đầu, cặp vợ chồng kiến trúc sư quyết định lấy “màu sắc” để định hình cho ga tàu. “Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, nó sẽ thể hiện sự cảm nhận đối với trái đất qua màu vàng nhạt”. Cô Trương Chính Du cho biết, điều này nhằm kết hợp với gam màu của mùa hoa kim châm và bông lúa vàng óng, là những đặc sản nổi tiếng của địa phương. Vì vậy, bức tường phía ngoài của công trình kiến trúc sử dụng đá granite vàng, vật liệu đá thiên nhiên dường như biết hít thở, khi thời tiết thay đổi sẽ tạo ra độ đậm nhạt khác nhau, rất thú vị.

 “Đơn giản, mộc mạc” là tiêu chí thứ hai của thiết kế, do hiểu được tình trạng thiếu hụt lao động và tình hình khó khăn trong xây dựng tại những vùng quê hẻo lánh, anh Trương Khuông Dật suy nghĩ phải làm thế nào để giảm tiêu hao năng lượng và chi phí quản lý bảo trì đối với ga tàu nhỏ với nguồn kinh phí có hạn. Cân nhắc đến chi phí giá thành, vừa phải đảm bảo được độ an toàn và kỹ thuật thi công nên anh đã chọn kết cấu bằng bê tông cốt thép, ở phía ngoài cho ốp đá khô, tạo lớp khí giữa bê tông cốt thép và đá, kết hợp với chức năng cách nhiệt để ứng phó điều kiện thời tiết, cắt giảm được chi phí năng lượng, đồng thời tận dụng phương pháp lật, xoay để sáng tạo ra nhiều biểu cảm phong phú cho mặt tiền kiến trúc. Anh Trương Khuông Dật giải thích về dụng ý của anh trong thiết kế này.
 

Mái vòm của ga Trì Thượng, do những đường nét hình vòng cung đan vào nhau có cảm giác như một giai điệu, những tấm kính tạo thành giấy vẽ của thiên nhiên, khiến bóng cây và mây trắng thỏa thích chơi đùa trên đó.

Mái vòm của ga Trì Thượng, do những đường nét hình vòng cung đan vào nhau có cảm giác như một giai điệu, những tấm kính tạo thành giấy vẽ của thiên nhiên, khiến bóng cây và mây trắng thỏa thích chơi đùa trên đó.
 

Ga Trì Thượng (Chishang): Ga tàu có tạo hình vựa thóc tràn đầy ánh nắng

 Đến địa phận Đài Đông, tiến vào Trì Thượng, ga Trì Thượng là điểm dừng chân gần nhất cho du khách leo núi trên đường đi vào hồ Gia Minh (Jia-ming). Hàng năm, vào dịp Lễ hội nghệ thuật lúa thu Trì Thượng, dòng khách tham quan đến và đi cũng từ ga Trì Thượng. Ngoài là lối vào của khách du lịch, đối với người địa phương mà nói, ga tàu là ký ức quê nhà của họ. Anh Cam Minh Nguyên (Peter Kan), chủ Văn phòng kiến trúc sư D.Z. Architects and Associates, người phụ trách thiết kế ga Trì Thượng cho biết: “Ngoài chức năng vận chuyển và phục vụ du lịch, ga tàu cũng là nơi chia tay với người thân sắp phải rời xa, là không gian để trút nỗi lòng lúc chia xa”.

 Thấu hiểu tâm tư của người dân địa phương, anh Cam Minh Nguyên tái hiện bằng những yếu tố đơn giản và gần gũi với cuộc sống, “Tôi đưa ra khái niệm “vựa thóc” để xây dựng ga tàu”.

 Ban đầu, do có phòng máy nên ga Trì Thượng không thể di chuyển vị trí khiến diện tích bên trong khá hẹp. Trước điều kiện hạn chế như thế, Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan lập kế hoạch di dời ga tàu về phía Bắc. Tuy nhiên, anh Cam Minh Nguyên hiểu rõ là không thể vội vàng thay đổi nếp sinh hoạt của thị trấn nhỏ này, nếu không sẽ gây thiệt hại lớn cho địa phương, cho nên anh đã tiến hành trao đổi với Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan và cư dân địa phương, nhận được sự thông cảm, vẫn giữ nguyên ga tàu ở vị trí cũ nhưng thông qua phương pháp thiết kế để giải quyết vấn đề vị trí của ga tàu bằng cách cho bao kín phòng máy vốn không thể di chuyển đi nơi khác, vì phòng máy chiếm chỗ nên phải nối dài sân ga. Anh Cam Minh Nguyên cũng thiết kế ra một đường dốc, kéo dài lối đi, giải quyết được vấn đề độ cao chênh lệch gần 2 mét giữa sân ga và ga tàu.

 “Kết cấu bằng gỗ cũng dễ truyền tải bầu không khí ấm áp và văn hóa hơn”, tuy nhiên, anh Cam Minh Nguyên chọn cách thể hiện khác, kết cấu dầm cột được làm bằng vật liệu gỗ dán glulam có nhịp cong lớn, đan xen lẫn nhau theo hình vòng cung, tạo nhịp điệu cho mái vòm, sử dụng kính làm tường, khiến luồng sáng trong nhà ga di chuyển theo ánh nắng, thi nhau nhảy nhót.

 Mỗi khi đêm về, bật ánh sáng gián tiếp tại ga Trì Thượng lên, tạo hình của khối kiến trúc ga tàu trở nên đậm nét phong cách huyền ảo, tạo nên bầu không khí cổ tích cho thị trấn nhỏ, nơi sản xuất ra nhiều lúa gạo, dù bình minh hay hoàng hôn, dù nắng hay mưa đều có những nét quyến rũ khác nhau.

 

Đoàn tàu du lịch: Tạo ra chuyến du lịch chậm với chất lượng cao

 Ga tàu là phong cảnh tĩnh, còn đoàn tàu thì đưa phong cảnh đang di chuyển vào bên trong các toa tàu.

 Về nước đã hơn 10 năm, anh Khưu Bách Văn (Johnny Chiu), người sáng lập Công ty thiết kế J.C. Architecture, đã từng giành được nhiều giải thưởng thiết kế trong và ngoài nước, nhớ lại việc thiết kế xe lửa là niềm mơ ước của anh thời thơ ấu. Tuy nhiên, lối thiết kế mỹ thuật lỗi thời những năm gần đây của Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan đã nhận về nhiều lời chê bai. Do bản thân là nhà thiết kế, anh suy nghĩ có thể dùng khả năng của mình giúp Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan tạo sự thay đổi. Vì không quen biết các nhân vật quan trọng của Cục Quản lý Đường sắt, anh viết thư kêu gọi những người trong ngành thiết kế hỗ trợ, sau đó đã nhận được thư hồi âm của anh Ngô Hán Trung (Wu Han-chung), người được tôn vinh là CEO mỹ học, hiện là thành viên Ban tư vấn mỹ thuật của Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan. Hai tuần sau, anh Khưu Bách Văn được mời tới Cục Quản lý Đường sắt tiến hành báo cáo, đề xuất dự án thiết kế đoàn tàu du lịch vòng quanh đảo. Cuối năm 2019, đoàn tàu du lịch của đường sắt Đài Loan xuất hiện với diện mạo mới, đoàn tàu được trở lại lần này sử dụng hai gam màu đen và cam ở phía ngoài, màu đen tạo cảm giác sang trọng, huyền bí, đường màu cam được vẽ trên thân tàu gợi nhớ ký ức quen thuộc về những chuyến tàu hỏa Chu-Kuang. 

 Mở máy tính ra, anh Khưu Bách Văn lấy ra một tờ bản thảo, “Nguồn cảm hứng của tôi bắt nguồn từ sắc màu Đài Loan mà tôi cảm nhận được trên chuyến xe lửa Alishan trong ký ức, như một cơn gió thu thổi vào toa tàu, sau đó thời gian ngừng trôi và lưu lại trong toa tàu, vì vậy được đặt tên là “Gió mùa thu” (Autumn Breeze)”. Trang trí bên trong các toa tàu kết hợp với phong cảnh bên ngoài cửa sổ, bức rèm cửa sổ thì dựa theo tác phẩm của nghệ nhân dân tộc nguyên trú Yuma Taru, dùng những khối hình học chồng lên nhau tạo thành hình dáng dãy núi, màu của ghế ngồi được phối bằng hai màu xanh lam và màu xám, tạo sự liên kết với màu của đại dương và đá thô Đài Loan. “Tôi luôn nói rằng, thực ra chúng tôi không làm gì cả, mà chỉ đưa cảnh quan vào toa xe, đưa phong cảnh bốn mùa vào đây thôi”. 

 Tất cả những điều đó thực ra là sự trải nghiệm rất tường tận đối với năm giác quan cơ thể, là sự đổi mới tư duy về du lịch. “Trường hợp này là dùng thiết kế để vượt ra khỏi khuôn khổ, ngẫm nghĩ lại cảm nhận về du lịch chậm”, anh Khưu Bách Văn cho biết.

 Thông qua năng lực thiết kế, hệ thống đường sắt Đài Loan có bề dày lịch sử 133 năm đang chuyển mình và tạo ra cơ hội mới. Mỗi chuyến tàu, mỗi nhà ga đều là những câu chuyện kể của Đài Loan, đều có thể cảm nhận được sự chân thật và vẻ đẹp của Đài Loan. Tìm đúng người, cùng tiến về phía trước, phong cảnh đường sắt Đài Loan đang trên đà chuyển biến.