Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Dùng “Tư duy thiết kế” để giảm thiểu rác thải Tiềm năng to lớn của nền kinh tế tuần hoàn Đài Loan
2020-10-12

Công ty Enrestec là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật nhiệt phân để thu muội than từ lốp xe cũ.

Công ty Enrestec là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật nhiệt phân để thu muội than từ lốp xe cũ.
 

 Năm 2016, Đài Loan được tờ Wall Street Journal khen ngợi là “Thiên tài rác thải tái chế”. Trong cùng năm đó, sau kỳ bầu cử, Chính phủ mới tuyên bố Đài Loan chuẩn bị bước vào thời đại “Kinh tế tuần hoàn”, đồng thời đưa hạng mục này vào trong “Chương trình đổi mới ngành nghề 5+2”. Chỉ trong chốc lát, cụm từ “kinh tế tuần hoàn” trở thành một từ khóa gây sốt, thế nhưng nhiều người vẫn ngộ nhận rằng nó tương đương với “tái chế”. Trên thực tế, đây là một chiến lược chuyển đổi kinh tế vượt trên cả tái chế và phạm vi ngành nghề, có thể dẫn dắt Đài Loan thoát ra khỏi cảnh “công xưởng sản xuất phụ tùng gốc” (OEM).

 

 “Kinh tế tuần hoàn”, nói đơn giản là suy nghĩ “làm sao không tạo ra rác thải”, còn mô hình kinh tế tuyến tính thì vừa hay ngược lại: khai thác nguyên liệu, sản xuất sản phẩm, người tiêu thụ sử dụng và vứt bỏ sản phẩm. Từ một tài nguyên có giá trị, cuối cùng trở thành rác thải và hơn nữa còn ngày một tăng thêm. Để ngăn chặn số mệnh “từ cái nôi cho tới nấm mồ” (từ khai thác tài nguyên tự nhiên cho đến thải bỏ trở lại tự nhiên) của sản phẩm, đồng thời thay đổi thói quen sản xuất và mua sắm của doanh nghiệp và người tiêu dùng, xã hội Đài Loan đã bắt đầu có một nguồn lực thúc đẩy cho sự chuyển đổi này. Thông qua sự phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cùng với việc tích cực tuyên truyền cho người dân, họ hy vọng trong tương lai, Đài Loan có thể trở thành “Hòn đảo tuần hoàn”. 

 

Thiết kế sản phẩm “từ cái nôi đến cái nôi”

 Những thảo luận quốc tế về việc thiết kế sản phẩm đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn được khởi nguồn từ nguyên tắc thiết kế Cradle to Cradle (hay còn gọi là C2C, tức là từ cái nôi đến cái nôi (liên tục tái sinh)) mà giáo sư Hóa học người Đức Michael Braungart và kiến trúc sư người Mỹ William McDonough đưa ra. Nguyên tắc này cho rằng, từ khâu thiết kế sản phẩm là đã phải cân nhắc đến việc cuối cùng chúng sẽ được tái chế hoặc trực tiếp phân hủy để trở thành chất dinh dưỡng trong tự nhiên như thế nào?

 Năm 1987, ông Michael Braungart đã sáng lập công ty Environmental Protection Encouragement Agency (EPEA) tại Đức dựa trên nguyên tắc C2C và vào năm 2010, Đài Loan cũng trở thành cứ điểm đầu tiên của EPEA tại châu Á.

 Năm 2012, “Liên minh Chiến lược từ cái nôi đến cái nôi Đài Loan” (Taiwan Cradle to Cradle Strategic Alliance, viết tắt là C2C Taiwan) được thành lập, đây là một tổ chức được xúc tiến bởi Sở Bảo vệ môi trường và chi nhánh công ty EPEA tại Đài Loan, mục đích là giúp cho các doanh nghiệp thành viên hiểu thêm về khái niệm C2C, đồng thời cùng hợp tác để thúc đẩy thực hiện kế hoạch C2C trong công nghiệp.

 Hai doanh nghiệp thành viên là “Xưởng In màu Nan Tai” và “Melchers” chính là những ví dụ thành công trong việc áp dụng C2C. Giám đốc bộ phận kinh doanh của Melchers-ông Huỳnh Tuấn Chương bày tỏ, dầu đậu nành trông có vẻ như là một nguyên liệu bảo vệ môi trường, nhưng thật ra bên trong có chứa một hàm lượng dầu khoáng nhất định, không những không có lợi trong việc thu hồi và tái chế các loại giấy, mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các nhân viên trong xưởng in, còn loại mực của Huber Group (Đức) mà công ty ông đại lý là mực in từ dầu thực vật 100%, phù hợp với chứng nhận C2C, không gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe. Sau khi công ty in màu Nan Tai biết về sản phẩm này, họ bắt đầu điều chỉnh kỹ thuật in ấn của mình, sử dụng mực in Huber thay cho mực in từ dầu đậu nành, nỗ lực đạt đến mục tiêu “Không phế thải”.

 

Redefine, Redesign: Nhu cầu dẫn dắt thiết kế

 “Tận dụng tài nguyên từ phế liệu chỉ là bước khởi đầu của nền kinh tế tuần hoàn” – ông Huỳnh Dục Trưng (Charles Huang), Chủ tịch Quỹ Tuần hoàn Đài Loan (Taiwan Circular Economy Network) nói. Ông cho rằng, trước đây ta thường nhắc đến mô hình 3Rs: Reduce, Reuse, Recycle (giảm lượng, tái sử dụng, tái chế), thế nhưng bây giờ phải chuyển hướng sang 2Rs: Redefine, Redesign (tái định nghĩa, tái thiết kế).

 “Thật ra chúng ta chỉ cần gió mát chứ không cần phải mua máy lạnh liên tục”. Ông Huỳnh Dục Trưng chỉ ra điều ngộ nhận trong thói quen tiêu dùng ngày nay và cũng nhấn mạnh rằng, khi người tiêu dùng “tái định nghĩa nhu cầu” của mình thì doanh nghiệp sẽ phải thay đổi mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm. Khi mô hình kinh doanh với mục đích đào thải cái cũ nếu được thay bằng mục đích “phục vụ người tiêu dùng” thì sản phẩm sẽ được thiết kế với thời hạn sử dụng dài hơn, nguồn thu lợi của doanh nghiệp sẽ chuyển sang hình thức bảo hành định kỳ, lượng rác thải cũng theo đó mà giảm đi đáng kể.

 “Tôi bán dịch vụ cho bạn, bạn sẽ là khách hàng suốt đời của tôi”. Trong tương lai, hình thức dịch vụ hóa không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải, mà còn giúp củng cố nhu cầu của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Trong cuộc sống, những sản phẩm cần phải được “tái định nghĩa nhu cầu” quá nhiều, ông Huỳnh Dục Trưng đưa ra ví dụ: “Bạn đã từng bị giấy cắt vào tay chưa? Dao cạo râu làm từ giấy có thể vứt bỏ đi sau khi sử dụng xong, trở về với thiên nhiên”. Ông Huỳnh Dục Trưng phấn khởi chia sẻ về những sự thay đổi mà thiết kế tuần hoàn có thể mang lại cho cuộc sống.

 “Đài Loan thật ra có cơ hội để trở thành đầu tàu trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn này”. Ông Huỳnh Dục Trưng, người đã từng tham gia rất nhiều diễn đàn quốc tế cho rằng, nhược điểm của Đài Loan trong quá khứ thật ra là ưu thế ở hiện tại, kinh nghiệm gia công tích lũy được từ nhiều năm qua đã bồi dưỡng nên năng lực sản xuất vững mạnh. Đây là điều mà các quốc gia châu Âu không thể nào vượt qua được. Trên thực tế, đã có quốc gia châu Âu muốn noi theo phương pháp kinh tế tuần hoàn của Đài Loan.

 “Đài Loan chắc chắn sẽ bước vào con đường kinh tế tuần hoàn, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi”. Ông Huỳnh Dục Trưng bày tỏ, ngành công nghiệp của Đài Loan chủ yếu là gia công, nhưng nguyên vật liệu hầu như phải dựa vào nhập khẩu. Do đó, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là thiết kế sản phẩm mới chính là mục tiêu phát triển trong tương lai.

 

REnato lab: Phòng thí nghiệm kinh tế tuần hoàn

 Cùng với sự trỗi dậy của khái niệm kinh tế tuần hoàn, công ty hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn cũng dần hình thành. Năm 2014, REnato lab được thành lập, đây là một công ty tư vấn về bảo vệ môi trường, lấy chữ “re” với ý nghĩa là tái sinh, kết hợp với từ “nato” (tiếng Ý) nghĩa là sinh ra, tượng trưng cho việc công ty này dùng phương pháp kinh tế tuần hoàn để biến mọi phế thải tưởng chừng như vô dụng, một lần nữa sản sinh ra giá trị của nó.

 Người sáng lập REnato lab là ông Vương Gia Tường (Jackie Wang), trước đây từng làm việc tại tổ chức China Technical Consultants (Đài Loan), hỗ trợ Chính phủ vạch ra chính sách bảo vệ môi trường và năng lượng v.v... Ông phát hiện ra rằng, mặc dù chính sách có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp, nhưng vẫn không thể thay đổi ý nguyện chọn mua sản phẩm bảo vệ môi trường của người dân. Vì thế, ông hỗ trợ cho các doanh nghiệp kiểm kê và tuyên truyền giáo dục cho người dân, giúp mọi người hiểu rõ hơn về khái niệm tuần hoàn, từ đó chủ động ủng hộ và hành động.

 Giai đoạn đầu của REnato lab chủ yếu là tái chế phế liệu thành sản phẩm, ví dụ như biến lốp xe thành ghế ngồi, thế nhưng ông Vương Gia Tường phát hiện, lượng phế liệu thật sự là quá nhiều, cho nên thay vì thực hiện tái chế ở giai đoạn sau của sản phẩm, chi bằng giúp đỡ doanh nghiệp tìm ra vấn đề ngay từ giai đoạn trước sản xuất, giảm thiểu sản sinh rác thải. Vì thế, ông quyết định chuyển sang mở công ty tư vấn.

 Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê và tìm kiếm nguyên nhân chủ yếu sản sinh ra rác thải, REnato lab còn liên kết với nhiều doanh nghiệp khác nhau, từ xử lý phế liệu, gia công thành nguyên liệu, làm ra sản phẩm, cho đến tiêu thụ, kết nối các đơn vị với nhau, mới có thể hoàn thành một sản phẩm với thiết kế tuần hoàn. Ngoài hỗ trợ về mặt sản phẩm, việc điều chỉnh sang mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những dịch vụ của họ. Ví dụ như giúp cho doanh nghiệp máy tính Acer thiết lập trạm thu pin cũ tại các cửa hàng 7-11 trên khắp Đài Loan, tiện lợi hơn cho người tiêu dùng trong việc tái chế rác thải.

 Dù đã chuyển sang làm công ty tư vấn, thế nhưng REnato lab vẫn tiếp tục công việc thiết kế sản phẩm của mình, thậm chí còn xây dựng một kho nguyên vật liệu, giúp các nhà thiết kế có thể nắm bắt rõ tính chất của vật liệu, từ đó cho ra sản phẩm thích hợp hơn. “Phòng thí nghiệm của chúng tôi nằm ngay trong công xưởng của người khác”, ông Vương Gia Tường nói. Ông định vị REnato lab là một “Phòng thí nghiệm kinh tế tuần hoàn”, tìm cách tạo ra sản phẩm từ nguyên vật liệu của khách hàng, sau khi làm xong, nếu như khách hàng cũng chấp nhận thì chúng sẽ được đưa vào sản xuất ngay sau đó.

 Không chỉ muốn tạo sự ảnh hưởng đến doanh nghiệp, REnato lab còn muốn tạo ảnh hưởng đến người dân. Năm 2019, triển lãm Future is now được tổ chức tại Khu Văn hóa sáng tạo Hoa Sơn (Đài Bắc) đã giúp cho người dân tìm hiểu về nguồn tài nguyên và phương pháp thực hành lối sống kinh tế tuần hoàn, đồng thời thông qua hoạt động trải nghiệm  tại chỗ, giúp họ phá vỡ những định kiến về sản phẩm tuần hoàn như không mỹ quan và không bền.

 

Thách thức đối với Đài Loan: Thương hiệu và tài nguyên

 Hai ông Huỳnh Dục Trưng và Vương Gia Tường là những người có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Cả hai đều bày tỏ, “thương hiệu” và “phân phối tài nguyên” hiện tại đang là hai thử thách lớn của Đài Loan trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Ông Vương Gia Tường cho biết, đa số người dân trong nước khi nhìn thấy sản phẩm được thiết kế với khái niệm tuần hoàn đều có suy nghĩ rằng “đồ tái chế tại sao lại đắt đến như vậy?”, thế nhưng ở nước ngoài thì hoàn toàn ngược lại, người dân của họ bằng lòng bỏ ra thêm chút tiền để ủng hộ cho những sản phẩm bảo vệ môi trường.

 Dù vậy, những năm gần đây, mức độ chấp nhận của người dân Đài Loan đối với sản phẩm tái chế đã được nâng cao. Ví dụ như giày được làm từ rác thải biển và nhựa PET của Adidas và Nike, nhưng họ đều không phải là thương hiệu bản địa của Đài Loan, “nếu là thương hiệu trong nước, chưa chắc đã có giá này”. Ông Vương Gia Tường cho rằng, thiết kế của Đài Loan có tiếng tăm nhất định trên trường quốc tế, thế nhưng những thiết kế mang khái niệm tuần hoàn thì vẫn còn cần được quan tâm chú ý nhiều hơn.

 Ông Huỳnh Dục Trưng bày tỏ, Đài Loan muốn phát triển kinh tế tuần hoàn thì phải cần đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn có quy mô rộng lớn, chỉ có thể thay đổi và điều chỉnh ở phạm vi nhỏ, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tính linh động cao, lối tư duy linh hoạt hơn, cho nên dễ thực hiện việc thay đổi tổng thể hơn. Ông Vương Gia Tường bày tỏ, nếu như Chính phủ có thể điều phối tài nguyên để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn thì khái niệm tuần hoàn sẽ nhanh chóng phát triển và đẩy nhanh trong ngành công nghiệp.

 Kinh tế tuần hoàn là một hình thức kinh doanh khác và cũng là cái nhìn mới về môi trường, tài nguyên sẽ mãi mãi được tái sinh trong vòng xoay tuần hoàn này. Khi Đài Loan phải đối mặt với những khó khăn như thiếu nước, thiếu điện, thiếu đất, kinh tế tuần hoàn có lẽ cũng chính là một giải pháp hữu hiệu.