Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Lắng nghe khúc hát Nam Đảo Dự án âm nhạc Nam Đảo: Bản hùng ca trên đảo nhỏ
2022-08-22

Buổi biểu diễn đầu tiên mở màn cho chuyến lưu diễn toàn thế giới của “Small Island Big Song” năm 2022 diễn ra tại Đài Loan, do các ca sĩ người thổ dân Sauljaljui (người thứ hai từ trái qua), Putad (người thứ hai từ phải qua) đảm nhiệm vai trò chủ chốt. (Ảnh: Jimmy Lin)

Buổi biểu diễn đầu tiên mở màn cho chuyến lưu diễn toàn thế giới của “Small Island Big Song” năm 2022 diễn ra tại Đài Loan, do các ca sĩ người thổ dân Sauljaljui (người thứ hai từ trái qua), Putad (người thứ hai từ phải qua) đảm nhiệm vai trò chủ chốt. (Ảnh: Jimmy Lin)
 

 “Dự án âm nhạc “Small Island Big Song” (Bản hùng ca trên đảo nhỏ) dạy tôi một điều rằng, hãy xóa bỏ mọi biên giới quốc gia, giống như đại dương không hề có ranh giới quốc gia”. Hãy dùng âm nhạc để nối liền các quốc đảo của cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo, cô Trần Mai Trân (BaoBao Chen)-người phát động Dự án âm nhạc “Small Island Big Song” theo chủ đề bảo vệ môi trường chia sẻ như trên.

 

 Sau 3 năm vắng bóng, vào tháng 1 năm nay (2022), dự án âm nhạc “Small Island Big Song” cho ra mắt album số 2 “Our Island”, thực hiện chuyến lưu diễn tại Mỹ và Italy với 36 buổi biểu diễn kể từ cuối năm ngoái.

 Buổi biểu diễn đầu tiên do các nghệ sĩ Đài Loan trình diễn tại khu trưng bày của Hội nghị Nội dung Sáng tạo (TCCF) năm 2021, do Viện Chính sách sáng tạo Nội dung văn hóa Đài Loan (TAICCA) đăng cai tổ chức, trong đó Putad - ca sĩ chính của ban nhạc “Outlet Drift” từng giật giải “Album dân tộc nguyên trú xuất sắc nhất” thuộc Giải thưởng ca khúc vàng (Golden Melody Awards) 2021 của Đài Loan, đã thể hiện ca khúc “Pinagsanga” (Thiên nhiên) bằng ngôn ngữ của tộc người nguyên trú (thổ dân) Amis. Ca sĩ kiêm nhà sáng tác nhạc dân tộc nguyên trú Đài Loan - Sauljaljui đã ngâm nga giai điệu mang âm hưởng bi thương của tộc người Paiwan, nhạc sĩ Sammy đến từ đảo Madagascar và ca sĩ Emlyn đến từ Mauritius thì có màn biểu diễn chung từ xa, hòa cùng tiếng trống như sóng biển dâng trào, cùng nhau hát vang những ca khúc bày tỏ sự coi trọng đại dương, đã làm lay động lòng người.

 

Kết nối cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo bằng âm nhạc

 Cô Trần Mai Trân (sau đây được gọi bằng tên thân mật là “BaoBao”), nhà sản xuất album nhạc đầu tiên của  dự án “Small Island Big Song” đã cùng với chồng mình - anh Tim Cole, một nhà sản xuất âm nhạc người Úc, bỏ ra 3 năm tới thăm 16 quốc gia sử dụng hệ ngôn ngữ Nam Đảo, gặp gỡ với hàng trăm nhạc sĩ, thực hiện một album nhạc với 18 ca khúc. Và sự khởi đầu giúp hình thành nên dự án này chính là từ câu nói của một vị trưởng lão tại quốc đảo Nam Thái Bình Dương -Vanuatu.

 Năm 2021, khi BaoBao và Tim đặt chân tới Vanuatu, một vị trưởng lão tại đây đã nói rằng: “Tổ tiên của chúng tôi đến từ Đài Loan”. 

 BaoBao kể lại về sự kinh ngạc của cô khi đó rằng: “Tôi còn xác nhận với vị trưởng lão đó, có đúng là Đài Loan (Taiwan) mà không phải là Thái Lan (Thailand) hay không” thì mới phát hiện, hóa ra Đài Loan chính là nơi bắt nguồn của nền văn hóa cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo, từ thực vật, ngôn ngữ đều có thể chứng minh được điều này, nhưng đa phần chỉ giới hạn trong những cuộc thảo luận có tính chất học thuật mà rất ít có những cuộc đối thoại hiện đại. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2015, cô bắt đầu triển khai dự án kêu gọi tài trợ kinh phí cho album “Small Island Big Song” với mong muốn dùng âm nhạc để kết nối các nhạc sĩ của nhóm cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo. Tim - người từ hơn 20 năm trước đã bắt đầu làm công việc ghi lại những giai điệu của các tộc người thổ dân Úc và Papua New Guinea, phụ trách ký kết hợp đồng đa văn hóa, sản xuất âm nhạc và quay phim.

 Vốn là người từng được đào tạo bài bản nhưng Tim kiên quyết không ghi âm tại phòng thu, mà cất công vượt hàng ngàn dặm tới miệng núi lửa Kīlauea ở Hawaii, để nghe ca sĩ Kekuhi ngân nga giai điệu cổ vào lúc bình minh; ghi lại âm nhạc được tạo ra bằng tiếng vỗ nước ở Lỗ xanh Riri Blue Hole tại đất nước Vanuatu; đến rừng ngập mặn ở quốc gia Papua New Guinea, rừng nhiệt đới tại New Zealand, ghi lại âm nhạc mà các ca sĩ thực hiện kết hợp với nhạc cụ truyền thống, thể hiện sự kết nối giữa con người với đất đai, con người với văn hóa. Tim vốn có giọng nói nhẹ nhàng nhưng không giấu nổi vẻ phấn khích nói rằng: “Âm nhạc được thể hiện theo cách như vậy, chính là lời tuyên ngôn tràn đầy sức mạnh đối với thiên nhiên”.

 Tim cũng tuân thủ theo tinh thần âm nhạc trong thương mại công bằng và “Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người bản địa” (UNDRIP), đem thu nhập ròng của việc bán album nhạc đầu tư trở lại cho các bộ tộc, thực hiện tinh thần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ truyền thống cho các dân tộc nguyên trú.

 

Đại dương không có biên giới

 Album nhạc “Small Island Big Song” phát hành năm 2018, không những vào năm 2019 lọt vào danh sách đề cử “Album có nội dung xuất sắc nhất” của Giải thưởng âm nhạc Mỹ IMA 2019 (The Independent Music Awards), mà còn được các nhà bình luận âm nhạc của Đức bình chọn là “Album xuất sắc nhất của năm”. Đây cũng là album duy nhất của châu Á được bình chọn. Sau đó họ đã có hơn 50 buổi biểu diễn tại 16 quốc gia thuộc 4 châu lục lớn, đón hơn 170.000 lượt người xem biểu diễn trực tiếp.

 Ca khúc “Uyas Gerakun” được coi là tiết mục hạ màn quan trọng của chương trình, với giai điệu chính được tạo ra bởi tiếng đàn môi truyền thống do Pitayro Ukah, được mệnh danh là “Nhạc sĩ thợ săn” thuộc tộc người Taroko Đài Loan thể hiện. Ngoài ra cũng có các loại đàn môi truyền thống của bang Sarawak (Malaysia), Papua New Guinea, tạo thành nhiều tầng âm thanh đan xen, kết hợp với điệu nhảy chiến binh “Haka” đặc sắc của thổ dân Maori, điệu nhảy Kecha vừa nhảy vừa hát của đảo Bali (Indonesia). Mọi âm sắc hòa quyện với nhau khiến cho tiếng đàn môi âm thanh vốn rất nhỏ bé như một giọt nước giữa lòng đại dương bao la, bỗng chốc có thể trở thành thứ âm nhạc cuồn cuộn sóng trào.

 BaoBao chia sẻ, khi sang Úc theo diện visa kết hợp vừa du lịch vừa làm việc, cô vẫn trong giai đoạn tự khám phá bản thân, trong lòng từng nung nấu ước mơ có thể làm điều gì đó cho Đài Loan, thông qua hành động “Small Island Big Song”, đã hé mở một con đường rõ nét hơn giúp cô vươn tới ước mơ.“Vòng tròn được tạo ra càng lớn thì sẽ có không gian rộng mở hơn để càng nhiều người bước vào”, cô nói.

 “Small Island Big Song” không chỉ kết nối các nhóm cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo, mà còn chứng thực quá trình thổ dân Nam Đảo di chuyển từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. BaoBao lấy ví dụ, đảo Madagascar có một loại nhạc cụ quốc dân mà người địa phương ai cũng biết chơi gọi là Valiha. Nhạc sĩ Tarika Sammy kể với cô rằng, khi tổ tiên của họ mới di cư tới hòn đảo, Valiha chưa có dây. Sau này, khi xe đạp xuất hiện, người địa phương mới dùng sợi thép của dây phanh xe làm thành dây đàn để chơi. Không ngờ khi họ tới bang Sarawak ở Malaysia, nhạc sĩ Alena Murang đưa họ đi thăm bà nội mình thì thấy loại nhạc cụ Pagong được bà cụ gẩy bằng thanh tre, khi đó mọi người mới vỡ lẽ hóa ra Pagong chính là bản gốc của Valiha. Tại Philippines, Indonesia cũng đều xuất hiện loại nhạc cụ giống y hệt như vậy, Đài Loan cũng có tài liệu từng ghi chép về loại nhạc cụ này nhưng đã bị thất truyền.

 Khi lưu diễn tại châu Âu vào năm 2018, 2019, “Small Island Big Song” được biểu diễn xen kẽ với những tiết mục của các ban nhạc Rock tầm cỡ. Các loại nhạc cụ truyền thống Pagong và Valiha ngân lên những âm thanh tràn đầy nhiệt huyết và lay động lòng người, mang đến cho khán giả những cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.  

 

Người thân giữa lòng đại dương

 Ca khúc “Naka Wara Wara To’o” (Tôi truyền cho bạn lời của trí tuệ) trong album này là một sáng tác của nhạc sĩ sáo quạt Charles Maimarosia đến từ quần đảo Solomon, được viết bằng ngôn ngữ cổ. Ông từng nói rằng, tham gia “Small Island Big Song” giống như tìm thấy người thân giữa lòng đại dương, ca khúc này ông viết là để dành tặng cho người thân.

 Khi tập luyện trước các buổi biểu diễn, mặc dù ca sĩ đến từ các quốc gia khác nhau nói tiếng mẹ đẻ của riêng mình nhưng họ bất ngờ phát hiện ra “số đếm từ 1 đến 10”, trong ngôn ngữ các tộc người thổ dân, từ đảo Phục Sinh cho đến tộc người Amis của Đài Loan, đều có cách phát âm khá giống nhau, đến ngôn ngữ cơ thể cũng khá tương tự.

 Đài Loan không chỉ là một phần của châu Á, mà còn là một phần của cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo. Trong buổi trò chuyện, BaoBao bất giác nói tới việc, gần đây các quốc gia như Mỹ, Úc đang thảo luận sôi nổi về “vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thực ra Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là khu vực sử dụng hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Ngoài ra, các nước cũng thường xuyên bàn luận về sự xung đột, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, thực ra chỉ xoay người đi một chút, quay mặt ra Thái Bình Dương là có thể phát hiện sự liên kết sâu xa hơn giữa Đài Loan với cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo. “Từ dự án của chúng tôi có thể phát hiện, qua sợi dây kết nối bản sắc (indigenous ties) và mạch phát triển vốn có giữa Đài Loan với cộng đồng ngôn ngữ Nam Đảo, cũng có thể tái định nghĩa bản sắc riêng của Đài Loan”.

 

Dùng âm nhạc để thay đổi thế giới

 Dự án âm nhạc “Small Island Big Song” cũng truyền tải sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, giống như ca khúc có tựa đề “Gasikara” (Tên bài hát tiếng Anh là Madagascar) do các nhạc sĩ của 6 quốc gia cùng sử dụng nhạc cụ truyền thống và lời ca tiếng hát để kể lại câu chuyện về hiểm họa tẩy trắng san hô xảy ra trên bờ biển quê hương. Đối với Tim, người đắm chìm trong sự nghiệp âm nhạc đã 30 năm mà nói, anh muốn thông qua câu chuyện và âm nhạc của các ca khúc trong album để nói thay cho môi trường, cho đại dương, vì vậy anh đặt tên cho album là “Small Island Big Song”, cách gọi “hòn đảo” (Island) trong tiếng Anh là dùng danh từ số ít, với hàm ý: “Chúng ta chỉ có một Trái đất”.

 Tại hòn đảo ngoài khơi xa Bougainville thuộc quốc gia Papua New Guinea, đúng dịp ghi âm biểu diễn nhạc cụ truyền thống làm bằng trúc, BaoBao và Tim đã gặp một vị luật sư nhân quyền người Úc đang hỗ trợ cư dân địa phương đàm phán mua đất, vì đất đai bị nhiễm mặn khiến cư dân không thể trồng trọt được, nước sông cũng bị nhiễm mặn không có nước để uống, có thể nói rằng sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay trước mắt.

 Sau đó kể từ cuối tháng 1 năm 2022, ê kíp của dự án “Small Island Big Song” đã đi lưu diễn ở Nhà hát Broadway tại New York, Đại học Pennsylvania của Mỹ, điểm dừng chân cuối cùng ở châu Âu là đảo Procida, thủ đô văn hóa của Italy vào năm 2022. BaoBao nói: “Hiện nay đang sắp xếp, hy vọng điểm biểu diễn cuối cùng sẽ là Đài Loan. Xét cho cùng, Đài Loan chính là sự bắt nguồn của văn hóa Nam Đảo, đó cũng là tiếng hát mà Đài Loan cống hiến cho thế giới”.

 

Xem thêm

Lắng nghe khúc hát Nam Đảo Dự án âm nhạc Nam Đảo: Bản hùng ca trên đảo nhỏ