Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thế kỷ Nam Phương Áo Xây dựng điểm sáng nhân văn và tự nhiên.
2018-09-03

Thế kỷ Nam Phương Áo Xây dựng điểm sáng nhân văn và tự nhiên.

 

Cảng cá gần trăm tuổi-Nam Phương Áo (Nanfang’ao) đang đứng trước thời điểm giao nhau của hai thế kỷ. Sự huy hoàng của ngày xưa giống như ánh tịch dương nhanh chóng tan biến lúc chiều tà và những áng mây muôn màu nhuốm vẻ đẹp thê lương. Màn đêm buông xuống, niềm vui tái sinh của muôn loài đang âm thầm sinh sôi nảy nở. Với sự đánh thức của bình minh, muôn loài từ từ thức dậy, vươn mình với sức sống mới.
 

Nam Phương Áo nằm ở Mũi đông bắc Đài Loan, giống như một hạt trân châu nằm trên khuỷu tay Thái Bình Dương, là cảng cá hiện đại đầu tiên được đưa vào khai thác sử dụng tại Đài Loan. Đảo liền bờ nằm ngang ở phía trước, hình thành bức bình phong chặn sóng dữ. Môi trường địa lý tự nhiên ưu việt này khiến cho người ta không thể nào lìa bỏ cho dù đã qua hàng trăm năm.

Từ năm 1923, khi cảng được đưa vào sử dụng cho đến nay, cảng Nam Phương Áo luôn dẫn đầu Đài Loan về sản lượng đánh bắt cá, có đến 99% cá thu Đại Tây Dương (loài cá biển có hình dáng thuôn dài, khá giống cá ngừ nhưng nhỏ hơn) trên toàn Đài Loan đều được đánh bắt tại Nam Phương Áo. Rãnh đứt gãy ven bờ biển Hoa Liên Đài Đông vừa đúng nằm ở ngoài khơi Nam Phương Áo, như chiếc thang máy từ từ đi lên, đưa lượng tảo phong phú vào dòng hải lưu đen, dòng cá di cư chờ sẵn ngay trước vịnh, chúng há to mồm tranh nhau thức ăn.

Được thiên nhiên ban cho những điều kiện tuyệt vời như vậy nên các tàu đánh cá của Nam Phương Áo ngày nào cá cũng đầy khoang. Sức hấp dẫn mê hồn này ở thế kỷ trước đã thu hút ngư dân các nơi đến lập nghiệp tại Nam Phương Áo. Chủ tịch Hội Ngư nghiệp khu Tô Áo huyện Nghi Lan, Thái Nguyên Long (Cai Yuanlong ) tự hào nói: “Vào thời hưng thịnh nhất của Nam Phương Áo, mật độ dân số nơi đây cao nhất Đài Loan.” Lúc còn trẻ , ông theo cha lên tàu đánh cá, đồng hành với sự phát triển của ngành ngư nghiệp Nam Phương Áo đã 60 năm. “Lúc đó, các gian hàng bày bán một dọc ở bến cảng, tiếng rao hàng vang lên khắp nơi, ngày nào cũng đắt khách. Đồn Kiểm tra an toàn phối hợp với tác nghiệp của tàu thuyền đánh cá mở đèn làm việc suốt đêm, Nam Phương Áo như là một thành phố không ngủ!” Nói đến cảnh phồn vinh ngày xưa, Chủ tịch Thái Nguyên Long phấn khởi cho hay: “Lúc đó tàu thuyền muốn ra khơi thì phải xếp hàng nha!”

Chào đón thế kỷ mới, tạo nên diện mạo mới

 


Ông Liêu Đại Khánh (Liao Da-qing) chủ tịch Hiệp hội Phát triển khu thương nghiệp Nam Phương Áo bôn ba khắp nơi để bảo vệ nguồn cá và phát triển quê hương.

Với sự tàn phá của thời gian, viên trân châu sáng đẹp cũng bị ố vàng. Cùng với sản lượng cá ngày càng giảm xuống, sản lượng san hô cũng bị thu hẹp, nhân khẩu của Nam Phương Áo dần dần di chuyển đi nơi khác, những ngôi nhà cũ tường thâm lốm đốm khắc ghi dấu vết thời gian. Không khí nhộn nhịp tràn ngập tiếng cười nói ồn ào ngày xưa đã không còn nữa, nhưng tàu đánh cá xếp hàng sắp lớp trong cảng vẫn trong tư thế trầm lặng đợi đến lượt mình xuất phát ra khơi.

Buổi chiều mùa thu, bước chân thời gian nhẹ nhàng đi trong gió biển, ung dung lay động. Từng đống lưới xếp hàng dài miên man dọc bến cảng, một nhóm ngư dân với gương mặt rạm nắng do gió biển, giơ tay gạt những giọt mồ hôi dưới trời nắng nóng, vá lưới một cách thành thục.

Vài tàu đánh cá cập bến chuyển cá xuống tàu, người bán đấu giá và các ngư dân miệng ngậm điếu thuốc, nói chuyện với thuyền trưởng một cách thong dong trong khi chờ xe tải đến chở cá đi. Không khí ngưng đọng, ấp ủ dấu hiệu của sự thay da đổi thịt, Nam Phương Áo với vẻ đẹp trời cho, đang tạo cho nơi đây một diện mạo mới.

“Tôi như đang chạy đua với thời gian vì nhiệm kỳ chủ tịch 4 năm qua đi rất nhanh.” Ông Thái Nguyên Long nhậm chức Chủ tịch Hội Ngư nghiệp khu Tô Áo huyện Nghi Lan khoá 19 vào tháng 4 năm nay, người có tình cảm sâu sắc đối với Nam Phương Áo, đang lên kế hoạch chuyển đổi hình thái hoạt động của cảng cá một cách tỉ mỉ. “Nguồn cá cạn kiệt sẽ là kiếp nạn của nhân loại, sắp tới nhất định phải tận tâm bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường một cách thiết thực.” Ông Thái Nguyên Long trịnh trọng nói. Viễn cảnh trong lòng ông là muốn tạo nên “Khu vườn lớn Nam Phương Áo” mang ý thức bảo vệ môi trường, giải quyết vấn nạn kẹt xe trong những ngày nghỉ lễ trước mắt, đồng thời nâng cao hiệu ích kinh tế tổng thể.

 


Hoạt động “Cá thu về nhà”, từ Nam Phương Áo các nhân sĩ bảo vệ môi trường dũng cảm vượt dòng hải lưu đen để bảo vệ cá thu.

“Khu vườn lớn Nam Phương Áo” sẽ dùng xe điện làm phương tiện giao thông để giảm khí thải, thành lập “Nhà máy sản xuất cá thu” để chế biến các sản phẩm cá thu, loại cá có sản lượng lớn suốt 4 mùa trong năm ở Nam Phương Áo. Như vậy không những có thể bình ổn giá cá, tăng thu nhập cho ngư dân mà còn gây dựng thương hiệu gia công của Nam Phương Áo để mọi người tin tưởng, từ đó tiến vào thị trường quốc tế. Đứng trong nhà Bảo tàng Văn hóa Zhu Dayu nằm bên khu cảng thứ 2 của Nam Phương Áo, ông Thái Nguyên Long chỉ vào các sản phẩm gia công chế biến nhiều không đếm xuể, tự hào nói: “Người nếm thử sản phẩm của chúng tôi đều giơ ngón tay cái lên khen ngon, tôi có niềm tin sẽ mở rộng được thị trường cho các sản phẩm này.”

Trong khu vườn rộng lớn này cũng sẽ xây dựng “Viện bảo tàng cá thu”, thu thập lịch sử nhân văn huy hoàng từ khi Nam Phương Áo thành lập cảng cá cho đến nay. Du khách vào đây không chỉ được thưởng thức được các món ăn ngon mà còn được tận hưởng món ăn tinh thần. “Việc kết hợp văn hóa với ngành nghề là mục tiêu phát triển của Nam Phương Áo trong tương lai.” Ông Thái Nguyên Long khẳng định một cách chắc chắn đây là phương hướng làm sống lại cảng cá trăm năm này.

Ông Liêu Đại Khánh (Liao Da-qing)Viện trưởng Viện bảo tàng văn vật San Gang Tie kiêm chủ tịch Hiệp hội Phát triển khu thương nghiệp Nam Phương Áo, cũng là người làm công tác lịch sử văn hóa nói: “Trước khi phát triển kinh tế thì phải đưa yếu tố nhân văn vào trong ngành nghề, làm nền tảng nâng cao tố chất ngành nghề; sau khi trình độ kinh tế được nâng cao thì mới thực hiện ngành nghề hóa văn hóa, để Nam Phương Áo nổi danh trên thế giới”. Chỉ có trân trọng lịch sử và văn hóa địa phương, đào tạo người thuyết minh hiểu sâu biết rộng và hài hước để văn hóa trở thành sức mạnh mới có thể thu hút du khách khắp nơi dừng chân tham quan.

 


Vẻ đẹp của Nam Phương Áo là sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân văn, bờ biển Neipi dài 1km với cảnh đẹp rực rỡ khi mặt trời mọc, cuốn hút ánh mắt của con người.

Vượt qua dòng hải lưu đen, để cá thu phát sáng trên trường quốc tế

Cá thu là mạch sống kinh tế của Nam Phương Áo. Tuy nhiên trong 10 năm nay sản lượng cá thu tụt mất 1/3; thân cá cũng nhỏ hơn trước kia 2/3; trứng cá trước kia no tròn to lớn, nay cũng nhỏ đi thấy rõ. Sự cảnh báo quan trọng này khiến cho người quan tâm đến vấn đề này của địa phương vô cùng lo lắng vì nó thể hiện cho thấy loài cá thu bị đánh bắt quá độ, cần phải phục hồi lại nguồn cá; do đó phải nỗ lực tuyên truyền cách đánh bắt cá thân thiện để cá mẹ có trứng có thể sinh sản, giúp biển cả kéo dài sức sống đến vô tận.

Tháng 7 năm nay, qua 2 năm lên kế hoạch một cách chu đáo, người phát động phong trào Trần Gia Phong (Chen Jiafeng) và Lý Hậu Thông (Li Hou-tsung) cùng các nhân sĩ bảo vệ môi trường đã giương cao ngọn cờ “Cá thu về nhà” chèo thuyền bảo vệ cá thu với nghị lực kiên cường. Theo đường di cư của cá thu, họ chèo thuyền độc mộc, xuất phát từ Nam Phương Áo, dũng cảm vượt qua dòng hải lưu đen, sau 40 tiếng đồng hồ họ đã đến đảo Ishigaki.

Trước sự mênh mông của biển cả, 4 chiếc thuyền độc mộc thon nhỏ trông càng nhỏ bé hơn, chúng lắc lư dữ dội và trồi lên ngụp xuống theo từng đợt sóng biển. Dựa vào sức mạnh khờ dại, mặc cho cái nắng cháy da, những đợt sóng trong bóng đêm dày đặc, đoàn người chỉ biết cắm cúi chèo thuyền. Dòng hải lưu nước chảy cuồn cuộn đã có lần làm lệch hướng đi của thuyền, vô cùng nguy cấp. Rất may trời phù hộ, người giúp đỡ, qua nhiều lần nỗ lực đối kháng với sóng biển, cuối cùng thuyền cũng quay lại được với quỹ đạo của mình. Họ vốn dự định phải mất 3 – 4 ngày mới có thể đến đảo Ishigaki, nhưng chuyến đi thuận lợi không ngờ và họ đã hoàn thành được nhiệm vụ bất khả thi này.

 


Nam Phương Áo kiên trì giữ gìn diện mạo truyền thống của cảng cá, buổi trưa thuyền đánh cá lần lượt chở đầy cá về cảng.

Tự lực hoàn thành sự kiện này, may nhờ có khoa học kỹ thuật hiện đại, từ khi xuất phát cho đến đích đều có thiết bị điện tử giám sát theo dõi bảo vệ, khiến cho hành trình mạo hiểm này kết thúc một cách bình an, đồng thời lưu lại kỷ lục hoàn chỉnh mang tính lịch sử. Hành trình mang tính tự phát với dũng khí tính đột phá lần này đã được giới truyền thông Nhật Bản đăng tin, khiến cho “Quê hương của cá thu” Nam Phương Áo được tự hào cất tiếng tại nước bạn. Cờ đại ngư của Nam Phương Áo cũng nghênh đón ánh nắng mặt trời, phất cao tại cảng Ishigaki. Càng kỳ vọng với sự nỗ lực vô cùng nhỏ nhoi này có thể khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, để cá thu di chuyển trong dòng hải lưu đen sớm khôi phục lại cuộc sống ngày nào.

4 giai đoạn phục hồi lại nguồn cá, xây dựng viễn cảnh về cá thu

Chính quyền huyện Nghi Lan, Ủy ban thị trấn Tô Áo, hiệp hội Ngư nghiệp Tô Áo cùng các đơn vị liên quan cũng rất coi trọng sự phát triển sắp tới của cảng cá trăm năm này và đang qui hoạch 4 giai đoạn phục hồi nguồn cá nơi đây bao gồm: Biển đầy cá thu, biển xanh, biển sạch, thân thiện với biển. Để cho hạt ngọc của Nam Phương Áo lại một lần nữa phát sáng.

Nguồn tài nguyên đặc biệt của ngành ngư nghiệp tại Nam Phương Áo đã khiến cho các thuyền trưởng cao niên không nỡ bỏ nghề mặc dù phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt của môi trường. “Chúng tôi đều theo nghề cả đời.” Sự kiên trì này khiến cho Nam Phương Áo trở nên đặc biệt. Vì cá ở Nam Phương Áo thay đổi theo mùa, nên ở đây có những loài cá khác nhau. Cá thu, cá nục heo cờ, cá cờ ( cá kiếm ), cá mập, cá ngừ đại dương đến đây theo mùa. Tùy theo loại cá mà thuyền cá và cách đánh bắt cá cũng sẽ thay đổi. Công cụ đánh bắt cá có rất nhiều loại : đánh cá dây câu dài, câu cá 1 cần, lưới tam giác, lưới rê, lưới vây, mỗi loại có nét đặc biệt riêng, rất thú vị.

Nhưng muốn duy trì cách đánh bắt cá như thế này thì cần phải có nguồn nhân lực tiếp sức không đứt đoạn, dũng cảm đối mặt với sự vui giận vô thường của sóng biển, tôi luyện sức chịu đựng đối kháng dũng mãnh. “Nghề đánh bắt cá cực lắm, tôi không muốn con tôi nối nghề.” Chiến đấu với biển cả 60 năm, các thuyền trưởng cao tuổi với mái đầu bạc đồng thanh nói. “Đánh bắt cá không giống như lái xe, có bằng lái là có thể chạy xe, nếu không rèn luyện dăm ba năm thì lúc nào cũng trở về với tay không, lỗ luôn cả tiền xăng.” Ông Liêu Đại Khánh (Liao Daqing) lo lắng cho biết. Phải nắm bắt thời cơ để các cuốn tự điển sống bậc quốc bảo này truyền đạt lại kinh nghiệm quí báu trong suốt cuộc đời cho thế hệ mai sau. Biển cả là 1 kho báu huyền bí, làm sao ta có thể tưởng tượng Đài Loan được biển bao bọc xung quanh mà lại không có bóng dáng của ngư dân ?

 


Cá ở Nam Phương Áo thay đổi theo mùa, khiến cho người tiêu dùng yêu thích vì có nhiều sự lựa chọn.

Việc gì cũng có cái lợi và cái hại, có sự bảo vệ vững chắc của đê điều thì phải hy sinh sự lưu thông nước biển vào cảng, tạo nên nước đọng. Mấy năm nay, lãnh đạo các nhiệm kỳ không ngừng nỗ lực, sau khi nhậm chức, ông Thái Nguyên Long cũng không ngừng hành động, dẫn đầu dân chúng vớt rác ở cảng, tuyên truyền không đổ rác xuống biển, mang rác về đất liền đổ. Trong cảng người ta không còn thấy bóng dáng của tôm cá nữa, đến cả côn trùng có sức sống mãnh liệt nhất là gián biển cũng không sống nổi.

“Vấn cừ na đắc thanh như hứa. Vị hữu nguyên đầu hoạt thủy lai.” (Hỏi làm sao con ngòi được trong như thế. Phải chăng nước từ đầu nguồn chảy mãi không ngừng). Liêu Đại Khánh dẫn dụ câu thơ nổi tiếng của Chu Hy đời Nam Tống để minh chứng chỉ có cách duy nhất là nạo vét làm sạch khu cảng mới có thể trị được tận gốc. Bãi biển Neipi nằm phía ngoài cảng cá thứ 2 gần sát với Thái Bình Dương, nếu như có thể đào các rãnh âm để dẫn nước biển vào thì có thể làm cho cảng sống lại, nước có lưu thông thì tự nhiên nơi đây nước sẽ trong sạch quanh năm.

Lễ hội cá thu, khua chiêng đánh trống diễu hành chào đón khách

 


Ngư dân với khuôn mặt đậm nét phong sương của nắng gió ngồi vá lưới một cách thành thục bên cảng cá.

Lễ hội cá thu năm 2017 được tổ chức vào 2 ngày 7 và 8/10/2017, là sự kiện lớn tại Nam Phương Áo với các hoạt động văn hóa dân gian vô cùng phong phú đặc sắc, truyền đạt sự kính nể và biết ơn trời đất. Thánh Mẫu tại Tiến An Cung và bà Thiên  Hậu Thánh Mẫu tại Nam Thiên Cung nổi tiếng gần xa mãi mãi bảo vệ chúng sinh, vui mừng nhìn ngọn “Cờ đại ngư” tượng trưng cho sự bội thu được phất cao tung bay trước gió. Năm nay nhân dịp kỷ niệm 20 năm, Hội Liên hợp cá thu toàn quốc Nhật Bản cũng nhận lời mời sang tham dự lễ hội, đồng thời mời Nam Phương Áo sang tham dự Lễ hội cá thu Nhật Bản vào tháng 11/2018, hai bên cùng giao lưu, xây dựng tình bằng hữu. Trong lễ hội năm nay có triển lãm văn hóa nghệ thuật ở trạng thái tĩnh, cũng có thao tác trải nghiệm thực tế ở trạng thái động, hơn thế còn có nhiều món hải sản tươi ngon để ta mặc sức thưởng thức, thể hiện sự mê hoặc lòng người của Nam Phương Áo.

Vẻ đẹp của Nam Phương Áo là sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân văn. Nếu bạn đến Nam Phương Áo vào lúc sáng sớm, đứng trên bờ biển Neipi dài 1km, khi mặt trời vừa mọc, áng hồng một góc trời, giống như gương mặt cô gái đang mắc cỡ, đẹp đến say lòng người. Mặt trời ngày càng lên cao cùng với những vầng mây muôn sắc, những tia sáng cũng tùy ý chiếu rọi rực rỡ khắp bầu trời. Bức tranh tuyệt đẹp biến hóa vô vàn này khiến các nhà nhiếp ảnh cam tâm tình nguyện đứng đợi từ lúc trời chưa sáng, đó cũng là là thiên đường vẽ tranh của các họa sĩ, mãi mãi thu hút ánh mắt con người.