Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tháng 3 âm lịch, tháng đặc biệt của Thiên Hậu Thánh Mẫu Đệ nhất nữ thần Đài Loan
2022-08-08

Đệ nhất nữ thần Đài Loan

 

 Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp nhiều ngôi đền thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tổ chức hoạt động hành hương rước kiệu truyền thống, tạo cơ hội kết nối gần gũi hơn với tín đồ, vẽ lên bức tranh quang cảnh đoàn hành hương hàng trăm nghìn người vô cùng hoành tráng, trong đó thu hút nhất phải kể đến lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp, Đài Trung (Taichung) và lễ trước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn ở Miêu Lật (Miaoli). Kênh truyền hình Discovery cũng liệt kê Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp là một trong ba lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới. Năm 2010, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa đã ghi danh sự kiện “Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp”, “Lễ nghênh đón Bà Thiên Hậu đền Triều Thiên, Bắc Cảng” và “Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn” trở thành lễ hội tín ngưỡng truyền thống của quốc gia. Tín ngưỡng Bà Thiên Hậu cũng thuộc danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới và Đài Loan chính là thánh địa quan trọng của tín ngưỡng này.

 

 Dòng người chen chúc bao quanh chiếc kiệu, ngồi bên trong là bà Thiên Hậu-Đệ nhất nữ thần của Đài Loan. Tương truyền rằng có một nữ pháp sư tên là Lâm Mặc biết phép thuật và hóa thành tiên vào thời đời nhà Tống (Bắc Tống), ban đầu chỉ là vị thần hộ mệnh cho ngư dân vùng duyên hải Phúc Kiến phía đông nam Trung Quốc nhưng vì sự linh nghiệm hiển linh diệu kỳ qua nhiều năm, lòng tín ngưỡng sùng bái Bà Thiên Hậu không ngừng lan tỏa, sức mạnh tín ngưỡng phát huy đến mức cứ liên quan đến “sông nước” thì đều cầu xin bà phù hộ. Từ đó Bà Thiên Hậu không chỉ trở thành vị thần của biển, mà bà còn được sùng bái là vị thần phù hộ mưa thuận gió hòa cho mùa màng nông nghiệp. Từ đời nhà Tống, bà đã được nhiều triều đại hoàng đế sắc phong. Vào thời đầu nhà Thanh, danh tướng Thi Lang đánh bại chính quyền nhà Trịnh thu hồi lại Đài Loan, thượng tấu lên triều đình rằng chiến thắng nhờ sự phù hộ của Thánh Mẫu, sau đó Hoàng đế Khang Hy gia phong bà là “Thiên Hậu”. Nhờ vào sự sắc phong của triều đình, sức ảnh hưởng của tín ngưỡng Bà Thiên Hậu ngày càng lan rộng, từ đó nền tảng của tín ngưỡng Bà Thiên Hậu tại Đài Loan càng trở nên vững chắc.

 

Tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu bén rễ trên đảo  ngọc

 Đài Loan là một xã hội nhập cư, những người nhập cư đầu tiên đến từ Tuyền Châu (Quanzhou) và Chương Châu (Zhangzhou), có sự nhìn nhận về bản sắc tổ tiên rất mạnh mẽ, hàng trăm năm qua không ngừng xung đột sắc tộc, tranh tài nguyên để sinh tồn. Mãi đến sau năm 1860, sự xung đột phân biệt dần dần được hóa giải, họ bắt đầu an cư lạc nghiệp tại Đài Loan, nhận định bản sắc vùng đất Đài Loan, khi xây dựng đền miếu cùng chung tín ngưỡng cho thôn làng thì phải tiến cử ai đây? Phó giáo sư Lữ Mai Hoàn (Lu Mei-huan) của Viện nghiên cứu nhân loại học, Đại học Thanh Hoa (National Tsing Hua University) giải thích rằng, yếu tố giao thoa khu vực và sắc tộc chính là nguyên nhân khiến cho bà Thiên Hậu trở thành tín ngưỡng chủ yếu của người Hán nhập cư vào Đài Loan.

 Còn đối với tên gọi của Bà Thiên Hậu, ngoài những phong hiệu được triều đình phong tặng như “Thiên phi”, “Thánh phi” , “Thiên hậu”, ở Đài Loan, chúng ta lại thích gọi bà bằng tên gọi thân thiện hơn như “Bà Ma Tổ”, “Bà”, “Bà cô”,“Mẹ nương” v.v..., gia tộc họ Lâm lại càng thích gọi bà là “Bà cô tổ”. Nghiên cứu viên kiêm nhiệm thuộc Sở nghiên cứu dân tộc học,Viện nghiên cứu Trung ương, cô Lâm Mỹ Dung (Lin Mei-rong) giải thích, nhìn vào cách xưng hô tương tự như họ hàng trong gia đình cho thấy mức độ thân thiết của người dân Đài Loan đối với Bà Thiên Hậu, như thể bậc trên trong nhà, điều gì cũng có thể tâm sự, rất nhiều trẻ em Đài Loan từ bé đã nhận làm con của Bà Thiên Hậu.
 

Tháng 3 âm lịch hàng năm là tháng rầm rộ cúng bái Bà Thiên Hậu. Điều này mang ý nghĩa sâu sa hơn nữa là nhờ dự di chuyển trong chuyến hành hương, đã tạo ra sợi dây kết nối, tương tác giữa con người, sự việc và vạn vật. Ảnh chụp quang cảnh lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn vào năm 2018. (Ảnh: Lin Geli)

Tháng 3 âm lịch hàng năm là tháng rầm rộ cúng bái Bà Thiên Hậu. Điều này mang ý nghĩa sâu sa hơn nữa là nhờ dự di chuyển trong chuyến hành hương, đã tạo ra sợi dây kết nối, tương tác giữa con người, sự việc và vạn vật. Ảnh chụp quang cảnh lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn vào năm 2018. (Ảnh: Lin Geli)
 

Bà Thiên Hậu ở mỗi nơi có phong thái khí chất khác nhau

 Khi nhắc đến sự kiện “Rước kiệu Bà Thiên Hậu”, cô Lữ Mai Hoàn, người nghiên cứu tín ngưỡng Bà Thiên Hậu trong nhiều năm chỉ ra rằng, trong bối cảnh tôn giáo truyền thống thì nghi lễ “hành hương” và “rước kiệu” mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trước kia, trong lễ “hành hương”, tín đồ thập phương sẽ đến đền thờ tổ thuộc khu vực họ sinh sống hoặc đến những ngôi đền có lịch sử lâu đời để dâng hương cúng bà Thiên Hậu, là quan hệ tỏ lòng thành kính đối với  bề trên. Còn lễ “rước kiệu” lại là khái niệm thỉnh thần linh đi thị sát tình hình khu vực, mang ý nghĩa thanh tẩy khu vực, chúc phúc cho tín đồ, là một nghi thức thể hiện quan hệ đối với bề dưới. Tuy vậy, ngày nay ý nghĩa của nghi thức hành hương và rước kiệu đi tuần đã bị lẫn lộn, các đền miếu cũng không nhấn mạnh quan hệ tầng cấp của việc hương quả, thay vào đó chỉ chú trọng mối quan hệ cúng bái trong đền và mối liên kết bình đẳng của việc dâng hương cúng viếng. Thông thường, thần linh của một khu vực sau khi hành hương về sẽ đi tuần quanh địa phận cai quản để chia sẻ ban phước cho dân lành.

 Từng tham gia lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu ở Đại Giáp và Bạch Sa Đồn, cô Lữ Mai Hoàn chia sẻ phong cách khác nhau của hai lễ hội. Đền Trấn Lan ở thị trấn Đại Giáp, Đài Trung là một trong những ngôi đền tiêu biểu cho tín ngưỡng Bà Thiên Hậu ở Đài Loan. Cứ vào dịp lễ hành hương hàng năm, tín đồ thập phương rước kiệu xuất phát từ Đại Giáp, lộ trình cuộc hành hương diễn ra trong 9 ngày 8 đêm với tuyến đường dài hơn 300 km, đi qua 4 huyện thị bao gồm: Đài Trung (Taichung), Chương Hóa (Changhua), Vân Lâm (Yunlin) và Gia Nghĩa (Chiayi), đến đền Phụng Thiên ở Tân Cảng, Gia Nghĩa, cùng với Bà Thiên Hậu Tân Cảng chúc mừng ngày vía bà, để các tín đồ cùng chiêm bái chúc thọ.

 So với Đại Giáp, đền Củng Thiên Bạch Sa Đồn ở Thông Tiêu, Miêu Lật lại là đền làng. Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn gần gũi và nhân hậu nhất trong trái tim của các tín đồ. Hàng năm, Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn hành hương đến đền Triều Thiên ở Bắc Cảng, hành trình đi bộ khoảng hơn 400 km, mỗi chuyến hành hương đều không có lộ trình nhất định, hành trình và phương hướng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của Bà Thiên Hậu. Do không có lộ trình cố định nên đã tạo thêm cơ hội cho tín đồ thập phương được dịp khấn cầu, giao lưu với Bà Thiên Hậu, ứng nghiệm cách nói sức mạnh vô biên của Bà Thiên Hậu phù hộ cho toàn thể chúng sanh.

 

Di chuyển để kết nối

 Cô Lữ Mai Hoàn giải thích: “Về cơ bản, hoạt động rước kiệu với danh nghĩa thần linh địa phương xuất hành đến nơi khác nhằm kết nối với các nguồn lực như tôn giáo, chính trị, kinh tế và con người ở nhiều nơi khác nhau v.v..., từ đó xây dựng và tăng cường những mối liên kết này”.

 Thời xưa, những tín đồ tham gia lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn (được gọi là “hương đăng cước”, tức những bước chân hành hương) đa số là người dân địa phương, nhưng đến nay trên 90% là người sống ở nơi khác. Lộ trình lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn không cố định, thêm vào đó là tốc độ đi nhanh chậm của mỗi lần cũng khác nhau, nếu đi theo kiệu Bà Thiên Hậu (còn gọi là “tùy hương”) là một việc không dễ dàng. Vì thế, trong dân gian lưu truyền rằng “người đi được nên đợi người không đi được” với ý nghĩa trên đường hành hương mọi người nên giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau.

 Suốt hành trình lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn, tất cả những vấn đề thức ăn nước uống, nơi dừng chân nghỉ ngơi v.v..., đều được tín đồ thập phương tự nguyện cung cấp. Cô Lữ Mai Hoàn nói, việc quyên góp này đều xin phép sự đồng ý của Bà Thiên Hậu bằng cách gieo quẻ hỏi xem có được phép hay không? Phải chuẩn bị bao nhiêu? Thông thường thì Bà Thiên Hậu đều đồng ý, vật phẩm chuẩn bị đều được phân phát hết, không tạo gánh nặng lãng phí cho mọi người. Những năm gần đây, tín đồ đi hành hương có phong trào tự làm “quà kết duyên” (quà kỷ niệm kết duyên với Bà Thiên Hậu), ví dụ như bùa bình an, thiệp kỷ niệm, móc trang trí, ba lô hoặc móc khóa v.v... để tặng cho những khách hành hương có duyên với mình trong chuyến đi, hoặc khi được giúp đỡ cho ở trọ. Những món quà kết duyên nho nhỏ này chính là minh chứng cho mối lương duyên với Bà Thiên Hậu, thể hiện sự kết nối giữa người với người.

 Cô Lâm Mỹ Dung thì giải thích rằng, nam thần trong xã hội người Hán phải thể hiện quyền lực, dựa vào việc tứ phương đại chúng đến chiêm bái để chứng tỏ quyền uy nhưng đối với Bà Thiên Hậu thì lại dựa vào sự chuyển động trong cuộc hành hương để kết nối nguồn lực khắp nơi, từ đó tạo ra sức ảnh hưởng. Cũng giống như truyền thống nam chủ ngoại sự, nữ chủ nội sự trong xã hội người Hán, nhưng người phụ nữ lợi hại ở điểm họ rất giỏi việc giao lưu đi lại giữa họ hàng gia quyến với nhau để kết nối trao đổi các nguồn lực. Cô Lâm Mỹ Dung hình dung khả năng linh động của nữ giới trong xã hội người Hán một cách vô cùng sống động, chính vì thế lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu giống như hành trình lưu động của các thôn làng với nhau, từ đó tạo sợi dây liên kết và tạo ra sức ảnh hưởng, “tín ngưỡng Bà Thiên Hậu thịnh hành ở Đài Loan như thế, nó đại diện cho sự khẳng định của xã hội phụ hệ đối với năng suất lao động của nữ giới”.
 

Tín ngưỡng Bà Thiên Hậu gắn liền với cuộc sống của người dân Đài Loan, các ngôi đền chính là trung tâm hoạt động của người dân địa phương. Hình bên là đền Củng Thiên (Ảnh: Zhang Kunru)

Tín ngưỡng Bà Thiên Hậu gắn liền với cuộc sống của người dân Đài Loan, các ngôi đền chính là trung tâm hoạt động của người dân địa phương. Hình bên là đền Củng Thiên (Ảnh: Zhang Kunru)
 

Bước trên con đường của chính mình

 Cô Lữ Mai Hoàn nói: “Nhìn lại Đài Loan của thế kỷ trước, do sự phát triển hiện đại hóa, đề cao giá trị tiến bộ của lý trí và khoa học, so với tôn giáo các nước phương Tây, tín ngưỡng dân gian bị cho là đã lỗi thời, là mê tín và vị lợi”. Cô kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chuyến điều tra thực địa trong lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn hồi năm 2011. Năm đó, lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn trên đường trở về, không chọn lối đi qua cầu Tây Loa (Xiluo) mà chiếc kiệu cứ thế đi theo sự chỉ dẫn của Bà Thiên Hậu lội qua suối Trọc Thủy (Zhuoshui). Lúc đó, cô đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này, nhiều người hỏi nhau: “Có thật là phải lội xuống nước không?”, ngay khi đó có tín đồ địa phương nói: “Đừng sợ! Bà Thiên Hậu dẫn đường, yên tâm đi!”. Với niềm tin đó, mọi người kéo nhau cởi giày tất ra, lần lượt nắm tay nhau, đỡ nhau từng bước chân trần đi qua lòng sông cát lún. “Trong lúc lội dưới dòng sông lạnh cóng, tôi cảm nhận được thế nào là hơi ấm tốt đẹp của sự đồng hành giúp đỡ lẫn nhau, gió thổi nhẹ cuốn bay đất cát bên suối, người người thành tâm cúi lạy Bà Thiên Hậu. Cảnh tượng đó đẹp đến mức khiến mọi người ai nấy đều rơi lệ”, cô Lữ Mai Hoàn thuật lại cảnh tượng lúc bấy giờ: “Điều này cũng cho thấy, tín ngưỡng đã chạm đến trái tim của mỗi con người”.

 Những năm gần đây, ý thức bản địa Đài Loan được nâng cao, hoạt động rước kiệu Bà Thiên Hậu cũng đã trở thành “điều phải trải nghiệm một lần trong đời” của giới trẻ. Các bạn trẻ thông thạo việc sử dụng hình ảnh, mỗi một thước phim hành hương được giữ lại đều cho thấy việc mà họ quan tâm đã khác với thế hệ người đi trước. Các bạn học sinh chia sẻ với cô Lữ Mai Hoàn rằng, trên đường đi muốn ăn thử các món ngon địa phương, trong lúc đi hành hương nếu chân bị phồng rộp thì phải xử lý ra sao. “Những bạn trẻ này, điều mà họ quan tâm là ‘tôi ở đây’, ‘cảm nhận của tôi như thế nào’ v.v...”, dùng thể xác trải nghiệm văn hóa của chính mình, muốn hiểu xã hội này, muốn nhìn cuộc sống của những người khác diễn ra như thế nào, không còn gì để nghi ngờ nữa, đó chính là sự thể hiện niềm tự tin về văn hóa của bản thân.

 Người nhiều năm cống hiến cho việc nghiên cứu văn hóa bản địa Đài Loan, cô Lâm Mỹ Dung chỉ ra rằng, văn hóa bản địa những năm về trước luôn bị kìm nén, mãi đến khi phong trào bản địa hóa vào năm 1980, sự hiểu biết và khai sáng về vùng đất của chính mình mới dần được đánh thức. Bà Thiên Hậu chính là nữ thần đầu tiên của Đài Loan, tín ngưỡng Bà Thiên Hậu đã gắn kết sâu đậm với cuộc sống của người Đài Loan. Thực ra không chỉ “cuồng” Bà Thiên Hậu vào tháng 3 âm lịch, mà người Đài Loan cúng viếng Bà Thiên Hậu trong suốt cả năm. Nhiều đền thờ Bà Thiên Hậu chính là một viện bảo tàng, lưu giữ biết bao dấu ấn lịch sử, những nét điêu khắc tinh xảo của người thợ, nghệ thuật dân gian như nhóm ca đoàn diễn xướng, nhóm võ thuật dân gian cúng tế thần linh và môn nghệ thuật múa Zhentou tế thần cũng nhờ tín ngưỡng Bà Thiên Hậu mà trở nên thịnh hành và được khoác lên một diện mạo mới. Cô mời gọi bạn bè nước ngoài khi đến Đài Loan đừng quên làm một chuyến viếng thăm đền Thiên Hậu, tham gia lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu hàng năm, ngắm nhìn cuộc sống của người dân Đài Loan và cảm nhận tình người ấm áp, trải nghiệm mối quan hệ giữa thần thánh và con người mang đậm chất Đài Loan.

 

Xem thêm

Tháng 3 âm lịch, tháng đặc biệt của Thiên Hậu Thánh Mẫu Đệ nhất nữ thần Đài Loan

 

Video