Tuyến xe lửa nhánh lẻ Thâm Áo (Shen’ao) ở Bờ biển phía đông bắc Đài Loan trải dài dọc theo đường bờ biển. Tuyến đường sắt này có phong cảnh tuyệt đẹp tựa như tuyến đường sắt Shōnan-Enoshima của Nhật Bản chạy sát biển, gần núi.
Tuyến xe lửa Thâm Áo chạy qua Thụy Phương (Ruifang). Thụy Phương là nơi có nhiều mỏ khoáng sản phong phú dưới lòng đất hiếm thấy ở Đài Loan, nhất là các khu có mỹ danh “Phố núi vàng” như Thủy Nươm Động (Shuinandong), Kim Qua Thạch (Jinguashi), Cửu Phần (Jiufen) mà người ta hay gọi chung là “Thủy Kim Cửu” (Shuijinjiu).
Thế nhưng sau một trăm năm phát triển ngành khai thác khoáng sản, khoáng sản trong lòng đất của khu này cạn kiệt từ sau năm 1990 và ngành khai thác khoáng sản nơi đây đã bị đánh gục hoàn toàn sau khi Đài Loan mở cửa nhập khẩu than đá. Do ngành nghề mai một nên mọi người không còn ấn tượng gì đối với Thụy Phương, duy chỉ có khu Cửu Phần là nổi tiếng vì đây là bối cảnh của nhiều bộ phim điện ảnh như: Thành phố buồn (A City of Sadness), Phụ thân (A Borrowed Life).
Quê hương của khoáng sản thu hút du khách đến tham quan vì nó mang hơi thở hoài cổ, nhiều thương cảm do trải qua các cuộc bể dâu và chứng kiến những cuộc thăng trầm của thời đại. Rất nhiều du khách đến khu phố cổ Cửu Phần, thưởng thức món chè khoai môn viên nổi tiếng vùng này, ngắm cảnh biển Bát Đẩu Tử (Badouzi), chuyện ngày xưa thì chôn vùi theo dĩ vãng.
Nhìn tuyến đường sắt nhánh Thâm Áo ngày nay nhớ chuyện ngày xưa
Tuyến đường sắt nhánh lẻ Thâm Áo hoạt động trở lại vào năm 2014. Tuyến đường sắt này chỉ dài 4,7km và chỉ dừng ở 3 trạm là Ruifang, Haikeguan và Badouzi mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta có thể đi ngược dòng thời gian đến thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan để đi tìm “thân thế” của tuyến đường sắt này. Theo những thăng trầm của ngành nghề ở Thụy Phương, tuyến đường sắt này cũng đã trải qua những lần mở rộng xây dựng, ngưng hoạt động rồi lại được đưa vào hoạt động vận chuyển hành khách. Đó chính là sự thu nhỏ, cô đọng hình ảnh phát triển của nơi này trong một trăm năm qua. Chính vì vậy, những người cao tuổi luôn mang mối thâm tình sâu đậm mà không lời lẽ nào có thể diễn tả được nỗi lòng ưu ái của họ với tuyến đường sắt này.
Trước kia, theo nhu cầu phát triển ngành khai thác khoáng sản nơi đây, công ty Japan Mining (sau Thế chiến thứ II trở thành công ty Taiwan Metal) đã xây dựng tuyến đường sắt tiện lợi này với tên gọi “Tuyến Kim Qua Thạch (Jinguashi)” từ Thủy Nươm Động (lúc đó có tên Liêm Động (Liandong)) đến Bát Xích Môn (Bachimen) ở Cơ Long (Keelung) vào năm 1935 để tiện việc vận chuyển quặng đã khai thác đến bãi bốc quặng.
Sau Thế chiến thứ II, công ty Taiwan Metal tiếp quản công ty Japan Mining, nhưng do công ty Taiwan Metal kinh doanh thất bại nên tuyến đường sắt này đã bị bỏ hoang vào năm 1962. Đến năm 1967, Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan thiết kế sửa đổi tuyến đường sắt từ Bát Đẩu Tử quẹo xuống Thụy Phương, kéo dài đến ga Hải Tân (Haibin) và Liêm Động (Liandong) để trở thành tuyến đường sắt phụ mà bây giờ mọi người thường hay gọi là tuyến xe lửa Thâm Áo.
Tuy nhiên, sau khi xa lộ dọc bờ biển khu vực Bắc bộ được xây dựng, nhu cầu chở khách giảm dần, ga xe lửa Hải Tân và Liêm Động của tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa và hành khách này đã phải ngưng hoạt động sau 12 năm vận hành. Đến năm 2007, nhà máy Thâm Áo ngưng hoạt động thì tuyến đường sắt này bị hủy bỏ hoàn toàn. Nhưng sau khi Viện Bảo tàng khoa học công nghệ hải dương Cơ Long được long trọng khai mạc vào năm 2014, để đáp ứng nhu cầu đến đây tham quan của du khách, Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan đã chi 55 triệu Đài tệ trùng tu để tuyến đường sắt Thâm Áo một lần nữa vận hành phục vụ mọi người.
Tuyến giao thông quan trọng nối liền Nam- Bắc
Tuyến đường sắt Thâm Áo bắt đầu từ ga xe lửa Thụy Phương. Từ nguồn gốc của tên gọi ta có thể thấy được “Thụy Phương” luôn là cũng nút giao thông vận chuyển quan trọng từ trước cho nay. Tên cũ của Thụy Phương là “Kam-á-luā” nằm ở vị trí xóm Cam Bình (Ganping) hiện nay, vì nó tọa lạc giữa cửa sông Cơ Long và con đường mòn Đạm Lan (Tanlan) nên vào thời xưa, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, nơi này là điểm giao thông mà mọi người nhất định phải đi qua khi qua lại giữa Đài Bắc và Kavalan (nay là Nghi Lan, Yilan). Tương truyền cái tên “Thụy Phương” là tên của một tiệm tạp hóa nằm ngay bến đò sông Cơ Long, lâu dần trở thành tên mà người dân địa phương gọi nơi này.
Trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, người Nhật xây dựng tuyến đường sắt, do đó người dân trong xóm Kam-á-luā di dời sang sinh sống tại cổng sau ga xe lửa hiện nay. Hiện tại, ga xe lửa Thụy Phương lúc nào cũng đông đúc người qua lại, du khách đến đây để chuyển xe đến các thắng cảnh du lịch như: Bình Khê (Pingxi), Cửu Phần (Jiufen), Kim Qua Thạch (Jinguashi), Thủy Nươm Động (Shuinandong). Để đón tiếp hơn 4 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan mỗi năm, các bảng hiệu chỉ phương hướng tại ga Thụy Phương được thiết kế nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngoài tiếng Anh ra, chúng ta còn có thể thấy được tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Nhưng có điều đáng tiếc là so với cổng trước của ga Thụy Phương lúc nào cũng đông đúc, dòng người chen chúc qua lại thì thời gian như ngưng đọng với con phố cổ Thụy Phương nằm ở cổng sau của ga. Điều này khiến chúng ta không thể tưởng tượng được trước khi cổng trước của ga được xây mới nới rộng thì nơi đây từng là nơi náo nhiệt, phồn vinh nhất nhất khu bờ biển phía Đông Bắc này. Lúc đó nơi đây từng là nơi tập hợp của tất cả các ngành nghề, thậm chí có đến “4 phiên chợ trong 1 ngày”.
Phong trào phục hưng văn hóa nghệ thuật khu phố cổ
Theo sự hướng dẫn của trưởng khu phố Long An (Longan) - ông Kha Thụy Hòa (Ke Ruihe), chúng tôi đến tham quan các điểm du lịch trên con phố cổ: cây đèn đá ở ngay cổng sau ga Thụy Phương, một di tích còn sót lại của đền thờ Nhật Bản; ngôi nhà cổ họ Liêu (Liêu Kiến Phương) có tường trát đá rửa và mái vòm xây theo kiến trúc Baroque; hiệu buôn Nghĩa Phương cũng là tổng bộ công ty mỏ Thụy Tam (Ruisan) do ông Lý Kiến Hưng (Li Jianxing), người đứng đầu trong ngành khai thác mỏ lúc bấy giờ xây dựng; khách sạn Thụy Phương, nơi ngày xưa tấp nập du khách, nay người đi lầu trống; những cảnh quan kiến trúc độc đáo như hẻm không thấy trời, hẻm xuyên qua các ngôi nhà, v.v...
Nhằm gây dựng lại sự phồn vinh của con phố cổ này, những năm gần đây, ông Kha Thụy Hòa cùng thanh niên địa phương đã xúc tiến công tác sáng tạo phục hồi sức sống cho nơi này. Họ bắt tay tu sửa lại những góc xó công cộng hư hỏng không ai dòm ngó; đồng thời xây dựng “Phòng khách du lịch Thụy Phương” tại không gian bỏ trống trên con phố cổ, cung cấp cho du khách nơi nghỉ chân, mua quà. Với hình ảnh cây “đèn bình an” của những người thợ mỏ mang theo khi vào hầm mỏ làm việc, họ nảy ra sáng kiến mang những ngọn đèn phát ra ánh sáng lấp lánh treo khắp hang cùng ngõ hẻm, khớp với tiếng ngân nga “Bài ca Bình an”của những thợ trong hầm mỏ ngày nào: “Cầm cây đèn đi vào trong động, phải xem đèn có sáng hay không; quẹt diêm luôn để bên người, cơm hộp khăn tay phải buộc chặt.......”
Ga Bát Đẩu Tử với thiết kế khá đơn giản được người yêu thích đường sắt gọi là “Ga Đa Lương phía bắc Đài Loan”, trang thiết bị đơn giản hòa nhập vào sắc trời màu biển.
Có người chọn nơi tôi rời xa để làm chốn dừng chân
Công ty Taiwan Metal chính thức đóng cửa vào năm 1987, mất đi công ăn việc làm, người ở vùng đất mỏ cũng rời đi nơi khác. Và vậy là thành phố núi Kim Qua Thạch với mỹ danh “Tiểu Thượng Hải”, “Tiểu Hồng Kông” phồn hoa đô hội đông nghẹt người trở nên vắng lặng trong chớp mắt. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, có người phát hiện ra vẻ đẹp tĩnh lặng của thành phố núi nên ở chọn nơi đây là chốn dừng chân của mình.
“Thụy Phương là một nơi rất đặc biệt, có núi, có biển, lại có sông, có nông, ngư nghiệp, lại có ngành khai thác khoáng sản”. “Trước đây, quyết định dọn đến Thủy Nươm Động là vì cảm thấy nơi đây là nơi đẹp nhất trong khu “Thủy Kim Cửu”. Cái đẹp của Thủy Nươm Động rất phóng khoáng, thác vàng, biển âm dương, di tích 13 tầng đều nằm trong khu này”, bà Thi Sầm Nghi (Shi Cenyi) tự hào cho biết.
Bà Thi Sầm Nghi có chuyên môn về cảnh quan, kiến trúc, quản lý nghệ thuật, thông thạo chính sách văn hóa và đã áp dụng những gì đã học tại Thụy Phương. Bà từng đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Bảo tàng Hoàng kim, đồng thời cùng người dân địa phương sáng lập “Phòng trưng bày nghệ thuật Sơn Thành” (“Shancheng Gallery”). Mấy năm trước, bà mua lại hãng vận chuyển hàng hóa tại con phố cổ Thụy Phương, sửa ngôi tiệm cũ thành không gian học tập và nhà trọ với tên gọi “Thư viện Tân Thôn Phương”.
Còn tác giả Lại Thư Á (Lai Shuya), người xuất thân ở Kim Qua Thạch, theo gia đình đến Đài Bắc định cư lúc bà mới được 9 tuổi. Tuy nhiên, bà không thể nào quên được cố hương của mình, tình người vương vấn và nỗi niềm thương nhớ quê nhà luôn kêu gọi khiến bà quyết định trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, bắt đầu cuộc sống với những chuỗi ngày bôn ba qua lại giữa hai nơi. Tác giả Lại Thư Á ban đầu làm việc tại nhà xuất bản, khi khởi động công tác khảo sát thực địa tại Thủy Nươm Động, Cửu Phần, Kim Qua Thạch, bà viết sách lịch sử văn học với nguồn cảm hứng dạt dào. “Tình cảm dành cho cố hương là động lực thúc đẩy tôi luôn hướng về phía trước, giống như đầu tàu xe lửa vậy”, bà ví von.
Thụy Phương, ngôi nhà yêu thương
So với trước kia chỉ có Cửu Phần là khu nổi tiếng duy nhất ở vùng này, vài năm trở lại đây, những điểm du lịch ở Kim Qua Thạch, Thủy Nươm Động, Bát Đẩu Tử cũng nổi như cồn. Nhất là vào dịp Trung Thu năm 2019, khu di tích 13 một lần nữa được thắp sáng. Đây là sự chuyển biến lớn đối với ngôi kiến trúc to lớn ngủ yên sau 32 năm. Ánh sáng của những ngọn đèn như đánh thức ngôi nhà bị bỏ hoang này khiến mọi người phát hiện ra di tích của ngành khai thác mỏ bị bỏ hoang và thời gian vùi lấp là một tài sản văn hóa quý báu đáng được trân trọng.
Tương tự, vào 3 năm trước, tiệm cà phê HOHObase được khai trương ngay cạnh ga xe lửa Bát Đẩu Tử, nơi trước kia là mỏ khoáng sản. Chủ tiệm cà phê này là Hà Kinh Thái (He Jingtai), một nhiếp ảnh gia và bạn gái của anh là Huỳnh Hựu Du (Huang Youyu). 3 năm trước, con cháu của công ty khai thác mỏ Vinh Long (Ronglong), chủ nhân khu đất này tự tìm đến mời họ làm sống lại khu đất bị bỏ hoang. Vậy là anh Hà Kinh Thái cùng cô bạn gái đang làm việc tại Đài Bắc đến Thụy Phương thiết kế, xây dựng không gian trưng bày nghệ thuật này.
Bước trên mảnh đất rộng 2600m2, ngành khai thác khoáng sản ngày xưa vẫn còn hằn sâu dấu vết tại nơi đây. Ngoài cửa hầm bị bỏ hoang trên vách núi, phòng máy trước kia được đã lột xác trở thành không gian triển lãm nhưng trên trần nhà vẫn còn lưu lại những móc sắt được sử dụng ngày xưa. Để hòa nhập với không gian đặc biệt này, chủ nhân đã mời nhà nhiếp ảnh Trương Chiếu Đường quy hoạch triển lãm với chủ đề Thợ mỏ cho cuộc triển lãm đầu tiên tại không gian này.
Hơn một trăm năm qua, thời gian cứ thế trôi đi, mọi việc ở đời được mất càng là chuyện vô thường, trên mảnh đất này có vô số con người đã đến và đi, tuy nhiên cái tên Thụy Phương phát âm theo tiếng Mân Nam lại gần giống như “Sweet Home” trong tiếng Anh, đối với nhiều người không bao giờ hoài nghi Thụy Phương là vùng đất đẹp, họ đã trụ lại đây, kiên trì phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoài bão của mình. Cho dù môi trường bên ngoài có thay đổi như thế nào thì ý chí và lòng kiên nhẫn vô song của con người cùng sự quyến luyến của đất mẹ đã chung tay viết lên những trang lịch sử, nối liền quá khứ và tương lai là không hề thay đổi.
Xem thêm
Video