Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ăn chay - Sự thức tỉnh của tâm hồn Phong trào ăn chay tại Đài Loan ngày càng phổ biến
2022-04-11

Người sáng lập Chợ phiên không thịt Trương Tử Duệ (thứ ba từ trái sang) và các tình nguyện viên cùng tôn vinh hành động ăn chay.

Người sáng lập Chợ phiên không thịt Trương Tử Duệ (thứ ba từ trái sang) và các tình nguyện viên cùng tôn vinh hành động ăn chay.
 

 Đây là một phong trào xã hội không có căng thẳng, không có kêu gào, cũng không có chỉ trích và phê phán, chỉ có niềm vui và trách nhiệm, không cần dạy đời và tranh đấu, mà chỉ thuyết phục người ta bằng khẩu hiệu “lành mạnh, bảo vệ môi trường, bền vững”, đây chính là “cuộc vận động theo chế độ ăn thực vật” nhằm hưởng ứng xu hướng thế giới.

 

 Tiết trời âm u ảm đạm, những lúc như thế này, đi dạo “Chợ phiên bền vững” của hiệu sách Eslite Songyan Đài Bắc sẽ phần nào giúp tâm trạng bỗng chốc ấm áp và yêu đời hơn. Trong chợ có đủ các loại thực phẩm thuần chay, các món đồ có thể tái sử dụng và ít phát thải trong cuộc sống, cho đến những quyển sách hướng dẫn về an toàn thực phẩm, chế độ ăn dựa trên thực vật, giáo dục về thực phẩm và nông nghiệp... Nếu chịu khó tìm kiếm, sẽ có thể cảm nhận rõ niềm hi vọng mong muốn giúp môi trường trở nên tốt đẹp hơn.

 Có nhiều hoạt động không định kỳ đã được tổ chức trên khắp Đài Loan như “Chợ phiên không thịt” (No Meat Market), “Buổi tiệc động vật ăn cỏ” (Taiwan Vegan Frenzy), trong đó các loại bánh burger, các món ăn vặt truyền thống của Đài Loan như gỏi gà lạnh, xôi kẹp lạp xưởng, bánh takoyaki… đều được chế biến thành món ăn chay, ai nấy đều khen ngon. Do dòng người tham gia hoạt động quá đông, phải  kiên nhẫn và còn phải có chiến lược để xếp hàng, như vậy mới mong mua được đồ ăn tại các quầy thực phẩm chay nổi tiếng, dù rằng tham gia Chợ không thịt sẽ phải tự chuẩn bị sẵn hộp đựng đồ ăn nhưng vẫn có rất đông người ủng hộ đi theo từ Bắc chí Nam, chợ đi đâu thì họ cũng sẵn sàng đi đến đó.

 Bất kể là hoạt động “The Good Food Festival” được tổ chức bởi Leezen - kênh bán thực phẩm chay hữu cơ lớn nhất Đài Loan và Quỹ TOAF (Tse-Xin Organic Agriculture Foundation), hay nơi xuất hiện những dòng người xếp hàng dài trước các quầy ẩm thực chay nổi tiếng như “Chợ phiên không thịt”, các đoàn thể và cá nhân tổ chức hoạt động đều có chung một mục đích là quảng bá chế độ ăn thực vật, trào lưu ẩm thực ít thịt hoặc không có thịt đã hình thành nên một làn sóng xã hội, hi vọng chế độ ăn thực vật có thể giúp cho chúng ta trở nên tốt hơn và giúp cho môi trường sống tốt đẹp hơn.

 

Vì sức khỏe và cũng vì Trái Đất

 “Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 lan rộng đã chứng minh rằng chế độ ăn thực vật là sức mạnh quan trọng hưởng ứng mục tiêu môi trường bền vững, thân thiện với động vật”. Bà Diệp Thái Linh (Charlene Yeh) – Trưởng ban Quảng bá của Quỹ TOAF (Tse-Xin Organic Agriculture Foundation) chỉ ra, do virut SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ việc ăn các loại thịt động vật hoang dã, từ góc độ dịch tễ học trong y tế công cộng, việc ăn thịt ít cũng là một trong những cách tự bảo vệ bản thân, chọn lựa chế độ ăn thực vật cũng có thể giảm thiểu nhiều rủi ro lây các bệnh truyền nhiễm từ vật sang người.

 Từ năm 2004, quỹ TOAF đã bắt đầu quảng bá về chế độ ăn thực vật, người sáng lập quỹ từ thiện này là Hòa thượng Thích Nhật Thường cho rằng, chế độ ăn thực vật có thể giảm việc sát sinh, bảo vệ sinh mệnh, đây vốn là nếp sống thường ngày của tín đồ Phật giáo. Chịu ảnh hưởng từ cuốn sách Diet for A New America (Phương pháp ăn chay cho một nước Hoa Kỳ mới), không chỉ riêng các Phật tử, nếu mỗi người đều có thể ăn ít thịt lại sẽ có thể đạt đến mục tiêu dưỡng sinh, bảo vệ động vật và tốt cho Trái Đất hơn. Hòa thượng Nhật Thường thành lập quỹ TOAF với hi vọng thông qua nông nghiệp hữu cơ, có thể chung sống hòa bình cùng vạn vật, quảng bá chế độ ăn thực vật cũng là một trong những nhiệm vụ của tổ chức này.

 Kế hoạch chế độ ăn thực vật A (Vege Plan A) do Hiệp hội Quốc tế Ánh sáng của Đức Phật (Buddha Light International Association, viết tắt là BLIA) đưa ra, đã có hơn 330.000 người trên thế giới cùng ký tên ủng hộ, đề xuất ăn chay không chỉ vì lý do tôn giáo hoặc tốt cho sức khỏe, quan trọng hơn, đây còn là hành động có thể làm giảm thiểu hiện tượng nóng lên của Trái Đất, giải quyết nạn đói. Theo thống kê của Quỹ Phật giáo Phúc Trí (Bliss and Wisdom Foundation) về kế hoạch này, trong năm 2020, có hơn 10.000 người tham gia, tổng cộng đã ăn 6.870.000 bữa ăn theo chế độ ăn thực vật, tương đương giảm thiểu việc chặt phá 1.030.000 cây, giảm thải 1.032 tấn carbon, tiết kiệm 550.000 tấn nước và 3.770.000 tấn lương thực.

 Không những đã đào sâu hơn về mục tiêu phong trào chế độ ăn thực vật, ngay cả chiến lược xúc tiến chế độ ăn này cũng từ các lời khuyên trên góc độ đạo đức, nhấn mạnh về cảm giác tội lỗi trước đây, dần chuyển hướng sang thái độ cởi mở, bao dung hơn. Năm 2018, các đơn vị như Quỹ TOAF, Vegan 30 (hiện nay đã đổi tên thành Hiệp hội Thân thiện động vật Đài Loan)… đã mời CEVA (Center for Effective Vegan Advocacy) - tổ chức tập huấn quảng bá thuần chay nổi tiếng của Mỹ chia sẻ về chiến lược quảng bá chế độ ăn thực vật hiệu quả, thực tế. Từ kinh nghiệm này, năm 2020, Quỹ TOAF đã đưa ra chương trình “7 bước chiến lược ăn chế độ thực vật”. Họ đã có thái độ nhẹ nhàng hơn với việc ăn theo chế độ thực vật, không còn đặc biệt cấm ăn ngũ vị tân hoặc trứng sữa, thỉnh thoảng ăn một bữa ăn có thịt cũng chẳng sao…, để việc ăn chay dần dần ngấm vào máu thịt, trở thành thái độ đối với cuộc sống, với sinh mệnh.

 Một học viên vốn dĩ bán phá lấu, sau khi tham gia chương trình Vege Plan A đã quyết định kết thúc việc kinh doanh của gia đình, chuyển sang mở quán cà phê theo chế độ ăn thực vật. Ngoài ra, có chủ doanh nghiệp mỗi tháng đều mời nhân viên ăn một bữa cơm hộp chay và gửi tặng cơm hộp chay miễn phí cho nhân viên y tế. Bà Diệp Thái Linh nói: “Có lẽ chính vì có rất nhiều người tốt, làm rất nhiều việc tốt, Đài Loan mới có thể trở thành miền đất được phù hộ trong thời kỳ dịch bệnh”.

 

Chế độ ăn thực vật cũng có thể rất sành điệu

 So với những người ăn chay theo chế độ trứng sữa, để bảo vệ quyền lợi động vật, những người chọn chế độ ăn uống và cuộc sống thuần chay lại càng khắt khe hơn (dưới đây gọi là Vegan), họ thường bị ngộ nhận là nhóm người theo chế độ ăn thực vật cực đoan nhất. Giáo viên dạy tiếng Anh kiêm phiên dịch Từ Lệnh Huyên (hay còn gọi là Sidney) thường bị bạn bè gọi là “động vật ăn cỏ”, nhưng cô đã biến Vegan thành một khái niệm vừa “ngầu” vừa sành điệu.

 Vegan không phải là ăn chay do tôn giáo, ăn chay ngũ vị tân, mà là để bảo vệ môi trường và vì yêu động vật, vì thế không ăn, cũng không sử dụng các chế phẩm từ động vật, trong đó bao gồm trứng, sữa, pa-tê ngỗng, mật ong và áo lông thú, tơ tằm… đồng thời cũng không có các hành vi tiêu dùng gây tổn hại đến động vật như đi dạo trong vườn bách thú hoặc đi xem xiếc.

 “Vegan giống một phương thức sống hơn”. Tháng 6 năm 2020, Sidney đã tổ chức một hôn lễ không rác thải với người bạn trai yêu nhau nhiều năm Trương Ngự Đình (Tyler), thực tiễn khái niệm Vegan, đồng thời cũng như một lời tuyên ngôn bảo vệ môi trường, yêu Trái Đất. Là một người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc, anh Tyler định nghĩa, “Buổi tiệc động vật ăn cỏ” (Taiwan Vegan Frenzy) cũng là một khái niệm sống. Anh đã mời những người làm âm nhạc như Cliff, Tiểu Tùng (Giang Tùng Lâm)… đến biểu diễn, trở thành điểm sáng trong “Buổi tiệc động vật ăn cỏ”. Trong suốt buổi tiệc, mọi người cùng trò chuyện về nguyên do ăn chay của mình, chỉ như vậy cũng có thể giúp họ trở thành bạn thân của nhau.

 “Buổi tiệc động vật ăn cỏ” ủng hộ những người có cùng sở thích Vegan, từ quán ăn chay đang hot cho đến đồ dùng thuần thực vật, ví dụ như son “Organic” (hữu cơ) từ dầu thực vật, sử dụng các loại bột khoáng chất tự nhiên, hoàn toàn không có phẩm màu hóa học, giày thân thiện với môi trường, không dùng da thuộc, được làm từ chai nhựa, giày cũ tái chế, không những thực tiễn hóa khái niệm tuần hoàn xanh, mà còn không làm tổn thương đến động vật. Điểm hấp dẫn của chế độ ăn uống và cách sống Vegan chính là ở chỗ, có thể sống tốt từng phút giây mỗi ngày, có thể sống khỏe mạnh, lành mạnh hơn, thực hiện công lý xã hội, làm chậm hiện tượng nóng lên của Trái Đất.

 

Chợ phiên không thịt chật kín người

 Ba năm trở lại đây, nhiều nơi tại Đài Loan đều tổ chức không định kỳ hoạt động “Chợ phiên không thịt”, lần nào cũng thu hút rất đông người đến tham gia. Chợ phiên không thịt tại Caotun (huyện Nam Đầu), Làng Tướng Quân (Jiangjuncun tại thành phố Tân Trúc) thậm chí còn thu hút rất nhiều người ở Đài Bắc, Cao Hùng đến tham gia, hơn nữa đại đa số là người không ăn chay.

 “Chợ phiên không thịt” đã tập hợp hàng trăm thương hiệu chay đến tham gia, đây chính là chợ thuần chay quy mô lớn hiếm có. Cửa hiệu Wheels of Fortune đến từ Cao Hùng đã đưa ra món chay thập cẩm tam bôi, bánh custard trân châu, hương vị rất độc đáo. PAPAveganXTsasancafe đến từ Đài Nam mang đến món xôi kẹp lạp xưởng và món bánh xuân hương đã kinh doanh suốt hai thế hệ, cùng món “thịt viên lương thiện” được rưới sữa gạo mang hương vị truyền thống đã thu hút rất đông người đến xếp hàng chờ mua.

 Người phát động “Chợ phiên không thịt” -Trương Tử Duệ (Chelsea Chang) là một người nội trợ chỉ toàn tâm toàn ý ở nhà chăm con, không vì tôn giáo, không trục lợi, mà chỉ mong muốn có thể mang lại một môi trường sống tốt hơn cho cô con gái nhỏ Evelyn của mình.

 Chị Trương Tử Duệ nói, năm 20 tuổi, khi còn trong độ tuổi đến quán bar uống rượu, một ngày nọ chị bỗng nổi hứng, rủ người bạn trai lúc bấy giờ, cũng là chồng chị bây giờ cùng ăn chay một ngày, và thế là bắt đầu từ đó, đến nay chị ăn chay đã được 16 năm. Chị vốn dĩ mắc hội chứng ruột kích thích, viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, thường xuyên phải đến bệnh viện truyền nước biển, nhưng nhờ ăn chay, mười mấy năm nay các chứng bệnh này đã không còn tái phát.

 

Truyền cảm hứng từ việc ăn chay

 Tuy nhiên, sau khi tổ chức hoạt động “Chợ phiên không thịt” đã phát sinh rất nhiều rác thải, “điều này thực sự là mâu thuẫn với khái niệm bảo vệ môi trường”. Vì thế, chị Trương Tử Duệ đã tổ chức hoạt động “Chợ phiên không thịt 2.0” tại Làng Tướng Quân (Jiangjuncun), Tân Trúc với chính sách “mua bán không bao bì”, thông qua việc chia sẻ trên blog, đưa ra dịch vụ đặt mua không cần xếp hàng, rút thăm voucher mua hàng trên Facebook, tăng cường tuyên truyền và chuẩn bị sẵn kế hoạch ứng biến như cho thuê, mượn dụng cụ ăn uống và thiết bị vòi rửa… “Không ngờ lần đầu tiên thực hiện ‘mua bán không bao bì’ đã thành công, ngay ngày đầu tiên đã có hơn 7.000 người đến tham quan, không có người than phiền hoặc phản đối do bất tiện, chỉ là thêm một chút phiền phức nhỏ cho bản thân, nhưng lại không tạo thêm gánh nặng cho Trái Đất”. Chị Trương Tử Duệ nói, còn có khách hàng tự mang theo vali, trong đó toàn là dụng cụ ăn uống và hộp đựng thức ăn, dự định sẽ ghé thăm hết các quầy hàng trong chợ.

 “Tôi hi vọng các chủ quầy hàng có thể truyền đạt một cách rõ ràng về nguồn năng lượng khiến cho người ta cảm động khi theo chế độ ăn thực vật, thông qua những món ngon từ thực vật thu hút thêm nhiều người thích ăn chay, cảm nhận ưu điểm của việc ăn chay, không tạo thêm gánh nặng cho Trái Đất”. Chị Trương Tử Duệ vội vã nói thêm: “Có nhiều người hầu như chưa từng ăn chay đến dạo chợ, họ có thể cảm nhận được một luồng ‘sức mạnh yêu thương’, cùng chia sẻ tình yêu và niềm tin trong lòng, gắn kết với nhiều người có tiếng nói chung hơn nữa, để truyền bá văn hóa không ăn thịt”.

 Chị Trương Tử Duệ luôn nhấn mạnh “cho đi là hạnh phúc”, chị dự định sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội âm nhạc không thịt, cuộc thi marathon không thịt để khái niệm ăn chay có thể tiếp tục được truyền bá và kế thừa. Như tiến sĩ Will Tuttle – người ăn chay trường nổi tiếng thế giới từng nói: “Ba bữa ăn trong một ngày đều có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm về mối liên hệ giữa bản thân và thế giới, mỗi một bữa ăn đều là một nghi thức, cái mà chúng ta ăn không phải thức ăn, mà là nghi thức chúng ta chọn lựa để kết nối hoặc cắt đứt với vạn vật”. Bước sang năm mới, chúng ta cũng có thể thử thực hiện một bữa ăn không có thịt, hoặc một ngày không có thịt để yêu bản thân và yêu Trái Đất.

 

Xem thêm

Ăn chay - Sự thức tỉnh của tâm hồn Phong trào ăn chay tại Đài Loan ngày càng phổ biến