Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Quách Hạnh Thuần – nữ đô cử giành huy chương vàng Olympic
2022-02-14

Lễ hội “OUR HEROES! Cuộc diễu hành của những vị anh hùng Đài Loan” được tổ chức vào Ngày Quốc khánh do “Nữ thần cử tạ” Quách Hạnh Thuần dẫn đầu.

Lễ hội “OUR HEROES! Cuộc diễu hành của những vị anh hùng Đài Loan” được tổ chức vào Ngày Quốc khánh do “Nữ thần cử tạ” Quách Hạnh Thuần dẫn đầu.
 

 Tại đấu trường Thế vận hội Tokyo, cô Quách Hạnh Thuần (Kuo Hsing-chun) nhờ thành tích cử đẩy 133 kg và cử giật 103 kg, biết chắc rằng đã giành được tấm huy chương vàng mà cô hằng ao ước trong mùa Olympic Tokyo 2020, tiếp đó, cô vẫn còn cơ hội nâng thử thêm một lần nữa.

 Cô Quách Hạnh Thuần cho biết : “Cứ nghĩ mãi về mức tạ 141 (kg)!”, hy vọng có thể thách thức chính mình lập kỷ lục thế giới cá nhân với mức tạ cử đẩy 140kg. Sau khi nhân viên phục vụ điều chỉnh tạ đòn lên 141 kg, trước tiên cô cúi chào trọng tài, hét lên một tiếng “Aue!” để tự khích lệ bản thân! Cô điều chỉnh hai tay nắm chắc thanh tạ, nỗ lực nâng tạ đòn 141 kg lên vai, nhưng không thành công, khi đó cô bị ngã lăn xuống sàn, nhưng cô vẫn ra dấu tay bằng ngón tay cái với trọng tài để thể hiện ý nghĩa “rất cừ” và nở một nụ cười rạng rỡ.

 Trải qua những tháng ngày tập luyện đầy vất vả, kiên định lý tưởng vươn tới mục tiêu, trong thời khắc nhận huy chương vàng, hòa cùng bài hát quốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc được phát tại hội trường thi đấu, ngắm lá cờ của Ủy ban Olympic Đài Loan được từ từ kéo lên khiến thế giới phải ngợi khen thực lực môn cử tạ của Đài Loan, cô Quách Hạnh Thuần rưng rưng nói rằng: “Tôi vô cùng xúc động, cầm tấm huy chương vàng để đeo lên người mà tay tôi run lẩy bẩy”. Chiến thắng của cô cũng đem đến cho Đài Loan biết bao cảm động.

 

 Vào ngày Chủ nhật, bầu không khí diễn ra ở sàn cử tạ của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Tả Doanh (Zuoying) - Cao Hùng không náo nhiệt như những buổi luyện tập vào ngày thường. Cô gái xuất hiện trước mắt mọi người với dáng người gầy gò và tóc dài phủ quá vai chính là Quách Hạnh Thuần, người đoạt huy chương vàng cử tạ, tỏa sáng rực rỡ trên đấu trường Thế vận hội Tokyo với sức lực phi thường.

 Mang danh hiệu là người giữ vững ba kỷ lục thế giới ở nội dung cử tạ nữ hạng cân 59 kg trong phần cử giật, cử đẩy và tổng cử, đặc biệt hơn là chỉ trong 5 năm mà cô đã có tới 10 lần phá kỷ lục thế giới. Đối với Quách Hạnh Thuần, bên cạnh thành tích nhiều lần đoạt huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á, Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới và Giải Cử tạ Vô địch Thế giới, nay lại giành được huy chương vàng Olympic 2020, cuối cùng đã hoàn tất bức tranh ghép hoàn chỉnh trong sự nghiệp cử tạ của cô.

 

Đạt đến cảnh giới “múa tạ”

 Số lượng huy chương mà Đài Loan giành được tại Thế vận hội Tokyo diễn ra năm 2020 bằng tổng số huy chương Olympic của 3 năm trước cộng lại. Sở dĩ đạt được thành tích tốt như vậy, theo huấn luyện viên quốc gia môn cử tạ Lâm Kính Năng (Lin Geng Neng), người đã tham gia vô số cuộc thi quốc tế đưa ra nhận xét, tuyển thủ Đài Loan đến Nhật Bản thi đấu không bị lệch múi giờ, vì lo ngại nguy cơ đe đọa của dịch Covid-19, cô Quách Hạnh Thuần đặc biệt lưu ý, cứ đến bữa ăn tại làng vận động viên là cô mang thẳng đồ ăn về ký túc xá. Năm nay vận động viên trên toàn thế giới đều rất cảm ơn Nhật Bản đã mạnh dạn gánh vác trọng trách, tổ chức các trận thi đấu rất quy củ, tạo vũ đài để các vận động viên có thể phát huy tài năng. Cô Quách Hạnh Thuần từng tham gia thi đấu tại hơn 20 quốc gia, Nhật Bản là quốc gia mà cô vô cùng yêu mến, cô cho biết: “Bởi tôi rất thích ăn mì soba (mì kiều mạch)” .

 So với những trận thi đấu căng thẳng, dốc mọi sức lực trước đây, quan sát biểu hiện của Quách Hạnh Thuần tại Thế vận hội Tokyo lần này, cách mà cô cố ý đeo bông tai và lắc tay nhưng vẫn thể hiện được vẻ đẹp và sức mạnh của môn cử tạ hết sức nhuần nhuyễn đã đạt đến cảnh giới tưởng chừng như đang “múa tạ”.

 Quách Hạnh Thuần năm nay 28 tuổi, cô bắt đầu theo môn cử tạ từ khi học lớp 7, sau một tháng tập luyện tại trường Trung học cơ sở Bao Sang - Đài Đông rồi đi thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc, cô giành hạng 6.

 Huấn luyện viên Lâm Thượng Nghi, người truyền cảm hứng cho Quách Hạnh Thuần đối với môn cử tạ sau nhiều năm mới tiết lộ rằng, từ khi Quách Hạnh Thuần còn chưa tham gia thi đấu, ông đã phát hiện thấy sức bật mạnh mẽ trong môn điền kinh của cô. Cô chơi bóng rổ cũng rất giỏi, luôn thể hiện sự nhanh nhẹn và phối hợp ăn ý, “Đúng là có tố chất thiên bẩm!”

 

Một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà

 Cô Quách Hạnh Thuần theo học tại Trường trung học thể thao trực thuộc Đại học Đài Đông, cũng trong thời gian này cô đã được gặp ông Lâm Kính Năng, huấn luyện viên quốc gia môn cử tạ, từ đó ông dẫn dắt cô tham gia các giải đấu quốc tế trong hơn 10 năm qua. Sau khi được huấn luyện 2 năm rưỡi, vào năm 2013, cô Quách Hạnh Thuần tổng cộng giành được 4 huy chương vàng tại các giải đấu gồm Giải Cử tạ Vô địch châu Á, Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới, Đại hội Thể thao Đông Á và Giải Cử tạ Vô địch Thế giới, đặc biệt trong Giải Cử tạ Vô địch Thế giới, cá nhân cô Quách Hạnh Thuần được trao chiếc huy chương vô địch thế giới đầu tiên, cũng là huy chương vô địch thế giới mà sau 14 năm Đài Loan mới vinh dự giành lại được.

 Đằng sau những tấm huy chương vàng lấp lánh này chính là thành quả tuân thủ sự chỉ dẫn của huấn luyện viên cộng với sự khổ luyện và tinh thần kỷ luật của Quách Hạnh Thuần.

 Ông Lâm Kính Năng, người thường xuyên giao lưu với những huấn luyện viên bậc nhất thế giới, danh ngôn căn dặn tuyển thủ của ông nhiều tới mức có thể gom lại xuất bản thành một cuốn sách, ông nói: “Thành công không phải là kỳ tích, mà là sự tích lũy”. Mỗi vận động viên đều phải thức dậy vào lúc 6 giờ hằng ngày, từ 6 giờ 30 bắt đầu tập thể dục buổi sáng trong một tiếng rưỡi, tiếp theo là lên lớp, tập luyện, nghỉ ngơi, một năm chỉ được về nhà một lần, toàn bộ thời gian còn lại đều là tập luyện. Ông nói: “Đối thủ chính là người hun đúc sự thành công của bạn, vì vậy chỉ có cách phải vượt qua đối thủ”. Vận động viên không có chế độ một tuần được nghỉ hai ngày, ngay cả Quách Hạnh Thuần dù đã đoạt được huy chương vàng tại Thế vận hội, vào ngày nghỉ vẫn phải ở lại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao quốc gia.

 Từ nhiều năm nay, ông Lâm Kính Năng đã truyền cho cô quan niệm rằng: “Biết ăn vị đắng thì sẽ giống như được tẩm bổ vậy, càng đắng sẽ càng bổ!” Bắt đầu từ lúc lên lớp 10, Quách Hạnh Thuần đã bị ngăn cấm chuyện yêu đương, ngày thường không được tùy ý uống đồ uống, “Không được tăng cân, chỉ có đĩa tạ xếp chồng lên ngày càng nhiều hơn”. 

 Cô Quách Hạnh Thuần vừa cười vừa nói rằng: “Mới đầu tôi còn đi ăn lén, nhưng lâu ngày dần trở nên quen rồi, không còn thấy thèm đồ ăn nữa”. Cô cứ tưởng rằng sau 25 tuổi là mình sẽ được tự do yêu đương, tuy nhiên, vì phải tham gia các giải đấu, nên lệnh cấm yêu đương mỗi năm lại tự động hoãn thêm một năm nữa. Năm ngoái được hủy bỏ lệnh cấm, nhưng để chuẩn bị tham gia thi đấu Thế vận hội nên cô đã tập trung cho thi đấu mà gạt bỏ mọi chuyện.
 

Quách Hạnh Thuần hy vọng giúp cho nhiều người hiểu được rằng, cử tạ không phải là môn thể thao chỉ cần dùng cơ bắp.

Quách Hạnh Thuần hy vọng giúp cho nhiều người hiểu được rằng, cử tạ không phải là môn thể thao chỉ cần dùng cơ bắp.
 

Biến bất lực thành sức mạnh

 Trong lúc tập luyện vào năm 2014, Quách Hạnh Thuần không may bị tạ đòn nặng 141 kg đè lên chân phải, gây chấn thương khiến cơ đùi bị đứt rạn tới 70%, cô tích cực thực hiện liệu pháp phục hồi chức năng. Trải qua 4 tháng điều trị chấn thương, năm 2014, tham gia thi đấu Á vận hội diễn ra tại Incheon Hàn Quốc, cô vẫn đạt thành tích xếp thứ 4.

 Quách Hạnh Thuần cho biết, sau lần bị thương, cô trở nên lạc quan hơn, khi bị áp lực, cô cũng dễ điều chỉnh tâm trạng hơn. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn, đầu gối không bị chấn thương, gân cũng không bị tổn thương”.

 Thực ra, trong khoảnh khắc tai nạn ập đến, cô phát hiện chân mình không thể cử động được, khi đó cô vừa lạnh vừa đau, trong quá trình chờ đợi xe cứu thương, “Trong đầu tôi hiện lên rất nhiều tình huống”. Nhưng cô Quách Hạnh Thuần lại biến thời gian chờ đợi xe cứu thương dài đằng đẵng và sự bất lực trở thành sức mạnh. Năm 2015, cô sử dụng tiền thưởng thi đấu để quyên tặng một chiếc xe cứu thương trị giá gần hai triệu Đài tệ cho Bệnh viện Huệ Dân ở Mã Công, Bành Hồ (St. Camillus Hospital in Magong) để hỗ trợ những bệnh nhân tại hòn đảo ngoài khơi xa này có thể nhanh chóng đi khám chữa bệnh, hy vọng giảm thiểu những sự cố đáng tiếc. 

 Cô Quách Hạnh Thuần được ông Bành Đài Lâm, Phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao đương nhiệm khi đó, giới thiệu tới Trung tâm chuyển hóa tâm linh Công nghệ sinh học Trường Canh (ChangGung Biotech Heart Transformation Center) tiến hành điều trị và được làm quen với Tiến sĩ Dương Định Nhất, người thành lập trung tâm. Năm 2016, trước khi khởi hành đi tham gia Thế vận hội Rio De Janeiro, ông Dương Định Nhất đã khuyến khích cô hãy biết chia sẻ, thể hiện sự biết ơn, mọi việc đều là sự sắp đặt tốt đẹp nhất.

 Lần này giành được tấm huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo, cô Quách Hạnh Thuần cho biết: “Lúc bấy giờ tôi vẫn chưa lĩnh hội được câu nói này, tuy nhiên, trên suốt chặng đường mà tôi đã đi qua, “Mọi việc đều là sự sắp đặt tốt đẹp nhất”, đối với tôi mà nói, chính là sức mạnh lớn nhất, nó trở thành sự giải thích tuyệt vời nhất về sự nghiệp cử tạ của tôi”.

 

Chính Đài Loan đã nâng tạ lên giúp tôi!

 Tại Thế vận hội Rio De Janeiro 2016, cô Quách Hạnh Thuần chỉ giành được huy chương đồng. Đối với hai thầy trò quyết chí giành được huy chương vàng mà nói, đây là sự thất bại lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của cô.

 Trở về Đài Loan, bắt đầu tập luyện trở lại. Để sẵn sàng hướng tới giải đấu của Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới 2017, cô Quách Hạnh Thuần kể lại bằng một giọng nói nhẹ nhàng rằng: “Cũng may là có đàn chị Hồng Vạn Đình tham gia huấn luyện chung với tôi, khi chị ấy tăng thêm 1 kg tạ đòn, thì tôi cũng có thể tăng thêm 1 kg nữa. Trong tình huống vừa cạnh tranh lại vừa đồng hành, có thể nói tập luyện như vậy rất đã!”. Cho dù hai người tập luyện rất mệt, áp lực rất lớn, vừa ăn vừa bật khóc, nhưng vì có sự động viên lẫn nhau, lại có thể bật cười sảng khoái ngay lập tức!

 Tham gia thi đấu Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới 2017 diễn ra tại Đài Loan, cô Quách Hạnh Thuần lập kỷ lục thế giới ở nội dung cử đẩy 142 kg, cô nghẹn ngào nói tại cuộc họp báo rằng: “Tôi tin rằng đó là do toàn thể người dân Đài Loan cùng giúp tôi nâng tạ lên!”. Ngay cả ông Lâm Kính Năng cũng tỏ lời khen ngợi: “Hạnh Thuần là vị tuyển thủ đầu tiên phá vỡ kỷ lục thế giới về môn thể thao dùng sức mạnh trên mảnh đất Đài Loan này”.

 

Bách chiến bách thắng, đánh đâu thắng đó

 Cử tạ là môn thể thao mà song song với việc gia tăng trọng lượng thì mức độ khó khăn cũng được nâng lên cao hơn, khiến xác suất bị thương của vận động viên cũng tăng theo. Ngay từ 5 năm trước, huấn luyện viên Lâm Kính Năng đã sử dụng hệ thống phân tích và theo dõi quỹ đạo của tạ đòn do cựu Trưởng điều hành Trung tâm Đào tạo Quốc gia Hà Duy Hoa (Ho Wei-hua) nghiên cứu và phát triển, đưa vào sử dụng trong huấn luyện thường ngày, sửa động tác cho vận động viên, tăng mức độ chuẩn xác cho môn cử tạ.

 Năm 2019, nhờ sự hỗ trợ của Dự án vàng của Bộ Giáo dục, cộng thêm sự gia nhập của huấn luyện viên thể chất Trịnh Ngọc Nhi (Cheng Yu-erh) và chuyên gia vật lý trị liệu Châu Nghệ Luân (Chou Yi-lun), kết hợp với huấn luyện viên hình thành một đội ngũ “vàng”. Các thành viên luôn kề vai sát cánh bên nhau, bày tỏ vô cùng khâm phục trước nghị lực không bỏ cuộc, sức chịu đựng trước thất bại và quyết tâm tập luyện lại từ đầu của Quách Hạnh Thuần, thậm chí còn gọi cô là “Cô gái khùng”.

 Sau thất bại tại Thế vận hội Rio de Janeiro, Quách Hạnh Thuần điều chỉnh tâm trạng về tham vọng giành huy chương, ngược lại cô tập trung vào việc thiết lập mục tiêu cho bản thân phải là bao nhiêu kg ở nội dung cử giật và cử đẩy. Trong hơn 10 cuộc thi đấu bắt đầu từ Giải Cử tạ Vô địch châu Á 2017 cho tới Thế vận hội Tokyo 2020, cô đã thể hiện một thế mạnh áp đảo, hễ tham gia giải đấu ắt sẽ chiến thắng.

 

Sự hiện hữu của nữ thần cử tạ

 Có bao giờ nghĩ tới việc từ bỏ môn cử tạ chưa? Cô lắc đầu vừa cười vừa nói rằng: “Nói thật là chưa hề có, không có lý do để tôi phải từ bỏ môn cử tạ”.

 Mẹ của Quách Hạnh Thuần sinh cô năm 18 tuổi khi vẫn chưa kết hôn, cô được bà ngoại chăm sóc nuôi dưỡng từ lúc cô còn nhỏ, còn mẹ cô thì đi làm công việc lặt vặt ở khắp nơi, cho đến nay cô chỉ được gặp cha có một lần. Cô cho rằng, nhờ môn thể thao đã giúp cô phân tán sự chú ý, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh vốn có từ khi ra đời.

 Quách Hạnh Thuần là một cô gái hiền lành, cô luôn ghi nhớ câu nói mà huấn luyện viên truyền cảm hứng Lâm Thượng Nghi từng nói với cô: “Em ổn thì mọi người đều ổn”. Cô phát hiện trước kia, có rất nhiều áp lực đều đè nặng lên đôi vai của huấn luyện viên: “Vì vậy tôi hy vọng bản thân tôi ổn thì huấn luyện viên sẽ không phải gánh chịu nhiều áp lực như thế”. Hiện tại, ngoài việc thường xuyên đem tiền thưởng thi đấu để quyên góp cho Bệnh viện Saint Mary Đài Đông, tài trợ cho Quỹ phúc lợi xã hội Genesis, cô còn mong muốn thông qua câu chuyện của mình để tiếp thêm sức mạnh cho mọi người

 Hiện tại bản thân cô đang chuẩn bị để dự thi Á vận hội năm tới và Thế vận hội Paris lần tới, “Tôi không muốn người khác phá kỷ lục của mình, tôi còn có thể tiếp tục phá kỷ lục của chính mình”. Cô Quách Hạnh Thuần hy vọng “Bạn ổn, mọi người đều ổn”, tiếp tục dùng sức mạnh của môn cử tạ để tạo năng lượng tích cực cho Đài Loan.

 

Xem thêm

Quách Hạnh Thuần – nữ đô cử giành huy chương vàng Olympic