Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chuyên gia “thịt thực vật” tại Đài Loan Sản phẩm và kênh tiêu thụ mới trong trào lưu ăn chay
2022-04-25

Ngoài sản xuất theo đơn hàng nhận gia công cho nước ngoài, những năm gần đây Hung Yang Foods còn cho ra mắt các sản phẩm với thương hiệu riêng như thịt thực vật hoặc thịt gà miếng chay. (Ảnh: Hung Yang Foods cung cấp)

Ngoài sản xuất theo đơn hàng nhận gia công cho nước ngoài, những năm gần đây Hung Yang Foods còn cho ra mắt các sản phẩm với thương hiệu riêng như thịt thực vật hoặc thịt gà miếng chay. (Ảnh: Hung Yang Foods cung cấp)
 

 Sau khi thương hiệu thịt thực vật nhân tạo Beyond Meat của Mỹ thành lập công ty vào năm 2009 đã làm dấy lên “Trào lưu ăn chay mới”, việc ăn chay không chỉ còn giới hạn trong những tổ chức tôn giáo mà còn bắt đầu thu hút những người tiêu dùng quan tâm chế độ ăn uống lành mạnh, yêu động vật và môi trường. Nhưng trước khi trào lưu này xuất hiện, ngay từ khoảng năm 1995, Đài Loan đã nghiên cứu và phát triển thịt nhân tạo, nhận được rất nhiều đơn đặt hàng gia công của nước ngoài, trở thành “nhà vô địch tàng hình” trong lĩnh vực này.

 Khi quan niệm ăn chay trở nên phổ biến hơn, kênh mua bán của người tiêu dùng Đài Loan từ các cơ sở kinh doanh đồ chay truyền thống đã mở rộng ra tới các nền tảng thương mại điện tử, các cửa hàng không chỉ cung cấp nhiều sự chọn lựa đa dạng hơn, mà còn thu hút nhóm khách hàng không ăn chay tới trải nghiệm, từ đó làm thay đổi ấn tượng của họ đối với ăn chay.

 

 “Hung Yang Foods”, một hãng lớn sản xuất thịt thực vật của Đài Loan, nằm ở một ngôi làng nhỏ ven biển thuộc địa phận xã Tứ Hồ (Si-hu) huyện Vân Lâm (Yunlin), có rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn tới đàm phán kinh doanh đều phải đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Đào Viên trước rồi chuyển tàu cao tốc để đi Vân Lâm, sau đó còn phải ngồi xe thêm 40 phút nữa mới tới được công ty. Rốt cuộc công ty có sức hấp dẫn tới mức nào mà các nhà sản xuất ngoại quốc phải cất công từ xa xôi tới như vậy? Chủ tịch Hội đồng quản trị Tạ Kỳ Phong (Jack Hsieh) nói: “Sản phẩm mà khách hàng nhất quyết muốn làm, chúng tôi sẽ hoàn thành theo đúng ý tưởng của họ”. Trong suốt 20 kinh nghiệm, hầu như không có sản phẩm nào mà ông không làm được, từ thịt gà miếng, thịt kho Đông Pha cho đến cá chình và tôm sú chay, gần đây ông còn muốn nghiên cứu làm ra thực phẩm chay bánh bao chiên để thu hút nhóm người cao tuổi nếm thử vị ngon của thịt thực vật.

 

Sự trỗi dậy của các hãng sản xuất thịt thực vật quốc tế

 Vào hơn 20 năm trước, tại Triển lãm thực phẩm quốc tế nông sản Đài Bắc lần thứ nhất, món “gân (heo) chay” xào mà ông Tạ Kỳ Phong bưng ra được làm từ mì căn (seitan) phơi khô sau khi ngâm nước, tẩm thêm hương liệu gia truyền rồi cho vào sấy, nhìn có vẻ chỉ là món ăn vặt đơn giản nhưng lại thu hút rất nhiều người tranh nhau ăn thử. Có người biết gia đình ông có làm ruốc (thịt chà bông) nên đã tò mò hỏi rằng: “Vậy anh có làm ruốc chay không?”, thế là ông Tạ Kỳ Phong bắt đầu liên lạc với hãng nhập khẩu thịt chay thì mới biết rằng nguyên liệu thịt chay của Đài Loan đều nhập khẩu từ Nhật Bản, 1 cân Đài Loan (0,6 kg) phải mua với giá 450 Đài tệ .

 Vào đúng dịp đó, ông Tạ Kỳ Phong nghe nói có một vị giáo sư của Trường Đại học Đài Loan- ông Giang Văn Chương tu nghiệp tại Nhật Bản trở về Đài Loan, vị giáo sư này có chuyên môn về công nghệ ép thực phẩm. Vì vậy, ông đã tới gặp để tranh thủ cơ hội chuyển giao công nghệ. Sau khi đàm phán hợp tác thành công, Hung Yang Foods bắt đầu sản xuất thịt chay với giá bán chỉ bằng một nửa giá nhập khẩu từ Nhật Bản, trở thành hãng sản xuất thịt chay lớn nhất Đài Loan.

 Ông giải thích nguyên lý của thịt chay rằng: “Nói một cách đơn giản là dùng chất tinh bột dạng nhão, rồi trộn lẫn với protein thực vật và tái sắp xếp cấu trúc”. Nghe qua nguyên lý thấy có vẻ khá đơn giản nhưng đã làm ông phải vắt kiệt trí não, ông Tạ Kỳ Phong đã tận tâm tận lực trong tất cả mọi khâu kể từ thiết kế máy sản xuất thịt chay cho đến quản lý chất lượng dây chuyền sản xuất.

 Trước đây từng theo học chuyên ngành cơ khí và điện tử, ông Tạ Kỳ Phong đã tự phác thảo bản vẽ thiết kế máy sản xuất thịt chay, sau đó nhập linh phụ kiện từ nước ngoài về để lắp ráp. Tới nay, nhân viên thao tác đổ nguyên liệu thịt chay vào một bên máy thì chỉ sau 31 giây là thành phẩm thịt chay sẽ tuôn ra ở đầu máy phía bên kia. Để phòng ngừa rủi ro bị dính lẫn chất thịt cá, ông đã quy định tất cả các dây chuyền đều chỉ được sản xuất thịt chay, thậm chí tên gọi cũ của công ty là “San Yang” (Tam Dương) gây liên tưởng đến từ đồng âm có ý nghĩa “Thịt dê” tới nay cũng đã được đổi thành “Hung Yang” (Hoằng Dương). 

 Sau 1 năm nỗ lực, ông Tạ Kỳ Phong đã giúp mức doanh thu của sản phẩm thịt chay vượt trội doanh thu của các mặt hàng thịt cá sản xuất trước đó. Kết quả kinh doanh vượt bậc như vậy đã tạo niềm tin để ông chuyển hướng công ty sang sản xuất đồ chay hoàn toàn và vào năm 1998, ông bắt đầu nhận đơn đặt hàng của nước ngoài với nhóm khách hàng chính là những người theo Nhất Quán Đạo. 

 Đơn đặt hàng của nước ngoài tăng trưởng dần hằng năm, từ “Gia công sản xuất nguyên liệu gốc (OEM)” chỉ sản xuất thịt chay đơn thuần phát triển thành “Sản xuất dựa trên thiết kế gốc của chính hãng (ODM)” và có cho thêm gia vị. Ông Tạ Kỳ Phong lấy ra một xấp bao bì hộp giấy, bên trên có hình ảnh nào là tôm chiên, thịt gà thái miếng chiên và cá hồi xông khói, toàn bộ đều được sản xuất rồi gắn thương hiệu của khách hàng để xuất khẩu cho siêu thị của Anh. “Các nước Âu - Mỹ đều ăn sản phẩm đông lạnh đã ướp sẵn gia vị, còn khu vực Đông Nam Á chủ yếu sử dụng nguyên liệu chay chưa tẩm gia vị”. Ông Tạ Kỳ Phong nói rằng, mặc dù đều là châu Âu, nhưng khẩu vị thịt chay của người Đức và người Anh không giống nhau, mỗi lần đều mời khách hàng ăn thử sản phẩm trước, nếu hài lòng mới bắt đầu sản xuất.

 Thịt viên Hamburger sử dụng thương hiệu riêng của Hung Yang Foods “VVeat” ra mắt đã gần 5 năm, cung cấp cho người tiêu dùng tại các cửa hàng trực tiếp của chuỗi siêu thị Pxmart và Costco. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-11 và FamilyMart cũng đặt mua thịt viên Hamburger của Hung Yang Foods, rồi tự chế thêm hương liệu và các nguyên liệu phụ để làm thành bánh Hamburger.  

 Trong doanh thu năm 2019 của Hung Yang Foods, đơn hàng nước ngoài chiếm tới 80%, thương hiệu Sophie’s Kitchen ủy quyền gia công ODM không những xuất khẩu cho hệ thống siêu thị Walmart của Mỹ, mà tỷ lệ phân phối cho các siêu thị của Úc cũng đạt tới 90%. Ông Tạ Kỳ Phong rất đắc ý nói rằng: “Cả thế giới muốn tìm thịt thực vật thì đều phải đến đây”.
 

Những người con của ông Tạ Kỳ Phong sau khi gia nhập Hung Yang Foods, đã cho ra mắt thương hiệu kiểu Mỹ “Hoya”, hy vọng có thể tiến quân ra thị trường nước ngoài.

Những người con của ông Tạ Kỳ Phong sau khi gia nhập Hung Yang Foods, đã cho ra mắt thương hiệu kiểu Mỹ “Hoya”, hy vọng có thể tiến quân ra thị trường nước ngoài.
 

Ông chủ đa năng với khả năng sáng tạo vô hạn

 Có được hơn 30 sản phẩm chay thì ngoài nhờ sự nỗ lực tìm tòi mỗi ngày của đội ngũ R & D, còn nhờ vào sự quan sát thực phẩm của ông Tạ Kỳ Phong trong đời sống hàng ngày, ví dụ như ý tưởng làm sản phẩm lòng chay “Trúc Tràng” (Zhu-chang) là bắt nguồn từ nguyên liệu váng đậu (tàu hũ ky) của món lẩu.

 Sản phẩm thanh dinh dưỡng được ra mắt với thương hiệu riêng “Grain Plus” của Hung Yang Foods, thông qua thử nghiệm đã trở thành thực phẩm gia công dành cho bệnh nhân mắc tiểu đường tại Bệnh viện trực thuộc Học viện Y Đại học Đài Loan. Trước khi khai mạc Đại hội thể thao Sinh viên thế giới Đài Bắc 2017, ông Tạ Kỳ Phong đã tài trợ cho Trung tâm lưu trú tuyển thủ số lượng thanh dinh dưỡng đạt giá trị 3 triệu Đài tệ và đã nhận được sự đánh giá rất tốt, thu hút các doanh nghiệp phục vụ bữa ăn cho các vận động viên đặt thêm sản phẩm thanh dinh dưỡng với doanh số khoảng 2 triệu Đài tệ.

 Để đáp ứng được yêu cầu về chứng nhận Halal, nhà máy hoàn toàn sử dụng nước javen (sodium hypochlorite) để khử trùng thay cho cồn. Từ môi trường chung cho đến các khâu chi tiết, mỗi một khâu đều đòi hỏi phải đạt tới mức hoàn hảo nhất. Ông Tạ Kỳ Phong cầm sản phẩm tôm chay được làm bằng thạch khoai nưa lên và nói rằng: “Đường vân tôm được tạo bằng nước ép cà rốt bằng phương pháp thủ công, làm bằng máy móc đều không giống thật, do vậy mất rất nhiều thời gian”.

 Sự kiên định đối với thịt thực vật của ông Tạ Kỳ Phong không chỉ thu hút khách hàng của nhiều quốc gia mà còn truyền cảm hứng cho 3 người con trai của ông, họ đều đầu tư học tập trong lĩnh vực gia công thực phẩm, hiện đang làm việc tại bộ phận R & D và bộ phận Marketing của Hung Yang Foods. Sự gia nhập của lớp trẻ đã thôi thúc sự ra đời của thương hiệu kiểu Mỹ “Hoya”, chuẩn bị tiến quân ra thị trường hải ngoại.

 

Trang web giới thiệu đồ ăn chay phong phú và tinh tế

 Trào lưu ăn chay không chỉ phản ánh ở sự biến đổi về khẩu vị sản phẩm, mà còn trỗi dậy thông qua các nền tảng điện tử thương mại. Trước đây, rất nhiều website thương mại điện tử kinh doanh thực phẩm chay thường tạo cho mọi người cảm giác “nhàm chán đơn điệu, có hơi hướng về tôn giáo”, rất khó thu hút những nhóm khách hàng không ăn chay ghé thăm trải nghiệm, nhưng website “Suudays” ra mắt vào năm 2017 rất chú trọng đến thiết kế mỹ thuật và sự trải nghiệm của người dùng, hy vọng thúc đẩy quan niệm ăn chay thông qua thiết kế trang web phong phú và sinh động.

 Suudays nguyên là nền tảng mua bán nguyên vật liệu ngành điện tử, những năm gần đây người sáng lập nền tảng này do cân nhắc đến yếu tố kinh doanh bền vững, hơn nữa bản thân lại ăn chay, vì thế đã chuyển đổi thành nền tảng thương mại điện tử kinh doanh đồ chay. Giám đốc phụ trách mảng sản phẩm Châu Tôn Bằng (Allen Chou) hồi tưởng lại: “Khi vừa thành lập, trong khoảng 4~5 tháng đầu thường xuyên trong tình trạng cả ngày không nhận được đơn đặt hàng, hoặc khi quyết toán cuối tháng doanh thu chỉ đạt khoảng 10 đến 20 nghìn Đài tệ. Sau 3 năm, đến nay doanh thu hằng tháng đều đạt trên 2 triệu Đài tệ, doanh thu năm nay chắc chắn có thể cán mốc trên chục triệu Đài tệ không thành vấn đề”.

 Trang web Suudays rất đề cao tính thẩm mỹ, thoát khỏi hình ảnh nhàm chán của các website thực phẩm chay trước đây, “Có người tiêu dùng truy cập website xem hết 10 phút, mới phát hiện tại sao không hề có thịt!”. Ông Châu Tôn Bằng vừa cười vừa nói rằng, mục tiêu của họ là muốn những người không ăn chay hiểu được rằng, đồ chay cũng có thể vừa ngon vừa đa dạng. Nhóm khách hàng chính của website hiện tại là phụ nữ trong tầm 35~55 tuổi, sản phẩm bán chạy nhất là mì và nướt sốt, tuy nhiên nhóm người trẻ tuổi thì lại thích mua những thực phẩm chay mới lạ như hot dog, cải thảo Gratin và bánh Hamburger nhân thịt thực vật. 

 Khi truy cập vào nền tảng Suudays sẽ có các chọn lựa chính trên website gồm hình thức ăn chay, thương hiệu đồ chay và cách chế biến, người tiêu dùng có thể chọn lựa chọn theo các tiêu chí mà bản thân quan tâm. Trong đó mục phân loại đặc biệt “Thực phẩm dành cho nhà hàng Michelin” lập tức thu hút sự chú ý của người dùng và một điều gây ngạc nhiên hơn nữa đó là nhà hàng “Joseph Bistro” bán món cà-ri thịt cũng thuộc danh sách này. 

 Ông Châu Tôn Bằng cho biết, ban đầu khi mới suy nghĩ về cách quảng bá thực phẩm chay, đội ngũ của công ty nhận định rằng “Nói đến ẩm thực thì không gì có thể đẳng cấp hơn Michelin”, vì vậy ông đã đến thăm tất cả các nhà hàng đạt sao Michelin để tìm ra nhà hàng đồng ý hợp tác với Suudays khai thác phát triển sản phẩm chay, hy vọng người ăn chay có cơ hội thưởng thức ẩm thực đẳng cấp Michelin, còn những người không ăn chay thì cũng sẽ muốn thử bởi chứng nhận Michelin.

 “Tuy nhiên, trong thời đại này, những sản phẩm được yêu thích nhan nhản khắp nơi, không thể có chuyện mọi sản phẩm đều chỉ được bán trên một nền tảng duy nhất của bạn. Một nền tảng nếu không có sản phẩm riêng của chính mình thì sẽ dễ rơi vào trận chiến đọ giá”. Chính vì vậy, Suudays đã cho ra mắt thương hiệu giống tên gọi của website, sau đó chiến lược này đã phát huy được hiệu quả, có rất nhiều sản phẩm thuộc bảng xếp hạng các mặt hàng bán chạy nhất của nền tảng đều là sản phẩm của Suudays, ví dụ như: tempura, bánh thịt viên (Rou-yuan) nhân chay và chạo tôm chay. Không những được người tiêu dùng chấp nhận, mà còn được nhiều nhà hàng đặt hàng. Với sự tăng trưởng doanh số ổn định, ngoài việc thông qua quảng cáo trên Facebook để tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng, Suudays còn bán các món ăn Tết thông qua chuyên san số Tết của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-11 như bánh nướng nhân thịt và sủi cảo.

 Tuy chỉ mới ra đời hơn 3 năm, nhưng Suudays đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Ông Châu Tôn Bằng cho biết, khách hàng cho rằng “Suudays giúp việc ăn chay trở nên dễ dàng hơn”. Trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục phát triển ẩm thực chay để nhiều người biết được rằng ăn chay vừa ngon lại vừa tiện lợi.

 

Xem thêm

Chuyên gia “thịt thực vật” tại Đài Loan Sản phẩm và kênh tiêu thụ mới trong trào lưu ăn chay