Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thời gian tiêu khiển của người lớn Cooking & Living và Mỹ học tự nhiên Northbirds
2022-10-24

Cooking & Living tận tâm bày trí quang cảnh cho mỗi buổi học. Đến đây không chỉ học nấu ăn mà còn có thể bồi dưỡng khả năng thưởng thức hương vị cuộc sống.

Cooking & Living tận tâm bày trí quang cảnh cho mỗi buổi học. Đến đây không chỉ học nấu ăn mà còn có thể bồi dưỡng khả năng thưởng thức hương vị cuộc sống.
 

 Khi còn nhỏ chỉ cần có 1 tờ giấy trắng, vài cây bút là có thể “giết” thời gian; lớn lên chúng ta không ngừng đeo đuổi mọi thứ nên cảm thấy lúc nào cũng không đủ thời gian cho ta sử dụng. Chúng ta quên dừng lại, ăn một bữa cơm cho đàng hoàng từ tốn, ngắm những cành hoa ngọn cỏ nhỏ bé nhưng vĩ đại, không còn lo nghĩ đến thời gian. Thưởng thức hương vị của cuộc sống, thực ra rất đơn giản.

 

 Bước vào phòng làm việc “Cooking & Living” gần chợ Tân Giang (Bin jiang), Đài Bắc, đứng trước cửa đón chào mọi người là Ngô Hủy Đình (Janet Wu), một trong những người sáng lập phòng làm việc “Cooking & Living”, không hề mang lại cảm giác bỡ ngỡ như lần đầu gặp gỡ mà ngược lại cứ như những người bạn cũ lâu ngày không gặp, chào hỏi rất thân quen. Phòng làm việc được thiết kế theo nhà 1 trệt 1 lửng, tuy chỉ có mấy bậc thang nhưng lại khiến chúng ta tự nhiên bước chậm lại.

 

Bảy giờ rưỡi, giờ cơm đã đến!

 7 giờ tối, mọi người lần lượt ngồi vào bàn, Trương Dục Vĩ (Kemson Chang), một thành viên sáng lập khác của Cooking & Living rót rượu mời mọi người để mọi người chia sẻ niềm vui trải nghiệm nấu ăn trong bầu không khí thoang thoảng hơi men.

 Hoạt động “Bảy giờ rưỡi, giờ cơm đã đến” của Cooking & Living là khóa học được thiết kế dành cho nhóm người đi làm. Quan tâm nhóm người đi làm mệt mỏi sau một ngày làm việc, đội ngũ thực hiện trước các khâu xử lý nguyên vật liệu, đồng thời đặc biệt đơn giản hóa quá trình chế biến thức ăn để mọi người vừa có cảm giác mình làm ra các món ăn nhưng lại không cần phải làm tất cả mọi thứ từ A đến Z. Ví dụ như món cà ri Ấn Độ, trong thực đơn bao gồm yogurt trái cây mặn, bánh roti Ấn Độ, cà ri rau củ, gà nướng lò Ấn Độ. Trương Dục Vĩ hướng dẫn học viên nấu cà ri bắt đầu từ khâu xào thơm hương liệu. Anh vừa giới thiệu nét đặc biệt của từng loại hương liệu, vừa cho mọi người nếm thử hương vị nguyên chất của hương liệu, sau đó học viên lần lượt cho hương liệu vào nồi xào thơm. Việc nấu các nguyên liệu tiếp thêm sẽ do đồng đội của anh tiếp tục thực hiện, còn anh Trương Dục Vĩ thì hướng dẫn mọi người ướp gà nướng, tiếp tục chế biến các món ăn khác.

 Anh Trương Dục Vĩ và cô Ngô Hủy Đình chia sẻ với các học viên về chủng loại, dinh dưỡng, môi trường địa lý và mẹo chọn các loại thực phẩm. Họ cũng chia sẻ cách chế biến thức ăn mà họ cảm thấy ngon hoặc phát hiện mới về việc phối hợp các loại nguyên liệu với nhau, chẳng hạn như trứng cá đối ăn chung với quýt đường cát (quýt tháng 10) ngon không tưởng, mở rộng trí tưởng tượng của mọi người đối với nguyên liệu thực phẩm.

 Họ thích đến nơi sản xuất tìm các nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu thực phẩm này trong khóa học, họ còn sẵn sàng chia sẻ các câu chuyện của nhà nông sản xuất quy mô nhỏ với các học viên. Anh Trương Dục Vĩ cho biết: “Thông qua hoạt động để kể cho khách hàng nghe những câu chuyện của nơi xuất xứ, thực ra đây là những thông tin quan trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, như là sự khác nhau về hương vị và tác động sinh thái giữa đậu đỏ được trồng theo cách truyền thống và cách trồng thân thiện với môi trường”. Khi khách hàng hiểu được những điều này, sau này khi chọn mua thực phẩm, họ sẽ chọn mua nông sản phẩm thân thiện với môi trường.
 

Ngô Hủy Đình (phải), Trương Dục Vĩ (giữa), Tăng Nghi Đức (trái) cùng kinh doanh thương hiệu Cooking & Living, đưa ra chương trình học về 5 giác quan phong phú, truyền đạt quan niệm về “ Nhà sinh hoạt có ý thức”.

Ngô Hủy Đình (phải), Trương Dục Vĩ (giữa), Tăng Nghi Đức (trái) cùng kinh doanh thương hiệu Cooking & Living, đưa ra chương trình học về 5 giác quan phong phú, truyền đạt quan niệm về “ Nhà sinh hoạt có ý thức”.
 

Nấu ăn là một hoạt động “xoa dịu tinh thần”

 Trước khi sáng lập phòng làm việc “Cooking & Living” vào năm 2016, cô Ngô Hủy Đình và anh Trương Dục Vĩ cũng từng là những người đi làm ngày ngày tăng ca nên 3 bữa ăn đều mua bên ngoài ăn qua loa cho xong bữa, tan sở cũng là lúc đã tiêu hao hết năng lượng, chỉ còn biết dựa vào việc mua sắm và vui chơi để cân bằng tâm lý. Cô Ngô Hủy Đình và anh Trương Dục Vĩ đều hy vọng cuộc sống có chất lượng tốt hơn, đồng thời 2 người đều có chung sở thích cùng bạn bè nấu ăn cho rôm rả và điều này đã tạo nên bước ngoặc chuyển tiếp để hai người lập nghiệp.

 Họ bắt đầu lập nghiệp với ý tưởng mở một không gian để mọi người có thể cùng nhau nấu ăn, nhưng cô Ngô Hủy Đình cảm thấy chỉ đơn thuần cung cấp không gian sẽ thiếu đi hơi ấm tình người, do đó hai người thử đưa món ăn và câu chuyện của mình vào không gian này. Sự tương tác giữa người với người đã tạo nên điểm khác biệt giữa Cooking & Living và các nơi dạy nấu ăn khác, đây cũng là hơi ấm lan tỏa trong lòng thành phố lạnh nhạt và xa vắng tình người.

 

Sinh hoạt gia có ý thức

 Trải qua nhiều năm mày mò, anh Trương Dục Vĩ và cô Ngô Hủy Đình tích lũy được kinh nghiệm nấu ăn phong phú và cũng đã mời được Tăng Nghi Đức (Zeng Yi De), người có chuyên môn về mỹ thuật gia nhập đội ngũ khiến cho đội ngũ điều hành ngày càng hoàn thiện. Cooking & Living dần dần trở thành thương hiệu coi trọng hương vị, 5 giác quan, đời sống mỹ học. Ngoài hoạt động "Bảy giờ rưỡi, giờ cơm đã đến", bắt đầu từ năm ngoái, Cooking & Living còn phối hợp với tiết khí trong năm cho ra chuỗi “Ẩm thực hải đảo” với mong muốn thử tìm cách thâm nhập sâu hơn vào văn hóa ẩm thực Đài Loan. Ví dụ như, bánh ú vỏ sò đặc biệt của Bành Hồ là một vật phẩm cúng tế không thể thiếu trong tiết Thanh minh tảo mộ. Nguyên liệu làm bánh ú là con nghêu lớn, loài đặc hữu tại vùng gian triều Bành Hồ, tách nghêu ra rồi cho gạo nếp vào buộc lại bằng dây vải, sau đó mang đi hấp chín, cơm nếp mang đầy hương vị biển, món này còn được gọi là “Nghêu lớn bọc cơm”. Cô Ngô Hủy Đình giải thích, “Vỏ sò ốc tượng trưng cho tiền tệ. Người dân Bành Hồ làm món này mang đi tảo mộ, tách vỏ nghêu dùng làm muỗng, sau khi ăn xong thì để lại trên mộ của tổ tiên. Vỏ nghêu để trên mộ được ánh nắng mặt trời chiếu rọi sáng lấp lánh, tượng trưng con cháu hưng thịnh”.

 Theo sự biến đổi của xã hội, người biết làm bánh ú vỏ nghêu ngày càng hiếm. Cô Ngô Hủy Đình là người Bành Hồ, về quê mình học cách làm bánh, sau đó nghiên cứu điều chỉnh công thức chế biến sao cho phù hợp với gia đình thời nay. Còn cô Tăng Nghi Đức chuyên về mỹ thuật thì hòa nhập văn hóa vẽ hình màu trên vỏ sò của Nhật Bản, hướng dẫn mọi người vẽ hình lên vỏ sò và cất giữ trong hộp gỗ. “Hy vọng thông qua hoạt động ẩm thực hải đảo để văn hóa ẩm thực mang tính lịch sử trở thành ký ức trong lòng những người nào nó”, anh Trương Dục Vĩ nói.

 Trong mỗi một lần hoạt động, sách dạy nấu ăn chỉ để tham khảo, thông qua sự trải nghiệm của 5 giác quan trong quá trình chế biến thức ăn, họ muốn cho khách hàng biết rằng, nấu ăn không cần phải chính xác từng ly từng tí, quá mặn có thể cho thêm nước, thêm đường, quá lạt cho thêm muối, nấu ăn không khó nhưng mọi người thường nghĩ. Hãy mở ra 5 giác quan để thưởng thức mùi vị của thức ăn, cho dù mua cơm ở ngoài ăn, chúng ta cũng có thể học cách dùng vị giác phân biệt nguyên liệu tốt xấu, như vậy thôi cũng đã đủ để tạo ra phong cách Cooking & Living.
 

Vẽ tranh minh họa thực vật yêu cầu sự tỉ mỉ từng chi tiết, sống lá, cách sắp xếp hoa trên cuống hoa, nhụy hoa..., vẽ ra từng nét từng nét lên trang giấy, đằng sau tác phẩm đẹp là sự thử thách rèn luyện tâm tính.

Vẽ tranh minh họa thực vật yêu cầu sự tỉ mỉ từng chi tiết, sống lá, cách sắp xếp hoa trên cuống hoa, nhụy hoa..., vẽ ra từng nét từng nét lên trang giấy, đằng sau tác phẩm đẹp là sự thử thách rèn luyện tâm tính.
 

Tận hưởng sống chậm trong thiên nhiên

 Studio Northbirds -Nơi mang lại không gian mỹ học thiên nhiên cho mọi người, ẩn mình trong khu nhà dân ở vùng núi Tân Điếm (Xindian). Nơi đây chuyên giảng dạy môn vẽ mỹ thuật thực vật dành cho người lớn. Phong cách thiết kế nội thất chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ, trong phòng được trưng bày những cây cảnh, tiêu bản côn trùng và chim chóc, vườn hoa nhỏ bên ngoài cánh cửa sổ sát đất thỉnh thoảng vang lên tiếng chim hót véo von khiến cho không gian thêm phần sống động, đẹp đẽ và thanh tịnh. Vu Bội Tuyền (Wu Pei-hsuan), người sáng lập studio, còn được gọi với danh hiệu “Cô Northbirds” lúc nào cũng tươi cười, ăn nói từ tốn chậm rãi, tiếng nói của cô mang một sức mạnh nào đó khiến người nghe cảm thấy an tâm.

 Trên mỗi chiếc bàn, cô Vu Bội Tuyền đều chuẩn bị các công cụ như: bút chì màu hòa tan trong nước, bút chì, bút màu nước, thước, cây nhíp, kính phóng đại, ngoài ra mỗi học viên còn được phát cho một chậu cây, tất cả các dụng cụ kể trên đều là “người bạn đồng hành đắc lực” của học viên mỗi lần lên lớp học vẽ. Trước tiên, cô Vu Bội Tuyền sẽ giới thiệu nguồn gốc của thực vật, đặc điểm sinh trưởng, vận dụng trong sinh hoạt thường ngày, dẫn dắt mọi người hồi tưởng lại loài thực vật này liên kết với cuộc sống của chúng ta như thế nào.

 Tiếp theo, cô hướng dẫn mọi người quan sát từng chi tiết nhỏ trên cây, hình dạng của lá, kiểu sắp xếp lá, trình tự sinh trưởng của hoa, đế hoa, bao hoa (lá đài), cơ chế thụ phấn v.v..., “giúp mọi người hiểu rõ quan hệ của mỗi loại kết cấu, như vậy bức họa sẽ trở nên ý nghĩa hơn”, cô Vu Bội Truyền nói. Dưới sự dẫn dắt từng bước từng bước của cô, cho dù là người chưa từng biết gì về hội họa, bạn cũng có thể vẽ ra bức tranh minh họa thực vật tuyệt đẹp.

 

Để hạt giống yêu thương thực vật đâm chồi nảy lộc trong tim mỗi người

 Không giống như kiểu vẽ phong cách tả ý họa thường thấy trên phố, tranh minh họa nhấn mạnh tính chính xác, người vẽ cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về cấu tạo của thực vật, khi vẽ cũng cần nhiều thời gian hơn. Một buổi học vẽ tranh thực vật tại studio Northbirds phải mất từ 6-7 tiếng đồng hồ. Cô Vu Bội Tuyền cười nói nơi đây như là nơi lánh nạn, rất nhiều học viên là người có con nhỏ. Đến đây họ có thể buông bỏ tất cả mọi việc trong cuộc sống, dành thời gian cả ngày cho bản thân hòa mình vào thiên nhiên. Cô Vu Bội Tuyền cho rằng “Nhiều người không biết là mình có thể quan sát thực vật tỉ mỉ đến như vậy, khi hướng dẫn càng nhiều, mọi người càng yêu chúng hơn”.

 Còn đối với cô Vu Bội Tuyền, trọng tâm của chương trình dạy học là việc cô cho học viên mang cây cảnh trong buổi học vẽ về nhà chăm sóc. Cô Vu Bội Tuyền hân hoan cho biết, khi mọi người phát hiện hoa cỏ tuy nhỏ bé nhưng lại là một kho kiến thức vô cùng to lớn, khi chúng ta chịu dùng góc độ bình đẳng để đối đãi với những sinh mệnh không biết nói này, thì có lẽ sẽ lĩnh hội được tinh thần mà cô học hỏi được ở thực vật. “Thực vật không tranh giành sự chú ý bằng sự ồn ào nhưng chúng sẽ dùng các cách thể hiện khác như: màu sắc, hương thơm, dáng vẻ, xúc giác để mọi người nhận biết sự tồn tại của chúng. Con người cũng vậy, trên đời có quá nhiều tiêu chuẩn bắt chúng ta phải đạt tới, nhưng đó là những tiêu chuẩn của thế tục. Chúng ta không cần phải đạt được những tiêu chuẩn này để gây sự chú ý của mọi người, bạn có thể độc nhất vô nhị, tồn tại trên thế gian này với phong cách của riêng mình. Chấp nhận bản thân, sống tự tại trong vũ trụ này”, cô Vu Bội Tuyền chậm rãi nói.

 Từng là giáo viên chính thức của trường tiểu học công lập, sau khi trải qua một cơn bệnh nặng, cô Vu Bội Tuyền đã suy nghĩ lại ý nghĩa và giá trị của sinh mệnh. Vì không thể phát huy hết khả năng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ mà mình yêu thích, cô đã xin nghỉ công việc ổn định mà mọi người ngưỡng mộ không chút do dự và làm lại từ đầu. Cô thành lập studio kết hợp niềm yêu thích của mình là thiên nhiên và hội họa, sáng tạo ra những thời khắc dành riêng cho mọi người hòa mình với vẻ đẹp tự nhiên, đồng thời cũng tìm được cách sống thích hợp với bản thân mình trong vòng xoay vô cực của sinh mệnh.

 

Xem thêm

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của núi Thái Bình Thỏa thích trải nghiệm đường ray, đường mòn và suối nước nóng