Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thoăn thoắt thoi đưa Tàu điện ngầm dệt nên truyền thuyết thành phố
2018-02-15

1

 

Khác với quang cảnh của xe lửa thường và xe lửa cao tốc xuyên Bắc Nam, tàu điện ngầm vừa nhanh vừa tiện lợi đi lại như con thoi giữa chốn đô thị tấp nập. Chỉ trong nháy mắt, hành khách có thể di chuyển từ di tích cổ Hồng Mao Thành (Hong Mao Cheng) ở Đạm Thủy (Danshui) tới khu trung tâm buôn bán sầm uất hiện đại và Tòa cao ốc 101 nằm ở khu Đông của thành phố Đài Bắc, hay từ đất trà Mao Không (Maokong) tới cửa sông đổ ra biển bao la ngút tầm mắt ở Đạm Thủy (Danshui), qua lại như con thoi từ núi xuống biển, giữa cũ và mới.
   


Xe điện ngầm vừa nhanh vừa tiện lợi đi lại như con thoi giữa chốn đô thị tấp nập, các tòa cao ốc mọc san sát hai bên đường.

Thứ trưởng chính vụ của Bộ Văn hóa Đài Loan Dương Tử Bảo cho biết: “Bối cảnh câu truyện truyền thuyết đô thị của mỗi thành phố thường xảy ra trên tàu điện ngầm”. Tàu điện ngầm hối hả nhộn nhịp, tấp nập người qua lại cũng thường là nơi bắt nguồn của nhiều câu chuyện ly kỳ hấp dẫn.

Ông Dương Tử Bảo nguyên là kỹ sư của Cục vận tải công cộng Paris (RATP) nhớ lại một hoạt động truyền thống năm nào cũng được tổ chức tại Paris, ông cho biết, cứ đến nửa đêm 31-3, đợi tới lúc tan ca liền cùng một đám kỹ sư trẻ, biến các ga tàu điện ngầm thành một khu vui chơi giải trí lớn bằng cách cố tình thay thế tên gọi của tất cả các ga tàu. Đợi tới khi trời sáng, mấy kỹ sư phục sẵn ở các sân ga, thấy hành khách vẻ mặt ngơ ngác, bỗng nhiên giật mình vì cứ tưởng mình xuống quá ga, hớn hở chiêm ngưỡng món quà nhân ngày “Cá tháng tư” mà mình tặng cho hành khách.

Tuy nhiên đối những vị tiền bối dày dặn kinh nghiệm thì sự hớn hở của đám kỹ sư trẻ, trò đùa như vậy chẳng có gì đáng nói. Hóa ra từ sau năm 1996, các ga tàu điện ngầm của nước Pháp bắt đầu thiết kế nghệ thuật công cộng, biển đề tên các ga không còn là tiêu chí duy nhất để hành khách phán đoán các ga đến nữa.


Nghệ thuật công cộng hữu hình, thâm nhập vào tâm linh vô hình

Nghệ thuật công cộng với những phong cách khác nhau, cảnh sắc nhìn từ ô cửa sổ tàu điện, đều trở thành mốc mục tiêu để hành khách phân biệt các ga. Tàu điện ngầm Đài Bắc từ khi thông xe đến nay đã hoạt động hơn 20 năm, với các tuyến đường được ký hiệu bằng các màu sắc khác nhau gồm màu nâu, màu đỏ, màu xanh lục, màu vàng và màu xanh lam, tạo ra mạng lưới các tuyến đường kết nối thành phố Đài Bắc với thành phố Tân Bắc. Các tuyến tàu điện ngầm đều có những đặc điểm độc đáo riêng.

 


Xe điện ngầm hết giờ hoạt động sau một ngày bận rộn, nhịp điệu của thành phố cũng chậm dần lại.


Một trong những tác phẩm nghệ thuật công cộng của hệ thống tàu điện ngầm Đài Bắc thu hút nhiều người dừng lại ngắm nhìn nhất, đó là tác phẩm mang tên “Thời khắc hội ngộ” tại “Ga Taipei 101/ Trung tâm triển lãm thế giới” (Taipei 101/World Trade Center Station).

Tác phẩm này là một ma trận 10x10 được tạo bởi 100 khối lập thể do nhà nghệ thuật trẻ Hoàng Tâm Kiện (Huang, Hsin Chien) thiết kế, áp dụng kỹ thuật xoay bằng máy theo kiểu “Lịch tàu chạy kiểu xoay tay” xuất hiện tại các bến tàu xe thời trước. Mỗi khi xoay, sẽ nhìn thấy những gương mặt được tạo ra với thân phận, độ tuổi, giới tính và chủng tộc khác nhau, sau cùng tất cả kết hợp lại với nhau thành một bức chân dung mặt người, truyền đi thông điệp về cảm xúc của con người vào thời khắc hội ngộ. Giống như phần giới thiệu tác phẩm có viết rằng: “Sự đi lại của lữ khách đã lật mở những trang sách, mở ra trong lòng người câu chuyện hội ngộ vô hạn định và thuộc về Đài Loan”.

Mỗi khi tác phẩm được xoay đi, liền có du khách rất hiếu kỳ đến đứng trước tác phẩm, mong chờ một khuôn mặt mới xuất hiện khi mỗi khối lập thể được xoay, tạo ra thời khắc hội ngộ gặp gỡ của bản thân với người khác.

Nằm trên cùng một tuyến tàu điện ngầm với Ga Taipei 101/ Trung tâm triển lãm thế giới sau chưa tới 10 phút, Công viên rừng Đại An được mệnh danh là “Lá phổi của đô thị”. Tác phẩm nghệ thuật công cộng của Công viên rừng Đại An có tên gọi “Đại An – Sống. Chậm. Sâu”, ngoài ra còn có các tác phẩm : “Đóa hoa Đại An”, “Lữ Khách lá thu”, “Xuân Quang bất chợt”  và “Bốn mùa” thể hiện nguyên bản cuộc sống tự nhiên, đã lọt vào vòng chung kết Giải nghệ thuật công cộng ưu việt lần thứ 5 của Bộ Văn hóa Đài Loan vào năm 2016.

Ga tàu điện ngầm Kiếm Đàm (Chientan) từng đoạt giải đặc biệt của tạp chí kiến trúc sư được thể hiện bằng tạo hình thuyền rồng theo phương pháp hiện đại, trông cũng rất giống tạo hình chiếc cầu treo, khiến người ta hồi tưởng lại ký ức xưa về cây cầu treo Sĩ Lâm (Shilin), do có tạo hình độc đáo, vào năm 2016 cũng từng được trang web Thrillist của Mỹ công bố được bình chọn là 1 trong 10 ga tàu điện độc đáo nhất trên toàn cầu.

 


Hệ thống xe điện ngầm nằm sâu trong lòng đất, tạo ra một không gian đầy huyền diệu, thường trở thành nơi xảy ra câu chuyện truyền thuyết đô thị


Khoảng cách giữa các ga ngắn, lịch sử biến hóa lâu đời

Khám phá nghệ thuật công cộng của hệ thống tàu điện ngầm Đài Bắc dường như phát hiện được niềm vui đối với những sự việc, sự vật mới mẻ, từ ga này đến ga khác có thể thăm thú thành phố Đài Bắc rất dễ dàng thuận tiện. Nhà văn tự do Thủy Bình Tử (Shuipingzi) người từng đạt “Giải thanh niên văn hóa nghệ thuật bất lão” rất thích đi tàu điện ngầm không ngoài lý do nào khác mà chính là do “nhanh chóng thuận tiện”.

Nhà văn Thủy Bình Tử thường xuyên tham dự công tác hướng dẫn tham quan văn hóa. Ông rất giỏi trong việc quy hoạch các hành trình tham quan theo chủ đề vận dụng tàu điện ngầm, thông qua đối chiếu bản đồ kim cổ, giám định cái cổ và hiểu biết thời nay.

Say mê những hồi ức xưa, đó chính là cảm xúc của nhà văn Thủy Bình Tử về sự nô đùa thuở nhỏ ở quận Tín Nghĩa (Hsinyi) thành phố Đài Bắc, hình ảnh cầm tấm gỗ để khua nước, dụ chú mèo nhảy xuống nước bắt cá thời trước, đều đã bị thay thể bởi hết tòa nhà này đến tòa nhà khác. Do vậy, ngày nay ông càng dễ để mắt tới những sự vật “xưa cũ”, giới thiệu cho mọi người những căn nhà cũ mang đậm ký ức lịch sử, cửa tiệm cũ, các món quà vặt truyền thống, không muốn những thứ đó sẽ biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống.

 


Những dòng người vội vã tại các ga xe điện ngầm, nhịp điệu hối hả khiến con người không còn thời gian để mơ mộng.


Du ngoạn trong thành phố, từ một điểm đến một điểm khác, tàu điện ngầm không chỉ xâu chuỗi kết nối khoảng cách giữa hai điểm với nhau, mà còn kết nối lịch sử và văn hóa. Đã từng đặt chân lên biết bao thành phố, ông vẫn thường đi lang thang không mục đích, để tìm kiếm những mùi vị vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, ở ngay tại Đài Bắc cũng vậy, tới một nơi nào đó bằng tàu điện ngầm, bắt đầu tìm kiếm gốc gác của những ngõ ngách, vén lên bức màn của sự biến đổi bằng cảm quan.

Lấy ga tàu điện ngầm “Ga đường Dân Quyền Tây” (Min Chuan W.Rd) làm ví dụ, khu vực đường phố vào thời Nhật chiếm nay là đường Trung Sơn Bắc (Chung Shan N.Rd), đã xuyên suốt từ thời Nhật chiếm đóng Đài Loan cho tới thời Mỹ viện trợ, rồi khách nước ngoài đến thăm sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đều từng thường xuất hiện trên con đường Trung Sơn Bắc, do vậy trục đường này được gọi là “Đại lộ ngoại giao”. Sau này do Đài Loan và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao, nên ngày nay nơi đây trở thành tụ điểm mà các cư dân Đông Nam Á tập trung vào ngày nghỉ để làm vơi nỗi nhớ quê hương, do vậy cũng tạo ra một quang cảnh khác hẳn. Con phố Trung Sơn Bắc với rất nhiều những tiệm áo cưới mọc lên san sát được gọi là “Phố áo cưới”, những hàng cây Phong Hương, cây Long Não cao vút ở hai bên đường đi, đã điểm xuyết thêm cho con đường mang đậm nét ngoại quốc này một màu xanh rì, tựa như tô màu niềm hạnh phúc.

 


Chờ đợi, xuất phát, hành khách lên xe điện tới nơi cần tới


Phương tiện mới thời đại cũ, ngắm cảnh đẹp trên non dưới biển

Đối với nhà văn Thủy Bình Tử mà nói, đi tàu điện ngầm giống như ngồi lên cỗ máy thời gian, nhờ vào “tàu điện ngầm” là một loại phương tiện giao thông mới để quay về thời gian lịch sự trước đây. Tuyến tàu điện ngầm Đạm Thủy – Tín Nghĩa (Danshui – Hsinyi) là tuyến tàu điện ngầm mà ông Thủy Bình Tử thích đi nhất, khi trên tàu, trong tâm trí của ông hiện lên ấn tượng về tuyến đường sắt dọc theo con sông Đạm Thủy thời trước.

Từ ga tàu điện ngầm đi bộ tới ngõ 41 phố Phủ Thuận (Fushun) phía sau trường đại học Đại Đồng (Tatung University), ngắm nhìn giây phút tàu điện ngầm từ dưới lòng đất lao vút lên có cảm giác giống như lời thoại của phim hoạt hình: “Bay lên, bay lên, người bay Peter Pan”.

Tác phẩm “Tuyến đường màu đỏ - Cẩm nang tản bộ bằng tàu điện ngầm Đài Bắc” của nhà văn Thủy Bình Tử, đã chia sẻ sơ đồ tuyến đường tản bộ độc đáo của riêng ông. Ngoài tuyến đường màu đỏ, ông Thủy Bình Tử cũng rất thích đi tuyến Văn Sơn – Nội Hồ (Wenhu Line).

Khác với đa số các tuyến tàu điện nằm sâu trong lòng đất, tuyến đường Văn Sơn – Nội Hồ đa phần nằm trên cao, chỉ có ga Đại Trực (Dazhi) và ga sân bay Tùng Sơn (Songshan) của tuyến này là nằm dưới lòng đất, tuyến đường này không những có thể chạy tới Vườn bách thú, mà cũng còn kết nối với tuyến xe cáp treo. Trước khi vào đến “Ga sân bay Tùng Sơn”, từ ô cửa sổ của tàu điện còn có thể nhìn thấy cảnh tượng máy bay cất cánh và hạ cánh, khi chạy qua công viên Đại Hồ (Dahu) sẽ được chiêm ngưỡng cầu Moon Bridge - cây cầu nổi tiếng tới tận nước ngoài.

 


Hệ thống tàu điện ngầm Đài Bắc được hợp thành bởi 5 tuyến đường chính và 2 tuyến đường phụ, cảnh quan dọc theo các tuyến tàu điện ngầm cũng trở thành hành trình tìm hiểu nhanh về Đài Bắc mà ông Dương Tử Bảo thường giới thiệu cho khách nước ngoài. Đặc biệt là tuyến đường Đạm Thủy – Tín Nghĩa (Danshui-Hsinyi) xuyên suốt từ Bắc đến Nam của Đài Bắc với tổng chiều dài 23,3 Km, chính là một trong những tuyến đường mà ông thích nhất.

Xuất phát từ ga xe lửa Đài Bắc, mỗi khi xuyên qua Ga đường Dân Quyền Tây đang chạy trong lòng đất tàu điện ngầm dường như từ lòng đất tối tăm nhảy vọt lên đường ray trên cao, dọc tuyến đường này là phong cảnh sông Cơ Long (Keelong River), sông Đạm Thủy (Danshui River), sau khi đến ga Quan Độ (Guandu) là cửa sông đổ ra biển của con  sông Đạm Thủy nơi thủy triều lên xuống, xa xa còn có ngọn núi Quan Âm (Guanin), non xanh biển biếc gói trọn trong tầm mắt, khiến tâm hồn khoan khoái. Nếu có thời gian rảnh rỗi, ông Dương Tử Bảo cũng tiến cử với mọi người tuyến tàu điện ngầm Văn Sơn – Nội Hồ (Wenhu Line), trục đường xuyên qua những tòa cao ốc, khiến hành khách tràn đầy cảm xúc và được ngắm những cảnh sắc khác nhau, như vòng đu quay khổng lồ Miramar ở khu Đại Trực (Dazhi) của thành phố Đài Bắc, sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, tòa cao ốc 101 Đài Bắc (Taipei 101).

Lật mở lịch sử phát triển của tàu điện ngầm, sự ra đời của tàu điện ngầm là do một bức tranh minh họa cho truyện tranh. Khi đó các thành phố ở Anh quốc bị kẹt xe rất nghiêm trọng, để châm biếm nỗi khổ của con người do bị kẹt xe, một nhà họa sĩ vẽ tranh minh họa cho truyện tranh của Anh quốc đã vẽ một bức tranh, mô tả vì để thoát ra khỏi dòng xe cộ kẹt cứng, một người bị nhét vào một chiếc ống phụt, chỉ cần bấm nút thì sẽ bay vọt lên như bắn tên lửa vậy, lập tức có thể bay vút qua các đường phố đến thẳng nơi cần đến.

Có người cười ha ha sau khi xem bức tranh này, cười rằng truyện tranh chỉ nói những điều hão huyền, nhưng các kỹ sư đã biến ước mơ thành sự thật, khiến tàu điện bay lên cao rồi lại chui xuống lòng đất, tạo ra hệ thống tàu điện ngầm như ngày nay. Hình ảnh bức tranh minh họa “Nhảy vọt” tới nay vẫn in sâu trong tâm trí của ông Dương Tử Bảo, cũng trở thành từ khóa quan trọng về tàu điện ngầm đối với ông.

 “Nếu nói xe tàu cao tốc tràn đầy ước mơ, thì không gian của tàu điện ngầm đưa con người trở về với hiện thực”, từ ga trước đến ga sau chỉ mất gần 3 phút, khiến những người bận rộn chẳng khác gì đang nằm mơ, nhịp độ cuộc sống gấp gáp, khiến người ta vừa mới bắt đầu nằm mơ ngay lập tức đã có thể xuống xe, đi vào hiện thực.

 


Tàu điện ngầm dệt nên “Bữa tiệc của sự di chuyển”

Ông Dương Tử Bảo từng cho ra đời các ấn phẩm gồm: “Kiến trúc tàu điện ngầm kinh điển thế giới”, “Tranh ghép nghệ thuật công cộng tàu điện ngầm” và “Ga đến của nghệ thuật: nghệ thuật công cộng tàu điện ngầm”, khi đề cập đến tàu điện ngầm, dường như làm trỗi dậy linh hồn từ đáy con tim của vị kỹ sư, lời nói của ông lại chậm rãi tràn đầy hơi thở của người có tâm hồn văn thơ, có một sự tương phản rất lớn.

Ông Dương Tử Bảo nói, tàu điện ngầm là phương tiện giao thông công cộng có tính nhắm đích mạnh nhất, đều là vì để mọi người có thể đến được đích mà họ muốn đến một cách thuận lợi. Hành khách vì để đến nơi nhanh chóng, không còn thời gian để dừng bước chân lại cảm nhận mọi thứ xung quanh. “Từ ‘sử dụng’ phương tiện giao thông, chúng ta nên bắt đầu tiến hóa thành ‘hưởng thụ’ phương tiện giao thông, cảm nhận nhịp điệu khác nhau giữa sự tăng và giảm tốc độ”, ông Dương Tử Bảo nói.

Nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire từng nói: “Gương mặt thành phố biến đổi còn nhanh hơn lòng người”, ông khuyên mọi người nên mở mọi tế bào giác quan của cơ thể chúng ta ra, để hưởng thụ ở mức độ cao nhất.

Những ga tàu điện ngầm hối hả, mỗi một thời khắc đều xảy ra những cuộc hội ngộ, sử dụng loại phương tiện mới này, đi lại trong thành phố thoăn thoắt như thoi đưa, chìm đắm trong cung điện nghệ thuật công cộng, du ngoạn lên non xuống bể, dệt nên những bữa tiệc của sự di chuyển, sẽ khiến người ta tự tạo ra “Truyền thuyết đô thị” thuộc về riêng mình chỉ trong vài phút đồng hồ ngắn ngủi.