Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổ ấm thứ hai của cò thìa mặt đen
2018-02-05

1

Ở khu vực Qigu mỗi ngư dân chỉ cần sử dụng 1/10 diện tích nuôi trồng thủy sản là có thể cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn cần thiết cho cò thìa mặt đen và loài chim lội nước sống phụ thuộc trong thời gian trú đông tại Đài Loan.

Trong mối liên kết giữa con người và biển cả, khiến việc bảo vệ nguồn tài  nguyên thiên nhiên, bảo tồn lịch sử và nhân văn, cùng với khái niệm thừa kế di sản cuộc sống của người dân đã được thể hiện và kết nối một cách hoàn hảo trên mảnh đất Taijiang (Đài Giang). Khiến chúng ta phải thực sự suy ngẫm và đối mặt với giá trị của miền đất này, như thế nào để kế thừa trí tuệ của tổ tiên, tạo mối tương tác với các loài sinh vật, tiến tới mục tiêu duy trì sự cân bằng sinh thái, cũng giúp Đài Loan nâng cao tầm nhìn và sự đóng góp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
 

Từ năm 1990 số lượng cò thìa mặt đen trên toàn cầu chưa đến 300 con, số lượng đến Đài Loan trú đông chưa đến 150 con đã tới mức báo động, cho đến năm 2017 tổng số lượng cò thìa mặt đen toàn cầu là 3.941 con, trong đó có 2.601 con đến Đài Loan trú đông, chiếm tỷ lệ 66% toàn cầu, đứng hàng đầu thế giới. Đây là niềm kiêu hãnh của Đài Loan trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, cũng là thành quả nhờ sự đồng tâm hiệp lực của chính phủ và các tổ chức dân sự, cũng trở thành tấm gương mẫu mực cho chương trình hợp tác bảo tồn thiên nhiên xuyên quốc gia. Thế nào là phương pháp nuôi cò thìa mặt đen thân thiện? Bằng cách nào có thể vừa chăm lo phát triển kinh tế lại vừa giúp cảnh quan văn hóa của địa phương vẫn được tiếp tục bảo tồn bền vững, vậy chúng ta hãy thử khám phá quá khứ, hiện tại và tương lai của loài cò thìa mặt đen ở Đài Loan nhé.

 

 


Hành ̣động bảo vệ động vật hoang dã từ dưới lên trên

Ông Huang Kuang-ying, chủ nhiệm Trạm quản lý Liukong thuộc Ban quản lý Công viên Quốc gia Taijiang cho biết: “Vào khoảng từ năm 1988 – 1989 khi phát hiện cò thìa mặt đen là một giống chim sắp tuyệt chủng trên thế giới, với sự nỗ lực của các tổ chức phi Chính phủ (NGO), Cục Lâm nghiệp, các chuyên gia học giả và chính quyền địa phương, mọi người mới dần dần có ý thức về bảo vệ động vật hoang dã, giúp loài động vật này được bảo tồn và tiếp tục phát triển.” Đây là quá trình bảo vệ động vật hoang dã lâu dài, khi đó trong nội địa Đài Loan đang trải qua ảnh hưởng bởi những vụ lùm xùm xung quanh việc Tập đoàn Tuntex và Yieh Loong đưa ra dự án Binnan quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở vùng duyên hải Tainan (Đài Nam), và bởi sự kiện cò thìa mặt đen bị bắn; đồng thời trên trường quốc tế, Hoa Kỳ cho rằng Đài Loan ngăn chặn việc buôn bán sản phẩm động vật hoang dã không đạt hiệu quả, chiếu theo “Luật sửa đổi bổ sung Pelly”, phải áp dụng biện pháp chế tài thương mại đối với Đài Loan. Khi đó với chính sách lấy mở mang phát triển kinh tế làm nòng cốt, những sự kiện nêu trên đã gợi lên một khía cạnh khác đối với sự tôn trọng và suy ngẫm về môi trường.

Cũng trong bối cảnh khó khăn ở cả trong nước lẫn nước ngoài như thế, năm 1992 Hiệp hội chim hoang dã thành phố Đài Nam chính thức được thành lập, đối tượng quan trọng được bảo vệ đầu tiên chính là cò thìa mặt đen sắp rơi vào tình trạng nguy cấp. Tổng cán sự Hiệp hội chim hoang dã thành phố Đài Nam Kuo Tung-hui nhớ lại chuyện xưa cho biết: “Sau khi được tuyên truyền và giáo dục, giúp cho người dân địa phương phát hiện, thì ra quần thể chim này vốn đã có mặt tại đây rồi. Ngoài việc thu hút đông đảo khách du lịch, cò thìa mặt đen đến đây nghỉ ngơi vào đúng dịp thời gian trống sau vụ thu hoạch cá măng sữa và thức ăn của chúng là tôm cá tạp còn thừa lại trong các ao nuôi cá măng sữa, không gây ảnh hưởng đối với các hộ nuôi trồng thủy sản.” Nhờ sự liên kết kết nối nhiều năm giữa các tổ chức phi Chính phủ, các chuyên gia học giả cùng với những người có danh tiếng ở địa phương, cộng thêm sự nỗ lực hợp tác của Chính quyền thành phố Đài Nam, cuối cùng đã giúp Công viên Quốc gia Taijiang được thuận lợi thành lập vào năm 2009, và cũng giúp cho loài cò thìa mặt đen có được một địa điểm trú đông an toàn ở Đài Loan.

 

 


Tổ ấm thứ hai của cò thìa mặt đen


Con người sử dụng 6 tháng, chim cò thìa mặt đen dừng chân 6 tháng

Khu vực Taijiang và ngành nuôi trồng thủy sản ở vùng duyên hải Đài Nam đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Ông Huang Kuang-ying cho biết: “Thời kỳ đầu là nuôi trồng tôm sú, nhưng sau khi tôm bị mắc bệnh, thì thay thế bằng cá song có giá trị kinh tế cao, hiện nay lại đổi sang lĩnh vực nuôi nghêu, tôm bạc, nhưng cá măng sữa vẫn được nuôi lâu dài tại đây.” Cho dù là cá song hay là nghêu, đều phải cho đào sâu ao cá và sắp xếp thu dọn, mặc dù được bán với giá tốt hơn cá măng sữa, nhưng trong suốt một năm nuôi liên tục và tập trung như vậy, sẽ làm cho nguồn sống của đất đai bị cạn kiệt không được nghỉ ngơi, cũng sản sinh ra một khối lượng lớn nước thải từ ao nuôi thủy sản. Nghiêm trọng hơn nữa, vì cò thìa mặt đen thuộc loài chim đầm lầy, tại các hồ ao nuôi trồng cá măng sữa vào thời trước là dạng đầm ao nước nông, đối với tập tính kiếm ăn của cò thìa là thích hợp nhất cả về độ sâu của nước và chu kỳ nuôi cá, nhưng sau khi sửa đổi thành phương pháp tập trung nuôi trồng thủy sản quanh năm tại các ao nước sâu này, khiến cho môi trường cung cấp nguồn thức ăn cho cò thìa mặt đen bị giảm mạnh, và cũng đe dọa tới sự sống còn của cò thìa mặt đen.

 


Thông qua việc được chứng nhận là ao nuôi cá thân thiện với “Cò Thìa Mặt Đen”, để tạo ra lợi ích và giá trị cho thương hiệu.


“Con người sử dụng 6 tháng, chim cò thìa mặt đen dừng chân 6 tháng”, từ tháng 4 tới tháng 10, theo truyền thống đối với ngư dân là quãng thời gian thả nuôi cá măng sữa vào ao nước nông; từ tháng 10 hàng năm đến tháng 4 năm sau, là thời điểm cò thìa mặt đen nối tiếp theo nhau bay đến Đài Loan trú đông, lúc này mực nước ở ao cá sẽ xuống thấp sau lúc thu hoạch, đàn cò sẽ đến kiếm ăn loại cá tạp, tôm tạp hoặc các con cá nhỏ còn sót lại ở dưới đáy ao. Bằng phương pháp tuần hoàn, vòng đi vòng lại như vậy, cũng tức là trở lại cách nuôi trồng cá măng sữa truyền thống đã được người Hà Lan du nhập từ hơn 300 năm trước, một mặt có thể bảo tồn được khái niệm thừa kế di sản cảnh quan nhân văn trong hoạt động nuôi trồng hữu cơ này, mặt khác cũng vừa mang ý nghĩa bảo vệ sinh thái. Chang Wei-chuan, Tổ trưởng Tổ Công viên quốc gia của Sở Xây dựng và Kế hoạch cho biết: “Năm 2011 số lượng cò thìa mặt đen đến Đài Loan trú đông suy giảm nhanh chóng, khi đó chúng tôi cùng với Trường Đại học Đài Nam hợp tác theo phương pháp nuôi trồng thân thiện, sau thu hoạch mực nước xuống thấp, để ao cá khô cạn, rồi lại phơi khô đáy ao, lợi dụng ánh nắng để khử trùng. Đợi tới tháng 2, tháng 3 lại thả nước vào ao, cho rải cám gạo xuống. Loại cám này có thể nuôi dưỡng các loại tảo, mà tảo chính là tạo nguồn thức ăn cho cá măng sữa.”

Đối với việc thực hiện thí nghiệm nuôi trồng thân thiện trong khu trường phía Tây của khu vực Qigu (Thất Cổ), Phó giáo sư ngành môi trường sinh thái và tài nguyên của Trường Đại học Đài Nam Wang Yi-kuang đề cập: “Khi đó trong cả một quá trình thí nghiệm, chủ yếu là nuôi trồng cá măng sữa theo mùa tại các ao đầm nước nông để thực hành, đại khái bắt đầu từ tháng 4 tới cuối tháng 10, sau khi thu hoạch sẽ tiến hành sự so sánh và thí nghiệm về mực nước xuống thấp.” Tổng cộng chia làm 4 nhóm, gồm có cá măng sữa, cá rô phi, cũng có một đầm ao là kiểu mô phỏng nuôi cá hoang dã. Trong ao nuôi cá măng sữa mô phỏng thì áp dụng cách nuôi trồng trước kia, cho hạ thấp mực nước. Tại một ao khác thì giữ nguyên mực nước để so sánh. Sau khi so sánh đã phát hiện, cho hạ thấp mực nước để cò thìa mặt đen đến kiếm ăn phải nói là có kết quả khá rõ rệt. Hơn nữa còn tính luôn cả các loài chim đầm lầy, như các loài cò trắng có cò lớn và cò con thuộc họ Diệc, là loài chim lội nước sống phụ thuộc, ngoài ra, còn có một số chim ven biển có mặt ở các bãi bùn và lớp bùn đọng, sau khi tiến hành thí nghiệm được vài năm cho thấy kết quả: điều chỉnh mực nước đầm lầy trong ao cá, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho quần thể chim.

 

 


Nuôi trồng cá măng sữa truyền thống đã được người Hà Lan du nhập từ hơn 300 năm trước, một mặt có thể bảo tồn được khái niệm thừa kế di sản cảnh quan nhân văn trong hoạt động nuôi trồng hữu cơ này, mặt khác cũng vừa mang ý nghĩa bảo vệ sinh thái.


Hiệu quả đến từ thương hiệu “Cò Thìa Mặt Đen”

Ông Huang Kuang-ying cho biết: “Ở khu vực Qigu mỗi ngư dân chỉ cần sử dụng 1/10 diện tích nuôi trồng thủy sản là có thể cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn cần thiết cho cò thìa mặt đen và loài chim lội nước sống phụ thuộc trong thời gian trú đông tại Đài Loan.” Lấy ví dụ một ngư dân có 10 ha đất, chỉ cần dành ra 1 ha đất sử dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản thô sơ trong ao đầm nước nông để kinh doanh, ngoài ra đối với phần diện tích còn lại thì thuận theo cơ chế thị trường để nuôi trồng tập trung trong ao nước với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao gồm có cá song, tôm bạc hay nghêu..., như vậy dần dần sẽ giúp ngư dân đồng thuận với mô hình kinh doanh bền vững này, nâng cao ý muốn tham gia vào hoạt động nuôi trồng thủy sản thân thiện, và tạo sự đóng góp cho cò thìa mặt đen khi trú đông. Ngoài ra, khi nuôi trồng cá măng sữa trong ao đầm nước nông, cũng có thể nuôi cá giống hoặc cá con cung cấp cho ngành câu cá ngừ đại dương sử dụng, và khai thác phát triển ra sản phẩm “cá măng sữa thơm tươi” xương mềm có chiều dài dưới 20 cm, hiện nay Viện Nghiên cứu thí nghiệm Thủy sản của Ủy ban Nông nghiệp cũng đang quảng bá và giới thiệu loại sản phẩm này trong sách dạy nấu ăn.

Cá măng sữa có đặc tính lấy tảo làm thức ăn chính, cho nên, cũng là một loài cá giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí cacbon, bởi vì đối với loài cá chuyên ăn các loại cá nhỏ và tôm nhỏ, cứ hết một vòng thuộc chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái, thì chỉ còn lại 1/10 năng lượng để tăng cân. Ông Huang Kuang-ying cho biết: “Vì vậy chúng ta là người tiêu dùng nhóm sơ cấp ăn loại cá măng sữa trong vòng 1 này, ngoài việc được thưởng thức hương vị thơm ngon ra, cũng không phải để lãng phí sự chuyển đổi năng lượng thêm một lần nữa, thật ra đây là một loài cá rất tiết kiệm năng lượng.” Đặc biệt là áp dụng phương pháp nuôi trồng trong đầm ao nước nông, “con người sử dụng 6 tháng, chim cò thìa mặt đen dừng chân 6 tháng”, kết hợp với nguyên liệu thực phẩm bản địa, để chế biến thành đồ hộp, bong bóng cá hoặc cá viên, cũng có thể thông qua việc được cấp chứng nhận là ao nuôi cá thân thiện với “Cò Thìa Mặt Đen”, để tạo ra lợi ích và giá trị cho thương hiệu.

Ngoài ra, đối với nhãn chứng nhận vùng đầm lầy, ông Chang Yi-chuan đề cập: “Sau khi thông qua Luật bảo vệ khu vực đầm lầy, nhãn chứng nhận vùng đầm lầy đầu tiên trên toàn quốc chính là do Công viên Quốc gia Taijiang đăng ký xin cấp chứng nhận. Ngoài thể hiện sự coi trọng đối với việc bảo vệ khu vực đầm lầy và cò thìa mặt đen, cũng hy vọng có thể thu hút sự yêu thích của người tiêu dùng đối với những loại sản phẩm thân thiện với môi trường.” Quả thật, vào năm 2016 “Hội nghị bảo vệ các vùng ngập nước quốc tế” tổ chức lễ hội chợ phiên về ý tưởng sáng tạo của vùng đầm lầy diễn ra tại khu Công viên Taipei Flora Expo, với những sản phẩm bán ra có nhãn hàng thân thiện với cò thìa mặt đen tương đối được người tiêu dùng hoan nghênh, mỗi khi sản phẩm ra mắt đều được bán hết sạch.

 

 


Sau lúc thu hoạch mực nước ở ao cá xuống thấp, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho cò thìa mặt đen và loài chim lội nước sống phụ thuộc tới kiếm ăn.


Phát triển sinh thái du lịch bền vững

Có 3 đặc trưng của du lịch sinh thái, thứ nhất là đi đoàn ít người với giá tour cao, hạn chế số lượng người tham gia; thứ hai là mang tính mở rộng hiểu biết, du khách tới thăm nơi đây sẽ được nâng cao và gặt hái kiến thức; thứ ba là những lợi ích dành được phải cống hiến trở lại cho địa phương. Ông Huang Kuang-ying cho biết: “Để ngư dân chuyển đổi vai trò làm người giới thiệu thuyết minh, những lúc rảnh rỗi có thể lái thuyền đi thuyết minh hướng dẫn du lịch.” Hiện nay tại đầm phá Qigu của Công viên Quốc gia Taijiang có 15 con thuyền phục vụ cho du lịch sinh thái, ngư dân hướng dẫn du khách đi tham quan đầm phá, ngoài việc tìm hiểu cò thìa mặt đen, cũng có thể trải nghiệm cả một vùng đầm lầy quan trọng của quốc gia, các loài chim sống phụ thuộc, và môi trường đầm phá lớn nhất Đài Loan... Cái gọi là cảnh quan văn hóa về hoạt động hữu cơ ở địa phương, trong đó chứa đựng ý nghĩa văn hóa, cũng có chức năng bảo vệ sinh thái, bởi chính con người cũng đang sống hài hòa trong cảnh quan và môi trường sinh thái này.
Nói tới nhu cầu ăn ở cho du khách, ông Kuo Tung-hui cho biết: “Thay vì cho xây các tòa khách sạn, thì hãy kinh doanh theo hình thức nhà trọ tư nhân mang đậm sắc thái làng quê.” Tái tận dụng những ngôi nhà cũ hoang phế trong các khu làng chài, kết hợp với tour du lịch sinh thái mini tại Công viên Quốc gia Taijiang, đi thăm đài quan sát loài chim và du ngoạn trên Đường hầm màu xanh Sicao (Tứ Thảo), cùng với các hoạt động ngắm chim và vẽ tranh. Với một lối sống kết hợp giữa thiên nhiên, với nhân văn và thừa kế giá trị di sản, phát huy đầy đủ tinh thần “Khởi xướng Satoyama và Satoumi” được tuyên bố vào năm 2010 tại “Hội nghị Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học lần thứ 10” (CBD-COP10), giúp cư dân ở vùng duyên hải được sống theo lối sống của họ, cùng với sự nhận biết đối với miền đất, cách lý giải và bảo vệ động vật hoang dã, để tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển bền vững. Và đây cũng là lý do chính mà Công viên Quốc gia Taijiang cùng với Cục Lâm nghiệp thuộc Ủy ban Nông nghiệp Viện Hành chính và chính quyền thành phố Đài Nam vào năm 2013 đã được “BirdLife International”, tổ chức lớn nhất thế giới về bảo tồn chim ban tặng “Giải thành tựu bảo vệ động vật hoang dã”.

 

 


Quá trình gắn thiết bị vệ tinh theo dõi trên chân của cò thìa mặt đen.


Tấm gương sáng trong hợp tác quốc tế

Đài Loan chưa bao giờ vắng mặt trong chương trình hợp tác bảo vệ động vật hoang dã với quốc tế đối với cò thìa mặt đen. Ông Huang Kuang-ying cho biết: “Ngoài hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ra, năm 2014 tôi đã hợp tác với Dr. Shibaev, nhà nghiên cứu chim của Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tôi mang theo hệ thống theo dõi vệ tinh đến nước Nga, mùa xuân năm 2016 đã thuận lợi cho gắn vào hai con cò thìa được thả trên hòn đảo nhỏ thuộc khu vực Viễn Đông của nước Nga, là miền cực Bắc mà thế giới đã biết được đây là nơi sinh sản ra đời của cò thìa mặt đen, tại đây có vài chục con cò thìa mặt đen sinh sản trong nhóm cò. Đây cũng là lần đầu tiên Đài Loan và Nga thực hiện cuộc thử nghiệm như vậy.” Ông Huang Kuang-ying nhắc tới mặc dù một trong hai con đó, sau hơn một tháng đã bị mất thông tin. Nhưng còn một con khác thì thuận lợi bay tới Hàn Quốc, gia nhập vào nhóm cò ở đó, rồi cùng nhau bay vượt qua biển Hoàng Hải, biển Đông Hải (biển Nhật Bản), bay đến tận bãi biển phương Bắc của đảo Sùng Minh thuộc tỉnh Giang Tô để trú đông, kỳ vọng con cò thìa mặt đen này năm nay có dịp đến Đài Loan nghỉ Đông.

Ngoài ra, Công viên Quốc gia Taijiang hợp tác với Hiệp hội chim hoang dã thành phố Đài Nam, cùng với ông Wang Ying, giáo sư khoa Khoa học sự sống của Trường Đại học Sư phạm Đài Loan, cho gắn hệ thống theo dõi và thả đi vài chục con cò thìa mặt đen, cộng thêm sự chia sẻ thông tin với các quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam..., dần dần được vạch ra được phạm vi sinh sống di chuyển và đường bay của cò thìa mặt đen. Muốn bảo vệ một loài động vật, điểm cốt yếu là nắm được khái niệm phạm vi sinh sống di chuyển của chúng, có nghĩa là không chỉ tìm hiểu nơi sinh sản của chúng, cũng bao gồm đường di chuyển của chúng, trạm trung chuyển và khu vực trú đông. Đây không những là trách nhiệm của riêng một quốc gia, mà còn là công việc bảo vệ loài động vật hoang dã và sinh thái đa quốc gia. Nếu có bất kỳ một phân đoạn nào bị thất bại, sẽ đe dọa tới loài động vật đó, cho nên, chỉ có thông qua sự hợp tác quốc tế, mới có thể thuận lợi bảo vệ thành công loài động vật hoang dã này.

 

 


Đội ngũ bảo vệ cò thìa mặt đen của Đài Loan đến thăm Hàn Quốc trong 3 năm liên tục, tiến hành chương trình hợp tác giao lưu học thuật và kinh nghiệm quản lý nơi cư trú của loài chim.


Ý nghĩa mà bảo vệ động vật hoang dã đã tạo ra cho chúng ta

Nếu rừng xanh là lá phổi của trái đất, vùng đất ngập nước là quả thận của địa cầu, đảm nhiệm chức năng làm trong sạch chất lượng nước cho cả một lưu vực, ngoài việc để làm giảm lũ, chậm lũ, cũng là nơi xuất xứ quan trọng để sản xuất ra cá giống tôm giống. Ông Huang Kuang-ying nói rằng: “Ở đầm phá lớn nhất của Đài Loan mà các bạn có thể thấy được, vào mùa xuân, ở nơi đây có nhiều chủng loại cá giống và cá trắng nhỏ, là kho hàng cung cấp nguồn giống quan trọng nhất cho ngành đánh cá gần bờ của Đài Loan.” Và có được nguồn cung ứng này dù ít hay nhiều đều nhờ có “cây dù che chở bảo vệ cò thìa mặt đen” mới có được một thành quả tốt như vậy.

Cùng với sự cố gắng của cơ quan chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức dân sự, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, ngành học thuật và ngành sản xuất, thông qua các biện pháp thân thiện với cò thìa mặt đen, thúc đẩy cảnh quan văn hóa trong hoạt động hữu cơ tại địa phương, để có thể tiếp tục kinh doanh và phát triển bền vững, đây cũng là ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác bảo vệ cò thìa mặt đen. Bởi vì, cò thìa mặt đen là sự tượng trưng cho lịch sử nuôi trồng thủy sản của Đài Nam từ hơn 300 năm qua, giúp chúng ta lý giải và cư xử tốt với vùng đất ngập mặn này mà chúng ta hiện đang sinh sống tại đó.