Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chiêm ngưỡng “thần thái” Kiến trúc và mỹ nghệ trong đền Thiên Hậu
2022-08-15

Kiến trúc trần mạng nhện không cần dùng đinh, luôn thử thách tay nghề của các thợ mộc.

Kiến trúc trần mạng nhện không cần dùng đinh, luôn thử thách tay nghề của các thợ mộc.
 

 Thiên Hậu Thánh Mẫu là tín ngưỡng dân gian của Đài Loan, các nơi tại Đài Loan đều có đền Thiên Hậu thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đó không chỉ là những ngôi đền được xây bởi tiền quyên góp từ những tấm lòng thành kính của người dân, mà còn là thánh địa tập kết của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Từng góc nhỏ trong đền đều là tác phẩm được tạo nên bởi biết bao công sức của các bậc thầy thủ công mỹ nghệ. Tạp chí Taiwan Panorama kỳ này sẽ đưa mọi người cùng khám phá nét đẹp của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống Đài Loan, qua tay nghề đã được tích lũy hàng chục năm của bậc thầy nghề mộc Liu Shengren (Lưu Thắng Nhân), bậc thầy làm mũ mão cho thần linh Guo Chunfu (Quách Xuân Phúc), bậc thầy thêu thùa Zhang Lijuan (Trương Lệ Quyên).

 

 Bước vào đền Thiên Hậu Bengang (Gia Nghĩa), ngẩng đầu nhìn đại điện, đập vào mắt là trần mạng nhện hình bát quái ngay phía trên chính diện, bậc thầy nghề mộc - ông Lưu Thắng Nhân vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa nói “một ngôi đền mà có trần mạng nhện là đẹp nhất”. Với đấu củng tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau, chúng được kết nối vào nhau chỉ nhờ vào các cây chốt nhỏ, hoàn toàn không cần sử dụng đinh, tuy nhiên, không phải ngôi đền nào cũng sẽ trang trí trần nhà như vậy, vì trần mạng nhện không chỉ là biểu tượng tượng trưng cho quy mô của ngôi đền, mà còn phải xem tài nghệ của những người thợ mộc.

 

Gia tộc nghề mộc cha truyền con nối

 Ông Liu Shengren (Lưu Thắng Nhân) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc tại Xingang (Gia Nghĩa). Công trình trùng tu di tích cấp Quốc gia đền Thủy Tiên Bengang chính là tác phẩm do ông cố nội của ông là cụ Lưu Sơn dẫn theo ông nội và chú ông cùng làm. Từ nhỏ ông Lưu Thắng Nhân thường hay chơi trước cửa đền Thủy Tiên. Đối với ông, kết cấu gỗ trong đền còn là niềm tự hào của gia tộc, từ đó cũng đã gieo hạt giống nghề mộc trong lòng ông.

 Sau khi giải ngũ, ông Lưu Thắng Nhân đã theo học nghề mộc với bác mình là ông Lưu Hồng Lâm, tham gia vào công trình xây dựng đền Thiên Hậu Bengang, đền Hải Thanh Santiaolun, một số dự án trùng tu các kiến trúc kiểu truyền thống và kiểu Nhật.

 Xem nghề mộc là công việc suốt đời, ông luôn khắc ghi lời dặn dò của ông Lưu Hồng Lâm: “Một khi đã nhận thầu dự án nào, dù có lỗ vẫn phải hoàn thành”. Như dự án lớn đầu tiên ông Lưu Thắng Nhân đã nhận làm khi tự mở tiệm, đó chính là dự án trùng tu Trung Sơn Đường trong Nhà máy Thuốc lá Bình Đông. Lúc đó ông đã gặp phải cảnh công ty xây dựng bị phá sản, không lấy lại được tiền công, nhưng ông lại thà tự mình trả tiền lương cho đội thợ, vẫn phải hoàn thành dự án. Thái độ nghiêm túc và kiên quyết này đã giúp ông không ngừng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong thi công và trở thành người đầu tiên tại Đài Loan đồng thời sở hữu ba chứng nhận tư cách bậc thầy về nghề truyền thống của Bộ Văn hóa, gồm chứng chỉ bậc thầy về nghề mộc xây dựng, mộc nội thất, mộc xây dựng kiến trúc Nhật.
 

Ông Quách Xuân Phúc đã làm mũ thần linh gần 60 năm nay, là bậc thầy mỹ nghệ hiếm thấy ở Đài Loan có thể cùng lúc làm ra những chiếc mũ thần linh với các chất liệu khác nhau như bạc, đồng và giấy....

Ông Quách Xuân Phúc đã làm mũ thần linh gần 60 năm nay, là bậc thầy mỹ nghệ hiếm thấy ở Đài Loan có thể cùng lúc làm ra những chiếc mũ thần linh với các chất liệu khác nhau như bạc, đồng và giấy....
 

Chiêm ngưỡng nét đẹp tiềm ẩn của kiến trúc đền chùa

 Ông Lưu Thắng Nhân đến nay đã tham gia vào công tác trùng tu của nhiều di tích như đền Đại Thiên Hậu Đài Nam, nhà cổ Lý Đằng Phương tại khu Daxi (Đào Viên), nhà tù cũ Gia Nghĩa… Ôngcòn từng đi theo ông Lưu Hồng Lâm đi trùng tu đền Thánh Mẫu Yokohama (Nhật Bản). Ông nói, bản thân thích nhất vẫn là kiến trúc đền chùa truyền thống, vì nếu so với phong cách quy củ của kiến trúc Nhật thì sự phong phú trong mỹ nghệ đền chùa vẫn hấp dẫn hơn nhiều.

 Ông Lưu Thắng Nhân bày tỏ, vì gỗ là loại vật liệu tự nhiên có sức sống riêng, tương đối dịu nhẹ, sẽ khiến người ta càng nhìn càng thấy thích nên khi vào trong đền Thiên Hậu Thánh Mẫu sẽ luôn mang lại cảm giác bình yên trong lòng. Còn đối với ông, tu sửa đền chùa, di tích cũng như là làm công quả, không cần phải đi so đo được mất, có thể lưu giữ lại nét văn hóa lịch sử và sự nhẹ nhàng của gỗ trong di tích, đó mới là quan trọng nhất.

 

Sáu mươi năm làm mũ mão cho thần linh

 2 giờ 30 phút sáng, trong tầng hầm một ngôi nhà tại khu Nam của thành phố Đài Nam, lửa đỏ từ cây súng mồi lửa đang không ngừng đun đốt sợi bạc. Dưới sự trợ giúp của kính lúp, ông Guo Chunfu (Quách Xuân Phúc) từ từ uốn sợi kẽm bạc trên tay để tạo thành hình ảnh như bản vẽ của mình, rồi ông lại từ từ hàn vào miếng bạc. Từng họa tiết, bộ phận, ống mũ của mũ thần linh đều là các công đoạn phức tạp được lặp đi lặp lại hằng ngày trên bàn làm việc của ông, rồi từng bước làm nên hình dáng của chiếc mũ. Một chiếc mũ thần linh thuần thủ công, nhanh lắm cũng phải mất vài tháng, đôi khi còn phải làm hơn một năm, vương miện của bà Thiên Hậu trấn điện tại đền Thiên Hậu Luermen, mũ miện của Nhị Ma Tổ và Tam Ma Tổ trong đền Đại Thiên Hậu Đài Nam cũng được ông hoàn thành như vậy.

 Ông Quách Xuân Phúc sinh ra tại Yancheng (Đài Nam) vào năm 1950, vừa tốt nghiệp tiểu học, ông đã theo cậu mình học kim hoàn. Năm 17 tuổi, ông đã tự khởi nghiệp, lúc đầu là làm gia công cho các cửa hàng vàng bạc, làm trang sức, mặt vàng, thỉnh thoảng cũng có khách mang mũ thần linh đến nhờ ông mô phỏng làm theo.

 Cùng với sự phát triển của kinh tế Đài Loan, người dân kiếm được tiền bèn kéo nhau đến đặt làm mũ thần linh để tạ ơn thần phù hộ. Những năm 1980, Đài Loan rộ lên làn sóng mua số đề, mũ thần linh lại càng cung không đủ cầu. Thế nên ông Quách Xuân Phúc đã nghiên cứu về tượng thần và loại hình mão thần, tổng hợp hệ thống tạo hình và dần dần chuyển sang làm mũ thần linh.
 

Chiếc mão bà Thiên Hậu có chu vi khoảng 12 cm, trên đó có 9 con rồng và 4 con phượng, mỗi họa tiết đều được làm thủ công hoàn toàn, rất tinh tế và đẹp mắt.

Chiếc mão bà Thiên Hậu có chu vi khoảng 12 cm, trên đó có 9 con rồng và 4 con phượng, mỗi họa tiết đều được làm thủ công hoàn toàn, rất tinh tế và đẹp mắt.
 

Chiếc mũ khổng lồ có một không hai cho bà Thiên Hậu

 Làm mũ thần linh đã gần 60 năm, ông Quách Xuân Phúc vẫn luôn kiên quyết phải tự đo vòng đầu của các tượng thần. Đối với ông, kích cỡ của mũ phải hoàn toàn vừa vặn với đầu tượng thần thì khi đội vào mới ngay ngắn và đẹp.

 Thay vì ví ông là thợ thủ công, thì ông lại càng giống một nghệ nhân. Hàng chục năm qua, ông không ngừng nâng cao tay nghề làm mũ thần linh của mình, một chiếc mũ thần linh với chu vi khoảng 12 cm của bà Thiên Hậu, phía trên được gắn chín con rồng, bốn con phượng, sống động như thật, ngay đến cả mặt sau của mũ thường ít được chú ý, ông vẫn kiên quyết phải đính hoa văn tinh tế.

 “Bảo hành suốt đời” chính là thái độ tự tin và “sự tiếp nối” của ông đối với từng tác phẩm. Năm 2000, ông đã nhận được sự ủy thác của đền Thiên Hậu Luermen, chế tác chiếc mũ thần linh với vòng mũ khoảng 146 cm cho tượng Thiên Hậu trấn điện. “Đây có lẽ chính là chiếc mũ thần linh lớn nhất thế giới!”

 Đền Thiên Hậu Luermen hương hỏa hưng vượng, chiếc mũ bám đầy vết khói tích lũy nhiều năm. Năm 2021, ông Quách Xuân Phúc lại được ủy thác lần thứ hai, đến sửa sang, vệ sinh chiếc mũ này. Ông đã cẩn thận tháo từng linh kiện, từng viên ngọc trang trí trên mũ xuống, trước tiên phải dùng súng mồi lửa phục hồi màu sắc cho mũ, ngâm nước Oxy già, rồi chà sạch vết bẩn, tiếp nữa là mạ vàng, phun lớp bảo vệ, cuối cùng mới cẩn thận gắn lại từng bộ phận lên mũ. Chiếc mũ thần linh sau khi được sửa sang, dù đã trải qua hơn hai mươi năm, trông vẫn như một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, càng tôn thêm vẻ trang nghiêm cho tượng thần Thiên Hậu trong chính điện.

 

Từng đường kim mũi chỉ vẽ nên thần thái

 Nhìn bậc thầy thêu thùa Zhang Lijuan (Trương Lệ Quyên) với dáng vóc nhỏ nhắn, nhanh nhạy luồn đầu chỉ nhỏ li ti vào lỗ kim nhỏ chưa tới 1mm. Bà nhắm kỹ, luồn chỉ một cách nhanh chóng, nụ cười tủm tỉm, ánh mắt kiên định của bà, chỉ một lần là thành công, nếu không nói sẽ không ai biết rằng năm nay bà đã gần 80 tuổi. Bà Trương Lệ Quyên vừa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện học nghề thêu năm xưa của bà, vừa thêu liền tay lên chiếc áo của tượng thần ở trước mặt, lên mũi mới, vào vải, cây kim và sợi chỉ như là cây bút vẽ của bà, nhanh thoăn thoắt đính dây kim tuyến vào vải. Chẳng mấy chốc, các họa tiết trên mặt vải, vì có thêm sự điểm xuyết của kim tuyến, lập tức trở nên bắt mắt, đây chính là tay nghề thêu được bà Trương Lệ Quyên tích lũy dần trong hơn 60 năm.  

 Bà Trương Lệ Quyên đã theo học những kiến thức căn bản nhất với sư phụ đến từ Phúc Châu vào năm 14 tuổi. Bà học cách khống chế sức và độ chính xác khi sử dụng kim, học từ thêu trên mặt phẳng, cho đến thêu 3D bằng cách dồi bông gòn, thêu đính kim tuyến.

 Sau khi học nghề được vài năm, năm 22 tuổi, cả nhà ông chủ của bà Trương Lệ Quyên đã dọn đi và kết thúc kinh doanh xưởng thêu. Những người khách của xưởng vốn thích tay nghề bà đã khuyến khích bà tự khởi nghiệp, chủ động giới thiệu khách hàng cho bà. Những sản phẩm thêu dành cho tượng thần linh do bà Trương Lệ Quyên làm lúc nào cũng cung không đủ cầu. Để có thể chiêu mộ thêm nhiều thợ khác đến làm việc, năm 1989, bà Trương Lệ Quyên đã chuyển Xưởng dệt Kim Mã đến địa chỉ tại ngoại ô thành phố Gia Nghĩa hiện nay.
 

Bà Trương Lệ Quân làm nghề thêu hơn 60 năm, cây kim thêu như cây bút vẽ trên tay bà, từng đường kim mũi chỉ đều là để may nên những chiếc áo mới tuyệt đẹp cho thần linh.

Bà Trương Lệ Quân làm nghề thêu hơn 60 năm, cây kim thêu như cây bút vẽ trên tay bà, từng đường kim mũi chỉ đều là để may nên những chiếc áo mới tuyệt đẹp cho thần linh.
 

Chuyển hóa công nghệ truyền thống

 Cùng với sự thay đổi của thời đại, chi phí nhân công càng lúc càng đắt đỏ, cộng thêm cạnh tranh từ các sản phẩm thêu giá rẻ của Trung Quốc, các xưởng dệt của Đài Loan cũng bắt đầu điều chỉnh sản xuất từ thêu thủ công hoàn toàn sang thêu máy một phần. Kỹ thuật dồi bông gòn để tạo hình trong thêu 3D thủ công trước đây, giờ cũng bắt đầu dùng nhựa xốp để thay thế. Bà Trương Lệ Quyên bày tỏ, cũng là thêu 3D, dùng nhựa xốp tuy nhanh nhưng nhìn sẽ thô cứng hơn, còn sản phẩm thêu 3D làm từ bông gòn thì có thể điều chỉnh từng chi tiết nhỏ nên thành phẩm thêu mới có thể sinh động, đầy sức sống hơn.

 Bà Trương Lệ Quyên lấy ra một bộ trang phục của bà Thiên Hậu được thêu tay hoàn toàn, trong đó gồm có mão, yếm, xiêm y và áo bào. Bà Trương Lệ Quyên bày tỏ, với các vị thần thông thường đều chỉ có xiêm y và mão, nhưng với tượng thần của Thiên Hậu Thánh Mẫu, sẽ mặc yếm trước, rồi mới mặc xiêm y và áo bào. Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần thuộc cấp đế, như Ngọc Hoàng Đại Đế hay Huyền Thiên Thượng Đế, những họa tiết thêu trên xiêm y của bà Thiên Hậu chủ yếu đều là rồng. Bộ xiêm y của Thiên Hậu Thánh Mẫu lấy cảm hứng từ hình ảnh song long vái tháp, dùng bông gòn và chỉ kim tuyến thêu thành hình bảo tháp 3D, hai bên là hình ảnh con rồng và cá chép thêu bằng sợi kim tuyến, cộng thêm chiếc áo khoác choàng thêm hình phượng hoàng, rất tinh tế và sang trọng. Có thể tưởng tượng được khi bà Thiên Hậu khoác lên bộ trang phục này trông sẽ khí thế phi phàm cỡ nào.

 Lần sau đến đền Thiên Hậu, ngoài hành lễ với bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, cảm nhận sự trang nghiêm và bình yên giữa hương khói nghi ngút, cũng đừng quên chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ nghệ tinh xảo trong đền, bạn sẽ phát hiện xung quanh toàn là báu vật trân quý.

 

Xem thêm

Chiêm ngưỡng “thần thái” Kiến trúc và mỹ nghệ trong đền Thiên Hậu