Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Độc đáo hương vị ẩm thực Đài Đông Cùng “Fooding Taitung” khám phá nguyên liệu địa phương
2022-11-07

Đài Đông có địa hình phong phú, có nhiều tộc người đa dạng, đã tạo nên hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Đài Đông có địa hình phong phú, có nhiều tộc người đa dạng, đã tạo nên hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.
 

 Khi còn nhỏ chỉ cần có 1 tờ giấy trắng, vài cây bút là có thể “giết” thời gian; lớn lên chúng ta không ngừng đeo đuổi mọi thứ nên cảm thấy lúc nào cũng không đủ thời gian cho ta sử dụng. Chúng ta quên dừng lại, ăn một bữa cơm cho đàng hoàng từ tốn, ngắm những cành hoa ngọn cỏ nhỏ bé nhưng vĩ đại, không còn lo nghĩ đến thời gian. Thưởng thức hương vị của cuộc sống, thực ra rất đơn giản.

 

 Đài Đông có địa hình đa dạng, phong phú, bao gồm thung lũng dọc, đường bờ biển, tuyến quốc lộ Nam Hồi và những hòn đảo xa bờ; có nhiều tộc người đa dạng, từ nhóm dân tộc nguyên trú, người Mân Nam, người Hakka (người Hẹ) cho tới nhóm người nhập cư mới, tạo nên nhiều hương vị ẩm thực độc đáo của Đài Đông. Tại đây chúng tôi sẽ điểm qua danh mục giới thiệu của cô Châu Dục Như, người thành lập nhóm thiết kế AGUA Design (thường được gọi một cách gần gũi là Agua), ghé thăm từng nơi ở vùng thung lũng dọc để cảm nhận vẻ đẹp non nước hữu tình và các món ẩm thực tuyệt vời của Đài Đông.
 

Chị Kiều nói, nguyên liệu thực phẩm của Đài Đông đều “ngon vãi”, vì vậy bị bắt cóc vì nguyên liệu thực phẩm Đài Đông cũng cam lòng.

Chị Kiều nói, nguyên liệu thực phẩm của Đài Đông đều “ngon vãi”, vì vậy bị bắt cóc vì nguyên liệu thực phẩm Đài Đông cũng cam lòng.
 

Trạm đầu tiên: Cảm nhận sức sống của vùng đất Đài Đông

 “Quỷ tha ma bắt! Tôi bị nguyên liệu thực phẩm của Đài Đông bắt cóc rồi.” Chị Trang Nguyệt Kiều (Zhuang Yuejiao), được mọi người gọi là chị Kiều, trước khi nói chuyện hay văng ra một loạt từ đệm, trước kia chị từng hô mưa gọi gió trong giới ẩm thực, được vinh danh là “nữ thần ăn uống”, nhiều năm trước do nhận lời mời của Quỹ Lovely Đài Loan tới lưu trú tại làng Trì Thượng (Chi-shang) và yêu luôn mảnh đất này, không muốn rời xa.

 Để tận mắt chứng kiến sự phong phú đa dạng của nguyên liệu thực phẩm Đài Đông, vào sáng sớm chúng tôi được chị Kiều đưa thẳng tới thăm chợ Quan Sơn (Guan-shan) và chợ Trì Thượng. Chiếc xe chất đầy nguyên liệu thực phẩm, trở về nơi ở của chị Kiều nằm cạnh đầm Đại Ba (Dapo).

 Vào buổi chiều, chị Kiều dẫn chúng tôi tới thăm nhóm tiểu nông sản xuất theo hợp đồng với chị. “Các chị tiểu nông này vốn bán hàng tại chợ đầu mối, tôi sẽ yêu cầu đi thăm vườn rau của họ, nếu cỏ dại mọc tốt hơn rau, như thế mới là tốt!”

 Có một số vườn rau của các tiểu nông là những mảnh đất nhỏ nằm ở ven sông có địa thế hiểm hóc, chị Kiều sẽ ưu tiên mua sản phẩm của họ. “Nếu cả đời đều vô cùng thuận lợi thì không có chuyện gì để nói cả, như tôi đây vất vả cả đời (vừa ly hôn vừa nợ nần), quỷ tha ma bắt, kể tới ba ngày ba đêm cũng kể không hết. Đất đai cũng vậy, do sự khác biệt về địa hình, những thửa rau cố gắng mọc vươn lên thì chắc chắn sẽ khác, vì thế tôi sẽ ưu tiên mua hàng của họ”.

 Chị Kiều bảo chúng tôi nhân tiện xuống ruộng hái ớt xanh ăn thử, lúc đưa vào miệng, ngoài mùi ngọt gắt của ớt, còn có một luồng sinh khí mãnh liệt xông thẳng lên não. Đây chính là loại cây nông nghiệp được trồng tại mảnh đất Đài Đông, cũng là câu chuyện về mảnh đất nơi đây!

 “Sự đòi hỏi đối với vị giác không thể giảm đi, mà chỉ có tăng lên”. Đài Đông nhờ có thiên nhiên ưu đãi, “Thế nên, bạn có biết không, dù bị bắt cóc cũng cam lòng”, chị Kiều nói với một vẻ rất say sưa.
 

Khi gặp một gian hàng bán rau ngon, chị Trang Nguyệt Kiều sẽ trao đổi số điện thoại với người bán để sau này tiếp tục tới mua.

Khi gặp một gian hàng bán rau ngon, chị Trang Nguyệt Kiều sẽ trao đổi số điện thoại với người bán để sau này tiếp tục tới mua.
 

Trạm thứ hai: Trường cấp 1 Cẩm Bình tạo môi trường giáo dục thực phẩm và nông nghiệp

 Bước chân vào Trường cấp 1 Cẩm Bình (Jing-Ping) ở xã Hải Đoan (Hai-Duan), ngay tức khắc sẽ bị cuốn hút bởi hàng loạt những bức tranh được vẽ trên bức tường phía ngoài lớp học. “Hạt kê là cây trồng quan trọng của dân tộc Bunun, cuộc sống của người Bunun dựa vào sự sinh trưởng của hạt kê, họ quan sát sự thay đổi của ngày tháng trong nhiên nhiên để sắp xếp công việc”, hiệu trưởng Từ Thục Ủy (Xu Shuwei) giải thích như trên.

 Trường tiểu học Cẩm Bình đẩy mạnh chương trình giáo dục thực phẩm và nông nghiệp đã hơn 4 năm. Ban đầu chỉ định tận dụng không gian nhàn rỗi trong vườn trường để làm đất trồng rau. Tuy nhiên, cô Từ Thục Ủy cho rằng, việc trồng trọt, nấu ăn đều là cách tổ chức hoạt động, nhưng cô càng quan tâm hơn tới việc liệu có truyền tải được cho học sinh đầy đủ kiến thức và thái độ đằng sau hoạt động đó hay không. Cô hướng dẫn giáo viên trong trường học hỏi về giáo dục thực phẩm và nông nghiệp, dần dần thiết lập một hệ thống kiến thức và bồi dưỡng năng lực phù hợp với từng khối lớp, “Vì vậy có thể nói giáo dục thực phẩm và nông nghiệp là phương pháp của tôi, là tài liệu thực tế của tôi”.

 Để xây dựng môi trường giáo dục thực phẩm và nông nghiệp, không những chỉ vận dụng trong môn học giáo dục thực phẩm và nông nghiệp. Ví dụ trong môn tự nhiên, để tìm hiểu sự thay đổi của môi trường, thầy cô có thể lấy câu chuyện lợn rừng lén lút ăn trộm khoai lang làm ví dụ, dẫn dắt học sinh thảo luận về vấn đề nếu môi trường sống trên núi bị phá hủy, liệu có khiến cho thực phẩm bị thiếu hụt hay không, môi trường sống bị phá hoại cũng có thể là do công trình khai thác cầu đường, để từng bước tìm hiểu mối liên quan của sự việc, so với những kiến thức trong sách giáo khoa, sẽ gần gũi với cuộc sống của các em hơn và sẽ tạo ra tiếng vang.
 

Đưa khung cảnh cuộc sống của dân tộc Bunun vẽ lên bức tường bên ngoài lớp học, là điểm nhấn của Trường cấp 1 Cẩm Bình. (Ảnh: Cathy Teng)

Đưa khung cảnh cuộc sống của dân tộc Bunun vẽ lên bức tường bên ngoài lớp học, là điểm nhấn của Trường cấp 1 Cẩm Bình. (Ảnh: Cathy Teng)
 

Trạm thứ ba: Trường cấp 1 Vĩnh An đưa giáo dục thực phẩm hòa nhập với cuộc sống

 Một trường học khác là Trường cấp 1 Vĩnh An (Yong-An) ở Lộc Dã (Lu-Ye), ngôi làng nổi tiếng với Lễ hội khinh khí cầu cũng đáng được khám phá. Theo bước chân của Hiệu trưởng Ôn Thượng Đức (Wen Shangde) đi vào vườn trường, chú chó Wan-lai của nhà trường cũng đi theo sau chúng tôi. Hôm đó nhà trường đã mời nhà văn Pan Hong-hua chuyên viết về đề tài gia đình đến trường diễn thuyết, đồng thời hướng dẫn học sinh xuống bếp làm món ăn trưa.

 Trong buổi thuyết giảng, cô Pan Hong-hua tương tác với học sinh bằng cách đặt câu hỏi để các em trả lời, chúng tôi phát hiện có rất nhiều em từng được đi chợ cùng mẹ và còn biết được khoai tây có thể thu hoạch vào khi nào, miến được làm từ đậu xanh, tương đậu là chế phẩm được ướp muối từ đậu nành. Nhiều câu hỏi khó như vậy mà các em học sinh đều có thể đối đáp trôi chảy, quả thực đã kiểm chứng được cách nói của Agua rằng trẻ em Đài Đông rất có khái niệm về thực phẩm.

 Sở dĩ học sinh “đều rất có khái niệm” là có lý do của nó. Quan sát ngôi trường, hệ sinh thái phong phú khiến người ta phải trầm trồ. Bởi trong học kỳ trước các em từng được thưởng thức một bộ phim phóng sự về nguồn gốc của sự sống, bộ phim đã khơi dậy sự hiếu kỳ của các em. Giáo viên liền mua một chiếc máy ấp trứng, đi xin trứng gà, trứng vịt của hàng xóm về ấp, đến nay trong trường có nhiều đàn gà đàn vịt vào học cùng với các em học sinh. Ngoài ra, còn có cây ô liu, cây đào, cây bụp giấm, v.v... bao quanh khuôn viên nhà trường, mỗi khi đến mùa thì đem xay quả ô liu và nấu nhừ, tự tay làm mứt hoa bụp giấm... Đây là cuộc sống theo mùa tại Trường cấp 1 Vĩnh An.

 “Chỉ cần là chương trình học bắt nguồn từ thực phẩm hoặc có liên quan đến thực phẩm, tôi đều cho đó là bài học về giáo dục thực phẩm”, hiệu trưởng Ôn Thượng Đức cho biết.

 Thỉnh thoảng giáo viên sẽ dẫn các em học sinh mang theo thùng đựng thức ăn tới một góc sân trường, mọi người cùng cởi giày và vớ (tất), ngâm chân trong dòng suối mát rượi, chậm rãi tận hưởng một bữa ăn trưa, đây chính là bài học về giáo dục thực phẩm. Ngoài ra, còn có chương trình học cách ủ rượu nếp, rượu là phương tiện giao tiếp, sự trao đổi tự nhiên giữa tộc người Amis với tổ tiên. Trong quá trình này sẽ dạy cho học sinh cách kính trọng thiên nhiên, yêu thương con người và bày tỏ lòng cảm ơn, đây cũng là giáo dục thực phẩm.
 

Theo Hiệu trưởng Ôn Thượng Đức, giáo dục thực phẩm là sự đúc kết kinh nghiệp cuộc sống, là thái độ sống và cũng là thẩm mỹ trong cuộc sống.

Theo Hiệu trưởng Ôn Thượng Đức, giáo dục thực phẩm là sự đúc kết kinh nghiệp cuộc sống, là thái độ sống và cũng là thẩm mỹ trong cuộc sống.
 

Trạm thứ tư: Ký ức về thực phẩm là con đường về nhà

 Tiếng chuông báo hiệu 12 giờ trưa, rất đông học sinh bụng đói cồn cào đổ dồn về căng tin bán thức ăn nóng của Trường cấp 3 Đài Đông. Những bát “cơm thịt viên và trứng kho” (gongdanfan) bày trên bàn đã lần lượt “chui” vào bụng những học sinh đang trong độ tuổi trưởng thành này.

 Ra trường đã 12 năm, anh Hoàng Thiệu Hằng (Mala Huang) một lần nữa quay trở lại nơi đong đầy kỷ niệm của tuổi thanh xuân. Không phải trở về với tư cách là học sinh, mà trong vai trò là đầu bếp, chế biến những món ăn nóng hổi để làm ấm bụng các em học sinh.

 Khi còn là học sinh, tại căng tin bán đồ ăn nóng sẽ phục vụ một bát cơm thịt viên và trứng kho, với nước sốt thịt băm được rưới lên trên cơm trắng, có thêm một nắm rau và một miếng thịt, sau cùng hào phóng phủ lên thịt viên và quả trứng kho, đây là thời khắc hạnh phúc của anh Hoàng Thiệu Hằng thuở học trò. “Cuộc sống của học sinh cấp 3 chính là đi học, học bài, nửa tiếng đồng hồ ăn trưa, mặc dù thời gian rất ngắn nhưng tràn đầy kỷ niệm”.

 Món cơm thịt viên và trứng kho đã biến mất dần vào khoảng 4 đến 5 năm sau khi anh Hoàng Thiệu Hằng tốt nghiệp. Ý tưởng khôi phục món cơm này chớm nở trong lòng, khiến anh Hoàng Thiệu Hằng dù đã có công việc ổn định nhưng đã nghỉ việc để quay về quê, tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ trình độ C món ăn Trung Hoa, tìm hiểu kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm. Để tái hiện hương vị từng gây thương nhớ trong ký ức, anh đã mượn đọc dữ liệu ghi chép nhập hàng trước đây của nhà trường, xác nhận nguyên liệu thực phẩm, lên mạng tìm kiếm nhiều cách làm khác nhau của món thịt kho băm, sau đó sử dụng nguyên liệu thực phẩm làm theo từng bước, thử nghiệm theo từng phương pháp, nhờ vậy mới hoàn thành món cơm thịt viên và trứng kho gần giống như trong ký ức. “Thực ra, mùi vị chắc chắc sẽ hơi khác một chút, nhưng tôi thấy bây giờ ăn ngon hơn”, anh Hoàng Thiệu Hằng cho biết.

 Một bát cơm thịt viên và trứng kho trở thành mối ràng buộc đặc biệt của anh Hoàng Thiệu Hằng, đưa anh trở về quê hương Đài Đông, sống cuộc sống yên bình. Thanh niên trở về quê nhà, đây không phải là hiệu ứng bươm bướm của giáo dục thực phẩm sao?
 

Cơm trắng được rưới lên nước sốt thịt băm, phủ lên một nắm rau và một miếng thịt, cho thêm thịt viên và trứng kho, trở thành món cơm Gongdanfan, là ký ức tuyệt vời của anh Hoàng Thiệu Hằng vào thời học cấp 3.

Cơm trắng được rưới lên nước sốt thịt băm, phủ lên một nắm rau và một miếng thịt, cho thêm thịt viên và trứng kho, trở thành món cơm Gongdanfan, là ký ức tuyệt vời của anh Hoàng Thiệu Hằng vào thời học cấp 3.
 

Trạm thứ năm: Xây dựng thương hiệu “Giáo dục thực phẩm” Đài Đông

 Sau khi thăm xong một vài trạm nằm ở vùng thung lũng, quay trở lại tìm hiểu về ý tưởng ban đầu khi nhóm thiết kế AGUA bắt đầu triển khai giáo dục thực phẩm ở Đài Đông. “Đối với giáo dục thực phẩm Đài Đông, điều mà chúng tôi nghĩ đó là làm sao để mọi người thấy được Đài Đông, đồng thời cũng giúp “người Đài Đông” thấy được mảnh đất của chính mình”, trưởng nhóm Agua cho biết.

 “Đài Đông rất giàu tài nguyên về giáo dục thực phẩm, thực ra rất phong phú nhưng không lộ rõ”. Có nhiều loài thực vật gây bất ngờ chưa từng gặp mà phải đích thân tới Đài Đông mới thấy, ví dụ như quả gấc, cam Valencia, ngoài ra còn có củ kiệu mà mọi người cứ nghĩ rằng chỉ có ở Nhật Bản, hóa ra rất phổ biến tại Đài Đông. Nhóm thiết kế AGUA Design hy vọng thông qua thiết kế sẽ giúp càng nhiều người hơn nữa thấy được sức mạnh của thực phẩm Đài Đông.

 Năm ngoái nhóm thiết kế tiến hành khảo sát thực địa tại khu thung lũng, ghi chép các tiết khí vụ mùa của vùng thung lũng, thiết kế thành bản tranh vẽ “Giáo dục thực phẩm Đài Đông 365”. Người Đài Đông có thể sắp xếp cuộc sống theo tiết khí thời vụ, trong đó có rất nhiều kiến thức về mùa vụ của các loại thực phẩm và bảo quản thức ăn.

 Hoạt động “Ẩm thực 100 tuổi Đài Đông” diễn ra trong năm nay, khám phá bí quyết vị ngon và sức khỏe từ 0 tuổi tới 100 tuổi, cho mời những người liên quan trong lĩnh vực ẩm thực của Đài Đông chia sẻ ba bữa ăn mỗi ngày đã ăn những gì, ăn như thế nào, ăn với ai, để giúp cả đời người có thể ăn được những món ngon, bao gồm môi trường ẩm thực bắt đầu từ nhỏ, từ cách bảo vệ sức khỏe răng miệng cho tới việc quản lý tủ lạnh v.v... đều được gói trọn trong hoạt động này. Khám phá hương vị trong ký ức về quê hương, thiết kế trò chơi Bingo ẩm thực, giúp mọi người hiểu rằng hóa ra ở Đài Đông có rất nhiều món ăn ngon.

 Thông qua nền tảng “Fooding Taitung” này, dù bạn không ở Đài Đông vẫn có thể quan tâm đến ẩm thực nơi đây. Có hàng chục nghìn người đã được kết nối qua mạng Internet, tỷ lệ tiếp cận trang Facebook “Fooding Taitung” hoạt động được một năm đã vượt hơn 2 triệu lượt người. Mỗi khi Admin đăng bài viết trên Facebook, phần bình luận phía dưới có rất nhiều các nội dung tương tác như ăn thế nào, ăn ở đâu, nấu ra sao, đều được thảo luận một cách sôi nổi.

 Không những thực hiện khảo sát thực địa, nhóm thiết kế cũng thu thập thêm nhiều thông tin về thực phẩm trên thế giới, ví dụ về tính đa dạng của thực phẩm các nước, cách chế biến, thúc đẩy giáo dục thực phẩm ra sao. Đây là cơ hội để Đài Đông tìm hiểu thế giới và tìm hiểu về chính bản thân. Nhiều đầu bếp đẳng cấp quốc tế cũng đang vất vả tìm kiếm những nguyên liệu thực phẩm ngon để sáng tạo món ăn đặc trưng của địa phương, chỉ cần Đài Đông được mọi người nhìn thấy sẽ thu hút sự chú ý của các đầu bếp quốc tế. Đài Đông - một nơi mang đậm chất địa phương như thế, cũng đậm nét quốc tế, trưởng nhóm Agua nói với vẻ tràn trề hy vọng.

 

Xem thêm

Độc đáo hương vị ẩm thực Đài Đông Cùng “Fooding Taitung” khám phá nguyên liệu địa phương