Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ngôi nhà Dugu House, Do Good Things Địa điểm giáo dục không theo khuôn mẫu của ông Hà Tuấn Hiền
2021-11-08

Dugu House

 

 Ngay sát bên cạnh đường quốc lộ số 2 đoạn từ Đạm Thủy đi Kim Sơn (Tamsui-Jinshan), nơi xe cộ lao vun vút trên con đường chạy dọc bờ biển với những bãi đá lô nhô, có một ngôi nhà màu vàng cát sa mạc với tạo hình tổ kiến đặc biệt gây thu hút. Nó không phải là quán cà phê, cũng không phải là nhà nghỉ, nhìn từ trên cao xuống, trông hệt như một con rùa biển đang ngồi chồm hỗm bên bờ biển, vị chủ nhân Hà Tuấn Hiền (Hoch Ho) đã đặt tên cho ngôi nhà này là Dugu House (Do Good House).

 Tên gọi của nó rất giống với âm đọc “Dugu” trong tiếng Mân Nam (có nghĩa là ngủ gật), với hàm ý giúp mọi người thoải mái, thư giãn, cũng giống như tên gọi tiếng Anh “Do Good House” được gắn với sứ mệnh “Do something good” (hãy làm điều gì đó tốt đẹp).

 

 Khác với đa số các công trình kiến trúc đều theo kiểu vuông thành sắc cạnh, bóng loáng không tì vết, Dugu House có kết cấu vòm với song cửa sổ hình cánh quạt, bờ tường có độ lồi lõm khi chạm vào, tạo cảm giác rất thích thú.  

 Năm 2008, chủ nhân của ngôi nhà-ông Hà Tuấn Hiền đã dẫn theo tốp học sinh trường Trung học phổ thông Kiến Quốc và sinh viên Trường Đại học Quốc gia Đài Loan, cùng với những nông dân ở gần đó tự tay dựng nên ngôi nhà và đã hoàn thành sau 3 tháng. Căn nhà nhỏ này mặc dù không có máy lạnh nhưng lại ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, giúp ông đạt giải nhất Cuộc thi kiến trúc xanh Đài Loan lần thứ nhất với tư cách là một người nghiệp dư.

 

Cuộc trò chuyện với “ông trời”

 Ông Hà Tuấn Hiền vốn xuất thân nghèo khó, từ nhỏ đã cố gắng phấn đấu học hành và đã hết sức nỗ lực học lên đến tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Công trình và Công trình Hải dương tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp, ông đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và dấn thân vào mảng kinh doanh dạy thêm. Vợ chồng ông cũng đã có với nhau hai cô con gái, có một cuộc sống suôn sẻ ổn định mà nhiều người mơ ước.

 “Lẽ nào, cuộc đời chỉ là một chuỗi những ngày tháng không ngừng kiếm tiền ư?”, vào lúc mà đáng lẽ ra đang bước vào độ tuổi tràn đầy tự tin thì ông lại sớm cảm nhận thấy “nguy cơ của tuổi trung niên”.  

 Mãi cho tới khi có người bạn chia sẻ với ông về sự lĩnh ngộ rằng: “Tại sao lại phải mất quá nhiều thời gian để kiếm thứ tiền mà bản thân không dùng đến?”, đã khơi lên sự suy ngẫm mà ông dành cho chính mình, đó là: “Nếu chỉ còn được sống 1 năm cuối cùng của cuộc đời, thì điều gì là quan trọng nhất?”

 Và ngay lập tức đã bật ra câu trả lời: “Người thân được khỏe mạnh”.

 Chính vì vậy, vốn rất yêu phong cảnh bờ biển phía Bắc nên ông đã mua một mảnh đất nông nghiệp tại đây và quyết định canh tác trồng trọt trên mảnh đất này, chăm sóc người thân bằng những thức ăn lành mạnh, không ngờ rằng vì vậy lại mở ra “Cuộc trò chuyện không lời với ông trời”.

 

Biến rác biển thành “vật hữu ích”

 Là “kẻ ngoại đạo” về nông nghiệp, ông Hà Tuấn Hiền thừa nhận, ban đầu ông cũng chỉ trồng trọt qua loa đại khái, về sau mới chuyển sang áp dụng “phương pháp trồng trọt kiểu bánh mì kẹp thịt” là phương pháp trồng trọt với 1 lớp đất hữu cơ, rồi đến 1 lớp vỏ trấu và thức ăn thừa kẹp ở giữa, rồi tiếp tục lại đến 1 lớp đất hữu cơ nữa, để thức ăn thừa trở thành phân bón nhưng không bị hôi thối, khá phù hợp cho vườn rau ở thành thị.

 Ông cũng quan sát thấy quá trình biến hóa của rác tại khu vực bờ biển, những năm trước đây chủ yếu là rác của Đài Loan, còn về sau này là từ các tỉnh duyên hải Trung Quốc trôi dạt sang. Xuất thân từ chuyên ngành kỹ thuật, khi làm việc ông rất chú trọng đến cơ sở khoa học, sau khi phát hiện ra vấn đề thì cũng đòi hỏi phải giải quyết vấn đề. Rác chung quy lại vẫn chỉ là rác, “cần phải làm thế nào để thứ có hại trở thành thứ đem lại điều tốt đẹp cho Trái đất”. Ông Hà Tuấn Hiền chợt có ý tưởng, biến rác thành đồ vật hữu ích mới có thể tạo ra sự bền vững. Bên bờ biển thường bắt gặp những chiếc phao tròn đủ cỡ to nhỏ khác nhau, ông chỉ cần gia công một chút, tận dụng kết cấu hình tròn của chúng để làm thành những chiếc đèn, chiếc loa có tạo hình rất đáng yêu, thậm chí từng thu hút studio nghệ thuật muốn tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

 Một khối lượng khổng lồ rác xốp cũng tạo ý tưởng cho ông. Ông cho thiết kế những hộp xốp bỏ đi thành hộp trồng rau, tầng dưới trữ nước, tầng trên trồng rau, xếp chồng lên và đan xen với nhau, rồi buộc nối lại bằng dây ni-lông, điều tiết hệ thống trữ nước thông qua hiện tượng mao dẫn để các loại cây trồng mô phỏng những loài thực vật sống hoang dã có thể sinh sống nhờ “nguồn nước thiên nhiên”, không cần phải tưới thêm.

 

Ứng dụng linh hoạt kiến thức bài vở, xây nhà theo kiểu tự nhiên

 Vì lao động ngoài đồng ruộng trong một khoảng thời gian dài, ông Hà Tuấn Hiền nảy ra ý định xây một căn nhà trên khuôn viên đất trồng trọt. “Học hành rốt cuộc có tác dụng gì?”, trong chương trình giáo dục chính quy không có câu trả lời, vậy hãy nhờ ngôi nhà này giải đáp câu hỏi trên.

 Ông quyết định sử dụng kết cấu vòm kiểu “biểu đồ hình sin”, đây là biểu đồ của hàm số bậc 2 trong môn toán trung học cơ sở. Phong cách kiến trúc nguyên thủy này giống như lều tuyết của người Eskimo, có thể chịu được bão cấp 17 và động đất mạnh cấp 8.

 Vào ngày ê-kip làm việc tới thăm, nhiệt độ ngoài trời gần 40℃, mọi người đều nóng lòng muốn được vào trong ngôi nhà để tránh nắng.

 Bí mật của ngôi nhà tiết kiệm năng lượng này có thể giải thích rõ bằng nguyên lý vật lý đơn giản của bậc trung học cơ sở. Ông Hà Tuấn Hiền nói, trước tiên về nguyên vật liệu xây dựng thì không sử dụng bê-tông cốt thép như thông thường mà là đất thu gom dạng cát có tác dụng cách nhiệt rất tốt. Ngoài ra, ở phía trên cao và phía dưới của ngôi nhà cho mở nhiều lỗ thông gió. Gió sau khi được giảm nhiệt nhờ bãi cỏ phía ngoài sẽ được thổi vào trong nhà, không khí nóng sẽ dâng lên cao và thoát ra ngoài qua các lỗ thông gió phía trên, đồng thời cửa sổ khí mở về hướng Tây Nam có thể đón gió Tây Nam vào mùa hè và ngăn gió mùa Đông Bắc lạnh giá vào mùa đông.

 Khi xây nhà, ông Hà Tuấn Hiền đã dùng cách cho chồng nhiều lớp lên nhau để tạo thành kết cấu uốn lượn hình vòng cung, tường thì được sơn bằng loại sơn Nano gốc nước có nhiều lỗ hổng, giúp cho hơi nước, khí nóng đều có thể tự do lưu thông, ngoài cùng phủ một lớp sơn quang xúc tác, có thể tự phân hủy vết bẩn có độ nhớt và phân động vật, vì vậy mặc dù đã hơn 12 năm nhưng vẫn như mới tinh.

 

Từ các môn văn, toán, lý, hóa đến giáo dục cuộc sống

 Những ngày làm sạch bãi biển đã giúp ông Hà Tuấn Hiền trải qua một quá trình tự chữa lành và tái tạo tâm hồn. Mặc dù công việc làm sạch bãi biển lặp đi lặp lại mỗi ngày cứ như một cỗ máy, nhưng nhờ vậy mà có thể gác bỏ mọi thứ, tâm hồn cứng nhắc mới xuất hiện một khoảng trống, thì những ý tưởng mới, những sự sáng tạo mới có thể tuôn trào.

 “Nếu tôi chỉ quan tâm đến bản thân, có nghĩa bản thân là tất cả thế giới nhưng khi tôi làm những việc không chỉ vì riêng mình, cho dù có không vui đi nữa, thì sự không vui đó cũng chỉ chiếm 1%, bởi nếu những người tôi quan tâm được vui, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc thay cho họ”, đó là điều mà ông Hà Tuấn Hiền đã lĩnh ngộ được.

 Ngôi nhà Dugu House như hiện tại không chỉ là một ngôi nhà kiểu nông trại, mà còn là địa điểm mơ ước để ông Hà Tuấn Hiền quảng bá ý tưởng “Bảo vệ môi trường, kiến trúc xanh và nông nghiệp cách tân”. Vào 6 năm trước, cuối cùng ông đã thuyết phục được người thân đồng ý bán công ty để đầu tư toàn bộ cho hoài bão cuộc sống như hiện tại. 

 Mặc dù đã rời khỏi tuyến đầu của ngành giáo dục nhưng với cương vị là một nhà giáo, sự quan tâm của ông Hà Tuấn Hiền đối với các em học sinh chưa bao giờ giảm bớt, nhất là khi ông quan sát thấy xã hội thời nay có thiên hướng theo chủ nghĩa vị lợi, mặc dù điều kiện vật chất dư dả, nhưng đời sống tinh thần lại trở nên thiếu thốn hơn. Vì vậy, ông bắt đầu tận dụng công việc hiện tại của mình để dạy cho học sinh những thứ mà thầy cô giáo không thể dạy các em trên lớp, không phải là các môn học chủ chốt như Anh văn, văn, toán, lý, hóa, mà là rất nhiều điều về giáo dục môi trường, về triết lý sống.

 Mặc dù ông đã rời khỏi lớp học, rời khỏi bục giảng nhưng lại giống như câu nói được cổ nhân đúc kết rằng: “Sư giả, sở dĩ truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc dã” (có nghĩa là: người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hóa giải những điều còn nghi hoặc).

 

Bài giảng khác biệt ở ngoài lớp học

 Vào buổi chiều một ngày khác, chúng tôi theo chân ông Hà Tuấn Hiền tới khu trung tâm sầm uất, đến Trường Tiểu học Bác Ái (Bo-ai) nằm sát ngay cạnh Tòa tháp 101 Đài Bắc. Ông khá bận rộn vào dịp kỳ nghỉ hè, nhân lúc học sinh nghỉ học, ông đã triển khai công trình quy mô nhỏ tại 3 trường học.

 Khi chúng tôi leo cầu thang lên tới tầng 3, chỉ thấy một mảng xanh rì hiện ra trước mắt. Sân thượng lộ thiên nối hai tòa kiến trúc với nhau trước đây vốn là nơi bị ánh nắng chói chang chiếu thẳng xuống, nhờ sự quy hoạch của ông tới nay đã biến thành một khu vườn trên không tuyệt đẹp.  

 Tại đó một bên là thảm cỏ được trồng cách rời mặt đất, tạo một khoảng xanh rì tượng trưng cho ngọn núi Tượng Sơn (Xiang-shan) ở ngay gần đó, bên còn lại là những thùng trồng rau được xếp thành 3 vòng tròn, những chiếc thùng gỗ cao thấp khác nhau tượng trưng cho những dãy nhà cao tầng ở khu vực lân cận. Những loại cây cỏ được trồng tại đây sẽ thay nhau sinh trưởng theo mùa, đương nhiên toàn bộ đều được ứng dụng thiết kết hộp trồng rau của ông Hà Tuấn Hiền, chỉ tận dụng nước mưa, mà không cần phải tưới tiêu bằng nhân công.

 Còn Trường Tiểu học Hòa Bình (He-ping) được xây dựa lưng vào núi tại Thạch Đĩnh (Shi-ding) - một khu ngoại ô nằm ở đầu bên kia của Đài Bắc, nhờ có sự quy hoạch của ông đã tạo ra giải pháp mới cho nguồn tài nguyên nước của nhà trường. Nước suối thiên nhiên và nước thải sau khi học sinh rửa tay, được dẫn tới bể sinh thái và trở thành nước sạch thông qua quá trình lọc sạch nhờ thực vật thủy sinh và sục khí, ngoài cung cấp cho học sinh vui chơi, còn được sử dụng để tưới ruộng bậc thang.

 Bảo vệ môi trường, giáo dục về nông nghiệp và thực phẩm, ứng dụng khoa học đều được đưa vào các chi tiết trong thiết kế. Ông nói: “Qua đó có thể truyền lý tưởng cho các em nhỏ mà không cần phải giảng giải những đạo lý to tát”.

 Hiện tại, ông Hà Tuấn Hiền có thể nói là lui về sau nhưng không ngừng làm việc, ông lấy trường học làm điểm nhấn để quảng bá ý tưởng của mình, mặc dù thường xuyên phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, rất vất vả nhưng khi kể về sự giao lưu tương tác với các em học sinh lại thấy ông vô cùng phấn chấn. Tới nay ông đã tìm được niềm hạnh phúc mong ước bấy lâu.