Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của núi Thái Bình Thỏa thích trải nghiệm đường ray, đường mòn và suối nước nóng
2022-10-17

Phong đỏ, rêu xanh, những giọt nước đọng trên lá và chiếc mạng nhện được đan thành hình lập thể để tăng tỉ lệ săn mồi… Là một cánh rừng sương mù, núi Thái Bình có hệ sinh thái phong phú, chỉ cần chú tâm quan sát thì đâu đâu cũng sẽ phát hiện điều bất ngờ.

Phong đỏ, rêu xanh, những giọt nước đọng trên lá và chiếc mạng nhện được đan thành hình lập thể để tăng tỉ lệ săn mồi… Là một cánh rừng sương mù, núi Thái Bình có hệ sinh thái phong phú, chỉ cần chú tâm quan sát thì đâu đâu cũng sẽ phát hiện điều bất ngờ.
 

 Khu giải trí rừng quốc gia núi Thái Bình (Taipingshan) tại huyện Nghi Lan trước đây từng là một trong ba lâm trường lớn của Đài Loan, có xe lửa Bong Bong đi lại giữa rừng cây. Ngày nay, núi Thái Bình đã chuyển sang mô hình khu du lịch rừng, tại đây du khách có thể ngồi xe lửa Bong Bong để cảm nhận một thời huy hoàng của ngành lâm nghiệp và khám phá những con đường mòn còn hằn in dấu tích của việc vận chuyển gỗ. Sự chênh lệch về độ cao so với mực nước biển của núi Thái Bình cũng đã tạo dựng nên những cảnh quan rừng phong phú, với biển mây, suối nước nóng…, vẻ đẹp của núi Thái Bình, ngắm nhìn bao nhiêu lần vẫn không cảm thấy chán.

 

 Từ rừng cây không xa, một chiếc xe Bong Bong màu vàng xuất hiện và tiến vào ga xe lửa núi Thái Bình, du khách háo hức nối chân nhau lên xe, ai nấy đều không giấu nổi sự phấn khích đằng sau lớp khẩu trang. Cùng với tiếng chuông đồng vang lên báo hiệu giờ khởi hành, xe lửa Bong Bong từ từ lăn bánh.

 

Ngồi xe lửa Bong Bong tham quan núi Thái Bình

 Xe lửa Bong Bong có tên gọi chính thức là Đầu máy xe lửa vận chuyển gỗ trên núi, từng là công cụ dùng để vận chuyển gỗ tại lâm trường núi Thái Bình.

 Ngồi trong chiếc xe lửa Bong Bong chạy trên núi cao duy nhất của Đài Loan, dọc theo những cung đường quanh co của sườn núi, tận hưởng cảm giác dãy núi bao quanh mình, các toa xe lửa Bong Bong không có cửa sổ, trong không khí tràn ngập phytoncides, cảm giác như đang lang thang giữa núi rừng.

 Lâm trường núi Thái Bình ra đời vào năm 1914, dưới thời quân Nhật chiếm đóng, Cục Lâm nghiệp của Phủ Tổng đốc Đài Loan lúc bấy giờ đã đến đây để khảo sát tài nguyên thiên nhiên và phát hiện ra núi Thái Bình có tài nguyên gỗ bách phong phú, thế nên đã cho khai thác gỗ tại đây. Để vận chuyển gỗ, khu vực núi Thái Bình đã được xây thêm 16 tuyến đường ray vận chuyển với tổng chiều dài hơn 100 km.

 Vào những năm 1970, việc khai thác gỗ trên núi Thái Bình dần dần khép lại, Phòng Quản lý khu rừng Lan Dương trực thuộc Cục Lâm nghiệp thời đó (nay là Phòng Quản lý khu rừng La Đông) đã bắt tay vào việc quy hoạch lâm trường thành khu du lịch rừng. Năm 1981, việc khai thác gỗ dừng lại và các chuyến xe Bong Bong cũng bị dừng hoạt động hoàn toàn.

 Trải qua nhiều năm quy hoạch, Khu giải trí rừng quốc gia núi Thái Bình mở cửa đón khách vào năm 1983. Nhằm giúp du khách tìm hiểu về lịch sử lâm trường, Phòng quản lý đã mất 4 năm để sửa chữa, phục dựng, đến năm 1991, tái khởi động tuyến Maoxing của xe lửa Bong Bong, chạy từ ga xe lửa núi Thái Bình đến ga xe lửa Maoxing.

 Tuyến Maoxing với tổng chiều dài là 3 km, dọc đường có cảnh sắc núi non hùng vĩ, còn có cầu sắt và những cây to cao vút. Xe lửa Bong Bong có thân xe được sơn màu vàng bắt mắt, di chuyển qua chiếc cầu sắt màu đỏ, cảnh sắc mê hoặc lòng người. Suốt nửa giờ đồng hồ xe chạy, du khách không ngừng thốt lên kinh ngạc và chụp ảnh liền tay trước mỗi cảnh đẹp.
 

Người con của lâm trường-ông Ngô Vĩnh Hoa cho biết Khu Công viên văn hóa lâm nghiệp La Đông đã giữ lại những toa xe dùng để vận chuyển gỗ, ga xe lửa Zhulin, hồ trữ gỗ…, hoan nghênh mọi người đến tìm hiểu về những câu chuyện của mảnh đất La Đông này.

Người con của lâm trường-ông Ngô Vĩnh Hoa cho biết Khu Công viên văn hóa lâm nghiệp La Đông đã giữ lại những toa xe dùng để vận chuyển gỗ, ga xe lửa Zhulin, hồ trữ gỗ…, hoan nghênh mọi người đến tìm hiểu về những câu chuyện của mảnh đất La Đông này.
 

Dạo bước đường mòn cổ, cảm nhận thời huy hoàng của lâm trường núi Thái Bình

 Sau khi ngồi xe lửa Bong Bong đến ga xe lửa Maoxing là sẽ đến ngay đường mòn cổ Maoxing. Nhân viên quản lý tại Phòng quản lý khu rừng La Đông là Lại Bá Thư (Lai Po-shu) cho biết, trước đây, lâm trường không chỉ khai thác gỗ, mà đồng thời còn trồng rừng. Thời đó chủ yếu trồng cây liễu sam, sau đó có trồng thêm bách đỏ, bách dẹt. Dạo bước trên con đường mòn, có thể thấy được những cây liễu sam cao thẳng đứng, những cây bách bám đầy rêu xanh và những gốc cây to mọc đầy dương xỉ, hẻm núi bên cạnh còn có cả một mảng rừng bạch dương Đài Loan (Alnus Formosana), khung cảnh xanh ngát tràn ngập tầm mắt.

 Đường mòn cổ Jianqing cũng là một đường ray trên núi được xây dựng từ thời trước, vốn là một phần của tuyến Jianqing, nhưng cảnh sắc trên tuyến đường này thì lại khác hẳn.

 Đường mòn cổ Jianqing có tổng chiều dài 900 mét, ước tính cả thời gian đi và về khoảng một giờ đồng hồ nhưng có thể ngắm nhìn phong cảnh khác nhau dọc theo đường đi. Ở vị trí 200 mét có tầm nhìn thoáng đãng, có thể nhìn thấy cảnh núi ở xa, nhìn xuống đồng bằng Lan Dương từ trên cao, nhất là sau khi trời mưa, tầm nhìn trở nên rõ ràng hơn, có thể nhìn thấy dãy núi Tuyết, núi Phẩm Điền, núi Đại Bá Tiêm ở đằng xa, cảnh sắc của những dãy núi cao hơn 3.000 mét ấy có thể thu gọn vào trong tầm mắt.

 Đường mòn cổ Jianqing có độ cao 1.900 mét so với mực nước biển, thường xuyên có sương vào buổi chiều. Người thời xưa do thường lạc lối trong màn sương dày đặc nên trong lòng chỉ mong có thể thấy được tiết trời quang đãng, do đó đặt tên cho nơi này là Jianqing (Kiến Tình, tức là nhìn thấy bầu trời quang đãng). Trong đó, nơi thu hút nhiều du khách dừng chân thưởng ngoạn nhất chính là hai đoạn đường ray nằm quanh co trên chiếc cầu gỗ bách, trên mặt gỗ đã phủ đầy rêu phong và được điểm xuyết thêm bằng những chiếc lá dương xỉ nhỏ. Khi sương xuống, nhìn sang rừng cây bách ở hai bên, thời gian dường như trôi chậm hơn, ngả đường mờ sương ở phía trước như hóa thành tiên cảnh, làm tăng thêm nét thần bí cho con đường mòn. Khung cảnh mê hồn này của đường mòn cổ Jiangqing đã được đài CNN bình chọn là một trong 28 con đường mòn đẹp nhất toàn cầu.

 

Giấc mơ màu hồng của nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên

 Đối với nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên Ngô Vĩnh Hoa (Wu Ying-hwa), đường sắt giữa rừng không chỉ giúp vận chuyển gỗ xuống núi, mà còn đưa các nhà tự nhiên học vào trong núi để theo đuổi giấc mơ, làm tăng thêm nét lãng mạn của núi Thái Bình.

 Năm 1914, chính quyền dưới thời Nhật trị bắt đầu khai thác núi Thái Bình và cũng từ đó mở ra công cuộc nghiên cứu, thu thập sinh vật của nơi đây. Ông Ngô Vĩnh Hoa cho biết, Tokuichi Shiraki – người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu côn trùng học, đã đến núi Thái Bình vào năm 1923. Ông xuất phát từ Đài Bắc, băng qua đường mòn cổ Caoling, ngồi xe lửa đến Nghi Lan, rồi vác theo trang bị thu thập mẫu sinh vật đi bộ dọc theo bờ suối Lan Dương để lên núi Thái Bình. Chuyến đi vô cùng gian truân nhưng cũng đã khám phá ra nhiều loài mới, như bọ cạp núi Thái Bình, ruồi giả ong núi Thái Bình, muỗm Đài Loan…, đạt nhiều thành quả trong việc thu thập mẫu côn trùng tại núi Thái Bình.

 Vào năm 1926, sau khi tuyến xe lửa đi từ núi Thái Bình đến ga xe lửa Zhulin ở La Đông bắt đầu chở khách, núi Thái Bình cũng trở thành điểm đến yêu thích của các nhà nghiên cứu học thuật và du khách. Ông Ngô Vĩnh Hoa cho hay, chính vào năm đó, nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên nổi tiếng là Tadai Kano đã ngồi xe lửa xuyên rừng để vào núi Thái Bình và gặp loài bướm phượng Atrophaneura horishana (the endemic aurora swallowtail butterfly) đặc chủng của Đài Loan, mở ra trang mới cho hành trình tươi đẹp đi khám phá núi sâu Đài Loan của cậu học sinh trung học phổ thông Tadao Kano lúc bấy giờ.

 “Khi nhìn thấy bướm phượng Atrophaneura horishana trong khu rừng ở giữa Câu lạc bộ núi Thái Bình và thung lũng Shendai, tôi tưởng mình đang nằm mơ, khi nó bay ra như một ‘giấc mơ màu hồng’ từ giữa rừng xanh. Đó thực sự là một cảnh tượng không thể bỏ lỡ trong cảnh quan côn trùng của Đài Loan”.

 Tadao Kano đã viết lại niềm xúc động của mình, những miêu tả sống động của ông đã khiến cho hình ảnh “giấc mơ màu hồng” của bướm phượng Atrophaneura horishana trở thành mục tiêu tìm kiếm của nhiều khách leo núi cho đến tận bây giờ.
 

Khu Công viên văn hóa lâm nghiệp La Đông, có thể cảm nhận đầy đủ hơn sự huy hoàng của ngành lâm nghiệp.

Khu Công viên văn hóa lâm nghiệp La Đông, có thể cảm nhận đầy đủ hơn sự huy hoàng của ngành lâm nghiệp.
 

Rừng màu vàng kim quý giá

 Những ghi chép quý giá của người đi trước cũng đã trở thành mục tiêu cho lớp người đi sau theo đuổi. Ví dụ như nhà nghiên cứu rừng Ryōzō Kanehira, người từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban Lâm nghiệp tại Viện nghiên cứu Trung ương của Phủ Tổng đốc Đài Loan, đã ghi chép sự phân bố của loài sồi Fagus hayatae đặc hữu của Đài Loan – một loài thực vật di sót của kỷ băng hà trong quyển Formosan Trees Indigenous to the Island của ông, thu hút nhiều học giả tìm kiếm suốt hàng chục năm.

 Ông Lại Bá Thư nói rằng, khi đó ghi chép về vị trí phân bố của sồi Fagus Hayatae có chút sai sót nên tìm khắp nơi cũng không thấy, mãi đến hơn 20 năm trước khi Cục Lâm nghiệp tiến hành khảo sát thực địa thường lệ, máy ảnh chụp từ trên cao phát hiện những cây sồi Fagus Hayatae đang vào mùa lá vàng, mới tìm ra được mảng rừng sồi thiên nhiên rộng 1.100 hecta ở gần hồ Cuifeng trên núi Thái Bình. Cục Lâm nghiệp đã lập tức triển khai nghiên cứu khảo sát và mở một con đường mòn đến đó, để người dân cũng có thể ngắm nhìn loài sồi Fagus Hayatae ở khoảng cách gần.

 Sồi Fagus Hayatae đã trở thành một trong bốn loài thực vật quý hiếm của Đài Loan được công bố bởi Luật Bảo tồn di sản văn hóa, Phòng Quản lý khu rừng La Đông cũng đã thử mang giống đến trồng ở nơi khác, hy vọng mở rộng nơi sinh trưởng của loài cây này.

 

Vào núi khám phá rừng

 Khu du lịch rừng là một hình thức để người dân có thể đến gần hơn với rừng cây, ông Lại Bá Thư cho biết, rừng không chỉ có cây, mà còn có nhiều thứ để khám phá hơn cả tưởng tượng. Ví dụ như con đường mòn sồi Fagus Hayatae, tổng chiều dài là 3,8 km, nửa đầu con đường này là dọc theo tuyến đường sắt cũ, bằng phẳng, dễ đi, có thể thưởng thức cảnh quan địa chất, nhà nghỉ của công nhân thời kỳ là lâm trường và đủ loài thực vật khác nhau.

 Toàn thế giới chỉ có 1% rừng thuộc rừng sương mù, trong đó bao gồm rừng trên núi Thái Bình. Gió mùa Đông Bắc mang đến hơi nước dày đặc, cộng thêm độ cao so với mực nước biển khiến cho khu núi này sương mù vây quanh và cũng vì thế mà có những giống đặc hữu của Đài Loan như bách đỏ Đài Loan, bách dẹt Đài Loan, cây sam Đài Loan… sinh trưởng tại đây. Bên cạnh đó, rừng sương mù có đất ẩm cũng tạo môi trường cho những loài thực vật rêu xanh sinh trưởng, có tác dụng giúp giữ nước cho rừng cây, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất. Ông Lại Bá Thư cũng nhắc nhở, khi đi trên đường mòn, đừng chỉ đi một mạch đến khu rừng sồi Fagus Hayatae, dọc đường còn có những mạng nhện phủ đầy sương hay đài nguyên với nhiều tầng màu sắc phong phú, chỉ cần chú tâm quan sát là sẽ phát hiện nhiều điều bất ngờ trên đường mòn.

 Ông Trần Quán Vĩ cho biết, Khu giải trí rừng quốc gia núi Thái Bình có nhiều đường mòn, cộng thêm cảnh sắc bốn mùa đa dạng. Vào tháng 4 có thể ngắm hoa đỗ quyên, tháng 5 thì có cây lồng đèn tía trông như những chùm chuông, cây phong lá đỏ ở bên cạnh cầu thang giữa của khách sạn Thái Bình thì có mùa thay lá rất dài, từ tháng 4 đến tháng 10 đều có thể đến ngắm phong đỏ. Còn mùa thu thì có cây sồi Đài Loan màu vàng kim, mùa đông thì có thể đến suối nước nóng Jiu­zhize để ngâm suối nước nóng màu xanh dương duy nhất trên toàn Đài Loan, trải nghiệm thú vui nấu trứng bằng năng lượng địa nhiệt. Khung cảnh thiên biến vạn hóa của núi Thái Bình rất đáng để bạn thưởng thức một cách tỉ mỉ, cặn kẽ.

 

Xem thêm

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của núi Thái Bình Thỏa thích trải nghiệm đường ray, đường mòn và suối nước nóng