Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cảnh sắc nhân văn ở làng Phong Điền, huyện Hoa Liên Hành trình khám phá 5-Way House
2021-11-15

3 ngôi làng Phong Sơn, Phong Lý và Phong Bình ở huyện Hoa Liên trước đây được gọi là làng Phong Điền, là một ngôi làng tập trung đông đảo người di cư dưới thời quân Nhật chiếm đóng Đài Loan, cho đến nay vẫn giữ lại đường phố hình bàn cờ và in đậm nét nhân văn.

3 ngôi làng Phong Sơn, Phong Lý và Phong Bình ở huyện Hoa Liên trước đây được gọi là làng Phong Điền, là một ngôi làng tập trung đông đảo người di cư dưới thời quân Nhật chiếm đóng Đài Loan, cho đến nay vẫn giữ lại đường phố hình bàn cờ và in đậm nét nhân văn.
 

 Bước vào tháng 8, một hàng cây bụp giấm bất ngờ nảy mầm phía trước cửa hàng đồ cũ 5-Way House tại làng Phong Điền (Fengtian), huyện Hoa Liên. Hạt giống vốn được gieo từ hồi tháng 3 nhưng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, không ngờ vài tháng sau chúng lại nảy mầm, sức sống mãnh liệt như một đứa trẻ. Trồng hoa bụp giấm, chỉ cần bón chút đất dinh dưỡng khi cây vừa nảy mầm, giữ cho đất thông thoáng, diệt cỏ khi cần thiết, sau đó chúng sẽ tự lớn nhanh khoẻ mạnh. Đây cũng giống như lý tưởng của 5-Way House, ứng dụng mọi thứ ở thôn quê, sống những tháng ngày tốt đẹp cùng với bọn trẻ, để cho sự dìu dắt và đùm bọc khi còn nhỏ trở thành nguồn lực cho các em khi gặp phải khó khăn, để những đứa trẻ vùng quê có được cuộc sống tươi đẹp độc nhất vô nhị.

 

 9 giờ sáng ngày cuối tuần, những đứa trẻ lần lượt đến 5-Way House, mọi người bắt tay vào quét dọn, sắp xếp hàng hoá theo như những gì đã được phân công, chuẩn bị cho một ngày kinh doanh của cửa hàng đồ cũ (second-hand) từ thiện. Trong khu vực làm việc, người lớn và các em lớn dẫn theo các em nhỏ, sắp xếp vật tư, mở thùng hàng, nghiên cứu, thảo luận, dán tem, rồi xếp lên kệ, mỗi một món đồ được quyên tặng đều giống như là một thế giới mới, “Đây là cái gì? Từ đâu đến? Món đồ tốt thế này tại sao chủ của nó lại không cần nữa? Phải bán bao nhiêu tiền? Đắt quá sẽ không bán được, rẻ quá thì lại bị thiệt…”

 Trong quá trình làm việc, các em nhỏ học cách đọc chữ, học cách diễn đạt, học cách tính toán và mua bán, học cách phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Khi những khách hàng khác nhau bước vào trong cửa tiệm, hỏi giá, mặc cả, hay chỉ là hỏi thăm, bọn trẻ đều có thể từ đó mà rèn luyện cách trả lời. Trong cuộc sống, đâu đâu cũng là nơi để học hỏi, mỗi một ngóc ngách đều tràn ngập tiếng vui cười của trẻ thơ, đây chính là một ngày bình thường ở 5-Way House.

 

Khởi nguồn của 5-Way House

 Căn tiệm bán đồ cũ từ thiện 5-Way House nằm bên ngoài ga Phong Điền ở huyện Hoa Liên, vốn là một căn nhà xưa có từ thời quân Nhật chiếm đóng Đài Loan, được lợp mái bằng lá mía. Hơn mười năm trước, kiến trúc cũ kỹ này đứng trước số phận bị tháo dỡ nhưng vì nó là nơi tràn ngập ký ức lịch sử của người dân địa phương nên vào năm 2008, được sự vận động của người dân khu vực, ngôi nhà này đã được giữ lại. Người dân đã tìm đến cô Cố Du Quân (Ku Yu-chun), người thường xuyên tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển khu dân cư tại Hoa Liên, đồng thời là giảng viên tại trường Đại học Đông Hoa, hy vọng cô có thể cải tạo không gian bỏ trống này.

 Cô Cố Du Quân tốt nghiệp từ tổ Công tác xã hội của khoa Xã hội, trường Đại học Trung Hưng, sau đó từng đi Mỹ theo học ngành Giáo dục. Năm 1995, cô đến Hoa Liên và đảm nhiệm chức chủ nhiệm tại Trung tâm đào tạo sư phạm. Hơn mười năm qua, mặc dù cô đã cho “ra lò” nhiều lớp giáo viên có nhiệt huyết với giáo dục tại nông thôn, thế nhưng giá trị chủ đạo của thôn quê thì vẫn không thay đổi: Nông thôn vẫn là nơi mà lớp thanh niên mong muốn thoát khỏi, chỉ có những người yếu thế không có sự lựa chọn mới phải ở lại. Sự xuất hiện của căn nhà cũ đã trở thành cơ sở cho cô Cố Du Quân biến những khó khăn mà mình gặp phải trong công tác xã hội hay hệ thống giáo dục thành nơi hiện thực lý tưởng giáo dục nông thôn, cải thiện những vấn đề mà nhóm người yếu thế gặp phải. Vì thế, cô Cố Du Quân đã dẫn dắt một nhóm người lớn và trẻ em đầy nhiệt huyết đến đây để mở cửa hàng kinh doanh đồ cũ từ thiện, đặt tên là 5-Way House (Ngũ Vị Ốc), bởi vì nơi đây chủ yếu không phải là buôn bán kiếm tiền, mà là để mở ra mối quan hệ giữa con người với con người, nhận những dư vị của cuộc sống.

 

Mỗi một đứa trẻ đều là tác phẩm triển lãm

 Cô Cố Du Quân biến 5-Way House thành một nơi học tập đa dạng cho các em nhỏ ở nông thôn. Cô nói: “Ở 5-Way House, tất cả mọi công việc đều là bài học cho các em”. Người lớn sẽ dạy cho các em nhỏ sửa sang tường nhà, quét sơn, không có kệ hàng thì tự tạo ra chiếc kệ bằng thùng giấy, món đồ nội thất bị bỏ đi thì giữ lại những phần còn dùng được rồi ráp lại với nhau, 5 chiếc bàn ghép lại thành 3 chiếc, dù màu sắc của chân bàn không giống nhau nhưng chúng vẫn rất bền.

 Các em đến làm việc tại 5-Way House sẽ được tích điểm, những điểm số này có thể dùng để đổi lấy nhu yếu phẩm hoặc cơ hội để tham gia hoạt động, ví dụ như leo núi hay đi du lịch vòng quanh đảo… Các em nhỏ muốn học guitar, 5-Way House liền tìm sinh viên của trường Đại học Đông Hoa đến giảng dạy, dùng số điểm mà các em tích được để đổi lấy số giờ học guitar của mình. 5-Way House còn khích lệ ước mơ của các em nhỏ, cùng các em đặt ra cách để hiện thực ước mơ, giúp cho các em có năng lực và dũng khí để theo đuổi ước mơ của mình chứ không phải chỉ biết chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài do xuất thân từ vùng nông thôn hẻo lánh.

 Những đứa trẻ đến 5-Way House đều có khó khăn riêng trong cuộc sống, bố mẹ ly hôn, phải luân phiên đi sống nhờ gia đình họ hàng, tình trạng công việc và thu nhập của phụ huynh không ổn định, không có khả năng chăm sóc tốt cho các em… Những khó khăn này đều được phản ánh trong biểu hiện của các em như không hứng thú với việc học, rối loạn cảm xúc v.v.., khiến cho giáo viên vô cùng lo âu. Cô Cố Du Quân dùng khái niệm người phụ trách triển lãm để hình dung sự tương tác giữa 5-Way House với bọn trẻ, “Mỗi một đứa trẻ đều là một tác phẩm trưng bày, phải tuỳ vào dáng vẻ của mỗi em để lần nữa làm quen, tìm hiểu và khẳng định. Chúng tôi không phải là đang sửa chữa chúng, không phải nhào nặn chúng thành những hình mẫu tốt đẹp”.

 

Xin hãy cùng em yêu thương phụ huynh của mình

 Tại 5-Way House, việc học không chỉ là việc của các em nhỏ, mà còn là việc chung giữa người lớn và trẻ em. Dù cho điều kiện khách quan của phụ huynh không lý tưởng, nhưng các em vẫn muốn được ở bên cạnh bố mẹ mình khi có thể, “các em truyền đạt suy nghĩ thông qua hành động, dù cho phụ huynh của em trong mắt thầy cô có tệ thế nào đi nữa thì em vẫn yêu họ”, cô Cố Du Quân nói.

 Vì thế nên cô Cố Du Quân đã buông bỏ chấp niệm rằng phụ huynh phải là những người trưởng thành có trách nhiệm, xây dựng lại mối quan hệ với những bậc phụ huynh không phù hợp với kỳ vọng của xã hội, mời họ cùng đến tham gia hoạt động tại 5-Way House. Những ai ngại không dám vào trong cửa tiệm, cô Cố Du Quân liền tìm cớ để mời họ đến thay bóng đèn, mời họ vào trong tiệm ngồi chơi, tạo cơ hội cho bố mẹ và con nhỏ tương tác với nhau, thậm chí còn tạo ra cơ hội việc làm, để cho những phụ huynh bị buộc phải đi nơi xa làm việc có thể ở lại quê nhà, qua đó giúp các em nhỏ được sống cùng với bố mẹ mình.

 Trong một buổi phỏng vấn, có một em nhỏ nghịch ngợm đã cắt xén mất một phần tóc của mình, mà ông nội của bé lại là người rất truyền thống và nóng nảy nên e rằng em ấy sẽ bị mắng một trận. Khi biết việc này, phía 5-Way House đã không khuyên phụ huynh đừng nóng giận, mà cử người theo đứa trẻ ấy về nhà và cùng nghe ông mắng, để cho em biết tự kiểm điểm, cùng đối mặt với sự nóng giận của phụ huynh, cuối cùng sự việc khép lại với hình phạt đứng dành cho đứa trẻ ấy. Không phủ định phụ huynh ngay trước mặt trẻ, không để cho trẻ phải bị kẹp giữa hai bên, đây chính là sự ấm áp đặc trưng của những người lớn ở 5-Way House.

 

Tình người chốn làng quê

 Trải qua 10 năm trưởng thành và phát triển, 5-Way House không chỉ là một cửa hàng bán đồ cũ kinh doanh ổn định, mà còn tự phát triển nhiều doanh nghiệp liên quan. Ngoài cửa hàng bán quần áo cũ Feng Yi Shi và quầy thức ăn ở đối diện, phía sau 5-Way House còn có một workshop Jian Xing rộng 400 mét vuông, đây là nơi mà các em nhỏ được học làm đồ mộc và tổ chức hoạt động bán hàng ưu đãi. Những cứ điểm khác rải rác ở khắp khu dân cư thì bao gồm ruộng hoa bụp giấm, nhà Ước Mơ – nơi các em nhỏ cùng nấu ăn và làm bài tập vào buổi tối, cửa hàng sách cũ 5-Way Bookstore, hai nhà nghỉ từ thiện: Nhà của Bà Ngoại và nhà nghỉ Feng Tian.

 Nói là tự phát triển ra là bởi vì những địa điểm này vốn đều không nằm trong kế hoạch mở tiệm ban đầu của 5-Way House, mà là vì có sự ủng hộ của người dân địa phương, mỗi khi có không gian nào bị bỏ trống là họ liền giới thiệu cho 5-Way House, thậm chí có nơi còn không thu tiền thuê nhà. Không nhằm mục đích kinh doanh nên sau khi cân nhắc nhu cầu và nguồn lực vật chất, 5-Way House đã để cho các em nhỏ phát huy trí sáng tạo của mình trong việc trang hoàng những không gian này, khắp nơi đều có thể thấy được dấu ấn học tập của các em. Vào tháng 8 năm nay, 5-Way House lại có thêm một cứ điểm mới, đó là rạp chiếu phim được dựng lên bằng những tấm tôn, đây là không gian chung của cả khu dân cư. Lớp học dành cho người lớn tuổi trong khu dân cư có thể đến đây để xem phim, hoặc cũng có thể mời các bạn sinh viên đến từ Đông Nam Á đang theo học tại trường Đại học Đông Hoa chọn phim cho tân di dân và lao động di trú, rồi mời gọi bạn bè đến từ Đông Nam Á cùng thưởng thức phim tại rạp chiếu của 5-Way House.

 

Trẻ em tự tô điểm nét đẹp cho quê hương

 Những năm gần đây, càng lúc càng nhiều người biết đến 5-Way House, thường xuyên có những đoàn thể từ trong và ngoài nước đến đây tham quan. Nhân viên của 5-Way House trước tiên sẽ làm rõ mục đích và kỳ vọng của các đoàn viếng thăm, rồi cùng với các em nhỏ thiết kế nội dung chương trình tham quan cho khách. Khi khách đến, các em nhỏ sẽ được phân công nhiệm vụ, người thì làm hướng dẫn viên, người thì phụ trách hướng dẫn tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Nhìn biểu cảm kinh ngạc, vui mừng trên gương mặt của những trẻ em thành thị khi tiếp xúc với thiên nhiên, khuôn mặt các em nhỏ tại 5-Way House cũng lộ ra vẻ đầy tự hào và tự tin về quê hương của mình.

 Mỗi một ngày ở 5-Way House đều rất linh động, điều chỉnh mọi hoạt động tuỳ vào tình trạng của các em, cùng các em lớn lên mỗi ngày. Cũng giống như việc trồng hoa bụp giấm bằng phương pháp nuôi trồng tự nhiên, cô Cố Du Quân nói: “Bây giờ chúng tôi giống như đang bồi dưỡng một nền đất tươi tốt, xem có thể trồng được những gì, cho các em nhỏ có được một nền tảng cơ sở tốt và phát triển theo đúng tố chất riêng của mình”.