Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chiêm ngưỡng hẻm núi Taroko từ góc nhìn đa chiều Đội tình nguyện chăm sóc từng nẻo đường đi bộ
2022-04-18

Hẻm núi Taroko(1)

 

 Hẻm núi Taroko là đá vôi trầm tích dưới đáy biển, trải qua quá trình kiến tạo mảng từ hơn chục triệu năm trước, lớp trầm tích này hình thành nên đá biến chất, đến 6 triệu năm trước, dưới tác động của hoạt động tạo núi, nó được nâng lên và bị cắt ngang bởi suối Liwu, rồi trở thành cảnh quan núi cao thiên biến vạn hóa như ngày nay.

 

 Hẻm núi Taroko có những con đường đi bộ nằm ở nhiều độ cao khác nhau so với mực nước biển, từ hơn chục mét cho đến gần nghìn mét, du khách có thể tùy vào tình trạng thể lực của bản thân để lựa chọn cho mình tuyến đường phù hợp. Trong chuyến đi của đoàn phỏng vấn, chúng tôi đã chọn tuyến đường đi bộ Shakadang cao 60 mét so với mực nước biển, và đường đi bộ Zhuilu cao 765 mét so với mực nước biển, nhằm quan sát hẻm núi và sinh thái khu vực đá vôi từ những góc độ khác nhau, đồng thời theo bước chân của đội tình nguyện viên đường mòn tại Công viên Quốc gia Taroko – đội ngũ được thành lập sớm nhất bởi chính phủ Đài Loan, khám phá đường đi bộ Dali, xem cách họ vận dụng tài nguyên phong phú sẵn có tại Taroko để xây dựng những bậc thang đá và bảo trì đường mòn.
 

Từ tuyến đường mòn Shakadang có thể chiêm ngưỡng suối Shakadang trong veo và những vách đá đầy nếp gấp.

Từ tuyến đường mòn Shakadang có thể chiêm ngưỡng suối Shakadang trong veo và những vách đá đầy nếp gấp.
 

Đường mòn Shakadang: Nơi suối Liwu cuồn cuộn sức sống

 Đường mòn Shakadang nằm ngay cạnh suối Liwu, du khách khi đi bộ tại đây có thể nghe được tiếng suối chảy cuồn cuộn vang vọng trong hẻm núi Taroko và cũng có thể quan sát sinh thái đặc thù bên trong những nếp gấp và khe đá được hình thành từ hàng triệu năm trước. Chuyên viên hướng dẫn tham quan Lâm Mậu Diệu bày tỏ, đường đi bộ này được xây dựng từ thời kỳ quân Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, chính phủ đương thời vì muốn phát triển thủy điện nên đã cho nổ mìn phá đá khu vực này để làm tuyến đường phụ cho công trình thi công”. “Ở đoạn giữa của đường đi bộ, vẫn còn có thể nhìn thấy ống dẫn nước cỡ lớn dùng để vận chuyển nước từ suối Liwu”. Ông Lâm Mậu Diệu cho biết, trạm thủy điện Liwu dưới thời quân Nhật Bản chiếm đóng là nhà máy thủy điện lớn thứ 4 ở Đài Loan thời đó, thế nhưng bây giờ nó chỉ được dùng để điều tiết điện lực.

 “Shakadang” trong tiếng dân tộc Taroko có nghĩa là “răng hàm”, ông Lâm Mậu Diệu cho biết, có hai cách giải thích về nguồn gốc tên gọi Shakadang, cách thứ nhất cho rằng, trước đây, khi người dân tộc Taroko xây dựng bộ lạc ở thềm sông của thượng nguồn suối Shakadang, đã tìm thấy trong đất răng hàm của người thời trước, cách giải thích còn lại là bộ lạc Datong xây dựng ở thượng nguồn trông giống như chiếc răng hàm, vì thế mới đặt tên là Shakadang. Khi đi dạo trên cung đường này, đôi lúc còn gặp được những bô lão người dân tộc Taroko, ông Lâm Mậu Diệu đều sẽ gật đầu chào và gọi họ là Baki (ông nội) hoặc Payi (bà nội).

 Không khí ở Taroko rất trong lành, điều đó được chứng nhận bởi “thực vật” tại đây. Ông Lâm Mậu Diệu chỉ vào mảng địa y trông giống như bị mốc trên vách đá, nói: “Chúng chỉ xuất hiện ở những nơi có không khí tốt và độ ẩm cao”. Địa y là một dạng kết hợp giữa tảo và nấm, trong đó, tảo quang hợp tạo dinh dưỡng cho nấm, còn nấm duy trì chất khoáng để tảo hấp thụ. Sự cộng sinh giữa các loài tảo và nấm khác nhau sẽ sản sinh ra địa y với những màu sắc khác nhau, vì thế nên trên những tuyến đường đi bộ trong hẻm núi Taroko, có thể quan sát thấy đủ loại địa y đa dạng và phong phú. Ngoài ra, địa y có thể tiết ra axit, đẩy nhanh tốc độ phong hóa đá thành đất, tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật phát triển, thế nên hệ sinh thái rực rỡ muôn màu vẫn có thể tồn tại trên những vách đá vững chắc.

 Đời sống của người dân tộc Taroko gắn liền với thực vật, từ thảm thực vật trên đường đi bộ Shakadang là có thể nhìn thấy nền văn hóa của dân tộc này. Ông Lâm Mậu Diệu chỉ tay vào cây tầm ma với mép lá hình răng cưa, nói: “Đây là nguyên liệu để làm áo của người dân tộc nguyên trú”. Người dân tộc Taroko trước đây, với những hiểu biết về thiên nhiên, họ đem luộc cây tầm ma, phơi khô, rồi tách xơ, sau đó đan thành quần áo. Ở giữa đường mòn Shakadang, nơi có di tích Wujianwu (5D Cabin), là vị trí đất nông nghiệp của bộ tộc, do trước đây có 5 gian nhà nên được đặt tên là Wujianwu. Người dân bộ tộc cũng gọi nơi đây là “swiji”, tức là “cây đa” trong tiếng dân tộc Taroko, bởi cây đa là một loài thực vật chiếm ưu thế tại khu vực Shakadang này, khắp nơi đều có thể nhìn thấy cảnh tượng rễ cây đa xuyên qua phiến đá. 

 

Đường cổ Zhuilu: Chiêm ngưỡng hẻm núi từ bờ vực

 Đường cổ (đường đi bộ) Zhuilu nằm ngay cạnh bờ vực, là một trong những con đường nguy hiểm nhất tại hẻm núi Taroko. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nơi đây sở hữu góc nhìn tuyệt đẹp và lý tưởng. Không những có thể nhìn thấy mây trôi trên đỉnh núi Tashan ở phía đối diện, mà còn có thể nhìn xuống suối Liwu và đường quốc lộ ở bên dưới từ độ cao hơn 700 mét. Những chủng loài thực vật suốt dọc đường đi rất phong phú và đặc sắc, ông Lâm Mậu Diệu giải thích: “Có nhiều chủng loài sinh sống tại đây là di cư về hướng Nam và đến Đài Loan từ kỷ Băng hà, nhưng sau khi kỷ Băng hà kết thúc, xuất hiện eo biển Đài Loan, những chủng loài đó chỉ có thể đối mặt với hai số phận, hoặc là tuyệt chủng, hoặc là tiến hóa thành giống đặc chủng của Đài Loan, nhất là ở Công viên Quốc gia Taroko, địa hình hẻm núi đã ngăn cản sự di cư của sinh vật, vì thế nên rất nhiều loài thực vật đều tiến hóa thành giống đặc chủng của Taroko”.

 “Theo nghiên cứu hiện tại, đã phát hiện 70 loài thực vật được đặt tên theo địa danh hoặc tên núi trong  Công viên Quốc gia Taroko, ví dụ như sồi Taroko (Quercus tarokoensis), tường vi Taroko (Rosa pricei), đỗ quyên Nanhu (Rhododendron hyperythrum), hoa lan Qilai (Poner­orchis kiraishiensis) …, trong đó có đến 56 loài là giống đặc chủng của Đài Loan”. Ông Lâm Mậu Diệu cho biết, mặc dù Đài Loan có niên đại địa chất trẻ, nhưng lại bao hàm nhiều giống loài cổ xưa, thế nên mới có câu “Đài Loan vừa già vừa mới, vừa to vừa nhỏ”.

 Đồn cảnh sát Badagang trên tuyến đường cổ Zhuilu, tọa lạc trên vùng đất đá, nơi có khí hậu khô ráo, tại đây có thể quan sát thấy loài sồi Taroko với mép lá sắc nhọn. Đi lên thêm một đoạn, ông Lâm Mậu Diệu tìm thấy hai loài thực vật hiếm gặp là cây trăn Taroko (Carpinus hebestroma) và hoàng liên gai Taroko (Berberis taroko­ensis): “Trung tâm Bảo tồn giống Cecilia Koo, nơi bảo tồn thực vật nhiệt đới và cận nhiệt đới của thế giới, cũng rất xem trọng cây trăn Taroko”. Mặc dù đường cổ Zhuilu nằm ở khu vực cận nhiệt đới, độ cao chưa đến 1.000 mét so với mực nước biển nhưng do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên nhiệt độ luôn duy trì ở mức thấp, đến cả loài bách xù Formosan vốn sinh trưởng ở vùng lạnh cũng xuất hiện tại đây.

 Đường cổ Zhuilu với hệ sinh thái phong phú, thật ra vốn là một con đường dành cho cảnh sát dưới thời quân đội Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, dùng để tuần tra, theo dõi cộng đồng dân tộc Taroko sinh sống trên núi và vận chuyển vật tư sinh hoạt của cảnh sát. Năm 1914, “Chuyên gia mở đường núi” Masa Umezawa, một sĩ quan người Nhật đã dẫn theo đội công nhân đến Taroko để mở đường, nhưng khi vừa nhìn thấy vách núi Zhuilu, những công nhân đến từ Nhật Bản đã từ chối làm việc khiến cho sĩ quan Masa Umezawa đành phải chiêu mộ thanh niên trong bộ lạc địa phương để phá núi và khoan các vách đá.

 Trải qua 7 tháng, con đường ngang qua bờ vực Zhuilu hoàn công, trong quá trình thi công, có 37 người đã không may thiệt mạng. Sử liệu cho thấy sau khi con đường này được khai thông, đã bắt đầu có học giả người Nhật Bản đến nghiên cứu chuyên sâu về sinh thái ở thượng nguồn suối Liwu, ví dụ như tiến sĩ Masamitsu Oshima – người đã phát hiện giống cá hồi đặc hữu Đài Loan (Formosan landlocked salmon), dưới sự hộ tống của cảnh sát, đã đi dọc theo con đường Zhuilu để đến đồn cảnh sát Tabito (ở Tianxiang) và tuyên bố với người dân tộc Taroko rằng sẽ thu mua gà lôi Mikado với giá cao, sau đó đã mang được 15 con gà lôi Mikado về Nhật Bản.
 

Hẻm núi Taroko(2)

 

Từ người leo núi trở thành tình nguyện viên đường mòn

 Bất kể là đường Shakadang bằng phẳng dễ đi, hay là đường Zhuilu gập ghềnh nhiều dốc, đều in lại dấu chân đi làm công tác bảo trì của đội tình nguyện viên đường mòn đi bộ. Thế nhưng, do công tác bảo trì đường mòn bằng phương pháp thủ công rất chú trọng việc “hòa nhập với môi trường thiên nhiên” nên du khách hầu như sẽ không thể phát hiện thành quả của họ.

 Những anh hùng thầm lặng này theo đuổi công việc bảo trì đường mòn bằng phương pháp thủ công đã 12 năm, có người còn kiêm cả công việc tình nguyện viên bảo tồn sinh thái và tình nguyện viên hướng dẫn tham quan, cho nên thường bị đồng nghiệp trêu đùa là “lưỡng thê”. Ông Lâm Quốc Văn, người được các đồng nghiệp tôn làm “Nhị ca”, là thành viên có kinh nghiệm dày dạn nhất trong đội tình nguyện. Ông rất giỏi trong việc hòa giải tranh cãi giữa các thành viên, giúp cho công trình bảo trì đường mòn có thể hoàn thành một cách thuận lợi. Còn thành viên “tam thê” Giang Tăng Vi Chân thì hy vọng có thể đưa những câu chuyện bảo trì đường mòn vào kịch bản hướng dẫn tham quan để du khách hiểu thêm nguyên lý về mặt sinh thái đằng sau việc sửa chữa, bảo dưỡng đường mòn. Phương Thụy Khải, người kiêm cả vai trò tình nguyện viên bảo tồn sinh thái tại Công viên Quốc gia núi Dương Minh, chỉ vì cảnh quan tại Taroko quá đẹp mà anh đã không thể nào rời khỏi mảnh đất này. Còn thành viên yêu thích thử thách từ những đường mòn đi bộ có độ khó cao là Trương Triều Năng thì luôn tìm thấy cảm giác thành công khi nhận được lời khen của du khách.

 “Lúc trước, khi đội trưởng đội tìm kiếm cứu hộ vùng núi dẫn người đi theo đường rút lui ở đỉnh phía Đông núi Nanhu, họ vào núi khi trời tối, đến khi xuống núi, phát hiện đường đã trở nên rộng rãi nên tưởng rằng đi sai đường, sau đó mới biết là đội tình nguyện đã hoàn thành việc thi công ngay trong ngày hôm đó”.

 Khi hỏi 4 thành viên về lý do ban đầu khi gia nhập đội tình nguyện, họ đều trả lời là vì muốn đền đáp. “Chúng tôi đều rất thích leo núi, là những người thường xuyên sử dụng đường mòn”. Trước đây, khi đang trên đường lên hồ Chiaming, Giang Tăng Vi Chân đã từng vấp phải một tảng đá to khiến cô bị trật chân, thế nên sau khi gia nhập đội tình nguyện, cô đã cùng với các thành viên khác dọn dẹp những tảng đá to dọc trên tuyến đường mòn đi bộ lượt về của hồ Chiaming. Còn ông Trương Triều Năng thì thường xuyên nghe chuyện những người bạn cùng sở thích leo núi bị trượt chân té ngã ở núi Pingfeng nên cũng đã gia nhập vào hàng ngũ khảo sát những tuyến đường mới tại Công viên Quốc gia Taroko.

 Ông Lâm Quốc Văn bày tỏ, mặc dù công việc bảo trì đường mòn bằng phương pháp thủ công tương đối tốn thời gian nhưng lại là công việc bảo vệ môi trường, thoải mái và có ích cho việc bảo vệ sinh thái. “Tinh thần của việc bảo trì đường mòn bằng phương pháp thủ công là vận dụng những gì có sẵn tại chỗ, không ảnh hưởng đến sinh thái, hơn nữa chúng tôi sẽ thực hiện việc bảo trì theo góc nhìn của người leo núi, khi đi bộ cũng sẽ thoải mái hơn”.

 

Vận dụng những gì có sẵn để bảo trì đường mòn đi bộ

 Đội tình nguyện đường mòn đi bộ rất chú trọng sự hợp tác của tập thể, mỗi người đều sẽ chủ động tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng của bản thân. Ông Lâm Quốc Văn và Phương Thụy Khải đã phối hợp với nhau, sau một hồi quan sát mặt đường, họ đi tìm một tảng đá lớn. “Việc tìm kiếm vật liệu cần thực hiện ở nơi cách đường mòn đi bộ từ 20 mét trở lên, không được làm ảnh hưởng đến những dốc ven đường”. Ông Lâm Quốc Văn giải thích: “Khi làm việc trên đường mòn đi bộ, phải thuận theo dòng chảy của nước, tạo rãnh ngăn để thoát nước ra ngoài, nếu không thì mặt dốc khi bị xói mòn lâu ngày sẽ hình thành nên bùn đất, gây bất tiện cho những người leo núi.” Cùng lúc đó, ông Phương Thụy Khải đã khuân một tảng đá to đến và nghĩ cách làm sao để đặt nó cho hợp với địa hình. Sau khi sắp đặt vị trí ổn thỏa, ông chôn chặt tảng đá vào trong đất, sau đó cả hai luân phiên đập vào tảng đá để cho những mảnh đá vụn lấp đầy khoảng trống trên mặt đất. Ông Lâm Quốc Văn nói: “Làm như vậy thì không chỉ có thể đi thoải mái hơn, mà còn có thể ngăn đất trở thành bùn lầy”. 

 Hiện tại công trình bảo trì đường mòn đi bộ bằng phương pháp thủ công tại tuyến đường Dali đã hoàn thành đến đoạn 0,7km, đội tình nguyện khuyến khích mọi người, ngoài tuyến đường mòn đi bộ Dekalun, cũng có thể men theo đường mòn đi bộ Dali tương đối “bí mật” để vào bộ lạc Dali-Datong, qua đó trải nghiệm cảm giác thoải mái khi đi trên con đường mòn được xây dựng bằng phương pháp thủ công, học hỏi tinh thần bảo vệ sinh thái từ trong kỹ thuật bảo trì và tìm hiểu cảnh quan sinh thái với tài nguyên địa chất phong phú và đặc sắc từ mỗi một hòn đá của Taroko.

 

Xem thêm

Chiêm ngưỡng hẻm núi Taroko từ góc nhìn đa chiều Đội tình nguyện chăm sóc từng nẻo đường đi bộ